Nguồn Mạch Sự Khôn Ngoan

(Thứ Năm sau Chúa Nhật V TN – 1V 11,4-13; Mc 7,24-30)

Theo cái nhìn Kitô học, khi vào trần gian, trong thân phận loài người, tri thức của Chúa Kitô bị điều kiện hóa bởi thời gian, không gian và hoàn cảnh sống. Thỉnh thoảng khi cần thiết, liên quan đến nhiệm cục cứu độ thì Chúa Cha cho Chúa Con làm người “sử dụng” thiên tính để trực kiến chân lý. Bình thường thì Chúa Giêsu cần có đủ thời gian và điều kiện để hiểu biết như chúng ta. Để nhận ra thánh ý Cha trên trời, Chúa Giêsu luôn dành thời gian và tìm không gian thuận tiện để cầu nguyện. Tin Mừng tường thuật rằng Người thường lên núi hay tìm nơi vắng vẻ mỗi sáng tinh sương để cầu nguyện. Người còn chuyên chăm kiếm tìm thánh ý Cha qua Thánh Kinh và qua các biến cố trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay, thứ Năm sau Chúa Nhật V mùa Thường Niên, thánh sử Maccô tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ khỏi đứa con gái của một bà mẹ gốc lương dân, người Hy Lạp, gốc Phênixi, xứ Xyri (x.Mc 7,24-30). Thoạt đầu, Chúa Giêsu từ chối. Người dùng một câu ngạn ngữ thời bấy giờ để khước từ chữa lành: “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (Mc 7,27). Chúng ta đừng quên rằng giai đoạn đầu của cuộc rao giảng Tin Mừng thì Chúa Giêsu chú trọng đến dân riêng được tuyển chọn là Israel. Chính Người đã truyền dạy các tông đồ rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,5-6).

Một lẽ khôn ngoan đã đến với Chúa Giêsu qua miệng của người mẹ gốc lương dân: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn (bánh) của trẻ con” (Mc 7,28). Chúa Giêsu đã nhận ra thánh ý Cha trên trời. Chính lời của bà mẹ lương dân này giúp Người nhận ra công trình cứu độ của Người là vượt mọi biên giới. Người đã nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7,29).

Một người mẹ hết lòng vì con, không chỉ kiên trì “lẽo đẽo” theo thầy Giêsu để khẩn cầu ơn chữa lành mà con sẵn sàng “chịu lòn” trước lời từ khước xem ra khó nghe, thì chắc chắn đang ở trong ân sủng cách nào đó. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai yêu thương với một tình yêu hướng tha thì ở trong Thiên Chúa. Ở với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự khôn ngoan thì người biết yêu thương cách vị tha, vô cầu sẽ có được sự khôn ngoan cần thiết.

Bài đọc thứ nhất trích sách các Vua kể lại chuyện vua Salomon khi về già vì xa lìa Thiên Chúa, biểu lộ qua việc ông yêu mình, cưới lấy nhiều vợ ngoại bang mà bỏ quên dân nước nên ông đã đánh mất sự khôn ngoan. Một vị lãnh đạo đất nước mà đánh mất sự khôn ngoan thì hậu quả thật tai hại. Thánh Kinh ghi rõ chính Salômon vì mất khôn ngoan nên đã dẫn đưa đất nước đến cảnh tình đáng tiếc là phân ly thành hai quốc gia ngay sau khi ông băng hà.

Thánh Âugustinô nói: “Hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm”. Khi biết yêu thương với tình yêu hướng tha, sẵn sàng quên mình thì lẽ khôn ngoan sẽ hiện rõ nơi hành vi và lời nói của chúng ta. Cha ông chúng ta cảm nghiệm hiện thực: “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai. Người sắp chết nói lời lẽ phải”. Ai trong chúng ta cũng muốn mình có được sự khôn ngoan trong hành động và lời nói. Thiết tưởng rằng khi sống trong tình trạng ân sủng, khi biết kết hiệp với Thiên Chúa Tình yêu, thì chúng ta sẽ biết hành xử, nói năng cách khôn ngoan, hữu lý và phải đạo. Bên cạnh đó cần noi gương Chúa Giêsu để tỉnh thức đón nhận lẽ khôn ngoan vốn thường là thánh ý Thiên Chúa. Xin đừng quên lẽ khôn ngoan không luôn khởi đi từ người quyền cao chức trọng nhưng luôn từ những tấm lòng đầy tràn tình yêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột