Nguyễn Trung Tây
Góc KINH THÁNH: Tác Giả và Niên Đại của Tin Mừng Gioan


Tác giả Tông đồ Gioan – Truyền thống tác giả “Tông đồ Gioan” kéo dài nhiều thế kỷ cho đến thế kỷ 19. Tới khi đó, các nhà chú giải Thánh Kinh bắt đầu đặt nghi vấn về tính chính xác của “nguồn gốc gán đặt Tin Mừng Gioan tới Gioan Tông đồ – con trai ông Dêbêđê.” Nhiều nhà chú giải thậm chí còn hoài nghi, đặt vấn đề nếu Gioan Tông đồ chính là người Môn Đệ Yêu Dấu, người đã tuyên bố quyền tác giả tại chương cuối cùng của Tin Mừng. Một số nhà chú giải lại còn muốn phân biệt người Môn Đệ Yêu Dấu với tác giả Tin Mừng Gioan. Theo như họ, người này không phải là Gioan, con ông Dêbêđê. Francis Moloney biện luận rằng người Môn Đệ Yêu Dấu là một trong hai môn đệ đã rời bỏ sư phụ Gioan Tẩy Giả để đi theo Đức Giêsu như đã tường thuật trong Gioan 1:37. Sandra Schneiders giả định rằng người Môn Đệ Yêu Dấu này là một nhân vật tương tự như người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp trong Gioan 4:4-43.

Hành trình truy tìm danh tính tác giả Tin Mừng thứ Tư trở nên càng thêm thú vị bởi những khai quật gần đây tại thành phố Giêrusalem. Trong quá khứ, các nhà chú giải “nghĩ rằng tác giả Tin Mừng thứ Tư đã sáng tác truyện [chữa lành người bại liệt 38 năm] ở hồ Bếtdatha từ óc tưởng tượng và nét thần học Kitô đặc biệt của riêng mình.” Tuy nhiên, “các nhà khảo cổ đã tìm ra [hồ Bếtdatha] đúng ngay vị trí nơi hồ nước được diễn tả trong Tin Mừng Gioan [5:1-18].”

Ngoài hồ Bếtdatha, họ cũng khám phá ra hồ Silôam nơi mà, theo như Gioan 9, Đức Giêsu đã gửi người mù bẩm sinh đến dùng nước hồ để rửa cặp mắt. Cũng nên ghi nhận rằng tác giả Tin Mừng Gioan không chỉ mô tả chi tiết cặn kẽ hai hồ nước Bếtdatha và Silôam, mà còn cả “nơi cư ngụ của thầy Tư tế Tối cao Anna (18:13-18) và dinh thự quan Tổng trấn Philatô (18:28).” Những chi tiết này đã thuyết phục các nhà chú giải Thánh Kinh tin rằng, tác giả Tin Mừng thứ Tư thật sự “biết rất rõ về kinh thành Giêrusalem.” So sánh với ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, tác giả Tin Mừng Gioan “cho [độc giả] thấy một kiến thức sâu sắc và độc đáo” của ngài về thành đô Giêrusalem.

Niên đại – Tin Mừng thứ Tư đề cập trong Gioan 9 truyện một người đàn ông mù bẩm sinh. Người này đã bị trục xuất khỏi hội đường Do Thái bởi ông biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu (Ga 9:22, 34). Chủ đề “trục xuất khỏi hội đường” xuất hiện một lần nữa trong Gioan 12: 42-43. Sau cùng, trong khi đang nói lời từ biệt trong bữa tiệc sau cùng, Đức Giêsu cảnh báo các người môn đệ số mệnh đang chờ đợi ở phía trước. Đó là các ông sẽ bị trục xuất ra khỏi hội đường Do Thái (Ga 16:2). Mà đúng như vậy, bởi những mâu thuẫn về niềm tin vào Đấng Mêsia, những Kitô hữu Do Thái thời tiên khởi đã bị người Do Thái cùng thời trục xuất khỏi hội đường “vào những năm 80 của thế kỷ đầu tiên.” Cả ba sự kiện được trình bày trong Gioan 9, 12, 16 đã chỉ ra một chi tiết khá quan trọng. Đó là, trong khi Tin Mừng thứ Tư đang được viết, cuộc trục xuất người Kitô hữu gốc Do Thái ra khỏi hội đường Do Thái đã xảy ra.

Mảnh giấy cói P52 có niên đại cổ nhất của một cuốn Tin Mừng Gioan được tìm thấy tại Ai Cập vào năm 1920 cũng góp phần quan trọng trong việc xác định niên đại của Tin Mừng thứ Tư. Mảnh giấy cói P52 được các nhà khoa học xác định với niên đại vào năm 125 CN. Đây là một bằng chứng vững chắc chứng minh sự tồn tại của Tin Mừng thứ Tư vào giữa thập niên thứ hai của thế kỷ thứ hai CN. Mảnh giấy cói P52 xác nhận Tin Mừng Gioan phải được viết nhiều năm trước khi Tin Mừng thứ Tư đã được giới thiệu và trở nên phổ biến tại Ai Cập.

Dựa trên những tường thuật về hai sự việc: trục xuất ra khỏi hội đường Do Thái và mảnh giấy cói P52, các nhà chú giải phỏng đoán niên đại của Tin Mừng Gioan vào khoảng sau năm 90 CN. Nhiều vị khác kéo dài khoảng thời gian đến năm 110 CN. Nói chung, niên đại của Tin Mừng thứ Tư nằm ở khoảng thời gian từ năm 90 đến năm 110 CN.
(Trích "Âm Hưởng Truyền Giáo trong Văn Hóa Việt Nam của Tin Mừng Hóa Bánh Mì - Gioan 6", NXB Tôn Giáo, 2022)