Lòng Đạo

Lời người dịch

Đã từ lâu, lúc nào tôi cũng thầm cảm phục khi nhìn thấy các cụ ông, cụ bà, và không thiếu một số quý vị trung niên bỏ nhiều thì giờ đến nhà thờ dự lễ, không phải chỉ Chúa Nhật mà cả ngày thường nữa, rồi còn chầu hay viếng Mình Thánh Chúa hàng tuần, lúc ở nhà thì đọc kinh sớm tối cùng con cái cháu chắt. Riêng quý anh chị trung niên—có khi cả thanh niên nữa—bất cứ khi nào có dịp chuẩn bị lễ lậy hay rước sách, thì đều dành nhiều thì giờ, bỏ hết công sức, lăn xả vào giúp một tay. Thật đúng là “nhiệt tâm Nhà Chúa thiêu đốt con” (Gn 2:17; Tv 69:10). Đó là chưa kể đến việc gia nhập các hội đoàn, tập họp đọc kinh hàng tuần, hội thảo hàng tháng, tĩnh tâm hàng năm. Tôi không nghĩ là vì họ rảnh rang, có nhiều thì giờ. Tuy nhiên, rảnh rang không phải là câu trả lời, bởi lẽ có nhiều vị rất rảnh rang, nhưng lại dùng thì giờ làm việc khác, chứ không phải là dành cho các việc liên quan đến nhà Chúa. Trái lại, tôi nghĩ đó là vì họ có lòng tin vững mạnh hoặc lòng đạo sâu xa. Thiếu lòng tin và lòng đạo, các việc đạo đức và giúp việc nhà thờ chỉ là nhất thời, không thể lâu bền, hoặc chỉ làm theo thói quen, cho dù là một thói quen rất tốt. Thực sự, tôi chỉ hiểu lòng đạo một cách chung chung, chứ chưa hề định hình nó trên căn bản giáo lý, hay trên nền tảng thần học.

Cho đến khi đọc bài viết của Tiến Sĩ Jared Staudt đăng trên The Catholic World Report, tôi mới chợt nhận ra “lòng đạo” chính là ‘Virtue of Religion” mà Tiến Sĩ đề cập tới. Tựa đề nguyên thủy của bài viết là “What we owe God: Recovering the virtue of religion” (“Điều ta mắc nợ Chúa: Phục hồi nhân đức tôn giáo”), nhưng tôi xin mạo muội dịch nôm na và đặt lại tựa để cho bản dịch này là “LÒNG ĐẠO” cho dễ hiểu..

Quý vị nào muốn đọc nguyên bản Anh Ngữ, xin vui lòng bấm vào link này: https://www.catholicworldreport.com/2022/05/26/what-we-owe-god-recovering-the-virtue-of-religion/

Thú thật, vừa đọc xong, tôi đã gửi ngay cái link này cho mấy đứa con trong nhà, với hy vọng giúp chúng có thêm hiểu biết và động lực tiếp tục đến nhà thờ, nhất là sau một thời gian dài “xem lễ trực tuyến” ở nhà khiến cho bây giờ cảm thấy như được trớn… ở nhà luôn cho tiện. Thế là mất tiêu cái thói quen đi nhà thờ dự lễ Chúa Nhật, để không biết bao giờ mới hồi phục được tình trạng như trước cơn đại dịch. Cầu mong cho giới trẻ và thế hệ con cháu sẽ mau tìm lại được lòng đạo và giữ nó mãi suốt cả cuộc đời.


***

Chúng ta đã đánh mất thói quen suy nghĩ về việc mình mắc nợ Thiên Chúa một điều gì đó. Nhiều khi tôn giáo đã đặt trọng tâm vào “cái tôi”: đi nhà thờ là để tìm kiếm một sự tự mãn nào đó, nói theo kiểu phương pháp trị liệu. Trong thực tế, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa tất cả mọi sự.

Tôn giáo, theo truyền thống, chính là việc dâng lên Thiên Chúa sự phụng thờ, lời chúc tụng và lòng cảm tạ như trả cho Ngài một món nợ sâu nặng, bởi Ngài đã dựng nên ta và đã cứu độ ta. Theo thần học Công Giáo, điều này được hiểu như một cách biểu lộ sự công bình, khi trả nợ cho Thiên Chúa, điều bao hàm trong cái gọi là “nhân đức tôn giáo”, tức là lòng đạo.

Nói tới nhân đức là nói về thói quen thực hiện một hành động tốt, khiến nó trở thành như một bản tính thứ hai của ta. Tôn giáo trở nên một nhân đức khi chúng ta sẵn sàng và thoải mái trả cho Thiên Chúa điều ta mắc nợ Ngài. Hẳn nhiên là chúng ta không bao giờ có thể trả lại cho Thiên Chúa hết tất cả những gì Ngài xứng đáng theo nghĩa hẹp của đức công bình, cho dù đôi khi chúng ta dám hy sinh để biểu tỏ lòng mình ước ao tự hiến cho Thiên Chúa, nhìn nhận mình hoàn toàn phải cậy dựa vào Ngài cũng như quy hướng mọi sự về Ngài. Theo Thánh Tôma Aquinô thì lòng đạo không chỉ là thờ phượng và phục vụ Chúa, mà còn là quy hướng tất cả mọi hành động mình làm để tôn vinh Chúa, nhờ đó mà biến đổi cả cuộc đời chúng ta trở nên đạo hạnh.

Thế nhưng việc biến đổi cả cuộc đời trở nên đạo hạnh, hay hiến dâng bản thân và mọi việc ta làm cho Thiên Chúa lại hoàn toàn đi ngược dòng với trào lưu văn hóa thế tục hiện thời. Chúng ta thường thích giữ lòng đạo gọn ghẽ trong một xó góc nào đó, hơn kém như chấp nhận một định kiến hoặc cách thức tiêu dùng thời giờ trong buổi sáng Chúa Nhật. Nếu đức tin cứ bị giam hãm như thế, thì cho dù có đến nhà thờ chăng nữa, Kitô hữu chúng ta cũng vẫn có thể sống một cuộc đời thế tục. Thiên Chúa chẳng cần đến một giờ mỗi tuần của chúng ta đâu. Điều Ngài muốn là chúng ta sống trọn vẹn cuộc đời mình với Ngài, trong Ngài và qua Ngài. Thiên Chúa không chỉ đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến Ngài; chúng ta tuyệt đối cần đến Ngài và sự hướng dẫn của ân sủng Ngài. Việc thờ phượng đưa ta vào đúng mối tương giao với Thiên Chúa qua việc nhìn nhận quyền tối thượng của Ngài và khiêm cung đặt chúng ta trước mặt Ngài để hưởng nhận mọi phúc lành từ nơi Ngài.

Mặc dù từ ngữ “tôn giáo” đã từng là một phần trong nền thần học, và vì đó, là một ý niệm căn bản trong lịch sử thế giới, thế nhưng càng ngày chúng ta cảng thấy không thoải mái với nó. Thật là đáng tiếc, “tôn giáo” đã trở thành một từ ngữ xấu, một nguồn gây chia rẽ, một thứ đạo đức giả, thậm chí ngay trong lòng cộng đoàn Kitô hữu, nó đã trở thành một điều ám chỉ nỗ lực của chúng ta muốn vượt lên và chống lại ân sủng của Chúa. Tuy nhiên, tôn giáo vẫn quan trọng, bởi vì chúng ta vừa là tinh thần, vừa là vật chất, vốn cần biểu lộ sức sống nội tâm ra bên ngoài. Hơn nữa, chúng ta còn là một sinh vật mang tính xã hội, có nghĩa là ta không thể thờ phượng Chúa và quy hướng đời sống về Ngài trong tư thế cô độc một mình. Niềm tin Kitô hữu nhất thiết phải bao hàm việc tôn thờ Thánh Thể và các Bí Tích khác nói lên mối tương giao với Thiên Chúa trong cách thức khả xúc của con người có thể xác.

Chúng ta cũng cảm thấy không thoải mái với tôn giáo bởi vì nó có vẻ đưa chúng ra vào một thứ mạng duy tương đối, rối bời những vấn nạn, không hy vọng tìm thấy một sự biện phân nào để biết đâu là sự thật hoặc đâu là cách thức mọi sự đan kết lại với nhau như thế nào. Nếu tôn giáo là một nhân đức luân lý, một phần của đức công bình, thì có thể nói rằng: bản tính con người là có khả năng nhận biết mình phải cậy dựa vào Chúa, phải phụng thờ Ngài cũng như phải quy hướng đời sống về Ngài. Con người chúng ta đã hằng cố gắng thực hiện điều đó, cho dù bản thân ta chỉ rất giới hạn và dễ mắc phải sai lầm.

Con người chúng ta cũng hay thao túng tôn giáo bằng những thói mê tín và tôn thờ ngẫu tượng, cưỡng chế tôn giáo bằng đam mê quyền lực và sở hữu vật chất. Nhưng ân sủng Chúa đã giải thoát cho tôn giáo khi Ngài mạc khải Vị Thiên Chúa chân thật để ta có thể nhận biết Ngài rõ ràng và dậy chúng ta biết thờ phượng Ngài cho đúng cách. Kinh Thánh cho ta thấy tôn giáo chân chính trước tiên qua những hy lễ bất toàn trong Cựu Ước, rồi sau đó là trong sự hiến dâng toàn hảo của Chúa Kitô trên Thập Giá. Chúa Kitô đã khai mở ý nghĩa và mục đích của tôn giáo bằng cách cho thấy rằng điều chúng ta mắc nợ Thiên Chúa chính là phải hoàn toàn hy sinh và tự hiến cho Ngài như của lễ tình yêu. Rốt cuộc, tôn giáo chính là mối hiệp thông mà Thiên Chúa muốn có với chúng ta.

Chúng ta phải khôi phục lại lòng đạo—tức nhân đức tôn giáo—để tập trung trở lại vào quyền tối thượng của Thiên Chúa. Vinh quang Chúa phải tỏa sáng trong đời sống và phụng vụ của Giáo Hội; Ngài chính là Đấng cần thiết nhất của đời sống con người và đất nước chúng ta. Tôn giáo hướng chúng ta về Thiên Chúa như là trọng tâm và thúc bách chúng ta cần phải tức thời khôi phục lại mối giao hảo với Ngài một cách đúng mức bằng việc sắp xếp lại những mối ưu tiên trong đời ta.

31 tháng 5, 2022

Lễ Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Isave

Nguyễn Kim Ngân