Nhà thờ, tháp chuông và tiếng chuông bao giờ cũng liên quan mật thiết với nhau. Nhà thờ nơi tôn
nghiêm, tiếng chuông mời gọi gợi cảm thiêng liêng ngân vang từ tháp cao. Nâng lòng lên khỏi vấn vương. Ngày còn nhỏ, dịp Noel, thú nhất và náo nức kêu gọi bạn bè dạo phố, tặng quà, rồi nghé nhà thờ ‘qùi bên hang đá, rầm rì cầu kinh’. Lớn khôn, theo thói quen, nghe tiếng chuông ba lần, vùng chăn, lo mà chạy mau đến nhà thờ ‘giúp lễ hay thưa kinh’. Trên đường đi, vừa đi vừa đọc kinh. Chiều chiều tan trường vội vàng về nhà ‘đỡ việc cha mẹ’. Bây giờ, tuổi đời xế bóng, tiếng chuông âm vang trong lòng ‘xin thứ tha lỗi lầm’ những ngày đã qua.
Nhà thờ, nhà nguyện một lối kiến trúc được các nhà truyền giáo du nhập vào VN từ thế kỷ XVI. Thiên Chúa giáo sớm hòa nhập với các tôn giáo khác và phong tục VN. Có chức năng thờ phượng, có tính cách cộng đồng. Nên nhà thờ luôn có hình thức vươn cao của vòm mái, cùng với tháp chuông. Trải theo thời gian và thăng trầm lịch sử, kiến trúc nhà thờ đã đa dạng khắp miền đất nước. Tới bây giờ nhà thờ còn tiếp tục xây cất. Tiếc là chiến tranh, thiên tai, một số thánh đường, nhà nguyện chỉ là phế tích. Kiến trúc nhà thờ liên quan đến tâm tư, tình cảm của người ngồi tham dự
Tháp chuông là phần quan trọng và kiến trúc, nơi đặt chuông, nơi tiếng chuông vang lên. Tháp chuông thường là nơi cao nhất trong nhà thờ, cũng tượng trưng cho vị trí quan trọng của quả chuông. Và trên dỉnh tháp có Thánh Giá.Tháp chuông là kiến trúc gắn liền với kiến trúc nhà thờ, hoặc độc lập. Kiến trúc kinh điển thường đối xứng, tháp chuông ở giữa hai bên. Tháp và chuông là kỳ công của nhà thờ. Do đó, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đúc luyện kim điêu khắc. Tháp càng cao tiếng chuông càng bay xa.
Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của yên lành, thanh bình, thánh thiện. Chuông nhà thờ báo hiệu giờ kinh lễ cho giáo dân trong những ngày cầu nguyện. Có khi mải mê công việc mà quên kinh hạt. Hình ảnh còn để lại trong tâm trí là : Hai người gác cuốc giữa trưa nghỉ việc đọc kinh, khi nghe chuông nhà thờ báo đọc kinh ‘Truyền Tin’. (x. Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam. Nguyễn Hồng Dương. 1998. Ttr.9-20)
Giáng Sinh vào ngày cuối năm kỷ niệm Chúa sinh ra. Biết bao giai điệu vang lên rộn ràng trên khắp nẻo đường. Mùa Noel tới, tiếng chuông ngân lên ‘vinh danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’.
Phép lành Urbi et Orbi được gọi là của Tân Hoàng, hai lần trong năm dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và dịp đặc biệt, cho thành Roma và thế giới, từ Vương Cung Đền Thánh Phêrô. Phép lành này có từ thời đế chế La Mã. Lần đầu tiên được thấy tại Vương Cung Thánh Đường Latêrô ‘omnium Urbis et Orbis ecclesiarum Mater et Caput’. Ngày 27.3. 2021, ĐGH Phanxicô quyết định ban phép lành Urbi et Orbi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì người Công Giáo phải ở nhà và tạm xa các bí tích. (Vatican News, 27.3.2021)
Chuông Ngân Vang Ca
Tiếng chuông nhà thờ vang lên để chào đón Chúa Giáng Sinh, mừng Chúa Phục Sinh sống lại, mời gọi giáo dân đến nhà thờ cầu kinh, đón tiếp đôi uyên ương, nhắc nhở cho người sống đạp và báo cho biết có thay đổi đời người hai ngả.
Tiếng chuông chào mừng Chúa Giáng Sinh, ấm cúng sưởi ấm chúng ta trong đêm đông giá lạnh, đem lại niềm vui, niềm hy vọng không cho tín hữu mà bao trùm cả nhân loại.
Mừng ngày Chúa sinh ra, nào cùng nắm tay tươi cười
Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui.
Mừng ngày Giáng Sinh an hòa, mừng hạnh phúc cho muôn nhà !
Từ thành phố hay đồng quê, muôn nơi vang tiếng hát vang lừng*
Đêm Noel, đêm Noel ta hãy vui lên !
Đêm Noel ơi đêm ta xin ơn trên hòa bình cho trần thế
Đêm Noel ! chuông vang lên ! chuông giáo đường vang lên
Đêm Noel Đêm Noel ta hãy chúc nhau câu cười (James S. Pierpont. Hoa Kỳ,1822-1893)
Mừng Chúa Phục Sinh. Tiếng chuông hoan hỷ chan hòa đêm vọng Phục Sinh cho chúng ta biết :
Chúa đã sống lại thật rồi,
Chúa đã sống lại thật rồi,
Người ơi vui lên trong tiếng ca
Chúa đã sống lại thật rồi,
Chúa chiến thắng tử thần
Đem nguồn hạnh phúc khắp nơi
Vì đêm qua đã tàn rồi
Giờ vinh quang rạng ngời
Ngày tươi lên ánh vui
Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời
Ngài ban cho khắp trần đời
Mừng hát lên người ơi…(Nguyễn Duy)
Mời gọi và nhắc nhờ đến nhà thờ tham dự thánh lễ cầu kinh sớm chiều. Vào nhà thờ là bỏ mọi sự bên ngoài. Dù mưa hay nắng, ngay cả bão táp. Một mình chìm đắm chung với cộng đoàn bên Chúa. Thiên Chúa luôn muốn mọi người chúng ta được sống hạnh phúc và hưởng ơn lành. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta đánh mất những gì quí giá, mà không kiềm hãm được bản năng thấp hèn mình. Chúng ta để cho cái tôi xấu xí lên ngôi, hoen ố bầu khí yêu thương mà Thiên Chúa muốn. Thiết nghĩ, những lúc gặp khó khăn, chỉ cần ít phút lắng lòng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Chạy đến với Ngài và thân thưa để được bao dung. Chúng ta xác tín rằng, khi đến với Chúa, Ngài dùng ánh sáng tình yêu chiếu rọi vào tâm hồn chúng ta, làm việc lành phúc đức, đáng thưởng công lâu bền.
Đón tiếp đôi uyên ương, hồi chuông ngưng, đôi tân hôn tiến lên bàn qùi giữa gia đình họ hàng hai bên và công khai nhân danh Chúa Ba Ngôi, tuyên bố : Anh (Em) nhận chiếc nhẫn này làm bằng chứng tình yêu và trung thủy của Anh (Em).
Vào những dịp lễ lớn như đêm Giao Thừa, ngày đầu năm, sau hồi chuông dồn đổ, cả nhà thờ dâng lời chúc:
Xin chúc anh một mùa xuân hạnh phúc
Xin chúc em một mùa xuân hy vọng
Ta chúc nhau một mùa xuân ấm êm
Và chúc mọi người một năm mới bình an (Thi Thiên)
Thay đổi cuộc đời hai ngả. Thói quen, tiếng chuông sầu buồn thong thả báo có ai trong xứ đạo qua đời. Chuông giật 7 tiếng cho biết là có người nam hay 9 tiếng là có người nữ lìa đời, phân đôi ngả sống chết. Người Công Giáo luôn có niềm tin lớn và hy vọng vào mai sau, trường tồn. Tiếng chuông thôi thúc mau chóng đến với gia đình và người quá cố. An ủi người còn sống và cầu kinh cho người ra đi. Nay người mai ta.
Sự sống này thay đổi mà không mất đi
Lúc con người nằm yên giấc ngủ
Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười
Nhưng con tin rằng ngài mai trong Chúa
Chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui…(Phanxico)
Trường hợp đặc biệt, tháng 9. 2020, tổ chức ‘Yes to Life’ (Nói có với sự sống) của Công Giáo Ba Lan, xin ĐGH Phanxcicô làm phép quả chuông nặng gần một tấn, mang tên ‘Chuông, tiếng nói của người không được sinh ra’. Ngày 30.6.2021, tổ chức này mới đem chuông từ Roma về Balan, đặt ở nhà thờ Các Thánh. Cha sở là cha Przemyslaw Dray, tuyên úy gia đình giáo phận. Trên chuông, một mặt khắc hình bào thai hài nhi, mặt kia điều răn thứ 5 ‘Chớ giết người’. Chuông để trên giá có bánh xe dễ di chuyển. Từ ngày 30.6, chuông luân phiên đến các xứ thay mặt Giáo Hội gióng lên tiến ‘đừng giết bào thai’. Theo ông Rogdan Romaniuk, phó chủ tịch hội Yes to Life cho biết mỗi năm có tới 42 triệu trẻ em bị giết trên thế giới do phá thai. Hy vọng, từ nay chúng ta làm cho tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người về quyền bất khả xâm phạm, nâng cao nhận thức và đánh thức lương tâm con người. (Vatican News. 1. 7. 2021)
Vụ hỏa hoạn vương cung thánh đường Notre Dame de Paris, 15.4.2019, làm ngọn tháp 68 mét ở giữa mái nhà thờ bị sập hoàn tòan. Con gà trên tháp này đã tìm thấy trong vườn bông bên cạnh sông Seine.
Tiếng Chuông Qua Văn Chương
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa thông điệp, sắc thái, giá trị văn hóa. Mang lại hứng khởi của văn thi nhạc sỹ sáng tác những tác phẩm tuyệt tác để đời.
Các Văn Sỹ đã dùng đề tài ‘Tiếng Chuông’ sáng tác cho dân tình đơn sơ chất phát. Tiếng chuông nhà thờ trở nên quen thuộc với không gian làng quê từ năm nào? Tiếng chuông gắn liền với nhà thờ, xóm đạo, với không gian thanh khiết, tôn nghiêm.
Nhạc sỹ trước tác dân hay thánh ca, chứa đựng tình cảm. Tiếng chuông nhà thờ được ví như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò trung gian, kết nối và chỉ dẫn cho mọi người đến với Chúa, bất kể họ là ai. Và không ai độc quyền sở hữu tiếng chuông. Mà tất cả mọi người được đồng hưởng trong không gian tthiêng liêng tha thiết, nhẹ nhàng, thanh thản để gửi gắm tiếng lòng và niềm tin yêu vào Thiên Chúa.
Nhạc họa sỹ Văn Cao (1923-1995) cất hát lên từ làng quê:
Làng tôi xanh bóng tre và tiếng chuông nhà thở rung. Rộn ràng lòng ai lưu luyến.
Lời tâm sự đơn sơ của Khánh Qùynh trong bài ‘khấn nguyện’ có đoạn :
…Dưới tượng Người con thì thầm nho nhỏ
Xin ngôi sao minh chứng tấm lỏng yêu
Chuông nhà thờ vọng vang mỗi buổi chiều
Chúa Nhật lễ sóng vai vào khấn Chúa
Trong tác phẩm ‘Và Như Cơn Gió Thoảng’của Bảo Chấn viết :
…Và như cơn gió thoảng
Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga
Để em trong giấc mộng cầm tay anh.
Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh ánh sao…
Bản ‘Tiếng Chuông Nhà Thờ’ của nhạc sỹ dương cầm Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993) viết 1946, thời chiến tranh, vẫn âm vang tới nay.
Thánh đường tôn nghiêm.
Giặc sàm tái chiếm
Góc cao đền thánh
Đặt súng thay chuông
Hung ác bạo cuồng
Tàn sát dân lành
Giêsu Maria lạy Chúa tôi
Đây xưa nay ngày nhật những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng chuông buông
Tiếng buông hồi chuông nhắc nhở
Cầu Chúa ban phước ơn lành...
Vô số bài thơ diễn tả tâm tư con chiên ngoan đạo mong sao đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện. Như :
Khi sáng tinh mơ
Chuông nhà thờ đổ
Trên lối mòn nhỏ
Đi lễ vui thay
Khi chiều về đây
Chuông nhà thờ đổ
Hỡi ai sầu khổ
Đến với giờ này
Chuông cất khoan thai
Êm từng tích tắc…
Khi ngày đã qua…
(“Chuông Nhà Thờ”, Peter Hy Tấn, 25.8.2013)
Hay tung tăng bên nhau, trên đường mòn, hẹn hò vui ca cả đêm Noel
Bước theo con đường cũ
Nghe tieng ai vang rền
Dòng người qua tấp nập
Rộn ràng đêm Noel
Em chưa về thăm phố
Phố buồn phố ngủ yên
Để cùng phố lên đèn
Chúa ra đời cứu thế…
(“Đêm Noel Buồn”, DVVKH)
Chiều tan việc, nắng tàn, đón xe về trên sân ga, hay bất cứ nơi nào, tiếng chuông vang dội, gợi nhớ
Sao nơi em về.
Là sân ga…?
Một buổi chiều.
Nắng vừa vội tắt
Chuông nhà thờ.
Vừa gióng ngân nga
Buồn hoàng hôn
Ánh đèn vành hiu hắt
Có ai biết
Mà đón mà đưa
Có ai biết
Mà môi cười mắt rạng
Trôi về đâu
Lời ấm áp
(Đêm Không Thuộc Về. Dulan)
Đổi thay, có quên, nhưng không bao giờ quên tiếng chuông, bao kỷ niệm vấn vương xa gần, từ nhỏ đến lớn khôn.
Đường như đêm sắp tàn
Chuông nhà thờ đổ ngân vang khua rền
Tiếng gà gáy gọi bình minh lên
Giật mình mới mình quên ngủ rồi
Nơi thân xác này cha mẹ cho
Trái tim khối óc lại do Người cầm
(‘Sân Ga Chiều Buồn.Trinhcamle)
‘
Tư tưởng kết luận sau khi viết bài này
Mấy tháng nay khi vắng tiếng chuông vì Covid-19, nhà thờ ít người lui tới. Nhưng đức tin người tín hữu vẫn tỉnh thức và cầu nguyện ‘Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 26, 41). Lúc nào, người tín hữu luôn phó thác cậy trông có ‘Thày đây, đừng sợ” (Ga 6, 20) Nhưng, vẫn nhớ người kéo chuông báo thức, giữ giờ, chờ mong xuất hiện. Bao giờ kéo chuông liên tục lại, hỡi ngươi.
Phó Tế Phạm Bá Nha