Cuộc tấn công của Nga vào nhà máy hạt nhân Ukraine cho thấy 'sự liều lĩnh và nguy hiểm trong cuộc chiến của Putin', Bộ Ngoại Giao Úc Đại Lợi nói

Ngoại trưởng Marise Payne nói: 'Thế giới lên án hành vi đó và Úc Đại Lợi mạnh mẽ lên án'

Ngoại trưởng Úc Đại Lợi đã lên án vụ pháo kích vào một nhà máy điện hạt nhân lớn ở Ukraine, nói rằng điều đó cho thấy “sự liều lĩnh và nguy hiểm” trong cuộc chiến của Vladimir Putin.

Chính phủ Ukraine đã báo cáo trước đó vào hôm thứ Sáu rằng quân đội Nga đã “nã đạn từ mọi phía” vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu - và một đám cháy đã bùng phát.

Ngoại trưởng Úc, Marise Payne, cho biết: “Thế giới lên án hành vi đó và Úc cũng mạnh mẽ lên án như vậy”.

Tổng thống Zelenskiy nói 'Âu Châu phải thức giấc' khi pháo của Nga bắn vào nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Các nhà chức trách tại nhà máy cho biết cơ sở đã được đảm bảo an toàn và các quy trình “an toàn hạt nhân hiện đã được bảo đảm” nhưng biến cố này đã thu hút sự quan tâm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Cơ quan này cho biết đám cháy không ảnh hưởng đến các thiết bị “thiết yếu”.

Ngoại trưởng Payne nói với ABC: “Điều đó đối với tôi xem ra hoàn toàn củng cố sự vi phạm triệt để mọi khía cạnh của luật pháp quốc tế và tất cả các khía cạnh của công ước quốc tế, áp dụng ở đây, hiến chương Liên hợp quốc, và cho thấy rõ hành vi trái pháp luật mà Tổng thống Putin đang tham gia vào.”

Ngoại trưởng Úc cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của Úc đang bắt đầu có hiệu lực, với 45 triệu đô la thuộc về một thực thể Nga được chỉ định hiện đang bị “đóng băng trong một tổ chức tài chính của Úc”, mặc dù bà không đi vào chi tiết.

Payne cho biết sự phối hợp của các biện pháp trừng phạt giữa Úc Đại Lợi, Âu Châu, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là “một chỉ số rất quan trọng cho thấy sức mạnh đoàn kết toàn cầu nhằm chống lại các hành động kinh khủng của Nga”.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không tin rằng các hành động trừng phạt của thế giới có thể làm Putin “chùn bước trước những hành động giết người của mình” ở Ukraine, nhưng điều đó không thể ngăn phần còn lại của thế giới “thắt chặt thêm các hành động trừng phạt” đối với nhà lãnh đạo Nga.

Thủ tướng Morrison đã nêu ra “những lo ngại sâu sắc” về sự liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga. Ông nói với đài phát thanh 6PR rằng điều quan trọng là phải gửi một “thông điệp rất rõ ràng đến bất kỳ ai khác, bất kỳ chế độ chuyên quyền nào khác, và chúng ta biết rõ một số người trong số đó ngay trong khu vực của chúng ta… để họ không rút ra bài học sai lầm từ hành động này”.

Thủ tướng Morrison đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Ukraine và Đài Loan - là hòn đảo dân chủ gồm 24 triệu dân mà Bắc Kinh tuyên bố là tỉnh ly khai. Nói cách khác, ông lo ngại rằng Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tấn công Đài Loan vì luôn cho rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn của mình.

Vì thế, ông kêu gọi chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn tiềm tàng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sau khi tham gia một cuộc họp ảo được triệu tập khẩn cấp với những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ - được gọi là Bộ tứ - vào sáng sớm thứ Sáu.

Cuộc họp của Bộ tứ đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “đánh giá những tác động rộng lớn hơn của nó” - nhưng tuyên bố chung do bốn nhà lãnh đạo đưa ra không bao gồm bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào đối với Nga để tránh khó xử cho Ấn Độ; và cho biết các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương phải được bảo đảm “không bị ảnh hưởng bởi quân sự, kinh tế, và cưỡng chế chính trị”.

Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến việc giữ Bộ tứ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cho đến nay nước này vẫn bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Thủ tướng Morrison đã hạ thấp sự thiếu thống nhất với Ấn Độ về phản ứng với Ukraine, và nói rằng ông “sẽ không xếp họ vào cùng loại với Trung Quốc, thậm chí dù là xa xôi”.

Thủ tướng lưu ý rằng Ấn Độ đang kêu gọi chấm dứt bạo lực và nói rằng Úc Đại Lợi cần “làm việc kiên nhẫn với các đối tác của mình”.

Tờ New York Times đưa tin trong tuần này rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nói với tổng thống Nga vào đầu tháng 2 rằng không nên xâm lược Ukraine trước khi Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh kết thúc. Tờ báo dẫn lời các quan chức chính quyền Biden và một quan chức Âu Châu đã trích dẫn một báo cáo tình báo của phương Tây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phủ nhận báo cáo, tố cáo đây là “tin tức giả” được thiết kế để “chuyển hướng sự chú ý và đổ lỗi, một điều hoàn toàn đáng khinh bỉ”. Bộ Ngoại giao cũng đổ lỗi cho việc bành trướng về phía đông của Nato và thái độ của chính quyền Mỹ đối với tư cách thành viên Nato của Ukraine khiến quan hệ với Nga xấu đi.

Payne nói với đài 4BC rằng “cuối cùng là Trung Quốc” đã trả lời các báo cáo, nhưng nói thêm: “Bất kỳ sự hợp tác nào về cuộc xâm lược bất hợp pháp, phi lý và vô cớ này của Nga đều sẽ được quan tâm sâu sắc.”

Lãnh đạo phe đối lập Úc Đại Lợi, Anthony Albanese, cho biết Trung Quốc có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc sử dụng mối quan hệ thân thiết với Nga để thúc đẩy hành động gây hấn này phải chấm dứt.

Trong khi chính phủ Úc Đại Lợi đã nhanh chóng mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chính trị và doanh nghiệp của Nga kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tuần trước, họ cũng đã âm thầm cập nhật các quy định cho phép họ nhắm mục tiêu vào chính quyền quân sự của Miến Điện.

Những thay đổi có hiệu lực vào thứ Bảy, hơn một năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, và nhằm mở rộng “bộ công cụ” có sẵn cho chính phủ.

Các tiêu chí mở rộng sẽ cho phép chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên hiện tại hoặc trước đây của một loạt các cơ quan liên quan đến quân đội, bao gồm Hội đồng Hành pháp trung ương Miến Điện do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing làm Chủ tịch.

Các quy định mới là một bước chuẩn bị giúp dễ dàng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật trong quân đội, nhưng nó vẫn sẽ yêu cầu bộ trưởng Payne đưa ra các quyết định tiếp theo về việc nêu danh tính các cá nhân.

Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc Đại Lợi, hoan nghênh việc tạo ra “một con đường rõ ràng để trừng phạt các cá nhân và thực thể có liên quan đến chính quyền” và kêu gọi chính phủ Úc Đại Lợi hành động “không chậm trễ”.

“ Có rất nhiều điều cần làm với các chính phủ cùng chí hướng sau cuộc đảo chính một năm trước.”

Chính phủ Úc Đại Lợi chưa bao giờ loại trừ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật quân sự của Miến Điện, nhưng họ đã tìm cách duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).

Các nhà lãnh đạo trong khu vực ngày càng tỏ ra thất vọng về việc thiếu tiến bộ trong việc thực hiện “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.
Source:The Guardian