Hiện đang ở Kiev, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine cho biết bất kể một cuộc tấn công của Nga vào thành phố này sắp xảy ra, ngài quyết tâm ở lại và ở bên người dân như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng.

Phát biểu với SIR, hãng thông tấn chính thức của các giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine vào tháng 6 năm 2021, cho biết ngài đã đưa ra quyết định khó khăn là ở lại Kiev “bởi vì chúng tôi không chỉ là một đại sứ quán”.

“Ở đây tôi đại diện cho Đức Giáo Hoàng trước người dân và các Giáo Hội ở Ukraine. Tôi không chỉ có nhiệm vụ, mà còn có khả năng gần gũi với mọi người. Vì vậy, vị trí của tôi là ở đây.”

Nếu tình hình xấu đi và trở nên “không thể ở lại được về mặt thể lý”, Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết lúc đó ngài sẽ nghĩ đến câu hỏi liệu có nên di tản hay không, “nhưng hiện tại chúng tôi cố gắng ở lại đây, chúng tôi sẽ không di chuyển.”

Hiện tại cuộc chiến ở Ukraine đang chứng kiến nhiều thương vong hơn khi quân đội Nga ngày càng nhắm mục tiêu vào các khu vực đô thị nhằm chống lại lực lượng phòng thủ của Ukraine.

Một đoàn xe của Nga dài khoảng 40 dặm được cho là đang tiến gần đến Kiev, nơi các công dân đã trú ẩn trong các tàu điện ngầm và tầng hầm trong nhiều ngày khi tiếng còi cảnh báo về các cuộc oanh tạc.

Quảng trường Độc lập mang tính biểu tượng của thành phố trong những ngày qua bị rào chắn bằng bao cát và thiết bị chống tăng của Tiệp để chặn đường đi của xe tăng. Các cửa hàng tạp hóa thưa thớt, và các đường phố hầu như không có người ngoài một số ít người xếp hàng chờ đợi ở hiệu thuốc hoặc siêu thị.

Quân đội Ukraine đang tiến hành kiểm tra các gián điệp Nga có thể do thám các địa điểm chiến lược, chặn xe hơi và người đi bộ để thực hiện kiểm tra túi xách và phương tiện.

Cho đến nay, ước tính có khoảng 2,800 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga vào hôm 24 tháng Hai và Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho đến nay đã ghi nhận khoảng 752 thương vong dân thường ở Ukraine, với 227 người thiệt mạng và 525 người bị thương.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ít nhất 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine và hơn 1,500 người bị thương, mặc dù chính quyền Ukraine đang báo cáo tỷ lệ thương vong của Nga cao hơn nhiều.

Những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và khi các lực lượng Ukraine và Nga tham chiến giành Kiev trong những ngày tới.

Nói về tình hình hiện tại ở Kiev, Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết Tòa Sứ Thần Tòa Thánh nằm ở một trong những quận trung tâm, và ngài đang ở đó cùng với hai cộng tác viên và một nhóm nữ tu làm việc ở đó.

Đức Cha Kulbokas nói rằng trong những tuần trước khi Nga xâm lược, các vị cũng như những người khác, dự trữ thức ăn và nước uống để phòng trường hợp tình hình leo thang, nhưng không ai tin rằng chiến tranh sẽ thực sự nổ ra.

“Do đó, chúng tôi sẽ có thức ăn và nước uống trong một thời gian, nhưng chắc chắn không lâu lắm,” ngài nói và lưu ý rằng một số người Ukraine đã bị ảnh hưởng bởi những gì có thể sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

“Những ngày trôi qua, nó sẽ mở rộng ra toàn thành phố Kiev,” và ở các thành phố khác như Kharkiv, nơi đã xảy ra giao tranh ác liệt, và Odessa, Mariupol và Kherson, “tình hình cũng tương tự”.

Tình hình nhân đạo “chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn,” Đức Sứ thần Tòa Thánh nói và cho biết mối quan tâm lớn khác của ngài ngay từ đầu là số phận của những người già và những người bệnh tật.

“Làm thế nào để bạn tiếp tục điều trị trong những tình huống này? Đặc biệt là đối với những người không thể, cũng như không có sức lực để di tản và phải ở lại”.

Đức Cha Kulbokas cho biết cũng có lo lắng cho những phụ nữ mang thai sắp sinh và lưu ý rằng nhiều trẻ em đang được sinh ra trong các hầm trú ẩn dưới lòng đất, không được chăm sóc chuyên biệt hoặc hỗ trợ y tế.

“Thảm kịch hiện nay rất kinh hoàng”.

Đề cập đến nhiều vụ nổ đã được nghe thấy ở ngoại ô Kiev kể từ khi giao tranh bắt đầu, Đức Cha Kulbokas cho biết Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã xác định một số khu vực được cho là “tương đối được bảo vệ tốt hơn” trong trường hợp bị tấn công bằng hỏa tiễn.

Hiện giờ, mọi người đang ngủ trên những tấm đệm mà họ đặt trong nhiều nơi trú ẩn tạm thời khác nhau, bao gồm cả tầng hầm của một số tòa nhà.

Các thánh lễ cũng được cử hành ở những nơi được coi là an toàn, tuy nhiên, Đức Cha Kulbokas cho biết ngài luôn giữ một chiếc ba lô gần đó để đựng những thứ cần thiết: nước, tài liệu và điện thoại, để “sẵn sàng cho mọi tình huống”.

Nói về quyết định ở lại của chính mình, Đức Cha Kulbokas nói rằng việc truyền tải sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng với người dân Ukraine có “một ý nghĩa rất mạnh mẽ đối với tôi, bởi vì ở đây, theo một cách nào đó, chúng tôi có thể cảm nhận được thảm kịch của những người phải hứng chịu súng đạn, lạnh giá, nguy hiểm, thương tích, và thậm chí cả cái chết. “

“Nhưng chúng tôi cũng có thể cảm nhận rất rõ tình đoàn kết giữa những người Ukraine, của tất cả các tín ngưỡng và tôn giáo,” ngài nói và cho biết ngài nhận được một cuộc gọi mỗi ngày từ mufti của Kiev, người hỏi xem họ có đủ thức ăn và nước uống hay không, hoặc liệu họ có cần phải che chở cho ai đó.

Cả người Công Giáo và Chính thống giáo, cũng như người Do Thái, đều làm như vậy đối với nhau trong Giáo Hội của họ. Ngài nói thêm, “Có rất nhiều sự đoàn kết và chứng kiến sự đoàn kết này là một trải nghiệm đẹp và rất mạnh mẽ.”

Đức Cha Kulbokas cho biết họ cũng cảm thấy tình đoàn kết của những người bên ngoài Ukraine, những người đang cầu nguyện cho hòa bình, nói rằng, “Cứ như thể chúng ta, trong những ngày này, là thủ đô tinh thần của thế giới, nơi một mặt, đang có giao tranh nhưng cũng có một mặt khác là phản ứng đẹp đẽ của nhân loại”.

Đề cập đến vô số lời kêu gọi trên mạng xã hội của Đức Giáo Hoàng và cách tiếp cận ngoại giao của ngài đối với cuộc chiến, Đức Cha Kulbokas cho biết ngài đã nhận được vô số cuộc gọi từ mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng và nhiều lời kêu gọi hòa bình của ngài.

Đức Sứ thần Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “chắc chắn là gần gũi với người Ukraine đau khổ, nhưng ngài gần với tất cả mọi người. Đức Giáo Hoàng nói rằng chiến tranh phải ngừng lại, không có lý do nào có thể biện minh cho chiến tranh. Chiến tranh là công việc của ma quỷ và do đó phải cố gắng hết sức có thể để ngăn chặn nó”.

Nhiệm vụ chính của Giáo Hội là “hòa giải tất cả mọi người,” và nuôi dưỡng tinh thần huynh đệ ở mọi phía, Đức Cha Kulbokas nói, bày tỏ mong muốn của mình rằng “mọi người sẽ tham gia vào sứ mệnh lên án chiến tranh, hiệp nhất tinh thần và hòa bình với mọi người. “

Nói về ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine do Đức Giáo Hoàng kêu gọi và diễn ra vào Thứ Tư Lễ Tro, Đức Cha Kulbokas cho biết đây là một cử chỉ rất quan trọng đối với người Ukraine.

“Đôi khi chúng ta nghi ngờ về lời cầu nguyện, như thể đó chỉ là một lời cầu xin cá nhân. Cầu nguyện không chỉ là như thế: nó còn là tình liên đới với những người không phải là tín hữu, là sự gần gũi, là tình anh em. Nó góp phần vào hòa bình vì nó phá hủy chính nền tảng của chiến tranh.”

Ngài nói thêm: “Hãy loại bỏ sự kiêu ngạo, sự thiếu trách nhiệm, và hoán cải, hoán cải mang lại cho chúng ta tinh thần khiêm nhường. Lời cầu nguyện kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với tất cả chúng ta và trong lời cầu nguyện, chúng ta một lần nữa trở nên trong Thiên Chúa, các con trai và con gái của Ngài”.

“Khi Chúa thấy chúng ta như thế này. Ngài không thể thờ ơ và không ban cho chúng ta sự bình an như một ân sủng.”
Source:Crux