Thứ Hai sau Chúa Nhật XI TN – 1 V 21,1-16; Mt 5,38-42

Để sống đạo yêu thương đến cùng, xin mạn bàn về các nguyên nhân gây ra cái chết đau thương đầy bất công của Naboth mà bài đọc thứ nhất trích Sách các Vua tường thuật. Theo mạch văn câu chuyện chúng ta nhân ra năm nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân đầu tiên đó là lòng tham vô đáy của vua Acáp. Đã là vua của một nước thì của cải không thể thiếu, thậm chí còn thừa mứa đủ bề. Thế mà Acáp vẫn cứ tham cái vườn nho của Naboth. “Hãy nhượng vườn nho cho Ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Sự tham lam đã khiến vua Acáp xem “rau”, một loại thực phẩm nhỏ của mình lớn hơn cả “nho” là một nguồn sống lớn của Naboth và gia đình.

Nguyên nhân thứ hai đó là quyền lực. Hoàng hậu Giêzabel đã sử dụng quyền lực của chồng, dĩ nhiên có cả quyền lực của bà để thực hiện gian kế cướp vườn nho mà hậu quả thật đáng ghê sợ đó là cái chết của Naboth. Chính miệng lưỡi của bà đã vạch trần sự thật này: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”. Khi sự tham lam được hỗ trợ bằng quyền lực thì hậu quả thật khó lường.

Nguyên nhân thứ ba đó là luật lệ. Luật lệ, cách riêng luật xã hội dân sự có ra chủ yếu là để ổn định các mối tương quan xã hội, gìn giữ sự công bằng, bảo vệ kẻ cô thân, yếu thế, tránh tình trạng “mạnh được, yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”. Luật tôn giáo cũng có vai trò như thế và còn thêm vai trò giúp tín hữu sống niềm tin của mình cách hữu hiệu. Tuy nhiên, vì là sản phẩm do tay con người làm ra nên nhân luật có sự giới hạn và sự bất cập của nó. Thực tế cho thấy đã và đang có đó tình trạng không ít người lợi dụng luật lệ để phục vụ gian kế, để hợp pháp hóa hành vi bất chính của mình. Bà Giêzabel đã lợi dụng luật “lời chứng của hai người” để hãm hại Naboth.

Nguyên nhân thứ tư đó là “những người vô lại”. Thời nào cũng có một số ít người được xếp vào hàng “vô lại” làm công cụ cho những người có quyền chức thực hiện những điều xấu xa. Lịch sử cho thấy nhiều người có quyền cao, chức trọng nếu thiếu lương tri hoặc độc tài thì thường thích sử dụng hạng người này làm công cụ. Hoàng hậu Giêzabel đã dùng hai người vô lại mà Kinh Thánh gọi là “con cái ma quỷ”, là “hạng quỷ sứ” để thực hiện gian kế của mình. Hai người vô lại này đã đứng ra làm chứng gian rằng Naboth đã “nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”.

Nguyên nhân thứ năm đó là sự thiếu hiểu biết và cuồng tín của đám đông dân chúng. Kinh Thánh tường thuật rằng khi nghe “hai tên vô lại” cáo gian thì dân chúng vì thiếu hiểu biết và cuồng tín đã kéo Naboth ra khỏi thành và ném đá ông cho đến chết. Vườn nho của Naboth đã về tay Acáp bằng giá máu của người vô tội.

Ma quỷ không hề biết nghỉ ngơi. Đã lôi kéo con người thì chúng lôi kéo đến cùng. Chính vì thế sự gian ác của con người thường khó có điểm dừng. Để chống lại chước mưu độc hiểm của thần dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải đi đến cùng trong tình yêu. Bài Tin Mừng Giáo hội cho nghe trích đọc hôm nay tường thuật những lời huấn dụ của Chúa Giêsu về điều này. Dùng lối nói theo văn phong ngoa ngữ, nghĩa là nói quá đi để nhấn mạnh điều muốn nói, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vượt qua đòi hỏi sự công bằng giao hoán kiểu “mắt đền mắt răng đền răng” hầu có thể sống yêu thương cách triệt đễ, đến cùng. “Ai vả má bên này thì đưa cả má bên kia. Ai muốn đoạt áo ngoài thì đưa cả áo bên trong…”. Chính tình yêu đến cùng, không có biên giới mới là vũ khí chiến đấu chiến thắng sự gian tà, độc ác của thần dữ và những người theo chúng.

Yêu thương không chỉ là quảng đại chia sẻ những gì mình có cho tha nhân, giới hạn trong việc thương xác 7 mối là cho kẻ đói ăn, cho lẻ khát uống…mà còn phải thương linh hồn 7 mối là răn bảo kẻ có tội, mở dạy kẻ mê muội…Trước mặt Thượng tế Caipha khi một người lính vả mặt mình thì Chúa Giêsu đã không đưa cả má bên kia nhưng Người lại thẳng thừng: “Nếu tôi nói sai thì hãy chỉ ra sai chỗ nào, còn nếu tôi nói đúng thì tại sao lại đánh tôi” (x.Ga 18,23). Chính khi nhận diện rõ và mạnh dạn tố cáo nhiều nguyên nhân hình thành tội ác là chúng ta đang sống đạo yêu thương, đang chiến đấu với thần dữ và những người theo nó.

Hãy biết cẩn trọng với các hình thái tham lam. Cần đề phòng sự tham lam khi nó có quyền lực hỗ trợ. Biết tôn trọng luật lệ nhưng không được thượng tôn và nô lệ lề luật vì ngày Sabbat tức là luật lệ có ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat (x.Mc 2,27). Thời nào cũng có những người tự xếp vào “hạng vô lại”. Hãy nhận diện và canh phòng những người này. Nếu chưa có thể giúp họ hoán cải thì tốt hơn hãy lánh xa, chớ làm dịp cho họ dấn sâu vào tội ác. Và xin chớ cuồng tín, mê lầm mà cứ tưởng rằng mình đạo đức. Hãy sống đức tin cách trưởng thành trong sự ý thức và tinh thần trách nhiệm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột