Một Số Từ Ngữ Liên Quan Đến Tang Lễ
Có người hỏi tôi: Khi có người từ trần thì người trong gia đình viết “cáo phó”. Vậy “cáo phó” nghĩa là gì? (Cáo phó còn có thể đọc là “phó cáo”).
Cáo có nghĩa là bảo, nói với, nói ra, báo cho biết, trình, thưa, gửi. Phó là báo tin có tang. Cáo phó là báo tang, thư báo tang.
Hiện nay trên trang thông tin của nhiều Giáo phận ở Việt Nam khi báo tin một người nào đó chết ghi là “ai tín” (tin buồn) chứ không ghi là “cáo phó”. Nếu người chết là cha mẹ của một linh mục hoặc tu sĩ đang sinh sống trong giáo xứ thì ở cuối ai tín về góc tay trái có ghi hai chữ “Hiệp thỉnh” và bên dưới ghi danh tính của linh mục chánh xứ của giáo xứ người qua đời. Thỉnh có nghĩa là mời. Thỉnh khách là mời khách. Người xưa nói: “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (Có mời có đến, không mời không đến). Hiệp thỉnh có nghĩa là cùng mời, đồng mời. Ai tín khác với thiệp mời. Ai tín chỉ là cái thư báo tin cho nên ai có thể đến tang gia chia buồn thì đến, còn không đến được thì góp lời cầu nguyện cho linh hồn người quá cố mau về hưởng nhan thánh Chúa. Nếu linh mục chánh xứ muốn có tên trong ai tín để tăng thêm giá trị thì thay vì ghi “Hiệp thỉnh” thì ghi “Đồng kính báo” như vậy nó sẽ hợp lý hơn!
Cuối cáo phó nhiều gia đình ghi: “Tang gia đồng khấp báo”. Có người cho rằng dùng chữ “khấp” là sai, phải dùng “khóc” mới đúng. Trong tiếng Hán, “khấp” có nghĩa là khóc không ra tiếng (khóc trong lòng), còn “khốc” mới là khóc thành tiếng.
Thi hài người chết trước khi đặt vào quan tài được “khâm liệm”. Khâm là cái chăn đắp thi thể người chết. Liệm là bó thi thể người chết bằng vải. Sau đó là “tẫn liệm”. Xác người chết được đặt vào quan tài gọi là “tẫn liệm”. Nhiều nơi vẫn còn lẫn lộn gọi là “tẩm liệm”(Tẩm có nghĩa là ngâm, nhúng, tẩm. Thi hài người chết đâu có ướp, ngâm, tẩm dung dịch gì trước đặt vào quan tài mà gọi là “tẩm”?). Xác chết đã liệm nhưng chưa chôn gọi là “tẫn”, còn có thể đọc là “thấn; tấn”. Đem quan tài đi chôn gọi là “xuất tấn”. Xác chết nhập quan mà chưa đi chôn cũng được gọi là “yên cữu” (áo quan để xác chết gọi là “cữu”).
Trong lúc trò chuyện với anh chủ dịch vụ tang lễ tại một đám tang Công Giáo, tôi nói với anh ta là trong tờ cáo phó có ghi mục “Lễ động quan” kế đến là “Lễ di quan”, riêng với tín đồ Công Giáo không có nghi thức “động quan”. Đối với lương dân họ có nghi thức “động quan”. Trước khi “xuất tấn” khoảng vài ba giờ có lễ động quan, có nghĩa là xê dịch quan tài một chút, thường là xoay quan tài một vòng rồi để lại chỗ cũ.
Trước đây hơn chục năm, người Công Giáo vẫn tuân theo Thọ Mai gia lễ là sau khi nhập liệm mới tiến hành lễ thành phục hay còn gọi là phục tang. Hiện nay nhiều giáo xứ lại chuyển nghi thức phục tang trước lễ nhập liệm. Tang lễ của giáo dân ở Tổng Giáo phận Huế vẫn còn tuân giữ theo Thọ Mai gia lễ của dân tộc Việt Nam. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hô hào “hội nhập văn hóa dân tộc”, cho nên chúng ta không nên phá vỡ nghi lễ truyền thống bao đời của dân tộc ta.
Trong hai ba mươi năm trở lại đây, nhiều gia đình xin lễ giáp 49 ngày sau khi người thân mất. Tôi đã đặt câu hỏi với những người này: Tại sao ông/ bà không xin lễ vào ngày thứ 48 hoặc ngày thứ 50 mà lại phải xin lễ vào ngày thứ 49 sau khi người thân mất? Tôi đã nhận được câu trả lời: Thấy người ta xin lễ 49 ngày, tôi cũng thực hiện như vậy!
Đối với tín đồ Phật giáo họ tin rằng thời gian 49 ngày sau khi chết gọi là “thọ thân trung ấm” có nghĩa là nhiều người chưa được đầu thai cho nên linh hồn còn lẩn quẩn quanh quất đâu đó. Do đó ngày thứ 49 là ngày quyết định để linh hồn tái sinh vào lục đạo luân hồi (6 cõi luân hồi): Cõi trời; cõi thần; cõi người; cõi súc sinh; cõi ngạ quỷ; cõi địa ngục. Do đó ngày thứ 49 sau khi người thân trong gia đình mất, các gia đình Phật giáo thường mời chư tăng đến nhà cúng kinh cầu siêu cho người thân quá cố được tái sinh vào một trong 3 cõi đầu của 6 cõi.
Nếu chúng ta xin lễ cầu cho người quá cố vào ngày thứ 49 sau khi mất, thì tín đồ Phật giáo họ cũng nhầm tưởng bên Công Giáo vẫn tin có thời gian gọi là “thọ thân trung ấm”. Giáo lý Công Giáo dạy không có luân hồi, có nghĩa là Thiên Chúa phán xét ngay lập tức sau khi linh hồn lìa khỏi xác: sống lành thì vào Thiên đàng; sống dữ thì vào Hỏa ngục; những người phạm lỗi nhẹ thì vào luyện ngục.
Giáo dân đến xin lễ giáp 49 ngày, các linh mục vẫn nhận bổng lễ mà không giải thích cho giáo dân hiểu rõ việc xin lễ giáp 49 ngày sau khi mất sẽ làm cho tín đồ Phật giáo hiểu nhầm về giáo lý Công Giáo. Do đó việc xin lễ giáp 49 ngày hiện vẫn còn tiếp diễn.
Theo Thọ Mai gia lễ sau khi chết được 100 ngày thì gia đình làm Lễ Tốt khốc, có nghĩa là đến ngày này thôi khóc, bớt nhớ thương. Ngày này tế lễ một tiệc, rồi thôi không cúng cơm nữa. Người Công Giáo Việt Nam cũng có thói quen xin lễ giáp 100 ngày sau khi mất. Việc làm này hợp với truyền thống văn hóa dân tộc
Hiện nay là thời đại thông tin toàn cầu, cho nên việc dùng từ ngữ cũng cần phải chính xác. Trong tang lễ người Công Giáo Việt Nam cần phải loại bỏ những nghi thức mê tín và tiếp tục duy trì những nghi thức của dân tộc hợp với giáo lý Công Giáo.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông Nha Trang
Có người hỏi tôi: Khi có người từ trần thì người trong gia đình viết “cáo phó”. Vậy “cáo phó” nghĩa là gì? (Cáo phó còn có thể đọc là “phó cáo”).
Cáo có nghĩa là bảo, nói với, nói ra, báo cho biết, trình, thưa, gửi. Phó là báo tin có tang. Cáo phó là báo tang, thư báo tang.
Hiện nay trên trang thông tin của nhiều Giáo phận ở Việt Nam khi báo tin một người nào đó chết ghi là “ai tín” (tin buồn) chứ không ghi là “cáo phó”. Nếu người chết là cha mẹ của một linh mục hoặc tu sĩ đang sinh sống trong giáo xứ thì ở cuối ai tín về góc tay trái có ghi hai chữ “Hiệp thỉnh” và bên dưới ghi danh tính của linh mục chánh xứ của giáo xứ người qua đời. Thỉnh có nghĩa là mời. Thỉnh khách là mời khách. Người xưa nói: “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (Có mời có đến, không mời không đến). Hiệp thỉnh có nghĩa là cùng mời, đồng mời. Ai tín khác với thiệp mời. Ai tín chỉ là cái thư báo tin cho nên ai có thể đến tang gia chia buồn thì đến, còn không đến được thì góp lời cầu nguyện cho linh hồn người quá cố mau về hưởng nhan thánh Chúa. Nếu linh mục chánh xứ muốn có tên trong ai tín để tăng thêm giá trị thì thay vì ghi “Hiệp thỉnh” thì ghi “Đồng kính báo” như vậy nó sẽ hợp lý hơn!
Cuối cáo phó nhiều gia đình ghi: “Tang gia đồng khấp báo”. Có người cho rằng dùng chữ “khấp” là sai, phải dùng “khóc” mới đúng. Trong tiếng Hán, “khấp” có nghĩa là khóc không ra tiếng (khóc trong lòng), còn “khốc” mới là khóc thành tiếng.
Thi hài người chết trước khi đặt vào quan tài được “khâm liệm”. Khâm là cái chăn đắp thi thể người chết. Liệm là bó thi thể người chết bằng vải. Sau đó là “tẫn liệm”. Xác người chết được đặt vào quan tài gọi là “tẫn liệm”. Nhiều nơi vẫn còn lẫn lộn gọi là “tẩm liệm”(Tẩm có nghĩa là ngâm, nhúng, tẩm. Thi hài người chết đâu có ướp, ngâm, tẩm dung dịch gì trước đặt vào quan tài mà gọi là “tẩm”?). Xác chết đã liệm nhưng chưa chôn gọi là “tẫn”, còn có thể đọc là “thấn; tấn”. Đem quan tài đi chôn gọi là “xuất tấn”. Xác chết nhập quan mà chưa đi chôn cũng được gọi là “yên cữu” (áo quan để xác chết gọi là “cữu”).
Trong lúc trò chuyện với anh chủ dịch vụ tang lễ tại một đám tang Công Giáo, tôi nói với anh ta là trong tờ cáo phó có ghi mục “Lễ động quan” kế đến là “Lễ di quan”, riêng với tín đồ Công Giáo không có nghi thức “động quan”. Đối với lương dân họ có nghi thức “động quan”. Trước khi “xuất tấn” khoảng vài ba giờ có lễ động quan, có nghĩa là xê dịch quan tài một chút, thường là xoay quan tài một vòng rồi để lại chỗ cũ.
Trước đây hơn chục năm, người Công Giáo vẫn tuân theo Thọ Mai gia lễ là sau khi nhập liệm mới tiến hành lễ thành phục hay còn gọi là phục tang. Hiện nay nhiều giáo xứ lại chuyển nghi thức phục tang trước lễ nhập liệm. Tang lễ của giáo dân ở Tổng Giáo phận Huế vẫn còn tuân giữ theo Thọ Mai gia lễ của dân tộc Việt Nam. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hô hào “hội nhập văn hóa dân tộc”, cho nên chúng ta không nên phá vỡ nghi lễ truyền thống bao đời của dân tộc ta.
Trong hai ba mươi năm trở lại đây, nhiều gia đình xin lễ giáp 49 ngày sau khi người thân mất. Tôi đã đặt câu hỏi với những người này: Tại sao ông/ bà không xin lễ vào ngày thứ 48 hoặc ngày thứ 50 mà lại phải xin lễ vào ngày thứ 49 sau khi người thân mất? Tôi đã nhận được câu trả lời: Thấy người ta xin lễ 49 ngày, tôi cũng thực hiện như vậy!
Đối với tín đồ Phật giáo họ tin rằng thời gian 49 ngày sau khi chết gọi là “thọ thân trung ấm” có nghĩa là nhiều người chưa được đầu thai cho nên linh hồn còn lẩn quẩn quanh quất đâu đó. Do đó ngày thứ 49 là ngày quyết định để linh hồn tái sinh vào lục đạo luân hồi (6 cõi luân hồi): Cõi trời; cõi thần; cõi người; cõi súc sinh; cõi ngạ quỷ; cõi địa ngục. Do đó ngày thứ 49 sau khi người thân trong gia đình mất, các gia đình Phật giáo thường mời chư tăng đến nhà cúng kinh cầu siêu cho người thân quá cố được tái sinh vào một trong 3 cõi đầu của 6 cõi.
Nếu chúng ta xin lễ cầu cho người quá cố vào ngày thứ 49 sau khi mất, thì tín đồ Phật giáo họ cũng nhầm tưởng bên Công Giáo vẫn tin có thời gian gọi là “thọ thân trung ấm”. Giáo lý Công Giáo dạy không có luân hồi, có nghĩa là Thiên Chúa phán xét ngay lập tức sau khi linh hồn lìa khỏi xác: sống lành thì vào Thiên đàng; sống dữ thì vào Hỏa ngục; những người phạm lỗi nhẹ thì vào luyện ngục.
Giáo dân đến xin lễ giáp 49 ngày, các linh mục vẫn nhận bổng lễ mà không giải thích cho giáo dân hiểu rõ việc xin lễ giáp 49 ngày sau khi mất sẽ làm cho tín đồ Phật giáo hiểu nhầm về giáo lý Công Giáo. Do đó việc xin lễ giáp 49 ngày hiện vẫn còn tiếp diễn.
Theo Thọ Mai gia lễ sau khi chết được 100 ngày thì gia đình làm Lễ Tốt khốc, có nghĩa là đến ngày này thôi khóc, bớt nhớ thương. Ngày này tế lễ một tiệc, rồi thôi không cúng cơm nữa. Người Công Giáo Việt Nam cũng có thói quen xin lễ giáp 100 ngày sau khi mất. Việc làm này hợp với truyền thống văn hóa dân tộc
Hiện nay là thời đại thông tin toàn cầu, cho nên việc dùng từ ngữ cũng cần phải chính xác. Trong tang lễ người Công Giáo Việt Nam cần phải loại bỏ những nghi thức mê tín và tiếp tục duy trì những nghi thức của dân tộc hợp với giáo lý Công Giáo.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông Nha Trang