Theo The Pillar, Giáo Hội Công Giáo Úc sẽ khai mạc công đồng toàn thể của họ vào tuần này. Đây là một hội nghị theo giáo luật gồm toàn thể hàng giáo phẩm của đất nước để thảo luận một nghị trình quan yếu nhằm khảo sát xu hướng truyền giáo nền tảng của Giáo Hội và các cơ cấu định chế nội bộ.
Là công đồng toàn thể lần thứ năm trong lịch sử đất nước và là lần đầu tiên kể từ năm 1937, hội nghị này sẽ được phát động tại thành phố Adelaide vào thứ Bảy với loạt phiên họp kéo dài tám ngày, là phiên họp đầu tiên trong hai phiên họp, với phiên họp thứ hai sẽ được triệu tập vào tháng Bảy năm tới.
Khởi đầu, Công đồng được định bắt đầu vào năm ngoái, nhưng đã bị trì hoãn vì đại dịch coronavirus. Phiên họp từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 10 sẽ là một phiên hỗn hợp, với nhiều cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến vì những hạn chế liên tục của chính phủ đối với việc đi lại và tụ họp công cộng.
Vậy chương trình làm việc là gì, ai sẽ có mặt (ảo) ở đó và hội đồng toàn thể là gì? Sau đây là giải thích của The Pillar:
Một hội đồng toàn thể: chắc chắn không phải là một thượng hội đồng
Đã có rất nhiều cuộc bàn luận trong Giáo hội về các thượng hội đồng và tính đồng nghị trong những năm gần đây. Phần lớn thời gian, tập chú hướng vào việc thượng hội đồng không là gì và không thể làm gì. Các thượng hội đồng không hoạt động như nghị viện; hội đồng chỉ là một thao diễn có tính tham khảo; quan trọng nhất, các Thượng hội đồng không thể ra luật lệ cho sinh hoạt của Giáo hội. Nhưng một công đồng toàn thể thực sự là một điều rất khác.
Công đồng toàn thể là một cuộc họp đặc biệt long trọng và chính thức được triệu tập bởi tất cả các giám mục của một khu vực, được định nghĩa là tất cả các thành viên của hội đồng giám mục. Tuy nhiên, mặc dù hội đồng Giám Mục bỏ phiếu để triệu tập công đồng - với sự cho phép của Rôma - và đặt ra chương trình nghị sự, nhưng một khi nó hội họp thì nó có một đời sống và thẩm quyền riêng của nó.
Không giống như một thượng hội đồng, họp dưới thẩm quyền của người triệu tập nó và chỉ có thể tư vấn cho thẩm quyền đó, một công đồng toàn thể, theo giáo luật, “phải lưu ý ban hành dự khoản về các nhu cầu mục vụ của dân Chúa và có thẩm quyền quản trị, nhất là quyền lập pháp”.
Vì vậy, trong khi tất cả các hoạt động của công đồng cần sự chấp thuận chính thức của Rôma trước khi chúng có hiệu lực, các hội đồng toàn thể có thể và thực sự thông qua các quy tắc ràng buộc cho tất cả các giáo hội đặc thù (giáo phận) trong khu vực.
Nghị trình gồm những gì
Trước Công đồng Úc, hội đồng giám mục đã công bố sáu tài liệu xoay quanh chủ đề “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội lấy Chúa Kitô làm trung tâm ở Úc ra sao”, bàn đến các chủ đề như cầu nguyện, đào tạo đức tin, quản trị Giáo hội, hóan cải và các định chế giáo hội (như trường học và cơ quan bác ái Công Giáo).
Các tài liệu này dựa trên các kết luận của một báo cáo cuối cùng, do Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Mục vụ của hội đồng giám mục Úc ban hành; báo cáo này vốn là sản phẩm của “giai đoạn lắng nghe và đối thoại” kéo dài hai năm trước các phiên họp của công đồng.
Việc chuẩn bị cho công đồng theo sau báo cáo của Ủy ban Hoàng gia về các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, một báo cáo phát hiện nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo và các định chế tôn giáo và thế tục chính khác.
Tài liệu tiền Công đồng về truyền giáo và truyền bá Tin Mừng viết, “Tình yêu của Thiên Chúa trường tồn, nhưng uy tín của Giáo hội đã bị tổn hại do những tiết lộ về những thất bại đạo đức của một số thành viên Giáo hội. Nhận thức này đã gây hại cho thẩm quyền đạo đức và sự đáng tin cậy của Giáo hội, nhưng nó kêu gọi chúng ta thánh thiện và khiêm tốn hơn để tìm được sự trung thành lớn hơn với Thiên Chúa trung tín và nhân từ".
Nhiều văn kiện được ban hành trước công đồng tập chú vào việc tăng cường trách nhiệm giải trình trong Giáo hội địa phương, đồng thời tìm cách tạo ra các mô hình mục vụ linh động hơn nhằm mục đích truyền giảng Tin Mừng trước tình trạng giảm sút số lượng ơn gọi linh mục và tham dự vào đời sống giáo xứ.
Trong khi nhiều chủ đề dự kiến mang ra thảo luận tại công đồng nhận được sự đồng thuận rộng rãi, các vấn đề khác đã gây ra tranh luận giữa những người Công Giáo địa phương, bao gồm cả cách chúng được trình bày trong các văn kiện trước Công đồng.
Trong một tiết của tài liệu về tính bao gồm, việc tham gia và tính đồng nghị bàn đến việc quản trị Giáo hội, tài liệu nhận định rằng “sự vắng mặt của việc giáo dân tham gia đầy đủ vào việc quản trị giáo xứ và giáo phận, cùng với ‘nền văn hóa giáo sĩ trị’” là những “mối quan tâm đáng kể” trong giai đoạn chuẩn bị.
Tài liệu này trích dẫn các hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ như những con đường mà qua đó tài chuyên môn của giáo dân “có thể được sử dụng”, “nhưng cả hai vẫn có tính nhiệm ý và tư vấn”, tài liệu nhận định như thế.
Một lĩnh vực khác đã tạo ra cuộc thảo luận nội bộ đáng kể là việc sử dụng ngôn ngữ LGBT trong các cuộc thảo luận về tình dục của con người trong các tài liệu - ngôn ngữ mà Vatican nhất quán không chấp nhận trong các tài liệu riêng của mình.
Trong báo cáo cuối cùng của giai đoạn lắng nghe, các câu trả lời khác nhau đã được trình bày dưới tiêu đề “Chấm dứt kỳ thị các người LGBTI” và nói rằng “các người tham gia đặc biệt đề cập đến việc Giáo hội gạt cộng đồng LGBTI ra bên lề”.
Tuy nhiên, trong khi toàn bộ các phần của tài liệu trình bày các đệ trình và phản hồi chỉ trích giáo huấn và cách tiếp cận của Giáo hội đối với vấn đề tình dục con người, thì không có chỗ tương tự nào dành cho những người trả lời muốn ủng hộ quan điểm của Giáo hội hoặc hoài nghi về các giá trị thế tục rộng lớn hơn về tình dục, phái tính, và hôn nhân.
Ai được mời
Công đồng toàn thể bao gồm tổng số 278 đại biểu hoặc “thành viên” đại diện cho tất cả các khía cạnh và bình diện của Giáo hội ở Úc.
Tất cả các giám mục giáo phận, các Giám Mục Phụ Tá, và giám mục đứng đầu các bản quyền tòng nhân và phủ giám chức (prelatures), như Opus Dei và Bản quyền Đức Bà Thánh Giá Phương Nam, dành cho các cựu tín hữu Anh giáo, đều là thành viên theo chức vụ của họ. Mỗi người trong số này, cùng với bốn đại biểu được bầu bởi các giám mục đã nghỉ hưu của Úc, có quyền bỏ phiếu nghị bàn (deliberative vote) trong công đồng.
Cùng với các giám mục, tất cả các tổng đại diện và đại diện giám mục của các giáo phận ở Úc đều là thành viên theo chức vụ, cũng như các thành viên khác được rút ra từ ban lãnh đạo của các dòng tu và cộng đồng, giám đốc chủng viện, người đứng đầu các cơ sở thần học, và hơn 100 đại diện của đoàn linh mục giáo phận và giáo dân khắp nơi trên đất nước. Mỗi người trong số này có một lá phiếu tham vấn (consultative vote).
Cùng với những người trên, khách mời từ các hội đồng giám mục Công Giáo khác và các tổ chức như tổ chức bác ái, cũng như từ các cộng đồng Kitô giáo khác ở Úc, cũng đã được mời tham dự, mặc dù họ không có quyền bỏ phiếu.
Những điều cần biết
Công đồng toàn thể không phải là một điều diễn ra hàng ngày - ở Úc, nó gần giống một điều chỉ xảy ra 100 năm một lần.
Bởi vì công đồng có quyền lập pháp, và các kết luận của nó (với sự chấp thuận của Rôma) ràng buộc mọi người Công Giáo của Úc, từ giám mục giáo phận cho đến giáo dân nam nữ trong xứ đạo, nó có tiềm năng đáng kinh ngạc trong việc ảnh hưởng đến đời sống của Giáo hội trong một Quốc gia.
Điều đó cũng có nghĩa là có nhiều nguy cơ lớn lao. Trong khi các tài liệu cuối cùng của nhiều cuộc hội họp của Giáo hội, như các Thượng hội đồng, thường được định hình để phản ảnh một quan điểm, nguyện vọng hoặc hy vọng cụ thể cho hướng đi tương lai, thì các văn kiện của một công đồng là luật lệ đúng nghĩa, và do đó, các chi tiết và sắc thái ngôn ngữ rất quan trọng - và có thể sẽ bị thách thức gay gắt trong những tuần và tháng tới.
Cách hội đồng phát biểu, về các vấn đề như cầu nguyện, truyền giáo và đào tạo đức tin sẽ được Giáo hội địa phương coi như giáo huấn tiên tri, cũng như cách Giáo Hội này giải quyết các vụ tai tiếng lạm dụng giáo sĩ trong những năm gần đây. Và những gì nó quyết định về các vấn đề định chế có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và hình thức của các giáo phận Úc trong các thế hệ sau.
Người ta mong đợi được xem các cuộc thảo luận sôi nổi về tương lai của các cơ cấu giáo phận như giáo xứ, các địa điểm truyền giáo và trường học, cách chúng thích hợp và hoạt động với nhau, và trên hết là cách chúng được quản trị.
Tư cách “đồng trách nhiệm” của giáo dân vốn chứng tỏ là chủ đề chủ chốt trong nhiều tài liệu được công bố trước công đồng, và chương trình nghị sự chính thức bao gồm cuộc thảo luận về việc thừa nhận một hình thức quản trị Giáo hội có tính “đồng nghị” nhiều hơn, vì vậy người ta chắc chắn sẽ chú ý tới cuộc tranh luận về cách Giáo dân có thể được bao gồm trong diễn trình ra quyết định trong lãnh vực quản trị Giáo hội, và việc này được cân bằng ra sao với thẩm quyền tông truyền của các giám mục địa phương.
Cùng những cuộc đàm luận như thế có khả thể xác định cách công đồng sẽ bàn đến các chủ đề mục vụ, như chấp nhận một lập trường chào đón hơn đối với những người Công Giáo có xu hướng đồng tính trong các giáo xứ và một chứng tá biết quan tâm hơn về các vấn đề công bằng xã hội.
Cách công đồng Úc cân bằng ra sao phản hồi từ “giai đoạn lắng nghe” với các giáo huấn bất di bất dịch của Giáo hội, và cách các cố gắng của nó được tiếp nhận ở Rôma ra sao, có thể trở thành một khuôn mẫu cho Thượng hội đồng hoàn cầu về tính đồng nghị sẽ bắt đầu trong những tuần tới.
Điều gì tiếp theo
Phiên họp đầu tiên của hội đồng sẽ bắt đầu vào thứ Bảy và kết thúc vào ngày 10 tháng 10. Giữa lúc đó và phiên họp thứ hai vào tháng Bảy năm sau, sẽ có rất nhiều cuộc đàm luận giữa các giám mục và người Công Giáo Úc về phương hướng và việc nhấn mạnh đến các chủ đề trong chương trình nghị sự, và về việc soạn thảo các bản văn chính thức để công đồng bỏ phiếu.
Những gì xảy ra giữa các phiên họp, và những gì được đồng ý hay không giữa các giám mục, những người sẽ bỏ phiếu nghị bàn cuối cùng, có thể cũng quan trọng như bất cứ điều gì xảy ra trong các phiên họp chính thức của công đồng.
Có gì khác với Con đường Đồng nghị của Đức
Theo CNS (https://www.ncronline.org/news/vatican/german-synodal-assembly-begins-lay-catholics-express-anger-vatican), cũng trong tuần này, Con đường Đồng nghị của Đức họp phiên khoáng đại của họ. Căn cứ vào thành phần tham dự và nội dung các cuộc thảo luận, người ta thấy, hai cơ chế này giống nhau gần như hoàn toàn. Và điều này càng khiến nhiều người lo ngại, nhất là ở điểm các quyết nghị của chúng đều có tính cách ràng buộc, chứ không hẳn chỉ có tính cách tư vấn như trường hợp các Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Tuy nhiên, Công đồng toàn thể của Úc dường như ít gây quan ngại hơn Con đường Đồng nghị của Đức, vì trong những thông tin của họ, ít nhất còn có sự phân biệt rõ ràng giữa hai lá phiếu sẽ diễn ra ở đó: lá phiếu gọi là nghị bàn (deliberative vote) dành cho các vị Giám Mục, những vị, do chức thánh, có quyền cai quản Giáo Hội và do đó, có thẩm quyền lập pháp, nghĩa là các quyết nghị của các ngài có tính cách ràng buộc đối với Giáo Hội địa phương. Trong khi lá phiếu gọi là tham vấn (consultative vote) dành cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, không có tính cách ràng buộc vì không có giá trị lập pháp, theo giáo luật.
Đọc các thông tin của Con đường Đồng nghị Đức, người ta không tìm thấy sự phân biệt trên. Điều này phản ảnh trong thái độ khá “kẻ cả” của các thành phần giáo dân. Dường như họ không ý thức được vai trò thực sự của họ trong Con đường Đồng nghị, nhưng đánh đồng mọi lá phiếu ở đấy, coi ý kiến của họ cũng sẽ phải có cùng một giá trị ràng buộc như của các Giám Mục.
Thực vậy, theo CNS, trước khi Con đường Đồng nghị khai mạc tại Frankfurt, vì sự “phẫn nộ của giáo dân Công Giáo về việc Vatican không trừng phạt hàng giáo sĩ Công Giáo Cologne về việc xử lý tồi tệ các vụ lạm dụng”, nên ban lãnh đạo đã dành một giờ “để khai thông bầu khí”.
Nhân dịp này, 57 trong số 230 đại biểu của Đại Hội Đồng Nghị ra tuyên bố ngầm cho thấy việc lưu giữ Đức Hồng Y Woelki của Cologne là xâm hại đến Con đường Đồng nghị và thề rằng “Trong tư cách thành viên của Đại hội Con đường Đồng nghị, chúng tôi sẵn lòng tiếp tục tiến trên Con đường Đồng nghị. Chúng tôi mong các vị Giám Mục của chúng tôi tham gia với chúng tôi trong cuộc hành trình này như dấu chỉ và là dụng cụ cho cuộc tái khám phá tin mừng của Thiên Chúa trong thời đại ta. Và chúng tôi mong rằng Giám Mục Rôma, trong hiệp thông với mọi Giám Mục, khảo sát các thúc đẩy của Con đường Đồng nghị của chúng tôi một cách vô tư. Nếu không, bất cứ cuộc thảo luận nào về hiến chế đồng nghị của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ trở thành một trò hề không hơn không kém”.
Tinh thần đánh đồng dường như ngày càng được các thành phần không giữ vai trò lập pháp trong Giáo Hội đẩy mạnh. Đại hội Đồng Nghị Đức bao gồm con số thành viên ngang nhau giữa Hội Đồng Giám Mục Đức và Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức, ủy ban điều hành được chủ tọa bởi Đức Cha Bätzing và Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức. Ghế ngồi trong phòng Đại Hội không theo cấp bậc hay địa vị, mà theo vần a,b,c, do đó, các Giám Mục, Hồng Y và các đại biểu giới trẻ hay tổ chức giáo dân ngồi cạnh nhau.
Sternberg phát biểu trong lời khai mạc: “chúng ta ở đây để giúp Giáo Hội loại bỏ các cơ cấu độc hại”.
Dĩ nhiên ngồi đâu thì ngồi, điều quan yếu là phải phân biệt rõ hai lá phiếu và làm cho các đại biểu không có quyền lập pháp ý thức rõ điều đó như Công đồng Toàn thể của Úc đã làm. Nếu không, khi Vatican không thực thi mọi nghị quyết của Con đường Đồng nghị Đức, người ta sợ sẽ cuộc nổi loạn trong Giáo Hội này.