Khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 12, vị giáo hoàng cuối cùng thoái vị trước Đức Bênêđíctô, qua đời vào năm 1417, thế giới đã không theo dõi.

Đức Grêgôriô đã thoái vị hai năm trước đó vào năm 1415 và trải qua những ngày còn lại của mình trong bóng tối cách Rôma hàng trăm dặm. Ngài được chôn cất lặng lẽ ở Recanati, một thị trấn gần bờ biển phía bắc Adriatic.

Sẽ rất khác với sự ra đi của Đức Bênêđictô 95 tuổi, người mà Vatican cho biết là đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định sau khi sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi vào dịp Giáng Sinh.

Vatican có những nghi thức phức tạp tỉ mỉ cho những gì xảy ra sau khi một vị giáo hoàng đang trị vì qua đời nhưng không có nghi lễ nào được công chúng biết đến đối với một vị nguyên giáo hoàng.

Sau khi Đức Bênêđíctô qua đời, Vatican ít nhất sẽ phải viết một phần các giao thức mới. Các nguồn tin của Vatican cho biết những giao thức mới có thể là khuôn mẫu cho các Đức Giáo Hoàng khác chọn thoái vị thay vì trị vì suốt đời, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha Phanxicô vào một ngày nào đó.

Những giao thức dành cho một vị giáo hoàng qua đời khi đang trị vì bao gồm một hiến pháp dài 30 trang có tên là “Universi Dominici Gregis,” tiếng Latinh có nghĩa là “Mục tử toàn thể dân Chúa,” và “Ordo Exsequiarum Romani Pontificis, “ (Các nghi thức tang lễ cho một Giáo hoàng Rôma) và một sách lễ dầy hơn 400 trang bao gồm phụng vụ, âm nhạc và những lời cầu nguyện.

Các quy tắc đó nói rằng việc chôn cất một giáo hoàng nên diễn ra trong khoảng từ bốn đến sáu ngày sau khi ngài qua đời như một phần của thời gian để tang kéo dài 9 ngày được gọi là Novendiale.

Các quan chức Vatican, những người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận những vấn đề như vậy, cho biết kịch bản về sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Đức Bênêđictô có để lại bất kỳ chỉ thị và quyết định nào mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đồng ý thực hiện hay không.

Một quan chức Vatican cho biết Đức Phanxicô thường ca ngợi người tiền nhiệm của mình là một vị giáo hoàng vĩ đại đã can đảm thoái vị, vì vậy ngài có thể muốn tiễn biệt Đức Bênêđictô theo nghi thức long trọng nhất có thể, và như thế ngài sẽ hoan hỉ thực thi tất cả các ước muốn của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Vị giáo hoàng cuối cùng qua đời, là Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, được chôn cất vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, sáu ngày sau khi ngài qua đời. Đầu tiên, thi thể của ngài được đặt trong Sảnh đường Clêmentinô có bích họa dành cho các nhân viên Tòa Thánh và sau đó được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô cho công chúng.

Hàng triệu người đã xếp hàng hàng giờ để được gặp ngài, trong sự kiện có lẽ là lớn nhất trong lịch sử Vatican. Đông đảo các quốc vương cũng như tổng thống đã tham dự tang lễ của ngài.

Đầu tiên ngài được chôn cất trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô và sau đó được chuyển đến một nhà nguyện ở tầng chính của đại đền thờ này vào năm 2011 sau khi ngài được tuyên Chân Phước.

Các nguồn tin cho biết nhiều người muốn tỏ lòng kính trọng với Đức Bênêđíctô, là người đã kế vị Đức Gioan Phaolô năm 2005 và đã thoái vị vào năm 2013, vì vậy có thể sẽ có một thời gian để dân chúng tỏ lòng ngưỡng mộ.

Vào năm 2020, người viết tiểu sử được ủy quyền của Đức Bênêđíctô, Peter Seewald, được trích dẫn nói với tờ báo Passauer Neue Presse của Bavaria rằng vị giáo hoàng danh dự đã chuẩn bị một di chúc thiêng liêng nói rằng ngài muốn được chôn cất trong cùng một hầm mộ nơi Đức Gioan Phaolô II đã an nghỉ ban đầu.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ trì lễ tang của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2005 tại quảng trường Thánh Phêrô và Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ chủ trì lễ tang của Đức Bênêđíctô.

Sau cái chết của một giáo hoàng đang trị vì, người phụ trách các công việc bình thường tại Vatican cho đến khi bầu chọn giáo hoàng mới là Hồng Y Nhiếp Chính.

Vị trí hiện do Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan Kevin Farrell nắm giữ nhưng vì Giáo hội có một giáo hoàng và sẽ không có mật nghị bầu chọn người khác nên Farrell sẽ không có vai trò gì cả khi Đức Bênêđíctô ra đi.

Hầu hết công việc, bao gồm cả việc lên chương trình cho một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Vatican, sẽ do Đức ông Diego Ravelli, người chủ trì các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng đảm trách.