Con phải làm gì trong Mùa Vọng?

(Suy niệm Chúa nhật III Mùa Vọng C)

Một cậu bé một lần nọ quyết định sẽ đi gặp bằng được thiên thần. Cậu biết rằng chuyến đi sẽ dài và vất vả lắm nên xếp vào túi xách bánh và nước uống. Khi đã đi qua ba dãy phố, cậu bé gặp một bà cụ. Bà ngồi trong công viên, đôi mắt dừng lại ở những chú chim bồ câu. Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở túi xách của mình. Hình như bà lão đang đói, cậu bé nhận ra điều này và mời bà một chiếc bánh. Bà lão cười với cậu. Nụ cười dịu dàng đến nỗi cậu bé muốn nhìn thấy nó hiện ra lần nữa. Cậu lại mời bà thức uống. Nụ cười lại hiện ra trên khuôn mặt phúc hậu của bà làm cậu cảm nhận được sự ấm áp. Họ ngồi suốt buổi chiều ăn uống và mỉm cười nhưng không nói một lời. Mãi đến khi trời sụp tối cậu bé mới rời chỗ. Rồi bất ngờ cậu quay lại, chạy đến chỗ bà lão và ôm lấy bà từ biệt. Món quà mà bà lão đã tặng cho cậu là nụ cười đẹp và rộng mở nhất của mình. Khi cậu bé mở cửa vào nhà, người mẹ vô cùng ngạc nhiên vì nét rạng rỡ còn ngập tràn trong ánh mắt cậu: “Điều gì hôm nay đã làm cho con hạnh phúc vậy?". Cậu bé đáp: “Con đã ăn trưa với thiên thần. Mẹ biết không, người có một nụ cười lấp lánh nhất trên đời!”. Trong khi đó bà lão cũng bừng tỉnh với niềm vui và trở về nhà. Đứa con trai nhận ra vẻ thanh thản trên gương mặt mẹ và hỏi: “Điều gì hôm nay đã làm mẹ hạnh phúc?”. Bà lão đáp: “Mẹ đã ăn bánh cùng với thiên thần bên cạnh những chú chim bồ câu. Con biết không, người trẻ trung hơn chúng ta ngờ rất nhiều”. Đối với các con việc dọn đường Chúa đến, đâu cần những việc to lớn mà là công việc rất thường ngày của các con. Các con làm tốt những gì đang làm là: Học hành, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ bạn bè, chia sẻ với bạn bè và với những người các con gặp gỡ. Chúa đến nơi cha mẹ, nơi bạn bè, nơi những người các con gặp gỡ thường ngày phải không các con?

Thánh sử Lu-ca 3, 10-18 hôm nay phác hoạ cho tất cả chúng ta một bối cảnh là dân chúng quy tụ quanh ông Gioan Tiền Hô để hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?”Ông trả lời : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông:“Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.”Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ:“Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”(x. cc.10-15). Sau khi nghe Gioan giảng dạy, hãy sửa đường cho ngay thẳng để Chúa đi và ăn năn sám hối để được ơn tha tội, dân chúng đã nhận ra những sai lỗi, những bất toàn và những yếu đuối của mình mà chạy đến với Gioan để được hướng dẫn cách thức sống tốt lành. Trong các điều nói trên, phải chăng chúng ta được nhắc nhở đến việc sống cho tha nhân, sống cho người khác, sống cho người nghèo, sống cho những người bị loại ra khỏi lề xã hội, sống cho những hoàn cảnh éo le bệnh hoạn tật nguyền,…Sống là sống cho, sống vì và sống với người khác. Không ai sống cho chính mình nhưng mỗi người được mời gọi hãy sống cho người khác ngang qua việc quan tâm và giúp đỡ họ.

Quả thật, chúng ta đón chờ Chúa không phải chỉ ngồi đó mà không làm gì, nhưng tiên vàn hãy biết sống, sống quảng đại, sống bao dung và vị tha đối với anh chị em đồng loại. Có thể nói rằng đón chờ Chúa được cụ thể hoá nơi việc đón nhận tha nhân vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa; vì mỗi người đều là hình ảnh Đức Giê-su nhập thể đang hiện diện cách thiết thực với chúng ta. Chúng ta không thể gặp Chúa nếu không gặp gỡ anh chị em của chúng ta. Vì anh chị em chúng ta mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày mà chúng ta không yêu thương thì làm sao chúng ta có thể gặp được một Thiên Chúa vô hình, một Thiên Chúa mà chúng ta không nhìn thấy. Vì thế, mến Chúa là phải yêu người. Như thế, chúng ta sẽ không bao giờ gặp Chúa được nếu chúng ta ghét bỏ, loại trừ người khác.

Chúa nhật III Mùa Vọng là Chúa nhật của niềm vui. Vui vì Chúa sắp đến gần. Vui vì chúng ta có niềm hy vọng. Vui vì chúng ta sắp được cứu độ. Vì thế, thái độ cần có để đón Chúa là thái độ vui vẻ và hoan hỉ. Như vậy, nếu chúng ta sống trong thái độ hay tâm trạng buồn phiền thì sẽ không xứng hợp để gặp gỡ Chúa và đón nhận anh chị em. Vì thế, như bài đọc II đã nhắc nhở chúng ta: “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 4,4-7). Vậy, một ki-tô hữu đúng là một ki-tô hữu của niềm vui. Vui vì có Chúa ở cùng. Vui vì Chúa luôn đồng hành. Một khi có Chúa ở cùng và đồng hành thì trong mọi sự dù khó khăn hay thành công, buồn bã hay hân hoan, đau thương hay mạnh khoẻ,…chúng ta cũng được mời gọi sống niềm vui trong sự tin yêu và phó thác. Quả thật, một ki-tô hữu buồn là một ki-tô hữu đáng buồn. Làm sao chúng ta phải buồn được khi chúng ta có Chúa Giê-su là chủ cuộc đời của chúng ta trong mọi biến cố và trong từng giây phút của cuộc đời.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương