Điều Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Chúng Ta Chết?

Dù sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với một sự thật đáng buồn, là vào “một ngày không mấy đẹp trời” nào đó, chúng ta sẽ phải chết! Cái chết ấy dù biết trước hay do tai nạn thình lình, dù được an bình hay trong đau đớn, sẽ là cuộc kết thúc của đời sống mà chúng ta đã và đang biết.

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết? Để trả lời cho câu hỏi nói trên, chúng ta chỉ có thể dựa vào hai nguồn tư vấn: Hoặc là qua kinh nghiệm của con người hay từ lời dạy của Chúa.

Nếu chúng ta nhờ đến kinh nghiệm của con người thì chỉ có những lời phỏng đoán, những tư tưởng và những lý thuyết suông mà chẳng có câu trả lời xác định nào. Đó là vì, tự bản tính của trường hợp này, không con người nào biết đích xác. Những người biết rõ câu trả lời đều đã… chết! Như vậy chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh. Lời của Ngài giúp chúng ta tìm thấy những câu trả lời phong phú và đầy đủ. Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu điều sẽ xảy đến với chúng ta, sau khi chúng ta chết và Ngài đã không để chúng ta phải thắc mắc về điều đó.

Chúng ta có sự trả lời chỉ trong một câu: ĐIỀU SẼ XẢY ĐẾN SAU KHI CHÚNG TA CHẾT TÙY THUỘC VÀO NHỮNG ĐIỀU ĐÃ XẢY RA TRƯỚC KHI CHÚNG TA CHẾT.

Thánh Phaolô đã viết: “Như đã được ấn định là con người ta là phải chết một lần, và sau đó là sự phán xét.” (Do-thái 9:27). Chẳng ai lỡ “cuộc hẹn” này với Chúa và cũng chẳng ai tránh được. Chúng ta không thể biết được khi nào thì sự chết của chính mình sẽ xảy đến.

Liệu những người không tin và không sống theo lời dạy của Chúa, có cơ hội nào sau khi chết không?

Câu trả lời thật đơn giản: Kinh Thánh đã không hề nhắc đến một “cơ hội thứ hai.” Thơ gửi các tín hữu Do-thái (9:27) ở trên đã nói rõ rằng chúng ta chỉ chết một lần và sau đó là cuộc phán xét của Chúa. Chúng ta KHÔNG BAO GIỜ NÊN QUÊN SỰ THẬT NÀY. Cơ hội duy nhất mà chúng ta có thể được cứu rỗi là cơ hội Chúa ban cho chúng ta ngay trong lúc còn đang sống, bây giờ!

Trở lại câu trả lời tổng quát bên trên: Điều sẽ xảy đến SAU KHI chúng ta chết tùy thuộc vào những điều đã xảy ra TRƯỚC KHI chúng ta chết. Chúa Giêsu đã xếp toàn thể nhân loại vào hai nhóm: Những người được cứu rỗi và những người không được cứu rỗi. Được cứu rỗi là những người đã tin tưởng vào Đức Kitô là Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc, đồng thời cố gắng sống theo lời dạy của Ngài. Đơn giản là giữ các giới răn, nhất là hai giới răn yêu thương: yêu Chúa, yêu người. Những người không tin và không sống những điều trên thì không được cứu rỗi, nghĩa là không được vào Nước Trời (Thiên Đàng).

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CỨU RỖI

Kinh Thánh đã nói rất rõ ràng về điểm này. Khi những người được cứu rỗi, khi chết, họ tiến thẳng đến sự hiện hữu của Chúa. Chúng ta nhớ lại những lời của Chúa Giêsu với phạm nhân “được cứu rỗi” cùng bị đóng đinh trên đồi Can-vê với Ngài: “Amen, Ta bảo ngươi: Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta!" (Lu-ca 23:43).

Tuy nhiên, một số rất đông trong chúng ta sẽ đều phải trải qua một cuộc thanh tẩy trong luyện ngục (Purgatory). Sách giáo lý Công Giáo định nghĩa luyện ngục như một cuộc “thanh tẩy, để (các linh hồn) đạt tới sự thánh thiện cần thiết trước khi chính thức đi vào niềm vui của thiên đàng”, mà những người “chết trong ân sủng và sự thân hữu của Chúa nhưng chưa hoàn toàn trong sạch sẽ trải qua” (GLCG 1030). Được ghi nhận rằng: “Cuộc thanh tẩy cuối cùng này của những người được cứu rỗi thì hoàn toàn khác biệt với hình phạt của những người không được cứu rỗi.” (GLCG 1030).

Cần có cuộc thanh tẩy vì, như Kinh Thánh đã dạy: “Nhưng không có gì ô uế hay bất cứ kẻ nào làm điều đáng ghê tởm, gian dối, được vào thành; chỉ có những ai mà tên của họ đã được ghi trong sổ sự sống của Chiên Con.” (Khải-huyền 21:27).

Thánh Phaolô nói: “Tôi ước mong được thoát ly khỏi đời này và được ở cùng Chúa Kitô, đó là điều tốt đẹp bội phần.” (Phi-lip-pê 1:23). Ngài còn nói thêm: “Nhưng chúng tôi can đảm, và thà lìa xa thân xác, để được về nhà với Chúa.” (2 Cô-rin-tô 5:8).

Nhưng đó vẫn chưa phải là toàn thể câu chuyện. Linh hồn, sau khi chịu thanh tẩy, sẽ về thiên đàng với Chúa, còn thân xác thì bị mai táng cho đến ngày được phục sinh, khi Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang. Thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca (4:14) nói rằng: “Vì nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng thế, Thiên Chúa sẽ, qua Đức Giêsu, đưa những kẻ đã an nghỉ về với với Ngài.” Ở đây, chúng ta có cả hai mặt của sự thật: Những Kitô hữu tốt lành đã qua đời thì linh hồn của họ sẽ được sống với Chúa (thực sự nhận biết sự hiện hữu của Ngài); còn thân xác thì “an nghỉ” trong mồ. Thánh Phaolô đã diễn tả sự kết hợp tuyệt vời của linh hồn và thể xác: “Bởi vì khi lệnh vang ra, theo tiếng của tổng lãnh Thiên thần và loa của Thiên Chúa, thì từ trời chính Chúa sẽ ngự xuống, và những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Những kẻ có lòng tin, rõ ràng đã được hứa về sự kết hợp giữa linh hồn và thể xác trong ngày phục sinh.

Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các giáo hữu thành Cô-rin-tô (15:51-55) còn nêu sự thật quan trọng rằng các thân xác sẽ được cho sống lại và “người chết sẽ chỗi dậy không hề bị mục rữa”, có nghĩa là thân xác “phục sinh” (hay thân xác vinh quang) này sẽ được hoàn hảo, không tì vết của sự chết hay sự hủy hoại. Khi thân xác chúng ta được sống lại, đó là thân xác không còn bị phân hủy, chẳng hề bị hao mòn, hay bị gây tổn thương, hay trở nên già nua, hay còn bị đau ốm, và, tạ ơn Chúa, thân xác đó sẽ sống mãi mãi, không bao giờ phải chết nữa!

Nhiều người đã hiểu lầm về sự chết. Họ nghĩ rằng chết là đi từ đất của người sống đến đất của kẻ chết. Sự thật thì ngược lại, nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu, sự chết sẽ đưa chúng ta đi từ đất của những kẻ đang đi dần đến cái chết, để đến đất của những người được sống muôn đời.

Những người tin vào Chúa Kitô luôn luôn đối diện với sự chết trong tín thác. Họ chôn kẻ chết như một biểu dương đức tin về sự phục sinh. Có thể người của thế gian sẽ hỏi, làm thế nào để Chúa cho phục sinh những người chết vì bị thiêu rụi, bị bốc hơi (như nạn nhân của bom nguyên tử) hay tan xác vì một quả bom thật lớn? Xin thưa, đó là việc của Chúa, và với Ngài, chẳng có gì là không thể. (Lu-ca 1:37 và Mát-thêu 19:26).

Một khi thân xác của chúng ta được phục sinh và tái hợp với linh hồn, chúng ta sẽ sống trong Chúa mãi mãi. Bất cứ Ngài ở đâu, chúng ta sẽ ở đó, được hoan lạc, chúc tụng, ngợi khen và cử hành trong suốt cuộc sống vĩnh cửu. Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Tê-sa-lô-ni-ca (4:17) nói: “Chúng ta sẽ được ở với Chúa luôn luôn!” Nói về cuộc giáng thế lần thứ hai, Chúa Giêsu đã phán: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở. Nếu không, Ta đâu có nói với các con là Ta đi dọn chỗ cho các con? Và nếu Ta ra đi dọn chỗ cho các con, thì Ta sẽ trở lại chào đón các con vào sự hiện hữu của Ta, để Ta ở đâu, các con cũng có thể ở đó.” (Gioan 14:2)

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC CỨU RỖI

Những người đã sống và chết mà không có Chúa Giêsu Kitô, họ có lý do để rất sợ chết. Sách “Ông Gióp” - Job (18:14) đã gọi sự chết là “vua kinh hoàng.” Thơ gửi các tín hữu Do-thái (2:14-15) nhắc nhở chúng ta rằng ma quỉ kềm kẹp dân chúng trong nỗi lo sợ về sự chết. Và thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Cô-rin-tô (15:26) đã gọi sự chết là “kẻ thù cuối cùng.”

Có một sự tương tự giữa số phận kẻ được cứu rỗi cũng như người không được cứu rỗi, đó là khi chúng ta chết, thể xác sẽ bị chôn vùi còn linh hồn sẽ đi vào cõi mới. Với những kẻ có lòng tin, sự chết sẽ đưa họ đến với Chúa Kitô. Với người không tin, sự chết bắt đầu một kinh nghiệm khủng khiếp của án phạt đời đời.

Có thể tóm tắt số phận của những người không được cứu rỗi trong bốn đoạn sau đây:

1. Sự chết đưa linh hồn của kẻ không được cứu rỗi đến hỏa ngục, nơi họ sẽ phải chịu khổ hình trong ý thức. Trong Lu-ca (16:19-31), Chúa Giêsu kể câu chuyện một người giàu sau khi chết đã phải xuống hỏa ngục và chịu khổ hình trong lửa đỏ. Không cần biết người ta cho rằng đoạn Phúc Âm này có nghĩa đen hay chỉ có nghĩa bóng. Nếu đó là nghĩa đen thì quả thực hỏa ngục là một cực hình đời đời. Nếu chỉ là nghĩa bóng thì dù là nghĩa bóng cũng đã gây hình ảnh khủng khiếp, nói chi đến sự thật thì còn khủng khiếp hơn nhiều!

2. Hình phạt đời đời trong hỏa ngục là để dành cho những ai không tin vào Chúa hay tin nhưng lại sống bất xứng mà không ăn năn. Thánh Mác-cô (9:43-48) nói về “lửa không hề tắt” và “nơi mà giòi bọ không chết”, một dẫn chứng về sự tiếp tục hiện hữu của nhân tính trong hỏa ngục.

3. Sách Khải-huyền (20:11-15) diễn tả khung cảnh đáng kinh sợ của thân xác những người không được cứu rỗi, họ cũng được phục sinh và ra trước mặt Chúa, nhưng chỉ để công khai nhận án phạt muôn đời.

4. Kẻ không được cứu rỗi sẽ bị ném vào biển lửa muôn đời, vĩnh viễn cách biệt khỏi sự hiện hữu của Chúa Toàn Năng. Chỉ nghĩ đến thôi, đã khiến chúng ta cảm thấy đây là điều không thể chịu nổi. Nếu chúng ta còn nghĩ đến điều này thì hãy, bằng mọi cách chắc chắn, để bảo đảm rằng: Số phận của chúng ta và của những người thân yêu, sẽ không rơi vào tình trạng đau thương mãi mãi như vậy.

Cuối cùng, làm thế nào để chúng ta đối diện với sự chết trong tín thác?

Nếu chúng ra tin vào Chúa Giêsu thì chẳng có gì phải sợ hãi cái chết. Sự chết sẽ đến với tất cả chúng ta, nhưng nếu chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, chúng ta không cần phải sống trong sợ hãi. Sự chết có thể đến nhanh hay chậm, đau đớn hay không, nhưng khi nó đến chúng ta sẽ được đối diện với Chúa Giêsu và mãi mãi bên Ngài, sau cuộc thanh tẩy.

Tiến trình của sự chết thì như là làm một cuộc du hành để đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết, khi cần thiết. Nếu chúng ta cảm thấy thiếu can đảm để đối diện với nó trong lúc này, thì đó là vì chúng ta chưa cần. Khi chúng ta cần sự can đảm, Chúa sẽ ban cho chúng ta và chẳng có gì phải sợ hãi.

Điều sẽ xảy đến SAU KHI chúng ta chết, tùy thuộc vào những điều đã xảy ra TRƯỚC KHI chúng ta chết. Cho nên, hãy tâm niệm rằng chúng ta luôn phải sống cách công chính, sẵn sàng đón nhận sự chết, được vậy thì chẳng có điều gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên về những điều sẽ xảy ra sau đó.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (Tổng hợp)