Lm Nguyễn Trung Tây
Lễ Chúa Biến Hình: Biến Hình Với Thổ Dân


Lễ Chúa Biến Hình trên núi. Em hỏi tôi mai làm lễ, cha sẽ giảng thế nào. Tôi chia sẻ thật thà, "Giảng gì! Nói quá thiên hạ lại bảo cụ giảng bài giảng 3D..."

Em nhìn tôi, ngơ ngác, "Cha! Sao lại 3D?”

Tôi chép miệng, "Thì Dài, Dở và Dai..."

Em cự nự tôi, "Cha..."

Tôi lần này nghiêm chỉnh, "OK. Ngày mai cha sẽ chia sẻ về chuyện biến hình của riêng cá nhân mình. Vậy chắc hợp hơn với đề tài Chúa Biến Hình...

Em náo nức, “Really cha!”

Tôi gật đầu, “Really!”

Em mến,

Có một thời gian tôi lặn lội trong vùng sa mạc. 4 năm đủ dài để mái tóc đen phương Đông đổi mầu bạc. Bỏ về phố thị rồi, tôi vẫn nhớ sa mạc. Nhiều người gặp tôi, họ vẫn hỏi,

"Cha sinh hoạt với thổ dân sa mạc? Vui không cha?'

Và tôi nói, thật sự ra tôi kể về chuyện biến hình của mình...

"Điều làm tôi vui nhất từ ngày tôi đổi về sa mạc Alice Springs, đời sống tinh thần của tôi tự nhiên nở rộ, thăng hoa. Từ những ngày cuối tháng 12 năm 2009, tôi chuyển về sa mạc Úc Châu công tác mục vụ, đặc biệt với người Thổ dân cho tới ngày tôi rời bở phố sa mạc, tôi thường xuyên lái xe với anh em Ngôi Lời vô thôn làng Thổ dân sinh hoạt và công tác.

Tôi nhớ, biết tánh tôi ưa nói chuyện tiếu lâm, có lần có người vui miệng nói, người Thổ dân chắc vui lắm khi gặp tôi tại thôn làng. Tôi nghĩ, rồi tôi nói, “Tôi không biết người Thổ dân nghĩ sao khi gặp tôi trong công tác mục vụ. Nhưng tôi biết tôi vui hơn nhiều, bởi qua mỗi lần tôi công tác với người Thổ dân, tôi thấy đời sống truyền giáo của mình càng thêm đậm đà ý nghĩa”.

Mà tình thiệt đúng là như vậy, dạy học bảy năm, tôi học hỏi được nhiều điều lắm. Nhưng chỉ mới đây, trong khi làm việc với người Thổ dân, tôi mới bắt đầu sờ được, cảm nghiệm sâu sa cơ duyên đã khiến tôi, năm 1991, rời bỏ tất cả, lên đường theo tiếng hoa nở rộ, và xanh tươi. Nếu phải nói, ai cần ai, tôi nghĩ phải thành thật mà nói, tôi cần người Thổ dân hơn nhiều; bởi không có họ, tôi không có cơ hội để cảm nghiệm ơn gọi tu sĩ truyền giáo.

Thật sự ra, cuối cùng tôi mới nhận ra mình yêu người Thổ dân bởi nét hiền hòa và thân thiện của họ. Tôi đồng cảm với người Thổ dân bởi chính bản thân tôi cũng là người đã mất rất nhiều. Biến cố năm 1975 đã đẩy tôi ra Biển Đông, từ đó tôi sống đời viễn xứ, buồn vui lẫn lộn.

Cho nên, có cả một khoảng thời gian dài 4 năm, tôi hít thở không khí trong lành sa mạc, gặp gỡ người sa mạc, chia sẻ buồn vui với cư dân sa mạc… Có một số người hỏi tôi đã làm gì cho người Thổ dân Úc Châu. Tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi trả lời, “Thưa bác, thưa anh, thưa chị! Cả một khoảng thời gian dài sinh hoạt trong sa mạc, một cách rất thành thật tôi chưa làm gì khác hơn ngoài việc định cư và đồng hành với Thổ dân Úc Châu… Tôi đi với họ, tôi cười với họ, và đương nhiên, tôi cũng khóc với họ, giọt ngắn giọt dài. Họ vui, tôi vui theo. Họ buồn, tôi buồn theo. Tôi với Thổ dân Úc Châu là một. Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu! Đó là những việc tôi đã làm và thấy trong vùng sa mạc, không hơn không kém!

Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu!

Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Trời lạnh, đúng ra, lạnh buốt, nhưng bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.

Sống và trải nghiệm hơn 4 năm với văn hóa Thổ dân, tôi tự nhiên nhớ tới câu ca dao, “Đi cho biết đó biết đây! Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!” Khôn? Tôi chắc chắn không tới phiên mình. Nhưng tôi biết sống và làm việc với Thổ dân Úc Châu tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều, tôi càng ngày càng trở nên bao la và khoan dung, với mình và với tha nhân không phân biệt màu da và văn hóa.

Em mến,

Đấy, chuyện biến hình tu sĩ thì như thế đó.

Tôi dừng lại và hỏi em,

“Còn em? Em thì sao?”