Trong một buổi sáng lạnh giá ở Florence, hàng trăm người hành hương đã tham dự Thánh lễ bế mạc Hội nghị chuyên đề từ ngày 23 đến 27 tháng 2 về Địa Trung Hải. Theo dự kiến Ban đầu, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ này, nhưng ngài đã phải hủy bỏ theo đề nghị của bác sĩ vì đầu gối bị đau.

“Chúng tôi đến đây vì đó là Thánh lễ, và bạn không chọn các linh mục, mầu nhiệm của Thánh lễ là giống nhau, bất kể ai cử hành,” Maria, một trong những người tham dự, đang co mình dưới một lớp áo khoác thật dày nói. Với nụ cười trên môi, cô ấy nói thêm: “Tôi sẽ không phủ nhận, mỗi khi có gió thổi, tôi lại tự hỏi mình tại sao tôi đến tham dự Thánh lễ này, mà không phải đến một trong những nhà thờ ấm áp hơn nhiều trong thành phố!”

Khi được hỏi tại sao cô ấy ở đây, cô ấy đã có một câu trả lời đơn giản.

“Tôi ở đây vì Ukraine,” cô nói, tất cả các dấu hiệu của niềm vui đột nhiên vụt tắt. “Cha tôi kể cho tôi nghe những câu chuyện về chiến tranh. Mẹ tôi dạy tôi cầu nguyện cho hòa bình. Tôi không thể làm gì nhiều để chiến tranh kết thúc. Nhưng chúng tôi tin rằng không có gì mạnh mẽ hơn lời cầu nguyện, phải không? “

Daniella, ở độ tuổi 70, được quấn trong Lá cờ Hòa bình. Cô ấy bất chấp thời tiết bởi vì, “Tôi tin vào hòa bình. Và tôi tin tưởng vào sứ mệnh của các giám mục và các vị thị trưởng, những người đã tập trung những ngày này tại thành phố của tôi. Hòa bình được xây dựng bởi những người thiện chí. Vì vậy, bạn có thể nói với độc giả của bạn rằng tôi ở đây là một dấu hiệu của hòa bình”.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của Perugia, chủ tịch hội đồng giám mục Ý, được giao nhiệm vụ thay thế Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ. Thông thường, khi Đức Thánh Cha không cử hành thánh lễ, ngài sẽ gởi bài giảng của mình cho vị chủ tế đọc trong thánh lễ. Lần này đã không xảy ra như thế.

Đức Giáo Hoàng đã không gửi những nhận xét mà ngài đã chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, và các nguồn tin nói với Crux rằng sự vắng mặt của ngài, cùng với các quan chức Vatican khác, không chỉ liên quan đến cơn đau đầu gối của ngài mà còn liên quan đến sự hiện diện của cựu Bộ trưởng Ý Marco Minniti, Chủ tịch của Med-Or Leonardo, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Bassetti bắt đầu bài giảng của mình với tình huống không thể tránh khỏi ở Ukraine: “Chúa Nhật này, thật không may được đánh dấu bởi tin tức khủng khiếp đến từ Ukraine, Lời Chúa soi sáng cuộc sống của chúng ta. Lời Chúa không làm chúng ta xa rời thực tế, mà ngược lại, yêu cầu chúng ta đi vào trọng tâm của các vấn đề và từ đó đặt nền móng cho một thế giới tốt đẹp hơn”.

Đức Hồng Y trích dẫn thông điệp hòa bình thường được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mỗi cuộc chiến tranh đều khiến thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn những gì trước khi nó xảy ra. Chiến tranh là một thất bại về chính trị và nhân văn, là một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một thất bại khi đối mặt với các thế lực của cái ác”.

“Trong khi một cuộc chiến tranh điên cuồng nổ ra ở Ukraine mang đến chết chóc và tàn phá, đồng hồ lịch sử không muốn dừng lại ở Florence, thay vào đó nó muốn giờ hòa bình và đối thoại liên tục vang lên,” Đức Hồng Y Bassetti đưa ra lập trường trên khi phát biểu trước những người tham gia hội nghị - là 58 giám mục và 65 thị trưởng của vùng Địa Trung Hải.

Đề cập đến Hội nghị chuyên đề về Địa Trung Hải, vị Hồng Y cho biết có một “sự khôn ngoan toàn Địa Trung Hải” mà các dân tộc trong khu vực nên học hỏi một lần nữa, đó là “sự gặp gỡ liên tục”.

Đức Hồng Y Bassetti nói: “Đức tin Kitô giáo cũng không phải là một tập hợp các tín điều hay những xác tín mà là lắng nghe những người đã đi trước chúng ta và so sánh mình với những người bạn đồng hành khác. “Chúng ta cần tiếp tục so sánh mình với Chúa và với những người khác: Khi đóng kín trong sự cô độc của chúng ta, với tư cách cá nhân, Giáo Hội hay dân tộc, chúng ta có nguy cơ tìm ra các giải pháp không phù hợp, nếu không muốn nói là phá hoại.”

Giải quyết một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc họp – là vấn đề di cư - Đức Hồng Y Bassetti nói rằng không ai có thể “thờ ơ” với dòng người di cư lớn đã đặc trưng cho Địa Trung Hải trong vài năm nay.

“Thực tế, Địa Trung Hải, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại, đã trở thành nghĩa trang lớn nhất ở Âu Châu. Trong những năm gần đây, hàng ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bỏ mạng khi lao qua vùng biển này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc chạy trốn khỏi một cuộc chiến tranh. Tình huống khẩn cấp bi thảm này thách thức sâu sắc chúng ta với tư cách là các Kitô hữu và với tư cách là con người”.

Đức Hồng Y cho biết những người di cư phải được giúp đỡ, nhưng cũng cần phải “lật ngược mô hình và câu chuyện về di cư: Họ không chỉ được coi là một vấn đề mà còn là một cơ hội tuyệt vời, một cơ hội để biến các thành phố của chúng ta thành những nơi chào đón và hiếu khách.”
Source:Crux