Theo CNA, thứ Bẩy, ngày 18 tháng 9 năm 2021, khi tiếp phái đoàn đông đảo dại diện cho giáo phận Rôma tại đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị năm 2023 không phải là một cuộc thu lượm ý kiến mà là việc lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Ngài nói rằng diễn trình này tìm cách tạo nên “một năng động tính lắng nghe lẫn nhau” ở mọi bình diện của Giáo Hội.

Đây là một bài diễn văn sâu rộng nhất của ngài về chủ đề “tính đồng nghị”, một ý niệm hết thức thân thiết dưới triều Giáo Hoàng của ngài. Tính sâu rộng của nó được thể hiện trong độ dài của bài diễn văn, dài đến nỗi ngài phải xin lỗi trước, khiến cử tọa vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi xin dựa vào bản tiếng Ý của Tòa Thánh và bản tiếng Pháp của Zenit để chuyển sang tiếng Việt trọn bài diễn văn này của ngài:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Như anh chị em đã biết - điều này không có gì mới! -, một tiến trình đồng nghị sắp bắt đầu, một hành trình mà toàn thể Giáo hội dấn thân với chủ đề: “Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh”: ba trụ cột. Có ba giai đoạn, sẽ diễn ra từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023. Hành trình này được quan niệm như một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, tôi muốn nhấn mạnh điều này: một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi bình diện của Giáo hội, bao gồm toàn bộ dân Chúa. Đức Hồng Y Đại Diện và các Giám Mục Phụ Tá phải lắng nghe nhau, các linh mục phải lắng nghe nhau, các tu sĩ phải lắng nghe nhau, giáo dân phải lắng nghe nhau. Và sau đó, mọi người cùng lắng nghe nhau. Lắng nghe chính anh chị em; nói chuyện và lắng nghe nhau. Đó không phải là để thu thập ý kiến, không. Đây không phải là một cuộc điều tra; nhưng vấn đề là lắng nghe Chúa Thánh Thần, như chúng ta thấy trong sách Khải Huyền: “Ai có tai, hãy lắng nghe lời Chúa Thánh Thần phán cùng các Giáo hội” (2:7). Có tai, lắng nghe, là dấn thân đầu tiên. Đó là vấn đề lắng nghe tiếng Thiên Chúa, nắm được sự hiện diện của Người, nhận ra đường đi và hơi thở ban sự sống của Người. Tiên tri Êlia đã tình cờ khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, ngay cả trong cách Người đi qua và làm cho Người được cảm nhận:

« Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt” (I Các Vua 19:11-13).

Đấy là cách Chúa nói với chúng ta. Và chính vì "tiếng gío hiu hiu" này – tiếng gió mà các nhà chú giải diễn dịch là "tiếng nói mỏng manh của im lặng" và một ai khác nói là "một hơi im lặng vang dội" - mà chúng ta phải chuẩn bị đôi tai của mình sẵn sàng để nghe làn gió này của Thiên Chúa.

Giai đoạn đầu tiên của tiến trình (tháng 10 năm 2021 - tháng 4 năm 2022) liên quan đến các Giáo phận cá thể. Và đó là lý do tại sao tôi ở đây, với tư cách là Giám mục của anh chị em, để chia sẻ, vì điều rất quan trọng là Giáo phận Rôma phải dấn thân vào cuộc hành trình này một cách xác tín. Sẽ là một sự ngu ngốc nếu Giáo phận của Đức Giáo Hoàng không tham gia vào việc này, phải không? Một sự ngu ngốc cho Đức Giáo Hoàng và cho cả anh chị em nữa.

Chủ đề tính đồng nghị không phải là chương sách của một khảo luận giáo hội học, càng không phải là một cái mốt, một khẩu hiệu hay một thuật ngữ mới để sử dụng hoặc khai thác trong các buổi họp của chúng ta. Không! Tính đồng nghị nói lên bản chất, hình thức, phong cách, sứ mệnh của Giáo hội. Và do đó, chúng ta nói tới Giáo hội đồng nghị, tuy nhiên, tránh coi đó như một tựa đề trong số những tựa đề khác, một cách nghĩ nó có thể cung cấp những lựa chọn thay thế. Tôi không nói điều này trên cơ sở ý kiến thần học, thậm chí cũng không phải là suy nghĩ bản thân, nhưng dựa theo điều chúng ta có thể gọi là "cẩm nang" đầu tiên và quan trọng nhất của giáo hội học, đó là sách Tông đồ Công vụ.

Từ "thượng hội đồng" [synod] chứa đựng tất cả những gì chúng ta cần hiểu: "cùng nhau bước đi". Sách Công vụ là câu chuyện về một cuộc hành trình bắt đầu từ Giêrusalem, băng qua Samaria và Giuđêa, tiếp tục ở các vùng Syria và Tiểu Á, rồi đến Hy Lạp, kết thúc ở Rôma. Con đường này kể câu chuyện trong đó Lời Thiên Chúa và những người hướng sự chú ý và đức tin vào Lời đó cùng nhau bước đi. Lời Chúa bước đi cùng chúng ta. Mỗi người đều là nhân vật chủ động, không thể coi ai là người phụ. Điều này phải được hiểu rõ: mọi người đều là nhân vật chủ động. Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Đại diện, các Giám Mục Phụ Tá không còn là các nhân vật chủ động nữa; không: tất cả chúng ta đều là các nhân vật chủ động, và không thể coi bất cứ ai là phụ thuộc cả. Như thế, các thừa tác vụ phải được coi là các việc phục vụ chân chính. Và thẩm quyền phát sinh từ việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và của con người, đừng bao giờ tách rời họ; thẩm quyền này không coi những người tiếp nhận mình là “cấp dưới”. Chính “những người ở bên dưới” trong cuộc sống này cần được phục vụ trong đức ái và đức tin. Nhưng lịch sử đó không chỉ vận hành vì các vùng địa lý nó đi qua. Nó nói lên sự bồn chồn khôn nguôi ở bên trong: đây là từ ngữ chủ chốt, sự bồn chồn bên trong. Nếu một Kitô hữu không cảm thấy sự bồn chồn bên trong này, nếu họ không sống nó, họ đang thiếu một điều gì đó; và sự bồn chồn bên trong này phát sinh từ chính đức tin của mình và mời gọi chúng ta đánh giá xem điều gì là tốt nhất nên làm, điều gì cần phải duy trì hoặc thay đổi. Lịch sử đó dạy chúng ta rằng đứng yên không thể là điều tốt cho Giáo hội (xem Evangelii gaudium, 23). Và sự chuyển vần là hệ quả của sự ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là đạo diễn của câu chuyện này, trong đó mọi người đều là nhân vật chủ đạo luôn bồn chồn, không bao giờ ngừng nghỉ.

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô không chỉ là hai người có tính tình riêng, các ngài còn là những viễn kiến được lồng vào những chân trời rộng lớn hơn chính họ, có khả năng tự suy nghĩ lại về mối liên hệ với những gì đang diễn ra, còn là nhân chứng của một thôi thúc đặt các ngài vào thế khủng hoảng - một kiểu nói nữa cần luôn ghi nhớ: đặt vào thế khủng hoảng -, điều này thúc đẩy các ngài dám liều, tra vấn, thay đổi tâm trí, phạm sai lầm và học hỏi từ các sai lầm, trên hết, hy vọng bất chấp mọi khó khăn. Các ngài là môn đệ của Chúa Thánh Thần, Đấng khiến các ngài khám phá ra địa lý của ơn cứu rỗi thần linh, mở cửa ra vào và cửa sổ, phá đổ các bức tường, phá bỏ mọi xiềng xích, giải phóng mọi ranh giới. Như thế, việc cần là phải lên đường, thay đổi hướng đi, vượt thắng những niềm tin vốn kìm hãm và ngăn cản chúng ta ra đi và cùng nhau bước đi.

Chúng ta có thể thấy Chúa Thánh Thần thúc đẩy Thánh Phêrô đến nhà của Cornêliô, một viên bách quả ngoại giáo, bất chấp sự lưỡng lự của ngài. Hãy nhớ rằng: Thánh Phêrô đã có một thị kiến làm ngài bối rối, trong đó ngài được yêu cầu ăn những thứ bị coi là không sạch sẽ, và mặc dù được trấn an rằng những gì Thiên Chúa thanh tẩy không còn bị coi là ô uế, ngài vẫn bối rối. Ngài đang cố gắng hiểu, thì này những người được Cornêliô cử đến đã có mặt. Ông ta cũng đã nhận được một thị kiến và một thông điệp. Ông là một sĩ quan La Mã, ngoan đạo, có thiện cảm với Do Thái giáo, nhưng ông vẫn chưa đủ để trở thành người Do Thái hay Kitô hữu hoàn toàn: không "thuế quan" tôn giáo nào cho phép ông vượt qua. Ông là một người ngoại giáo, tuy nhiên, người ta tiết lộ cho ông hay những lời cầu nguyện của ông đã thấu tới Thiên Chúa, và ông phải sai người đến mời Thánh Phêrô đến nhà ông. Trong biến cố hồi hộp này, một mặt Thánh Phêrô với những nghi ngờ của ngài, và mặt khác Cornêliô đang chờ đợi trong vùng nhá nhem kia, chính Chúa Thánh Thần đã đánh tan sự kháng cự của Thánh Phêrô và mở ra một trang mới cho sứ mệnh. Đó là cách Chúa Thánh Thần hành động: như vậy đó. Cuộc gặp gỡ giữa hai người đã đóng ấn một trong những giai đoạn đẹp nhất của Kitô giáo. Cornêliô đã ra gặp ngài, tự sấp mình dưới chân ngài, nhưng Thánh Phêrô đỡ ông ta lên và nói với ông ta: "Hãy đứng dậy: Tôi cũng là một con người mà thôi!" (Công vụ 10:26), và tất cả chúng ta nên nói câu đó “tôi là một người đàn ông, tôi là một người đàn bà, chúng tôi đều chỉ là những con người", và tất cả chúng ta nên nói điều đó, ngay cả các Giám mục, tất cả chúng ta: "Hãy đứng dậy: Tôi cũng chỉ là một con người”. Và bản văn nhấn mạnh rằng ngài đã trò chuyện với ông ta một cách quen thuộc (xem câu 27). Kitô giáo phải luôn nhân bản, nhân bản hóa, hòa giải các khác biệt và phân cách, biến chúng thành thân thuộc, gần gũi. Một trong những tệ nạn của Giáo hội, thực sự là một sự đồi bại, là chủ nghĩa giáo sĩ trị vốn tách rời linh mục, Giám mục ra khỏi dân chúng. Giám mục và linh mục tách khỏi dân chúng là một quan chức không còn là mục tử nữa. Thánh Phaolô VI rất thích trích dẫn châm ngôn của Terentius: "Tôi là một con người, tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ đối với tôi". Cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phêrô và Cornêliô đã giải quyết được một vấn đề, ủng hộ quyết định cảm thấy tự do rao giảng trực tiếp cho những người ngoại giáo, với niềm tin - theo lời của Thánh Phêrô - "rằng Thiên Chúa không thiên vị con người" (Công vụ 10:34). Nhân danh Thiên Chúa, người ta không thể phân biệt đối xử. Và phân biệt đối xử là một tội lỗi ngay cả giữa chúng ta: "chúng tôi là người trong sạch, chúng tôi là người được tuyển chọn, chúng tôi thuộc phong trào biết mọi sự, chúng tôi là...". Không. Chúng ta là Giáo hội, tất cả cùng với nhau.

Và anh chị em thấy đấy, chúng ta không thể hiểu "tính Công Giáo" nếu không đề cập đến phạm vi rộng lớn, hiếu khách, không bao giờ có ranh giới này. Trở thành Giáo hội là một cách đi vào chiều rộng này của Thiên Chúa. Rồi, trở lại Tông đồ Công vụ, có những vấn đề nảy sinh liên quan đến việc tổ chức con số Kitô hữu càng ngày càng nhiều, và trên hết là cung ứng nhu cầu của người nghèo. Một số góa phụ báo cáo bị bỏ rơi. Cách trong đó giải pháp sẽ được tìm ra là triệu tập cuộc họp của các môn đệ, cùng nhau đưa ra quyết định chỉ định bảy người sẽ dành toàn thời gian để phục vụ (diakonia), phục vụ tại các bàn ăn (Công vụ 6: 1-7). Và như vậy, với sự biện phân, với các nhu cầu, với thực tại của cuộc sống và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tiến lên, cùng nhau bước đi, chính là đồng nghị. Nhưng luôn luôn có Chúa Thánh Thần là nhân vật chủ đạo vĩ đại của Giáo Hội.

Ngoài ra, còn có sự so sánh giữa các viễn kiến và kỳ vọng khác nhau. Chúng ta không nên lo sợ điều này ngày nay vẫn xảy ra. Có lẽ chúng ta có thể tranh luận như vậy! Chúng là những dấu hiệu của sự ngoan ngoãn và cởi mở đối với Chúa Thánh Thần. Các cuộc đụng độ cũng có thể nảy sinh đạt đến mức hết sức đáng lưu ý, như đã xảy ra khi đối đầu với vấn đề cắt bì của người ngoại giáo, đến chỗ phải có việc nghị bàn của điều chúng ta vốn gọi là Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên. Như cũng xảy ra ngày nay, có một cách xem xét cứng ngắc các hoàn cảnh, điều này làm ảnh hưởng đến tính kiên nhẫn [makrothymía] của Thiên Chúa, tức là cái nhìn kiên nhẫn được nuôi dưỡng bởi những viễn kiến sâu sắc, những viễn kiến rộng lớn, những viễn kiến tầm xa: Thiên Chúa nhìn xa, Thiên Chúa không vội vã. Cứng ngắc là một sự tha hóa nữa vốn là tội chống lại sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, nó là tội chống lại uy quyền tối cao của Thiên Chúa. Điều này ngày nay cũng đang diễn ra.

Hồi đó, việc trên đã xảy ra: một số, trở lại từ Do Thái giáo, tự lấy mình làm trung tâm, tin rằng không thể có sự cứu rỗi nếu không tuân giữ Luật Môsê. Thánh Phaolô không ủng hộ lập trường này; ngài công bố ơn cứu rỗi trực tiếp nhân danh Chúa Giêsu. Phản đối hành động của ngài sẽ làm tổn hại đến việc chấp nhận các người ngoại giáo, những người lúc đó đang trở lại đạo. Thánh Phaolô và Banaba được phái đến Giêrusalem để gặp các Tông đồ và các trưởng lão. Chuyện không dễ: đứng trước vấn đề này, các lập trường dường như không thể hòa giải được, nó đã được thảo luận trong một thời gian dài. Đó là vấn đề phải nhìn nhận quyền tự do hành động của Thiên Chúa, và không có trở ngại nào có thể ngăn cản Người đến với trái tim của người ta, bất luận nguồn xuất phát của họ là luân lý hay tôn giáo. Tình hình đã được khai thông bằng cách tuân phục bằng chứng này là "Thiên Chúa, Đấng biết lòng người", Đấng chẩn đoán cõi lòng (cardiognostist), Đấng biết rõ cõi lòng người ta, chính Người đã ủng hộ chính nghĩa chấp nhận người ngoại giáo vào ơn cứu rỗi, "(Thiên Chúa) ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta” (Công vụ 15: 8), như thế,Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần cho dân ngoại, cũng như cho chúng ta. Với cách này, việc tôn trọng mọi nhạy cảm đã chiếm ưu thế, làm dịu bớt các thái quá; kinh nghiệm mà Thánh Phêrô đã có với Cornêliô được trân trọng: do đó, trong văn kiện cuối cùng, chúng ta thấy có chứng từ nói về vai trò chủ động của Chúa Thánh Thần trong hành trình quyết định này, và về sự khôn ngoan mà Người luôn có khả năng linh hứng: "Điều xem ra tốt, đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi, là không áp đặt lên vai anh em một nghĩa vụ nào khác ngoài những điều cần thiết” (Công vụ 15:28).

“Chúng tôi”: Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta cũng có thể nói "Điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi", bởi vì các anh chị sẽ đối thoại liên tục với nhau dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng như đối thoại với Chúa Thánh Thần. Đừng quên công thức này: “Điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi là không áp đặt bất cứ nghĩa vụ nào khác lên anh chị em”: điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi. Do đó, anh chị em sẽ phải cố gắng tự phát biểu, trên con đường đồng nghị này, trên con đường đồng nghị này. Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì đó sẽ là một nghị viện giáo phận, chứ không phải là Thượng hội đồng. Chúng ta không lập nghị viện giáo phận, chúng ta không nghiên cứu điều này hay điều khác, không: chúng ta đang thực hiện một cuộc hành trình lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, thảo luận và cũng thảo luận với Chúa Thánh Thần, vốn là một cách cầu nguyện.

“Chúa Thánh Thần và chúng tôi”. Thay vào đó, luôn có cơn cám dỗ muốn đi một mình, phát biểu một giáo hội học thay thế - có rất nhiều giáo hội học thay thế - như thể, khi về trời, Chúa đã để lại một khoảng trống cần được lấp đầy, và chúng ta lấp đầy nó. Không, Chúa đã để lại Chúa Thánh Thần cho chúng ta! Nhưng lời lẽ của Chúa Giêsu rất rõ ràng: «Thầy sẽ cầu nguyện với Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác để Người ở lại với các con mãi mãi. […] Thầy sẽ không để các con mồ côi "(Ga 14:16.18). Để ứng nghiệm lời hứa này, Giáo hội là một bí tích, như đã nói trong Lumen gentium 1: "Giáo hội, trong Chúa Kitô, một cách nào đó, là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể loài người". Trong câu này, vốn thu thập chứng từ của Công đồng Giêrusalem, có sự phủ nhận của những người khăng khăng muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, dám cao ngạo tạo mô hình Giáo hội trên các xác tín văn hóa và lịch sử của họ, buộc Giáo hội tới các biên giới có vũ trang, sở thuế quan đầy tội phạm, một linh đạo xúc phạm đến tính nhưng không của hành động Thiên Chúa. Chỉ khi nào Giáo hội là nhân chứng, bằng lời nói và việc làm, của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, bề dầy hiếu khách của Người, Giáo Hội mới thực sự nói lên tính Công Giáo của chính mình. Giáo Hội được thúc đẩy, từ bên trong và từ bên ngoài, phải vượt các không gian và thời gian. Sức đẩy và khả năng phát xuất từ Chúa Thánh Thần: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, khắp miền Giuđêa, xứ Samaria và cho đến tận cùng trái đất ”(Công vụ 1:8). Nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân: đây là con đường của Giáo hội chúng ta, và chúng ta sẽ là Giáo hội nếu chúng ta đi theo con đường này.

Còn 1 kỳ