Nguyễn Trung Tây
Xin Cho Con Thấy - Mark 8:22-26


Trong một ngày bình thường hay bất cứ khi nào đó, tại một góc phố hoặc trong thương xá, ai trong chúng ta cũng có thể tình cờ bắt gặp và trò chuyện với người khuyết tật. Cũng không có mấy ai có những tư tưởng tiêu cực về lý do hoặc nguyên nhân đã dẫn tới tình trạng khuyết tật của người mà mình đang đối thoại hoặc gặp gỡ nơi công cộng. Thí dụ, người đàn ông này chắc chắn đã phạm tội gì đó. Bởi thế, anh đã bị Trời phạt để rồi trở thành người khuyết tật. Tương tự như vậy, khi nhìn thấy một người khuyết tật bẩm sinh trên đường phố, không ai thì thầm vào tai nhau những lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Đời cha ăn nho chua, đời con răng sứt mẻ” (Giêrêmia 31:29). Không! Đó không phải là cách nhìn mà người thế kỷ XXI nghĩ về người khuyết tật.

Tuy nhiên, người khuyết tật vào thời Đức Giêsu thì khác. Khi thấy một người mù bẩm sinh, các môn đệ của Đức Giêsu đã từng hỏi Ngài: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người này hay cha mẹ của anh ta khiến anh ta bị mù từ thuả bẩm sinh?” (Gioan 9:2). Suy nghĩ này có thể xa lạ với độc giả đương thời, nhưng nó được coi là chuẩn mực xã hội thời Cựu Ước: “Người công chính nhận được phước lộc. Kẻ gian ác chắc chắn bị trừng phạt.”

Bởi niềm tin “người công chính được chúc phúc,” người mù, kẻ điếc, người què và phung hủi thời Cựu Ước và thời Đức Giêsu đều bị người đời nhìn vào với những con mắt đầy thành kiến. Bởi khuyết tật, những người bất hạnh bị gia đình và xã hội tẩy chay. Bởi thế, họ trở thành kẻ vô thanh vô ngôn trong xã hội Do Thái. Thậm chí, ngay cả bản thân họ, họ cũng tin rằng họ đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Điều tồi tệ hơn, bởi bị coi là “bọn xấu,” không ai trong xã hội muốn giao du kết bạn với họ.

Nhưng ông mù trong Tin Mừng Mark 8:22-26 gặp Đức Giêsu, và ông nhìn thấy.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con thấy.