Hôm thứ Sáu Đức Hồng Y Charles Maung Bo cho biết “kịch bản ác mộng” về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang “trở thành một khả năng có thể xảy ra” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện, nơi cũng đang xảy ra xung đột, cho biết trong một thông điệp ngày 4 tháng 3 rằng thế giới đang trên bờ vực của “sự tự hủy diệt”.

“Thế giới đứng ở ngã tư hiện sinh. Kịch bản ác mộng về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang trở thành một khả năng có thể xảy ra một cách đáng sợ”, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, đã đưa ra lập trường trên.

“Các cuộc tấn công lớn vào Ukraine và mối đe dọa sắp xảy ra về việc sử dụng Vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đưa thế giới đến ngưỡng cửa tự hủy diệt.”

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 3 tháng 3 báo cáo rằng hơn 1,164,000 người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2. Hơn 55% trong số họ đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 332 dặm với Ukraine.

Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm 3 tháng 3 cho biết văn phòng của bà đã “ghi nhận và xác nhận 752 thương vong dân sự, trong đó có 227 người thiệt mạng – gồm cả 15 trẻ em”.

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay, Hà Lan, ngày 2 tháng 3 thông báo đang mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga.

Trước những thất bại của quân đội, sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt, ông Putin đã nói với các quan chức quốc phòng vào ngày 27 tháng 2 rằng hãy đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng “báo động đặc biệt”.

Đức Hồng Y Bo, tổng giám mục Yangon, thủ đô cũ của Miến Điện, nói rằng cuộc xung đột Ukraine phải kết thúc.

Ngài viết: “Chúng tôi tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc kêu gọi các nhà cầm quyền của Nga - và tất cả những người khác tin vào sức mạnh của bạo lực – hãy giải quyết các vấn đề thế giới thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại tại Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi rất vui mừng trước phản ứng thống nhất của cộng đồng thế giới tại Liên Hiệp Quốc, nơi hơn 140 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại cuộc chiến tranh tiêu hao có nguy cơ hủy hoại an ninh con người, sự tôn trọng đối với các thể chế toàn cầu”.

Quốc gia của vị Hồng Y 73 tuổi, có tên chính thức là Myanmar, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tính đến ngày 3 tháng 3, gần 1,600 người đã thiệt mạng và hơn 12,000 người bị bắt trong chiến dịch trấn áp người biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Hồng Y Bo nói: “Đừng để lịch sử lặp lại trong thế kỷ 21. Thế giới đã phải chịu đựng rất nhiều, phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều của một đại dịch giết chết hàng triệu người, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế, khiến hàng triệu người nghèo khổ. Đây là thời gian để hàn gắn toàn cầu, không phải để gây tổn thương”.

Khi trực tiếp kêu gọi Putin, Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có nhiệm vụ “thúc đẩy hòa bình thế giới và bảo đảm quyền của mọi quốc gia”.

Ngài viết: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công vào Ukraine và quay trở lại Liên Hiệp Quốc để giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. “Hòa bình luôn luôn có thể, hòa bình là con đường duy nhất cho tương lai của nhân loại.”
Source:Catholic News Agency