Đóng Băng Tâm Hồn

(Lc.16,19-31)

Văn phong dụ ngôn là một loại hình văn chương rất quen thuộc với người Do Thái thời Chúa Giê-su, dù vậy nó không đương nhiên dễ hiểu đối với Ki-tô hữu, kể cả hôm nay. Qua một câu chuyện có thể rất thường nhật, người kể muốn truyền đạt một chân lý nào đó. Chìa khoá để nắm bắt ý tưởng người kể muốn nói, bình thường ta cần chú ý đến câu kết của câu chuyện hoặc một chi tiết nào đó xem ra không ‘lôgich’ với tiến trình của câu chuyện.

Ông nhà giàu trong dụ ngôn trên khi đang trầm luân trong âm phủ (hay hoả ngục) lại có lòng nghĩ đến các anh em đang còn dương thế quả là một chi tiết nghịch lý thú vị. Tuy nhiên cái thú vị này lại hướng chúng ta trở về với ông thời còn tại thế. Gia cảnh giàu có, phải chăng vì ông ta biết cách kinh doanh? Điều này ta không rõ, nhưng Đức Giêsu không minh nhiên kể rằng nhờ làm ăn bất chính mà ông giàu có. Có tiền, có của thì ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình đâu phải là điều đáng lên án. Tuy nhiên điều đáng trách nơi ông ta là cái sự “không thấy” anh Ladarô nghèo khổ, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông đang nhỏ “nước miếng” thèm thuồng của ăn thừa, thức ăn rơi vải từ bàn ăn của ông ta mà chẳng được. Tất thảy vì một lẽ này: nhiều người và cả ông nhà giàu “đã có nhìn mà không thấy”.

Nhìn mà không thấy hẳn có nhiều nguyên nhân, thế nhưng cái nguyên nhân chính ở câu chuyện này hẳn ta phải rõ. Đó là sự vô tâm, lòng dửng dưng của ông nhà giàu trước cảnh tình khốn khổ của đồng loại. Không ai ngây ngô tin rằng nếu ở trần gian này gặp nhiều sự may lành thì mai sau sẽ “xuống hoả ngục” hoặc ngược lại nếu gặp sự khốn khổ ở đời này thì mai sau sẽ “lên thiên đàng”. Chính bởi cái tâm và cung cách sống của ta đối với tha nhân, nhất là đối với bần cùng, khốn khổ mới quyết định số phận chúng ta sau này. Nội dung Tin mừng, đặc biệt Tin mừng Matthêu chương 25 cho ta khẳng định điều này. Quả thật ông nhà giàu trong dụ ngôn đã phải trầm luân dưới âm phủ là vì sự dửng dưng, sự vô tâm của ông trước cảnh tình của anh Ladarô nghèo khổ.

Đọc Tin mừng, chúng ta phải ngạc nhiên, vì có những tội ta xem là lớn và quả thật nó cũng gây tai hại thế mà Chúa Giêsu bỏ qua và tha thứ dễ dàng, chẳng hạn những tội về tính xác thịt. Cả đến tội ngoại tình như chuyện người đàn bà bị bắt quả tang trong Tin Mừng Gioan thì Chúa Giêsu lại ngõ lời rất nhân từ: “Ta cũng không kết tội chị. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Trái lại, Ngài mạnh mẽ lên án sự vô tâm, sự dửng dưng trước người nghèo, người khốn khổ, người tội lỗi.

Tuy nhiên ta phải ngạc nhiên vì câu kết của dụ ngôn trên bằng lờì của Abraham: “Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ chẳng chịu tin” (Lc 17,31). Câu kết này làm ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “họ có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe”(x.Mt 13,10-15). Đúng hơn, họ có nhìn mà không muốn thấy, có nghe mà chẳng chịu tin, tức là nghe theo. Thấy điều phải làm, nghe điều phải đạo mà vẫn làm ngơ hay tìm cách bào chữa hẳn có nhiều nguyên cớ. Cái lý do mà dụ ngôn này muốn nói chính là sự giàu có, nhiều tiền, đầy đủ của cải vật chất, đủ đầy tiện nghi.

Tiền của càng phình ra thì con tim càng bó hẹp lại. Tiện nghi càng đủ đầy thì khoảng cách giữa người với người càng xa. Thực tiễn đời sống đô thị cho chúng ta thấy hiện tượng này. Không thể làm tôi hai chủ được. Khi đã đặt của tiền vào tâm trí thì Thiên Chúa sẽ bị đẩy ra xa và dĩ nhiên tha nhân sẽ chẳng là gì cả. Xin chớ để sự giàu có đóng băng tâm hồn. Nếu xét giàu có là tình trạng sở hữu trên mức bình thường những cái có giá trị về vật chất hoặc tinh thần thì quyền lực, địa vị, thậm chí cả những “công lao đạo đức” cũng có thể khiến chúng ta hóa thành “giàu có” cách đáng tiếc.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột