Gió Muốn Thổi Đâu Thì Thổi

(Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Ds 24,2-7.15-17a; Mt 21,23-27)

Thiên Chúa vì yêu thương tạo dựng nên muôn vật muôn loài hữu hình và vô hình, để thông ban vinh quang và hạnh phúc cho các tạo vật. Đây là nội hàm nền tảng của chân lý mầu nhiệm sáng tạo mà Kitô hữu tuyên xưng. Để cho các loài thụ tạo nhất là loài người đón nhận hạnh phúc đích thực, Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm đủ cách thế để bày tỏ mình và thánh ý mình cho nhân loại được cứu rỗi và nhận biết chân lý (x.1Tm 2,1-4). Giáo Hội Công Giáo khẳng định những con đường chính mà Thiên Chúa dùng để mạc khải chân lý đó là:

-Những kỳ công do chính tay Người tác tạo: Vũ trụ thiên nhiên với vẻ huy hoàng bao la trong trật tự là lời Thiên Chúa ngõ với loài người về Đấng Toàn Năng cao cả là căn nguyên và cùng đích của mọi vật mọi loài.

-Tiếng lương tâm tự đáy lòng mỗi người là lời của Thiên Chúa phán dạy loài người, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình biết phân biệt điều tốt điều xấu, điều lành điều dữ, điều chính đáng phải đạo và điều phi luân vô đạo…đồng thời thúc bách con người làm lành lánh dữ, chọn điều chính đáng tốt đẹp, khử trừ điều xấu xa vô đạo. Tiếng lương tâm này còn giữ vai trò người thẩm định, khen thưởng khi con người làm điều đúng và khiển trách khi con người làm sự sai trái.

-Các biến cố của lịch sử nhân loại nói chung, cách riêng là lịch sử dân riêng được tuyển chọn là Israel mà đỉnh cao và hoàn hảo là cuộc nhập thể, nhập thế cứu chuộc của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử…” (Hr 1,1-4). Và lời mạc khải này đã được lưu giữ trong Thánh Kinh, được hiểu và sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong truyền thống đức tin của Giáo Hội Công Giáo (Thánh Truyền).

Lời Chúa Giáo hội cho trích đọc trong ngày thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Vọng tường thuật câu chuyện một “thầy phù thủy” gốc dân ngoại là Balaam đã tuyên sấm về tương lai dân tộc Israel: “Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện” (Ds 24,17). dân Chúa xưa và Giáo Hội Công Giáo tin nhận rằng đằng sau lời tuyên sấm của vị “phù thủy” dân ngoại có sự tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng muốn tỏ bày chân lý. Thánh Thần Thiên Chúa như gió, muốn thổi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Thiên Chúa có muôn vàn cách thế để tỏ bày chân dung và ý định của Người.

Bài Tin Mừng tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem và sau đó Người bị các Thượng Tế và kỳ lão đến chất vấn: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng hỏi lại họ: “Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? Các ông trả lời được thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền gì mà làm việc thanh tẩy Đền thờ” (x.Mt 21,23-27). Qua câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra thì chúng hiểu rằng Người xác nhận Phép rửa bằng nước của thánh Gioan Tẩy Giả là do bởi thánh ý Thiên Chúa. Dân chúng thời bấy giờ đều tin nhận như thế. Nhiều lãnh đạo Do Thái cao cấp ở Giêrusalem dù không tin hay không muốn tin cũng không dám công khai chối bỏ. Đường lối của Thiên Chúa thì muôn hình muôn nẻo. Người không chỉ hiện diện trong Đấng thanh tẩy người ta bằng Thánh Thần và bằng lửa mà còn hiện diện ngay cả nơi vị làm phép thanh tẩy bằng nước là Gioan Tiền hô (x.Lc 3,16).

Thánh Thần Thiên Chúa như gió. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Thế mà đã từng có một thời gian rất dài Giáo Hội Công Giáo như muốn “làm chủ gió”. Đã từng có đó thái độ độc tôn, độc quyền chân lý với kiểu tuyên bố: “Ngoài Giáo hội (Công Giáo) không có ơn cứu độ”, câu nói nổi tiếng của thánh Cyprianô thành Carthage vào thế kỷ thứ III. Tạ ơn Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã khiêm nhu và can đảm sửa sai quan niệm này khi nhìn nhận rằng trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa ngoài Kitô giáo vẫn chứa đựng nhiều chân lý Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người (x.Optatam Totius 16). Giáo hội truyền: “Phải vui mừng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong các truyền thống ấy.”(Ad Gentes 11). Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô đã dạy: “Chúa Thánh Thần tỏ lộ mình một cách đặc biệt trong Giáo hội và nơi các phần tử của Giáo hội. Tuy nhiên, sự hiện diện và hoạt động của Ngài thì phổ quát, không bị giới hạn trong thời gian và không gian.” (Redemptoris Mater 28).

Giáo hội đang mở ra Thượng Hội Đồng “Đồng nghị - Hiệp Hành”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích đơn sơ ngắn gọn là “biết lắng nghe nhau và đồng hành với nhau”. Kitô hữu không chỉ cần biết lắng nghe những người cùng chung niềm tin hay tôn giáo mà còn phải biết lắng nghe anh chị em lương dân và bà con khác đạo. Với sự khiêm nhu và tinh thần tỉnh thức chúng ta sẽ nhận ra Lời Chân Lý khởi đi từ rất nhiều nguồn. Thần Chân Lý là Thánh Thần, Đấng được ví như gió mãi luôn tự do.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột