Sau khi người Ái-nhĩ-lan đã trả lời thuận cho cuộc Trưng cầu dân ý lần thứ nhì (sau khi cử tri đã bác bỏ, tháng 6/2001, Thỏa hiệp Nice ấn định phương cách sinh hoạt cho một Liên Hiệp rộng lớn hơn hiện nay), ngày 19.10.2002, cho phép Liên hiệp Âu châu tiến hành ngay chương trình mở rộng Liên Hiệp từ 15 lên 25 thành viên từ 01.01.2004.

Thứ sáu 25.10.2002 tại Bruxelles (Vương quốc Bỉ), Hội đồng Âu châu, gồm Tổng thống và Thủ tướng 15 quốc gia thành viên, đã họp phiên bất thường để thảo luận về trợ cấp tài chánh cho sự thu nhận các nước mới.

Tổng chi phí được dự trù khoản 42 tỉ euros, tức gần 0,50% Tổng sản lượng quốc nội của 15 nước, sẽ được ông Romano Prodi, Chủ tịch Uỹ ban Âu châu, trình bày và thảo luận với Tổng thống và Thủ tướng 10 quốc gia ứng viên.

Chi tiêu ngân sách luôn được coi như như một quyết định chính trị, nhất là đang trong thời kỳ kinh tế đình trệ, nên các quốc gia thương thuyết để được giãm phần đóng góp cho Liên Hiệp, nơi nầy, hay nhận thêm trợ cấp, chổ khác, từ Liên Hiệp. Thí dụ : năm 2001, nước Pháp nhận nhiều nhất trợ cấp nông nghiệp 9,2 tỉ euros so với Đức chỉ được 5,8 tỉ.

Hội đồng Âu châu sẽ họp Thượng đỉnh tại Copenhague (Đan mạch), ngày 12 và 13.12.2002, có thể quyết định dứt khoát với các nước Ba-lan, Hung-gia-lợi, Tiệp khắc, Slovaquie, Slovénie, Lituanie, Lettonie, Estonie, Chypre và Malte cho việc gia nhập Liên hiệp Âu châu vào năm 2004.