Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 29 tháng 9, ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things về chính sách ngoại giao Ostpolitik.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ..

The Casaroli Myth

Huyền thoại Casaroli

George Weigel


Ngày 14 tháng 2 năm 1997, tôi đã gặp Đức Hồng Y Agostino Casaroli, kiến trúc sư của Tòa thánh về cách Vatican tiếp cận nhẹ nhàng với các chế độ cộng sản ở Đông và Trung Âu trong những năm 1960 và 1970. Bầu khí của cuộc gặp gỡ là hết sức thân mật. Khi đó, tôi đang chuẩn bị tập đầu tiên trong bộ tiểu sử của tôi về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Chứng nhân hy vọng”. Khi yêu cầu một buổi gặp gỡ với vị Hồng Y đã nghỉ hưu, tôi nhấn mạnh hai điểm: Tôi muốn hiểu lý thuyết đằng sau chính sách Ostpolitik, và tôi rất háo hức muốn tìm hiểu ấn tượng của Đức Hồng Y Casaroli về Đức Hồng Y Karol Wojtyła trước khi vị tổng giám mục Kraków trở thành giáo hoàng. Chúng tôi đã nói chuyện trong gần hai giờ, và khi tôi nhìn lại những ghi chép của mình từ cuộc gặp gỡ đó, tôi vẫn thấy hấp dẫn trước những quan sát của vị Hồng Y.

Điều thú vị là, ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, người được phong chân phước vào ngày 12 tháng 9 vừa qua. Hai người đã xung khắc với nhau trong nhiều năm — Đức Wyszyński nghĩ rằng chính sách Ostpolitik là một sự cố vấn hết sức tồi tàn — nhưng Đức Casaroli đã hết lời khen ngợi vị Giáo Chủ Ba Lan, là người mà ngài gọi là “Một hoàng tử thực sự... mặc dù Đức Wyszyński xuất thân từ một gia đình khá nghèo”. Nhưng xem ra điều mà nhà ngoại giao Vatican ngưỡng mộ ở Đức Wyszyński chỉ là ý thức chiến thuật nhạy bén của nhà ngoại giao này. Thành ra, tại một thời điểm, vị Hồng Y lại cho rằng vị Giáo Chủ “giống như một trong những món đồ chơi của lũ trẻ mà bạn quay tròn” —và sau đó nó dừng lại ngay trước khi tan tành (một động tác mà Hồng Y Casaroli minh họa bằng cách rê rê ngón tay đến mép bàn cà phê giữa chúng tôi). Đối với người đã bổ nhiệm ngài làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Casaroli nghĩ “Ba Lan quá nhỏ so với nhân cách lớn của Hồng Y Wojtyła, là điều phù hợp hơn với một giáo hoàng.”

Đức Hồng Y Casaroli đã thảo luận rất lâu về mối quan hệ của ngài với Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, những bức chân dung và ảnh của vị Giáo Hoàng được trưng bày khắp căn hộ của vị Hồng Y ở Palazzina dell'Arciprete. Chính sách Ostpolitik mà Hồng Y Casaroli tiến hành cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bắt đầu với một tiền đề và một câu hỏi: Việc cứu lấy Giáo hội đằng sau Bức màn sắt đòi hỏi người Công Giáo phải tiếp cận với các bí tích; nhưng làm thế nào tốt nhất để duy trì quyền truy cập đó dưới chế độ toàn trị? Câu trả lời của Ostpolitik là: Việc tiếp cận các bí tích bắt buộc phải có các linh mục; phong chức linh mục bắt buộc phải có giám mục; có được các giám mục có nghĩa là phải thực hiện các giao dịch với các chế độ cộng sản; đạt được những giao dịch đó có nghĩa là tránh những cuộc đối đầu ồn ào. Đức Phaolô Đệ Lục hiểu rằng đây “không phải là một chính sách vinh quang” (như ngài đã từng nói với Casaroli). Đức Hồng Y Casaroli nhớ lại rằng: “Thật khó nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục không lên tiếng công khai và mạnh mẽ” để bảo vệ quyền tự do tôn giáo; tự kiểm duyệt là một “cực hình đối với ngài.” Đức Phaolô Đệ Lục thường nói về những tình huống bắt bớ khác nhau đằng sau Bức màn Sắt, “Điều này là không thể, tôi phải nói điều gì đó.” Nhưng vị giáo hoàng vẫn “trung thành với tầm nhìn” của Ostpolitik, mặc dù điều đó Hồng Y Casaroli đôi khi phải “kiềm chế” ngài, và “đây là một sự đau đớn cho chúng tôi.” Không có gì đáng ngạc nhiên khi Hồng Y Casaroli gọi cuốn hồi ký được xuất bản sau khi hồi hưu của mình là “The Martyrdom of Patience” – “Sự Yên Lặng Tử Đạo”.

Dù ý định của nó là gì, chiến lược đó đã thất bại trong việc tạo ra một tình huống Công Giáo khả thi đằng sau Bức màn Sắt. Và tuyên bố vẫn được nghe ở Rôma rằng chính sách Ostpolitik của Hồng Y Casaroli là một thành công lớn, mở đường cho Cách mạng bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của cộng sản ở Đông Trung Âu, không có cơ sở trong thực tế lịch sử. Ostpolitik đã biến Giáo Hội Công Giáo ở Hung Gia Lợi thành một công ty con của đảng và nhà nước cộng sản Hung Gia Lợi. Chính sách Ostpolitik đã làm mất tinh thần các bộ phận sinh hoạt của Giáo Hội ở miền đất khi đó là Tiệp Khắc. Nó làm phức tạp tình hình của Giáo hội Ba Lan một cách không cần thiết. Và nó đã tạo cơ hội cho các tổ chức Công Giáo giả mạo bao gồm những người ủng hộ và những người đồng hành với các chế độ cộng sản. Đó là những thực tiễn. Mọi sinh viên nghiêm túc của thời kỳ này đều biết điều đó.

Ostpolitik cũng tạo cơ hội cho các cơ quan tình báo cộng sản xâm nhập vào Vatican và làm tổn hại thêm các quan điểm đàm phán của Tòa thánh: một chuyện tồi tệ mà tôi đã ghi lại trong tập thứ hai của bộ tiểu sử Đức Gioan Phaolô II, “The End and the Beginning” – “Kết thúc và Khởi đầu”, sử dụng các tài liệu gốc từ các kho lưu trữ của KGB, Stasi của Đức, SB của Ba Lan, và các tổ chức khác.

Tôi biết ơn sự nhã nhặn của Đức Hồng Y Casaroli khi chúng tôi gặp nhau hai mươi bốn năm trước. Và trong khi tôi nhìn nhận rằng, không giống như bài bình luận gần đây của ngài về Giáo Hoàng, tôi thấy cuốn hồi ký của ngài không có thông tin, tôi không hiềm thù gì ngài. Tuy nhiên, cách thức người Rôma vẫn đang xem chính sách Ostpolitik của Hồng Y Casaroli như một chiến thắng cho chính sách ngoại giao của Vatican và là một khuôn mẫu cho tương lai hoàn toàn chỉ là chuyện thêu dệt huyền thoại - và chuyện thêu dệt huyền thoại này là nguy hiểm. Vì huyền thoại đó đã định hình nên các chính sách làm quen dần và “đối thoại” của Vatican trong thế kỷ 21, hạ giảm chứng tá luân lý của Giáo Hội Công Giáo chống lại sự đàn áp ở Hương Cảng, Trung Quốc, Venezuela, Belarus, Cuba, Nicaragua và những nơi khác.

Giáo hội bị bách hại xứng đáng được đối xử tốt hơn. Một thế giới đang rất cần sự minh bạch về luân lý cũng xứng đáng được đối xử tốt hơn.
Source:First Things

Chú thích:

Trong cuốn “Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War Against the Catholic Church”, nghĩa là “Các gián điệp tại Vatican: Chiến tranh lạnh của Liên Sô Chống Lại Giáo Hội Công Giáo”, ở trang 25, John O. Koehler nhận định rằng:

Việc Hồng Y Casaroli ký các hiệp ước với Hung Gia Lợi năm 1964 và Nam Tư năm 1966 là lần đầu tiên Tòa thánh mở cửa theo cách này đối với các chế độ Cộng sản, là chế độ đã giết chết rất nhiều người Công Giáo kể từ khi lên nắm quyền. Mặc dù cuốn hồi ký năm 2000 của Hồng Y Casaroli vẽ nên một người đàn ông thù địch với chủ nghĩa Cộng sản, nhưng kỹ năng ngoại giao đáng nể của ngài đã khiến sự thù địch này dường như không tồn tại.

KGB và các “cơ quan anh em” của nó ở Đông Âu đã biết rõ về ý kiến và ảnh hưởng thực sự của Hồng Y Casaroli. Do đó, văn phòng của ngài là một trong những mục tiêu gián điệp chính bên trong Vatican.

KGB đã được hỗ trợ trong việc này bởi chính cháu trai của Đức Hồng Y, tên Marco Torreta, và người vợ Tiệp Khắc của Torreta là Irene Trollerova. Theo các quan chức tình báo Ý, Torreta là người cung cấp thông tin cho KGB từ năm 1950.

Irene trở về từ Tiệp Khắc vào đầu những năm 1980, với một bức tượng bằng gốm Đức Mẹ Đồng trinh, cao khoảng 10 inch, một tác phẩm tuyệt đẹp của nghệ thuật gốm nổi tiếng của Tiệp. Hai vợ chồng đã tặng bức tượng cho Đức Hồng Y Casaroli. Ngài đã đón nhận với lòng biết ơn. Nhưng đó chính là một sự phản bội của chính đứa cháu ruột của mình! Bên trong biểu tượng tôn giáo được tôn kính này là một “con bọ”, một máy phát siêu nhỏ nhưng mạnh mẽ, được giám sát từ bên ngoài tòa nhà bởi những người phụ trách cặp vợ chồng này từ Đại sứ quán Liên Sô ở Rôma. Bức tượng đã được đặt trong một chiếc tủ trong phòng ăn gần văn phòng của Hồng Y Casaroli. Một thiết bị nghe lén khác bên trong một mảnh gỗ hình chữ nhật được giấu trong cùng một chiếc tủ này. Cả hai đều không được phát hiện cho đến năm 1990 trong một cuộc điều tra lớn do Thẩm phán Rosario Priore khởi xướng sau vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các “con bọ” đã nghe lén liên tục cho đến thời điểm đó.

John O. Koehler, Spies in the Vatican: The Soviet Union's Cold War Against the Catholic Church, Pegasus Books, 2009. Page 25.