Nhân ngày đầu năm, chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một tin tốt lành từ Giáo Hội ở Anh và xứ Wales.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Anh và xứ Wales đang loại bỏ các hạn chế được áp đặt trước đây để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales cho biết bắt đầu từ ngày 27 tháng Giêng, việc đeo khẩu trang y tế trong các nhà thờ sẽ là tùy chọn thay vì bắt buộc, và sẽ không cần giữ khoảng cách xã hội. Các giáo xứ có thể bắt đầu sử dụng các bài thánh ca; việc trao bình an bằng cách bắt tay nhau sẽ được tái tục trở lại; và các bình nước thánh được đổ đầy lần đầu tiên sau gần hai năm.

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, rơi vào ngày 2 tháng Ba, các linh mục sẽ có thể dùng ngón tay cái để xức tro thay vì phải dùng một miếng tăm bông như hai năm trước đây. Các linh mục cũng được dùng tay trong bí tích xức dầu bệnh nhân.

Việc nới lỏng các hạn chế tương ứng với quyết định ngày 26 tháng Giêng của chính phủ Anh kết thúc các hạn chế trong “Kế hoạch B” được đưa ra để đối phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Với đa số người lớn ở Anh được tiêm vắc xin COVID-19, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này hiện đang ở mức rất thấp và có rất ít áp lực đối với các dịch vụ y tế.

Trong một tuyên bố được phổ biến trong các nhà thờ và trên các phương tiện truyền thông, các Giám Mục Anh và xứ Wales nhận định rằng đã đến lúc mọi người phải sống chung với virus. Tài liệu của Bộ Y Tế Anh đã giải thích một số từ ngữ được nêu trong quyết định ngày 26 tháng Giêng.

Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, vào năm 2020, công chúng đã được nghe một số từ ngữ mới để hiểu về vi rút và tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Ba từ ngữ nổi bật là Epidemic, Endemic, Pandemic

Epidemic – hay Bệnh Dịch

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, mô tả bệnh dịch là sự gia tăng bất ngờ về số ca bệnh trong một khu vực địa lý cụ thể. Bệnh sốt vàng da, bệnh đậu mùa, bệnh sởi, và bệnh bại liệt là những ví dụ điển hình về bệnh dịch xảy ra trong suốt lịch sử thế giới.

Đáng chú ý, một bệnh dịch không nhất thiết phải truyền nhiễm. Ví dụ, bệnh sốt ở Tây sông Nile và sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ béo phì cũng được coi là bệnh dịch.

Theo nghĩa rộng hơn, dịch bệnh có thể đề cập đến một căn bệnh hoặc hành vi cụ thể khác liên quan đến sức khỏe,ví dụ như hút thuốc lá, khi nó xảy ra với tầm mức cao hơn mức dự kiến trong một cộng đồng hoặc khu vực.

Pandemic - Đại Dịch

Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, tuyên bố đại dịch khi sự phát triển của bệnh tăng theo cấp số nhân. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng tăng vọt, và mỗi ngày các ca bệnh tăng hơn ngày trước đó.

Khi được tuyên bố là một đại dịch, chúng ta chứng kiến sự lây lan nhanh chóng trên một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng đến một số quốc gia và dân số.

Endemic - Đặc Hữu

Khi một bệnh dịch bùng phát hiện diện thường xuyên nhưng chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể, và mức độ lây lan có thể dự đoán được, thì bệnh dịch ấy được cho là trong tình trạng endemic, hay đặc hữu.

Ví dụ, bệnh sốt rét được coi là đặc hữu ở một số quốc gia và khu vực.

Đức Hồng Y Vincent Nichols cho biết “Sự đồng thuận về mặt khoa học là xã hội đang tiến tới giai đoạn mà vi rút đang chuyển từ giai đoạn đại dịch, sang giai đoạn đặc hữu, nhưng… vẫn có nguy cơ gắn liền với việc tụ tập kéo dài trong không gian kín và do đó, cần phải tiếp tục thận trọng chống lại sự lây nhiễm.”

“Tuy nhiên, điều này phải được cân bằng với nhu cầu tiến lên một cách an toàn theo lối sống bình thường, và hai quan điểm này sẽ luôn luôn đối chọi một cách căng thẳng. Cân bằng hai căng thẳng này là chìa khóa để sống an toàn với COVID-19, tức là làm sao giữ cho sự lây nhiễm từ một loại vi rút không thể loại bỏ, giảm thiểu, hay làm gián đoạn cuộc sống bình thường của mọi người.”

Ngài nói thêm rằng trong khi việc giảm bớt các hạn chế được áp đặt trong 2 năm qua “mang lại một cách sống bình thường hơn, vi-rút COVID-19 vẫn đang hoành hành, và điều này nên được ghi nhớ trong tâm trí của những người tham gia vào cuộc sống của Giáo Hội. Cần có sự cân bằng giữa nhu cầu an toàn cá nhân và tinh thần trách nhiệm về sự an toàn đó”.

Các giám mục Anh và xứ Wales ủng hộ việc tiêm phòng và khuyến khích mọi người tiêm vắc xin như là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại việc lây nhiễm vi rút và nói thêm rằng ai mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào cũng nên ở nhà.

Ngài cũng khuyên rằng các nhà thờ “nên tiếp tục bảo đảm có hệ thống thông gió tốt, cân bằng điều này với nhu cầu sưởi ấm cho nhà thờ, đặc biệt là vào thời điểm này”.

Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm các thừa tác viên thánh thể tiếp tục vệ sinh tay và thay nước thánh thường xuyên được mọi người sử dụng khi ra vào nhà thờ.

Hiện nay, các linh mục được khuyên chỉ nên cho rước lễ dưới một hình thức duy nhất là Bánh Thánh thay vì cả hai hình thức như trước đây.
Source:CNA