Thành Kiến: “Theo Đạo Là Theo Tây” Cần Xóa Bỏ !
Tôi có một người bạn vong niên, dòng dõi quan đại thần Phạm Phú Thứ sinh năm 1930. Trước năm 1954, trên chiến khu, ông thuộc Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa(ông phụ trách bên báo chí, ông Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ). Sau năm 1954 ông được cài lại địa phương để hoạt động, nhưng do bị bại lộ, bị bắt và từ đó ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Trước khi quen biết với tôi, ông mang một tư tưởng thù hận đạo Công Giáo. Ông cho rằng: Những người theo đạo là theo Tây.Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược cũng là do những người theo đạo Công Giáo. Sau một thời gian quen biết với tôi, qua những trao đổi khi gặp mặt nhau, ông đã dần dần ngộ ra “theo Đạo không phải theo Tây”.
Không riêng gì ông bạn vong niên của tôi, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều người giữ thành kiến như ông.
Ngày xưa triều đình Huế cũng như dân Việt Nam đều cả quyết: “Rằng: quân Tả đạo với Tây/Một lòng sinh sự phá rầy biên cương”.
Trong một bản điều trần gửi lên bộ Binh, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) có nói đến nguyên nhân vì sao có thành kiến ấy: “Hướng lai văn nhân ngôn: Da tô[1] đạo nhân học Tây dương chi đạo tất dữ Dương nhân đồng tâm! Kim Dương tặc hựu lai xâm cảnh thổ. Triều đình nghi nhi nghiêm giam canh thủ đạo nhân, dĩ phòng nội ứng. Thử sự ức hựu hà đẳng oan khiên!”(Từ trước đến giờ nghe người ta đồn rằng: Người theo đạo Da tô học đạo của người Tây dương, thế tất phải đồng lòng với người Tây dương! Nay giặc Tây dương lại đến xâm lấn cõi bờ, Triều đình nghi ngờ mà giam cầm người có đạo một cách nghiêm nhặt để phòng cái họa nội ứng. Sự việc này mới thiệt oan ức làm sao! – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”[2])
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn minh oan cho giáo dân
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) trong lúc trốn tránh lệnh bắt đạo và bị bắt tại huyện Mộ Đức được giải lên quan tỉnh. Nhờ trong người có 6 chương điều trần được viết sẳn, nên có lệnh đưa Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ra kinh đô Huế. Ra đến kinh đô Huế, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn được đưa vào bộ Binh: “Trước đem vào tại bộ Binh/Thấy quan Lâm đó một mình mà thôi/Thượng quan vào Nội tấu rồi/ Một chặp kéo tới vô hồi quan gia/ Biết là mấy vạn người ta/ Đến coi thời sự thử ra thế nào?/Phan, Lâm[3] quan lớn ngồi cao/ Các quan bề dưới ngồi bao hai hàng/ Triều đình thể diện nghiêm trang/ Gươm hầu, giáo đóng chật đàng đầy sân”.
Sau đó: “Quan truyền trải chiếu lại gần/ Bảo Tuấn ngồi đó hỏi lần căn nguyên/ Rằng: Vua có chỉ phán truyền/ Cho đòi đạo trưởng xét riêng hai điều/ Một là hỏi đạo Chúa Dêu[4]/Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang/ Hai là hỏi giặc Tây dương/Qua đây khuấy rối làm ngang cớ gì?/Biết sao nói thật đừng khi/ Mặc lượng Hoàng đế rộng suy thẩm tình”
Quan hỏi xong, Linh mục Đặng Đức Tuấn trả lời từng điều một: “Tuấn rằng: nhờ lượng triều đình/Phận tôi ty tiểu một mình tới đây/Ông lớn cho phép nói ngay/Thì tôi mới dám tỏ bày đạo nguyên/Đạo thờ dạy Chúa thiêng liêng/Dựng nên trời đất cầm quyền tử sanh/Hễ người thì có tánh linh/Giữ noi đàng chánh trường sinh cõi trời/Đạo dạy thờ Vua dưới đời/Vì Vua thay mặt Chúa Trời trị dân/Đạo dạy thảo kính song thân/Cù lao báo bổ ân cần đền ơn/Ấy là ba đấng trọng hơn/Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau/Đạo hằng giảng tập dồi trau/Đời nay vâng giữ, đời sau hưởng nhờ/Thánh kinh,Thánh giáo,Chư thơ/Đinh ninh lẽ thật, sờ sờ đàng ngay/Dễ đâu tôi dám vẽ bày”
Linh mục Đặng Đức Tuấn giải thích đạo Công Giáo không phải phát xuất từ nước Pháp: “Rô Ma có một Giáo hoàng/Gốc đầu Hội Thánh, mối mang Đạo Trời/Tuy rằng đạo ở khắp nơi/Giáo hữu chốn chốn vâng lời Pha Pha[5]/Như giặc bởi nước Rô Ma/Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/Vốn nay chẳng phải làm vầy/Lang sa[6] nước khác đến gây chiến trường/Giặc này tôi chẳng biết tường/Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/Vậy nên gây cuộc chiến tranh/Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/Xin suy lấy việc năm trên/Đạo mà nội ứng với tàu Lang sa/Thì khi tàu ấy mới qua/Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”.
Sau khi nghe lời giải đáp mạch lạc của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn: “Quan rằng: Đạo trưởng nói thông/Ta cho về nghỉ mai hòng đòi lên/Các quan lớn nhỏ hai bên/Ngó nhau gục gặc, miệng khen xầm xì”.
Cũng trong bản điều trần gửi lên bộ Binh, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đã phân tích nguồn gốc của đạo Da tô: “Thiên Chúa Da tô chi đạo, tuy truyền tại Tây dương nhi phi Tây dương chi đạo dã. Nãi Tạo vật chi đạo dã. Cái Tây dương giả, nãi Tây thổ chi tổng danh nhi kỳ trung vạn ban chư quốc giai biệt phong cương, điển tịch đồ thơ, các thù âm tự. Thiên Chúa chi đạo, nguyên sinh chi thủy, Như Đức Á quốc tiên đắc kỳ truyền. Kế thử Rô Ma độc đắc kỳ chính truyền nhi chủ trương thị đạo duy thử quốc chi Giáo hoàng nhĩ. Kỳ hậu, đông, tây, nam, bắc chư quốc, phàm học Thiên Chúa chi đạo giả, tất dĩ thử quốc chi truyền vi chánh truyền dã. Tha quốc bất dự yên”(Tuy đạo Thiên Chúa Da tô truyền tại đất Tây dương mà thiệt không phải đạo của người Tây dương. Đó là đạo của đấng Tạo hóa sinh thành muôn vật. Tây dương là cái tên chung cho đất ở phương Tây, trong đó có rất nhiều nước, cương thổ khác nhau, phong tục, tập quán, bản đồ, sách vở đều khác tiếng, khác chữ. Nguyên thủy đạo Thiên Chúa là ở nước Như Đức Á [Israel/ Do Thái]được mối truyền lúc ban đầu, sau đó chỉ có Rô ma là được mối chính truyền mà chủ trương đạo này thì chỉ có một Đức Giáo Hoàng của nước đó mà thôi. Về sau, đông, tây, nam, bắc bốn phương, phàm người nào học đạo đó đều lấy mối đạo truyền từ nước Rô ma là mối truyền chân chánh. Nước khác không được dự vào. – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)
Liên quân Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) mượn cớ bảo vệ các giáo sĩ và dân theo đạo Da tô đã tấn công Đà Nẵng: “Đương khi thanh vắng biển sông/Bỗng nghe tiếng súng đầm đùng vang tai/Nhộn nhàng, xao xác trong ngoài/Người người mất vía, ai ai kinh hoàng/Ít ngày nghe chuyện rõ ràng/Tây dương tàu lại cửa Hàn dạo chơi/Trước đà bày chuyện báo đời/Rày còn tái lại Trời ơi là Trời[7]”. Liên quân Pháp- Y Pha Nho nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng đã khiến triều đình nghi ngại người theo đạo làm nội ứng: “Khéo làm tội báo oan gia/Tính bề trục lợi khéo pha việc lành/Mượn câu giảng đạo làm danh/Làm cho giáo hữu tan tành phen ni/Làm cho Nhà nước sinh nghi/Giam cầm đầu mục khinh khi đạo Trời/Làm cho xao xác trong đời/Rúng động đất nước đổi dời gió trăng/…/Ngạn rằng: Quà quạ ăn dưa/Bắt có phơi nắng người xưa để lời”.Đúng là: “Kẻ bên Tây dương qua bắn súng/Người bên Nam Việt lại mang gông/…/Đồng đạo nào hề đồng chước móc/Khác trời khác bể khác tây đông/…/Khác trời khác biển tây đông/Vì giữ đạo Chúa cũng đồng vấn vương”. Lịch sử đã chứng minh là khi Liên quân đánh Đà Nẵng nào có thấy người theo đạo Da tô làm nội ứng, chỉ điểm cho giặc hoặc “Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”. Do bị quân triều đình nhà Nguyễn cầm chân ở Đà Nẵng nên Liên quân quay vào đánh chiếm thành Gia Định: “Lên lập phố xá tại Hàn/Ở vài năm đó chẳng toan ra gì/Rủ nhau kéo hết mà đi/Gia Định thẳng tới thành trì bắn tan/Quan quân chết ước dư ngàn/Súng giáo mất hết, kho tàng còn chi?/Kéo lên chiếm xứ Nam Kỳ/Nghênh ngang xa giá li bì nguyệt hoa”[8]
Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, người theo đạo Da tô vẫn thực hành nghĩa vụ người công dân: “Bởi đạo không có lòng này/Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/Phụng công thủ pháp mọi đường/Binh thuế như chúng, kiều lương như người/Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất bỏ đi/Là trọng Thiên Chúa, đâu vì Lang sa/Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu thứ tha thời nhờ/Dễ đâu tôi dám nói vơ/Việc việc đều có sờ sờ chẳng không”
Trước đó quan Án sát tỉnh Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản có làm bài “Hoán mê khúc” kêu gọi người theo đạo Da tô hãy từ bỏ đạo mà quay về với đạo ông bà tổ tiên: “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Ông đã đánh đồng thực dân là đạo và đạo là thực dân: “Đạo Tây bảo khiêm nhường một mối/Chớ ngạo kiêu bỏ thói cậy mình/Cớ sao dấy động đao binh/Cớ sao kéo đến chiến tranh nước người?/…/ Lại thập giới phân phân đó nữa/Một nói rằng thấy của chớ tham/Cớ sao non biển nước Nam/Mắt vừa xem thấy, miệng thèm, lòng quên/Cũng không mua, cũng không xin/Liều toan tự đoạt không nhìn mặt ai/Chẳng qua cậy sức, cậy tài/Cậy già thuốc súng, cậy hay máy tàu/Nào can, nào giới ở đâu?/Đạo nào giảng dạy mà cầu Nhà Chung?/…/Chẳng qua mượn đạo làm danh/Thèm non Đà Nẵng, muốn thành Đồng Nai/Chẳng qua lấy đạo làm mai/Làm cho trong ứng ra ngoài họa xâm”.
Lúc ấy Linh mục Đặng Đức Tuấn đang trốn tránh, nhưng cũng làm bài “Hồi đáp yết thị ca”: “Rằng mê Tả đạo Phương Tây/Bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha/Cực lòng nên phải nói ra/Nín đi cũng ngặt trình qua vài lời” để minh oan cho dân theo đạo Da tô: “Phải mà trên xuống chiếu ban/Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/Kẻo rằng: Trở mặt sấp lưng/Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương/Suy đi nghiệm lại cho tường/Bất cảm khoa quá, kính nhường thờ ai/Vốn là vì Chúa thiên thai/Chẳng phải vì người hóa ngoại Tây dương”.
Thực dân Pháp dùng chiêu bài bảo vệ đạo Da tô, nhưng thực chất dùng Đạo để làm cái cớ xâm lược nước ta, ly gián triều đình và giáo dân. Giáo dân bị triều đình nghi ngại, bị giam cầm, tra tấn nhưng giáo dân không hề than trách: “Ách giữa đàng phải mang vào cổ/Sự oan khiên trút đổ đầy đầu/Phá lúa chỉn thật bầy trâu/Ngựa thời mắc án gẫm âu ức tình!/Cũng thời xích tử triều đình/Thuế xâu cũng đủ, binh đinh cũng đồng/Thế mà mang tiếng bất trung/Mặc tình nghi ngại, không lòng oán vưu/Cam lòng sáp quản giam lưu/Phải sao chịu vậy chẳng cưu lòng hiềm/Dầu cho pháp trọng hình nghiêm/Trọn niềm kính Chúa, trọn niềm ngay vua”.
Ta yếu- Địch mạnh (ngã quân chi nhược, bỉ quân chi cường) nên ta thua là tất yếu.
Người dân theo đạo Da tô bị triều đình vu cho cái tội làm nội ứng cho giặc Pháp: “Thảng hoặc thất thủ biên cương, tắc chấp sự giả bất thực tri ngã quân chi nhược, bỉ quân chi cường, thế nan để địch dĩ trí kỳ nhiên. Cánh quy cừu ư Da tô đạo nhân chi tương vi nội ứng, ám lý quan thông, cố địch nhân đắc tận tri ngã quân chi hư thực, đạo lộ chi hiểm di, nhi tư kỳ xâm lược nhĩ! Nhất nhân ngôn chi, thập nhân tùng nhi phụ hội chi, tri đạo nhân thụ âm ám chi hiềm nghi nhi tận la vu oan ngục. Dĩ vi nhược thử, tắc tức nội hoạn tuyệt nhi ngoại vụ khả binh. Thù bất tri thảo dã tiểu dân chi hàm oan, tức dĩ thương thiên địa chi hòa khí, thử chính nội tư đa sự, ngoại trí nhiễu nhương, nhi vị đắc tảo bình chi thiện sách” (Rủi như thất thủ chốn biên cương thì những kẻ đương nhiệm lại không chịu biết rằng, quân ta yếu, quân giặc mạnh, chiến trận diễn biến theo thế tất nhiên, việc đã đến phải đến. Bèn quay ra, đổ oán hờn tội lỗi cho những người theo đạo Da tô, ức đoán rằng những người này làm nội ứng cho giặc, bí mật thông báo tin tức cho nên giặc mới biết đường nào hiểm trở, đường nào dễ đi, nơi nào quân ta đông, nơi nào quân ta ít…Giặc nhờ vậy mà thỏa chí xâm lăng. Một người nói ra, mười người phụ họa lặp lại, khiến cho những người có đạo phải chịu cái hiềm nghi đen tối rồi hết thảy đều sa vòng tù ngục oan khiên. Những người có trách nhiệm làm như vậy tưởng đâu trừ được mối lo nội phản ở bên trong thì có thể đánh bình được nạn ngoại xâm từ bên ngoài vậy. Họ có biết đâu rằng bọn dân hèn ở chốn thảo dã chịu oan uổng tức là đã làm thương tổn cái hòa khí của trời đất. Ấy mới thiệt là bên trong tự gây ra rối loạn làm cho tai họa bên ngoài càng thêm rắc rối, nhiễu nhương, rốt cuộc chưa có được phương lược đúng tốt để dẹp trừ quốc nạn. – Tập điều trần tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)
Lãnh tụ phong trần Cần vương tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu trước lúc bị xử tử vẫn không nhận ra nguyên nhân thất bại của nghĩa quân. Nghĩa quân thất bại trước quân Pháp xâm lược là do quân ta thiếu quân nhu, quân lương, khí giới súng đạn. Ông cứ khăng khăng cho rằng quân ta thua là do những người theo đạo Da tô làm nội ứng, đưa đường chỉ lối cho giặc. Ông có làm bài thơ Tuyệt mệnh, trong đó có hai câu 3 và 4: “Nhược sử gian phòng vô áo viện/ Hà nan trung đính thát cường di”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch: “Giáo như không trở, tay giàn kín/Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa”. Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã dịch hai câu thơ ấy: “Nếu trong không có phường gian/Gậy tre, ta đủ đánh tan quân thù”.
Khi trò chuyện với ông bạn vong niên, tôi mới hỏi ông ta: Lúc ở trên chiến khu, chú đã học kỹ lý luận Mác- Lê về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng…Vậy theo chú thì Việt Nam bị mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: Tất yếu! Bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất cũ kỹ lạc hậu.
Người theo đạo Da tô cũng có lòng yêu nước thương nòi.
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khẳng định người theo đạo Da tô cũng như bao con dân khác trên đất Việt luôn yêu nước thương nòi: “Kim cai tặc lai xâm ngã quốc, nãi thác dĩ “thỉnh thỉ cấm đạo nhân” vi từ. Bất quá tá thử dĩ khi nhân thị thính nhĩ. Nhiên cứu kỳ sở hành, đô thị kiêu hoành phóng tứ, khởi khả mục vi đồng đạo, đồng tâm? Lý đương cừu địch, thống suất cương trường, tu ngã qua mâu, súng dược, thệ bất lưỡng lập. Dương tặc chi binh bãi nhi anh hùng chi hận phương tiêu. An khả bội bổn quốc nhi vi thử bối chi nội ứng gia? Dương ký đắc ư tội Triều đình, âm hựu ư đắc tội Thiên Chúa. Kỳ thành tâm phụng giáo chi nhân, quyết vô thị sự”(Nay bọn giặc Tây dương xâm phạm nước ta, lại mượn câu “Xin bỏ lệnh cấm đạo” làm danh nghĩa. Chẳng qua bọn nó mượn điều này để lừa gạt công luận của thiên hạ mà thôi. Nhưng, xét những việc chúng làm thì đều là cậy sức mạnh hung tàn, ngang dọc lung tung há người theo đạo Thiên Chúa lại có thể coi bọn đó là đồng tâm, đồng đạo? Chính lý phải coi bọn đó là cừu thù, xông ra ngoài cõi chiến trường, sửa sang giáo mác, súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung, bay còn thì tao mất, bay mất thì tao còn. Có đánh bình được Dương di thì cái lòng căm giận của người anh hùng mới tiêu tan, đâu lại có thể phản bội nước mình mà làm nội ứng cho bọn đó được sao? Nếu làm như vậy thì bề ngoài và trên cõi thế gian, đã mắc tội với Triều đình, mà bề trong, trong cõi huyền linh[âm hựu], lại mắc tội với Thiên Chúa. Những kẻ lòng thành giữ đạo, quyết không có việc này. - Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn cam kết:“Chí nhược Phú Lãng Sa tứ bạo xâm lăng tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc gia lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru di kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiến kỳ năng, dũng giả hiến kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc quân Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Da tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ người theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên bào đền ơn nước. Kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn Dương di mới thôi. – Tập điều trần, tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)
Thay lời kết
Tôi xin mượn những lời thơ trong bài thơ “Con có một Tổ quốc” của cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận sáng tác vào năm 1976 lúc đang quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc thôn Đại Điền Tây, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để nói lên tâm nguyện của người Công Giáo Việt Nam: “…Con có một Tổ quốc Việt Nam/Quê hương yêu quý ngàn đời/Con hãnh diện, con vui sướng/Con yêu non sông gấm vóc/Con yêu lịch sử vẻ vang/Con yêu đồng bào cần mẫn/Con yêu chiến sĩ hào hùng/Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn/Núi cao, xương chất cao hơn/Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn/Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang/Con phục vụ hết tâm hồn/Con trung thành hết nhiệt huyết/Con bảo vệ bằng xương máu/Con xây dựng bằng tim óc/Vui niềm vui của đồng bào/Buồn nỗi buồn của Dân tộc/Một nước Việt Nam/Một Dân tộc Việt Nam/Một tâm hồn Việt Nam/Một truyền thống Việt Nam/Là người Công Giáo Việt Nam/Con phải yêu Tổ quốc gấp bội/Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con/Cha mong giòng máu ái quốc/Sôi trào trong huyết quản con”
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang
Sách tham khảo:
Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, in lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970
Nguyễn Đình Đầu, Tiểu sử Cha Khâm Đặng Đức Tuấn thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1862, Nxb Tôn giáo
Nguyễn văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng hợp TP.HCM
Chú thích
[1]- Da tô là âm Hán Việt tên Jésus, đấng sáng lập Kitô giáo. Jésus viết chữ Nôm đọc là “Chi Thu”. Trong Sát Tả bình Tây hịch ở liên thứ 12a và 12b có câu: “Phụ khuyển, mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáp/Chúa Trời, Chi Thu chi thuyết, phục uế thính văn”, Giáo sư Lam Giang dịch: “Cắn càn, cắn bậy, khoe khoang binh giáp Viễn dương/Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời Tây Vực”. Bản dịch xưa: “Miệng hùm phóng độc, khoe khoang binh giáo Chúa Trời”. Do các dịch giả không hiểu từ “Chi Thu” là gì nên mới dịch như vậy. Bởi vì “Chúa Trời, Chi Thu” mới đối lại với “Phụ khuyển, mẫu phệ”. Theo tôi tạm dịch liên 12b: “Tin nhảm, tin xằng, bày đặt Chúa Trời, Giê su”. Lâu nay âm Hán Việt được viết nhầm là “Gia tô”. Triều đình gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo” hoặc “Dửu dân”(cỏ lồng vực mọc chung trong lúa làm hại lúa)
[2]- Ngày xưa bản điều trần bằng chữ Hán không có tiêu đề như ngày nay.Hiện nay tiêu đề trong bản dịch các bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn là do người đời sau đặt. Có thể họ lấy một vài chữ đầu trong bản điều trần mà đặt tiêu đề.
[3]- Phan, Lâm tức là Phan Thanh Giản, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ. Lúc tra vấn Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ông giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Lâm Duy Hiệp (cùng viết chữ Hán như nhau nhưng có sách chép là Lâm Duy Thiếp) trước có tên là Lâm Duy Nghĩa, tháng 9 năm Canh Thân( 1860) ông được thăng chức Thượng thư bộ Binh
[4]- Chúa Dêu: phiên âm chữ “Deus” trong tiếng Latin có nghĩa là Thượng Đế, Đức Chúa Trời. Trong lịch sử truyền giáo ở miền Viễn Đông, có nhiều cuộc tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng Đế” hay “Thiên Chủ/Thiên Chúa” không. Trong bối cảnh lịch sử văn hóa thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan niệm Thiên Chúa của Kitô giáo với Thượng Đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên người ta tránh dùng từ “Thượng Đế” và thậm chí có lúc để nguyên tiếng Latin “Chúa Dêu(Deus).
[5]- Pha Pha: phiên âm chữ “Papa” trong tiếng Latin, âm Hán Việt đọc là Giáo Hoàng. Khoảng trước thế kỷ XIX người Công Giáo Việt Nam gọi Giáo hoàng là Đức Thánh Pha Pha, sau đó gọi là Đức Giáo tông. Hiện nay gọi là Đức Giáo Hoàng hoặc Đức Thánh Cha.
[6]- Lang sa: Tên gọi tắt nước Pháp. Sách Doanh hoàn chí lược gọi nước Pháp là Phật Lan Tây, còn có tên gọi khác là Pháp Lan Tây hoặc Phật Lãng Cơ. Thời Gia Long và Minh Mạng đều chép là Phú Lãng Sa, thời Thiệu Trị chép là Phất Lan Tê; vì chữ Phật, chữ Pháp, chữ Phú, 3 âm gần giống nhau, chữ Lang, Lan, Lãng, Tây, Cơ, Sa cũng vậy. Cho nên tùy từng lúc dịch ra không giống nhau. Tự Đức lên ngôi chép tên nước Pháp là Phật Lan.Năm Tự Đức thứ 9 (Bính Thìn/1856), Pháp lại sinh sự ở Đà Nẵng, mà sau đều chép là “Dương”. Trong các bản điều trần, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn chép là “Tây Dương” hoặc “Dương”. Đến năm Tự Đức thứ 15 (Nhâm Tuất/1862) nghị hòa, có quốc thư dịch âm ra mới chép là Phú, tức là Phú Lãng Sa mà bớt chữ “Lãng Sa” đi; đến năm Tự Đức thứ 36 (Quý Mùi/1883) lại theo bản dịch của Trung Quốc, chép là Pháp; tức là Pháp Lan Tây mà bớt chữ “Lan Tây” đi. (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.225)
[7]-Trước đà bày chuyện báo đời: Câu này nhắc lại sự kiện 2 chiến hạm của Pháp vào neo đậu ở Đà Nẵng để xin vua Thiệu Trị bỏ dụ cấm đạo và dân được tự do theo đạo. Việc chưa ngã ngũ, thấy mấy chiến thuyền của triều đình gần đó, chiến hạm Pháp đánh đắm 3 chiến thuyền của triều đình rồi rút đi. Sự kiện thứ 2 là chiến hạm Catinat do William Le Lieur chỉ huy, sau khi ghé Thuận An để xin triều đình bãi bỏ dụ cấm đạo và tự do thông thương đã vào Đà Nẵng ngày 26/9/1857 bắn phá một số đồn ven biển Đà Nẵng và bắt đi một số người Việt Nam. Câu: “Rày còn tái lại Trời ơi là Trời!”: Nhắc sự kiện ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp -Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng.
[8]- Đoạn thơ này, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị nhầm: Ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp – Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng. Suốt 5 tháng bị cầm chân ở cửa Hàn, do dịch bệnh, nắng nóng đã khiến Liên quân mệt mỏi, hao mòn nên ngày 2/2/1859 Phó Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Genouilly để lại Đà Nẵng 1/3 quân số (khoảng 1000 quân), còn lại bao nhiêu kéo vào đánh chiếm và hạ thành Gia Định ngày 17/2/1859.
Tôi có một người bạn vong niên, dòng dõi quan đại thần Phạm Phú Thứ sinh năm 1930. Trước năm 1954, trên chiến khu, ông thuộc Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa(ông phụ trách bên báo chí, ông Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ). Sau năm 1954 ông được cài lại địa phương để hoạt động, nhưng do bị bại lộ, bị bắt và từ đó ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Trước khi quen biết với tôi, ông mang một tư tưởng thù hận đạo Công Giáo. Ông cho rằng: Những người theo đạo là theo Tây.Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược cũng là do những người theo đạo Công Giáo. Sau một thời gian quen biết với tôi, qua những trao đổi khi gặp mặt nhau, ông đã dần dần ngộ ra “theo Đạo không phải theo Tây”.
Không riêng gì ông bạn vong niên của tôi, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều người giữ thành kiến như ông.
Ngày xưa triều đình Huế cũng như dân Việt Nam đều cả quyết: “Rằng: quân Tả đạo với Tây/Một lòng sinh sự phá rầy biên cương”.
Trong một bản điều trần gửi lên bộ Binh, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) có nói đến nguyên nhân vì sao có thành kiến ấy: “Hướng lai văn nhân ngôn: Da tô[1] đạo nhân học Tây dương chi đạo tất dữ Dương nhân đồng tâm! Kim Dương tặc hựu lai xâm cảnh thổ. Triều đình nghi nhi nghiêm giam canh thủ đạo nhân, dĩ phòng nội ứng. Thử sự ức hựu hà đẳng oan khiên!”(Từ trước đến giờ nghe người ta đồn rằng: Người theo đạo Da tô học đạo của người Tây dương, thế tất phải đồng lòng với người Tây dương! Nay giặc Tây dương lại đến xâm lấn cõi bờ, Triều đình nghi ngờ mà giam cầm người có đạo một cách nghiêm nhặt để phòng cái họa nội ứng. Sự việc này mới thiệt oan ức làm sao! – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”[2])
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn minh oan cho giáo dân
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) trong lúc trốn tránh lệnh bắt đạo và bị bắt tại huyện Mộ Đức được giải lên quan tỉnh. Nhờ trong người có 6 chương điều trần được viết sẳn, nên có lệnh đưa Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ra kinh đô Huế. Ra đến kinh đô Huế, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn được đưa vào bộ Binh: “Trước đem vào tại bộ Binh/Thấy quan Lâm đó một mình mà thôi/Thượng quan vào Nội tấu rồi/ Một chặp kéo tới vô hồi quan gia/ Biết là mấy vạn người ta/ Đến coi thời sự thử ra thế nào?/Phan, Lâm[3] quan lớn ngồi cao/ Các quan bề dưới ngồi bao hai hàng/ Triều đình thể diện nghiêm trang/ Gươm hầu, giáo đóng chật đàng đầy sân”.
Sau đó: “Quan truyền trải chiếu lại gần/ Bảo Tuấn ngồi đó hỏi lần căn nguyên/ Rằng: Vua có chỉ phán truyền/ Cho đòi đạo trưởng xét riêng hai điều/ Một là hỏi đạo Chúa Dêu[4]/Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang/ Hai là hỏi giặc Tây dương/Qua đây khuấy rối làm ngang cớ gì?/Biết sao nói thật đừng khi/ Mặc lượng Hoàng đế rộng suy thẩm tình”
Quan hỏi xong, Linh mục Đặng Đức Tuấn trả lời từng điều một: “Tuấn rằng: nhờ lượng triều đình/Phận tôi ty tiểu một mình tới đây/Ông lớn cho phép nói ngay/Thì tôi mới dám tỏ bày đạo nguyên/Đạo thờ dạy Chúa thiêng liêng/Dựng nên trời đất cầm quyền tử sanh/Hễ người thì có tánh linh/Giữ noi đàng chánh trường sinh cõi trời/Đạo dạy thờ Vua dưới đời/Vì Vua thay mặt Chúa Trời trị dân/Đạo dạy thảo kính song thân/Cù lao báo bổ ân cần đền ơn/Ấy là ba đấng trọng hơn/Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau/Đạo hằng giảng tập dồi trau/Đời nay vâng giữ, đời sau hưởng nhờ/Thánh kinh,Thánh giáo,Chư thơ/Đinh ninh lẽ thật, sờ sờ đàng ngay/Dễ đâu tôi dám vẽ bày”
Linh mục Đặng Đức Tuấn giải thích đạo Công Giáo không phải phát xuất từ nước Pháp: “Rô Ma có một Giáo hoàng/Gốc đầu Hội Thánh, mối mang Đạo Trời/Tuy rằng đạo ở khắp nơi/Giáo hữu chốn chốn vâng lời Pha Pha[5]/Như giặc bởi nước Rô Ma/Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/Vốn nay chẳng phải làm vầy/Lang sa[6] nước khác đến gây chiến trường/Giặc này tôi chẳng biết tường/Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/Vậy nên gây cuộc chiến tranh/Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/Xin suy lấy việc năm trên/Đạo mà nội ứng với tàu Lang sa/Thì khi tàu ấy mới qua/Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”.
Sau khi nghe lời giải đáp mạch lạc của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn: “Quan rằng: Đạo trưởng nói thông/Ta cho về nghỉ mai hòng đòi lên/Các quan lớn nhỏ hai bên/Ngó nhau gục gặc, miệng khen xầm xì”.
Cũng trong bản điều trần gửi lên bộ Binh, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đã phân tích nguồn gốc của đạo Da tô: “Thiên Chúa Da tô chi đạo, tuy truyền tại Tây dương nhi phi Tây dương chi đạo dã. Nãi Tạo vật chi đạo dã. Cái Tây dương giả, nãi Tây thổ chi tổng danh nhi kỳ trung vạn ban chư quốc giai biệt phong cương, điển tịch đồ thơ, các thù âm tự. Thiên Chúa chi đạo, nguyên sinh chi thủy, Như Đức Á quốc tiên đắc kỳ truyền. Kế thử Rô Ma độc đắc kỳ chính truyền nhi chủ trương thị đạo duy thử quốc chi Giáo hoàng nhĩ. Kỳ hậu, đông, tây, nam, bắc chư quốc, phàm học Thiên Chúa chi đạo giả, tất dĩ thử quốc chi truyền vi chánh truyền dã. Tha quốc bất dự yên”(Tuy đạo Thiên Chúa Da tô truyền tại đất Tây dương mà thiệt không phải đạo của người Tây dương. Đó là đạo của đấng Tạo hóa sinh thành muôn vật. Tây dương là cái tên chung cho đất ở phương Tây, trong đó có rất nhiều nước, cương thổ khác nhau, phong tục, tập quán, bản đồ, sách vở đều khác tiếng, khác chữ. Nguyên thủy đạo Thiên Chúa là ở nước Như Đức Á [Israel/ Do Thái]được mối truyền lúc ban đầu, sau đó chỉ có Rô ma là được mối chính truyền mà chủ trương đạo này thì chỉ có một Đức Giáo Hoàng của nước đó mà thôi. Về sau, đông, tây, nam, bắc bốn phương, phàm người nào học đạo đó đều lấy mối đạo truyền từ nước Rô ma là mối truyền chân chánh. Nước khác không được dự vào. – Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)
Liên quân Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) mượn cớ bảo vệ các giáo sĩ và dân theo đạo Da tô đã tấn công Đà Nẵng: “Đương khi thanh vắng biển sông/Bỗng nghe tiếng súng đầm đùng vang tai/Nhộn nhàng, xao xác trong ngoài/Người người mất vía, ai ai kinh hoàng/Ít ngày nghe chuyện rõ ràng/Tây dương tàu lại cửa Hàn dạo chơi/Trước đà bày chuyện báo đời/Rày còn tái lại Trời ơi là Trời[7]”. Liên quân Pháp- Y Pha Nho nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng đã khiến triều đình nghi ngại người theo đạo làm nội ứng: “Khéo làm tội báo oan gia/Tính bề trục lợi khéo pha việc lành/Mượn câu giảng đạo làm danh/Làm cho giáo hữu tan tành phen ni/Làm cho Nhà nước sinh nghi/Giam cầm đầu mục khinh khi đạo Trời/Làm cho xao xác trong đời/Rúng động đất nước đổi dời gió trăng/…/Ngạn rằng: Quà quạ ăn dưa/Bắt có phơi nắng người xưa để lời”.Đúng là: “Kẻ bên Tây dương qua bắn súng/Người bên Nam Việt lại mang gông/…/Đồng đạo nào hề đồng chước móc/Khác trời khác bể khác tây đông/…/Khác trời khác biển tây đông/Vì giữ đạo Chúa cũng đồng vấn vương”. Lịch sử đã chứng minh là khi Liên quân đánh Đà Nẵng nào có thấy người theo đạo Da tô làm nội ứng, chỉ điểm cho giặc hoặc “Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây”. Do bị quân triều đình nhà Nguyễn cầm chân ở Đà Nẵng nên Liên quân quay vào đánh chiếm thành Gia Định: “Lên lập phố xá tại Hàn/Ở vài năm đó chẳng toan ra gì/Rủ nhau kéo hết mà đi/Gia Định thẳng tới thành trì bắn tan/Quan quân chết ước dư ngàn/Súng giáo mất hết, kho tàng còn chi?/Kéo lên chiếm xứ Nam Kỳ/Nghênh ngang xa giá li bì nguyệt hoa”[8]
Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, người theo đạo Da tô vẫn thực hành nghĩa vụ người công dân: “Bởi đạo không có lòng này/Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/Phụng công thủ pháp mọi đường/Binh thuế như chúng, kiều lương như người/Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất bỏ đi/Là trọng Thiên Chúa, đâu vì Lang sa/Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu thứ tha thời nhờ/Dễ đâu tôi dám nói vơ/Việc việc đều có sờ sờ chẳng không”
Trước đó quan Án sát tỉnh Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản có làm bài “Hoán mê khúc” kêu gọi người theo đạo Da tô hãy từ bỏ đạo mà quay về với đạo ông bà tổ tiên: “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”. Ông đã đánh đồng thực dân là đạo và đạo là thực dân: “Đạo Tây bảo khiêm nhường một mối/Chớ ngạo kiêu bỏ thói cậy mình/Cớ sao dấy động đao binh/Cớ sao kéo đến chiến tranh nước người?/…/ Lại thập giới phân phân đó nữa/Một nói rằng thấy của chớ tham/Cớ sao non biển nước Nam/Mắt vừa xem thấy, miệng thèm, lòng quên/Cũng không mua, cũng không xin/Liều toan tự đoạt không nhìn mặt ai/Chẳng qua cậy sức, cậy tài/Cậy già thuốc súng, cậy hay máy tàu/Nào can, nào giới ở đâu?/Đạo nào giảng dạy mà cầu Nhà Chung?/…/Chẳng qua mượn đạo làm danh/Thèm non Đà Nẵng, muốn thành Đồng Nai/Chẳng qua lấy đạo làm mai/Làm cho trong ứng ra ngoài họa xâm”.
Lúc ấy Linh mục Đặng Đức Tuấn đang trốn tránh, nhưng cũng làm bài “Hồi đáp yết thị ca”: “Rằng mê Tả đạo Phương Tây/Bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha/Cực lòng nên phải nói ra/Nín đi cũng ngặt trình qua vài lời” để minh oan cho dân theo đạo Da tô: “Phải mà trên xuống chiếu ban/Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/Kẻo rằng: Trở mặt sấp lưng/Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương/Suy đi nghiệm lại cho tường/Bất cảm khoa quá, kính nhường thờ ai/Vốn là vì Chúa thiên thai/Chẳng phải vì người hóa ngoại Tây dương”.
Thực dân Pháp dùng chiêu bài bảo vệ đạo Da tô, nhưng thực chất dùng Đạo để làm cái cớ xâm lược nước ta, ly gián triều đình và giáo dân. Giáo dân bị triều đình nghi ngại, bị giam cầm, tra tấn nhưng giáo dân không hề than trách: “Ách giữa đàng phải mang vào cổ/Sự oan khiên trút đổ đầy đầu/Phá lúa chỉn thật bầy trâu/Ngựa thời mắc án gẫm âu ức tình!/Cũng thời xích tử triều đình/Thuế xâu cũng đủ, binh đinh cũng đồng/Thế mà mang tiếng bất trung/Mặc tình nghi ngại, không lòng oán vưu/Cam lòng sáp quản giam lưu/Phải sao chịu vậy chẳng cưu lòng hiềm/Dầu cho pháp trọng hình nghiêm/Trọn niềm kính Chúa, trọn niềm ngay vua”.
Ta yếu- Địch mạnh (ngã quân chi nhược, bỉ quân chi cường) nên ta thua là tất yếu.
Người dân theo đạo Da tô bị triều đình vu cho cái tội làm nội ứng cho giặc Pháp: “Thảng hoặc thất thủ biên cương, tắc chấp sự giả bất thực tri ngã quân chi nhược, bỉ quân chi cường, thế nan để địch dĩ trí kỳ nhiên. Cánh quy cừu ư Da tô đạo nhân chi tương vi nội ứng, ám lý quan thông, cố địch nhân đắc tận tri ngã quân chi hư thực, đạo lộ chi hiểm di, nhi tư kỳ xâm lược nhĩ! Nhất nhân ngôn chi, thập nhân tùng nhi phụ hội chi, tri đạo nhân thụ âm ám chi hiềm nghi nhi tận la vu oan ngục. Dĩ vi nhược thử, tắc tức nội hoạn tuyệt nhi ngoại vụ khả binh. Thù bất tri thảo dã tiểu dân chi hàm oan, tức dĩ thương thiên địa chi hòa khí, thử chính nội tư đa sự, ngoại trí nhiễu nhương, nhi vị đắc tảo bình chi thiện sách” (Rủi như thất thủ chốn biên cương thì những kẻ đương nhiệm lại không chịu biết rằng, quân ta yếu, quân giặc mạnh, chiến trận diễn biến theo thế tất nhiên, việc đã đến phải đến. Bèn quay ra, đổ oán hờn tội lỗi cho những người theo đạo Da tô, ức đoán rằng những người này làm nội ứng cho giặc, bí mật thông báo tin tức cho nên giặc mới biết đường nào hiểm trở, đường nào dễ đi, nơi nào quân ta đông, nơi nào quân ta ít…Giặc nhờ vậy mà thỏa chí xâm lăng. Một người nói ra, mười người phụ họa lặp lại, khiến cho những người có đạo phải chịu cái hiềm nghi đen tối rồi hết thảy đều sa vòng tù ngục oan khiên. Những người có trách nhiệm làm như vậy tưởng đâu trừ được mối lo nội phản ở bên trong thì có thể đánh bình được nạn ngoại xâm từ bên ngoài vậy. Họ có biết đâu rằng bọn dân hèn ở chốn thảo dã chịu oan uổng tức là đã làm thương tổn cái hòa khí của trời đất. Ấy mới thiệt là bên trong tự gây ra rối loạn làm cho tai họa bên ngoài càng thêm rắc rối, nhiễu nhương, rốt cuộc chưa có được phương lược đúng tốt để dẹp trừ quốc nạn. – Tập điều trần tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)
Lãnh tụ phong trần Cần vương tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu trước lúc bị xử tử vẫn không nhận ra nguyên nhân thất bại của nghĩa quân. Nghĩa quân thất bại trước quân Pháp xâm lược là do quân ta thiếu quân nhu, quân lương, khí giới súng đạn. Ông cứ khăng khăng cho rằng quân ta thua là do những người theo đạo Da tô làm nội ứng, đưa đường chỉ lối cho giặc. Ông có làm bài thơ Tuyệt mệnh, trong đó có hai câu 3 và 4: “Nhược sử gian phòng vô áo viện/ Hà nan trung đính thát cường di”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch: “Giáo như không trở, tay giàn kín/Giặc khó gì hơn, gậy đuổi bừa”. Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã dịch hai câu thơ ấy: “Nếu trong không có phường gian/Gậy tre, ta đủ đánh tan quân thù”.
Khi trò chuyện với ông bạn vong niên, tôi mới hỏi ông ta: Lúc ở trên chiến khu, chú đã học kỹ lý luận Mác- Lê về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng…Vậy theo chú thì Việt Nam bị mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: Tất yếu! Bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất cũ kỹ lạc hậu.
Người theo đạo Da tô cũng có lòng yêu nước thương nòi.
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khẳng định người theo đạo Da tô cũng như bao con dân khác trên đất Việt luôn yêu nước thương nòi: “Kim cai tặc lai xâm ngã quốc, nãi thác dĩ “thỉnh thỉ cấm đạo nhân” vi từ. Bất quá tá thử dĩ khi nhân thị thính nhĩ. Nhiên cứu kỳ sở hành, đô thị kiêu hoành phóng tứ, khởi khả mục vi đồng đạo, đồng tâm? Lý đương cừu địch, thống suất cương trường, tu ngã qua mâu, súng dược, thệ bất lưỡng lập. Dương tặc chi binh bãi nhi anh hùng chi hận phương tiêu. An khả bội bổn quốc nhi vi thử bối chi nội ứng gia? Dương ký đắc ư tội Triều đình, âm hựu ư đắc tội Thiên Chúa. Kỳ thành tâm phụng giáo chi nhân, quyết vô thị sự”(Nay bọn giặc Tây dương xâm phạm nước ta, lại mượn câu “Xin bỏ lệnh cấm đạo” làm danh nghĩa. Chẳng qua bọn nó mượn điều này để lừa gạt công luận của thiên hạ mà thôi. Nhưng, xét những việc chúng làm thì đều là cậy sức mạnh hung tàn, ngang dọc lung tung há người theo đạo Thiên Chúa lại có thể coi bọn đó là đồng tâm, đồng đạo? Chính lý phải coi bọn đó là cừu thù, xông ra ngoài cõi chiến trường, sửa sang giáo mác, súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung, bay còn thì tao mất, bay mất thì tao còn. Có đánh bình được Dương di thì cái lòng căm giận của người anh hùng mới tiêu tan, đâu lại có thể phản bội nước mình mà làm nội ứng cho bọn đó được sao? Nếu làm như vậy thì bề ngoài và trên cõi thế gian, đã mắc tội với Triều đình, mà bề trong, trong cõi huyền linh[âm hựu], lại mắc tội với Thiên Chúa. Những kẻ lòng thành giữ đạo, quyết không có việc này. - Bản điều trần “Nhất khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn cam kết:“Chí nhược Phú Lãng Sa tứ bạo xâm lăng tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc gia lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru di kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiến kỳ năng, dũng giả hiến kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc quân Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Da tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ người theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên bào đền ơn nước. Kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn Dương di mới thôi. – Tập điều trần, tạm gọi “Minh đạo bình Tây sách”)
Thay lời kết
Tôi xin mượn những lời thơ trong bài thơ “Con có một Tổ quốc” của cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận sáng tác vào năm 1976 lúc đang quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc thôn Đại Điền Tây, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để nói lên tâm nguyện của người Công Giáo Việt Nam: “…Con có một Tổ quốc Việt Nam/Quê hương yêu quý ngàn đời/Con hãnh diện, con vui sướng/Con yêu non sông gấm vóc/Con yêu lịch sử vẻ vang/Con yêu đồng bào cần mẫn/Con yêu chiến sĩ hào hùng/Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn/Núi cao, xương chất cao hơn/Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn/Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang/Con phục vụ hết tâm hồn/Con trung thành hết nhiệt huyết/Con bảo vệ bằng xương máu/Con xây dựng bằng tim óc/Vui niềm vui của đồng bào/Buồn nỗi buồn của Dân tộc/Một nước Việt Nam/Một Dân tộc Việt Nam/Một tâm hồn Việt Nam/Một truyền thống Việt Nam/Là người Công Giáo Việt Nam/Con phải yêu Tổ quốc gấp bội/Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con/Cha mong giòng máu ái quốc/Sôi trào trong huyết quản con”
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang
Sách tham khảo:
Lam Giang & Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, in lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970
Nguyễn Đình Đầu, Tiểu sử Cha Khâm Đặng Đức Tuấn thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1862, Nxb Tôn giáo
Nguyễn văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng hợp TP.HCM
Chú thích
[1]- Da tô là âm Hán Việt tên Jésus, đấng sáng lập Kitô giáo. Jésus viết chữ Nôm đọc là “Chi Thu”. Trong Sát Tả bình Tây hịch ở liên thứ 12a và 12b có câu: “Phụ khuyển, mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáp/Chúa Trời, Chi Thu chi thuyết, phục uế thính văn”, Giáo sư Lam Giang dịch: “Cắn càn, cắn bậy, khoe khoang binh giáp Viễn dương/Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời Tây Vực”. Bản dịch xưa: “Miệng hùm phóng độc, khoe khoang binh giáo Chúa Trời”. Do các dịch giả không hiểu từ “Chi Thu” là gì nên mới dịch như vậy. Bởi vì “Chúa Trời, Chi Thu” mới đối lại với “Phụ khuyển, mẫu phệ”. Theo tôi tạm dịch liên 12b: “Tin nhảm, tin xằng, bày đặt Chúa Trời, Giê su”. Lâu nay âm Hán Việt được viết nhầm là “Gia tô”. Triều đình gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo” hoặc “Dửu dân”(cỏ lồng vực mọc chung trong lúa làm hại lúa)
[2]- Ngày xưa bản điều trần bằng chữ Hán không có tiêu đề như ngày nay.Hiện nay tiêu đề trong bản dịch các bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn là do người đời sau đặt. Có thể họ lấy một vài chữ đầu trong bản điều trần mà đặt tiêu đề.
[3]- Phan, Lâm tức là Phan Thanh Giản, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại, bộ Lễ. Lúc tra vấn Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ông giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Lâm Duy Hiệp (cùng viết chữ Hán như nhau nhưng có sách chép là Lâm Duy Thiếp) trước có tên là Lâm Duy Nghĩa, tháng 9 năm Canh Thân( 1860) ông được thăng chức Thượng thư bộ Binh
[4]- Chúa Dêu: phiên âm chữ “Deus” trong tiếng Latin có nghĩa là Thượng Đế, Đức Chúa Trời. Trong lịch sử truyền giáo ở miền Viễn Đông, có nhiều cuộc tranh luận xem có nên dùng từ “Thượng Đế” hay “Thiên Chủ/Thiên Chúa” không. Trong bối cảnh lịch sử văn hóa thế kỷ XVII-XVIII, vì sợ gây hiểu lầm giữa quan niệm Thiên Chúa của Kitô giáo với Thượng Đế của các tôn giáo cổ truyền, cho nên người ta tránh dùng từ “Thượng Đế” và thậm chí có lúc để nguyên tiếng Latin “Chúa Dêu(Deus).
[5]- Pha Pha: phiên âm chữ “Papa” trong tiếng Latin, âm Hán Việt đọc là Giáo Hoàng. Khoảng trước thế kỷ XIX người Công Giáo Việt Nam gọi Giáo hoàng là Đức Thánh Pha Pha, sau đó gọi là Đức Giáo tông. Hiện nay gọi là Đức Giáo Hoàng hoặc Đức Thánh Cha.
[6]- Lang sa: Tên gọi tắt nước Pháp. Sách Doanh hoàn chí lược gọi nước Pháp là Phật Lan Tây, còn có tên gọi khác là Pháp Lan Tây hoặc Phật Lãng Cơ. Thời Gia Long và Minh Mạng đều chép là Phú Lãng Sa, thời Thiệu Trị chép là Phất Lan Tê; vì chữ Phật, chữ Pháp, chữ Phú, 3 âm gần giống nhau, chữ Lang, Lan, Lãng, Tây, Cơ, Sa cũng vậy. Cho nên tùy từng lúc dịch ra không giống nhau. Tự Đức lên ngôi chép tên nước Pháp là Phật Lan.Năm Tự Đức thứ 9 (Bính Thìn/1856), Pháp lại sinh sự ở Đà Nẵng, mà sau đều chép là “Dương”. Trong các bản điều trần, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn chép là “Tây Dương” hoặc “Dương”. Đến năm Tự Đức thứ 15 (Nhâm Tuất/1862) nghị hòa, có quốc thư dịch âm ra mới chép là Phú, tức là Phú Lãng Sa mà bớt chữ “Lãng Sa” đi; đến năm Tự Đức thứ 36 (Quý Mùi/1883) lại theo bản dịch của Trung Quốc, chép là Pháp; tức là Pháp Lan Tây mà bớt chữ “Lan Tây” đi. (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.225)
[7]-Trước đà bày chuyện báo đời: Câu này nhắc lại sự kiện 2 chiến hạm của Pháp vào neo đậu ở Đà Nẵng để xin vua Thiệu Trị bỏ dụ cấm đạo và dân được tự do theo đạo. Việc chưa ngã ngũ, thấy mấy chiến thuyền của triều đình gần đó, chiến hạm Pháp đánh đắm 3 chiến thuyền của triều đình rồi rút đi. Sự kiện thứ 2 là chiến hạm Catinat do William Le Lieur chỉ huy, sau khi ghé Thuận An để xin triều đình bãi bỏ dụ cấm đạo và tự do thông thương đã vào Đà Nẵng ngày 26/9/1857 bắn phá một số đồn ven biển Đà Nẵng và bắt đi một số người Việt Nam. Câu: “Rày còn tái lại Trời ơi là Trời!”: Nhắc sự kiện ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp -Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng.
[8]- Đoạn thơ này, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị nhầm: Ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp – Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng. Suốt 5 tháng bị cầm chân ở cửa Hàn, do dịch bệnh, nắng nóng đã khiến Liên quân mệt mỏi, hao mòn nên ngày 2/2/1859 Phó Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Genouilly để lại Đà Nẵng 1/3 quân số (khoảng 1000 quân), còn lại bao nhiêu kéo vào đánh chiếm và hạ thành Gia Định ngày 17/2/1859.