Cùng Đức Mẹ Ma-ri-a lên đường

(Suy niệm Chúa nhật 4 Mùa Vọng C)

Kính thưa, chúng ta tự hào là người Công Giáo, lại còn tự hào hơn nữa vì chúng ta có Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Giê-su và cũng là Mẹ của tất cả mọi người chúng ta. Sau đây, chúng ta cùng nghe cuộc đối thoại giữa một linh mục Công Giáo với một mục sư Tin Lành:

Cha Ram, một linh mục Dòng Tên có tài ứng đáp lanh lẹ, với tinh thần vui vẻ, một hôm cha nói với một vị mục sư Tin Lành phái Luther:

-"Ông mục sư ơi, người Công Giáo chúng tôi khác với anh em Tin lành các ông: Chúng tôi luôn giữ được nét mặt tươi tắn, vui vẻ. Còn các ông, các ông lúc nào cũng có vẻ rầu rĩ làm sao ấy..."

- “Đúng rồi”, vị mục sư thú nhận và hỏi : “Linh mục nhận xét hay thật, xin linh mục cho tôi được biết lý do tại sao đi?”

Cha Ram bình tĩnh trả lời :

-“Ồ được, tôi sẽ nói cho mục sư rõ ngay đây, thưa mục sư :

Trong một gia đình, vai trò của bà mẹ vô cùng quan trọng, khi bà còn sống thì con cái vui vẻ nhanh nhẹn... Lúc bà mất đi, đàn trẻ đâm ra ủ rũ, trầm mặc, buồn sầu... Theo chủ trương canh tân của Tin Lành, các ngài không còn mẹ nữa! Người Công Giáo chúng tôi có Mẹ Maria : Người là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi vui vẻ. Còn quý ngài, quý ngài không có người mẹ ấy nên quý ngài khô khan buồn bực.” (Sưu tầm), Vậy,

1. Lên đường để làm gì?

Hôm nay, chúng ta bắt gặp một hình ảnh của một người nữ ‘bụng mang bầu bí’ vội vã và sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại để đi đến thăm viếng người chị họ Elisabeth. Một sự khấn trương dầu trên mình đang mang bầu nơi Mẹ Maria. Một sự phấn khích nơi Mẹ khi có Chúa ở cùng Mẹ. Mẹ đã không dừng lại ở việc lãnh nhận niềm vui cho chính mình nhưng đã sẵn sàng ra đi để chia san niềm vui có Chúa với tha nhân, cụ thể là với người chị họ của Mẹ. Quả thật, có Chúa, có niềm vui, có bình an và hạnh phúc, được khởi thúc, thúc bách lan tỏa, vì ‘niềm vui chia sẻ niềm vui nhân’, Mẹ Maria đã lên đường để truyền rao niềm vui.

Đức Maria đã không chỉ lên đường để loan báo tin vui, tin bình an, mà còn lên đường để phục vụ. (Và Đức Ma-ri-a ở lại độ 3 tháng để phục vụ người chị họ khi chị họ đau đớn, sinh nở...). Đức Maria lên đường để hiện diện-hiện diện, để trao ban bình an - “Đến nhà nào hãy nói: bình an cho nhà này”. (x.Lc 10,5). Lên đường để gặp gỡ, là đối thoại, là nối kết, là hiệp nhất, là bao dung, là đồng cảm với sẻ chia, thay vì hận thù, chia rẽ, ghen ghét, ích kỉ, chiếm đoạt, buồn bực, gieo rắc bất hòa, bất thuận, loại trừ và nói xấu nói hành...Một sự gặp gỡ đầy niềm vui giữa hai người bà mẹ và hai đứa con. Niềm vui của hai bà mẹ cũng là niềm vui của hai hài nhi. Niềm vui của Mẹ Maria và niềm vui của bà Elisabeth cũng là niềm vui của Đấng Cứu Thế và Vị Tiền Hô, Gioan.

Để làm được như Đức Ma-ri-a, chúng ta phải làm gì? Sở dĩ Đức Mẹ vội vã cũng như mau mắn mà không ngần ngại đường sá xa xôi và hiểm trở để đi đến với chị họ Elisabet là vì có Chúa ở cùng. Có Chúa ở cùng là có sức mạnh, có Chúa ở cùng sẽ tràn trề niềm vui và bình an. Có Chúa ở cùng là có sự thôi thúc, vì “tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Thật vậy, không thể không lên đường, không thể không sẻ chia và sẵn sàng trao ban, một khi đã tràn trề tình yêu, niềm vui và bình an của Đức Ki-tô.

2. Để sẵn sàng lên đường, chúng ta cần có những điều kiện nào?

Như Đức Maria đã sẵn sàng lên đường đến với người chị họ Elisabeth, là nhờ có sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô trong lòng. Cũng vậy, để mỗi chúng ta sẵn sàng lên đường để loan báo Tin mừng và truyền rao bình an, chúng ta cũng cần có sự hiện diện của Đức Ki-tô và sức mạnh của Ngài. Nhưng làm sao chúng ta có được sự hiện diện của Đức Ki-tô trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta?

Quả thật, một khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội là chúng ta được ghi danh Ki-tô trên mình và trong tâm hồn chúng ta. Chính vì thế, chúng ta có danh hiệu là Ki-tô hữu. Ki-tô hữu là người có Chúa Ki-tô ở cùng, là người thuộc về Chúa Ki-tô chứ không thuộc về ai khác, là người lắng nghe Lời Chúa Ki-tô và có Chúa Ki-tô sống trong mình. Vì thế, mỗi ngày, chúng ta không ngừng gặp gỡ Ngài và đón nhận Ngài ngang qua các giờ kinh, cầu nguyện sáng tối, nhất là ngang qua việc năng tham dự ‘bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể’ nơi thánh lễ Mi-sa và ngày lễ Chúa nhật. Như chúng ta thường nói “ năng mưa thì giếng năng đầy, con năng đi lại mẹ thầy năng thương”, cũng vậy, để có Chúa luôn hiện diện và trao ban lòng thương xót cho chúng ta, chúng ta phải thường xuyên tìm gặp Ngài trong mọi nơi và mọi lúc.

Vì thế, một khi đã gặp gỡ được Chúa Ki-tô rồi, chúng ta không thể sống khô khan, sống bê tha, tội lỗi, trộm cắp, ngoại tình, bất hoà – bất thuận, kiêu căng, ích kỷ, tham lam, độc ác, buôn gian bán lẫn, hỗn láo mất nết, bất hiếu và bất trung,…nhưng biết yêu thương và tha thứ, bao dung và quảng đại, sẻ chia và phục vụ như Đức Maria. Thật vậy, đôi tay chúng ta vừa đụng chạm Mình Thánh Chúa không thể lại trở nên dụng cụ của sự đánh đập nhau và làm những điều xấu, nhưng biết trao ban và giúp đỡ tha nhân. Đôi môi và miệng lưỡi vừa rước lấy Đức K-tô không thể lại nói xấu, nói hành, nói tục và chửi thề, nhưng biết nói lời yêu thương – tha thứ cho nhau. Con tim hay cõi lòng chúng ta vừa rước lấy Đức Ki-tô không thể chất chứa những ghen tương và xấu xa, nhưng phải được biến đổi để biết chạnh lòng thương và cảm thông với anh chị em đồng loại.

Mặt khác, toàn thể Giáo hội đang mời gọi chúng ta hướng tới Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành 2021 -2023, hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông- tham gia và sứ vụ. Quả thật, hôm nay giáo xứ chúng ta đang thay cho toàn thể giáo phận để suy tôn Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiệp thông. Làm sao hiệp thông được với nhau nếu chúng ta không cùng nhau tham gia, cùng nhau cử hành, cùng nhau quy tụ. Vì thế, sẽ không bao giờ có sự hiệp thông với nhau được nếu thiếu đi tình hiệp nhất, thiếu sự nên một, thiếu sự hợp tác và đồng lòng. Mặt khác, một khi đã trở nên hiệp thông với nhau rồi thì chúng ta không thể không ra đi, trao ban và sống sứ vụ: sứ vụ loan báo Tin Mừng, loan báo sự hiệp nhất và yêu thương. Sứ vụ phổ quát mà mỗi chúng ta đều được đón nhận khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đó là vai trò ngôn sứ: nói Lời Chúa, rao giảng lời Chúa; Sứ vụ tư tế: cùng nhau cử hành lễ tế dâng lên Thiên Chúa; và sứ vụ quản trị: có vai trò cai quản và hưỡng dẫn đức tin trong bổn phận của mình. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi đón nhận bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp thông. Quả thật, Thánh lễ phải là “trung tâm của toàn thể đời sống Kitô giáo” (QC 16), là “nguồn mạch tột đỉnh của đời sống kitô hữu” chúng ta.(LG 11). Vì thế, chúng ta được đón nhận nhưng không phải cho không; được yêu thương, phải yêu thương và được tha thứ thì phải sống tinh thần tha thứ. Lời Kinh Lạy Cha đã nêu rõ mỗi khi chúng ta đọc lên mỗi ngày: “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Hơn nữa, như vị thánh trẻ Carlo Acutis đã nói: bí tích Thánh Thể là “con đường cao tốc dẫn đến thiên đàng”, mỗi ki-tô hữu chúng ta cũng phải ý thức tầm quan trọng của nguồn ân sủng của Bí tích này để mỗi ngày biết dọn mình sạch sẽ ngang qua việc gột rửa những tội lỗi xấu xa để Chúa dễ dàng ngự vào trong ‘hang đá tâm hồn’ mỗi ngày, như xưa Ngài đã ngự vào trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ đó, chúng ta có đầy tràn và chan chứa niềm vui cũng như bình an hầu mau mắn để lên đường như Đức Maria đem Chúa đến cho tất cả mọi người, nhất là những ai đang sống trong cảnh tối tăm mù tối và nghèo đói.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương