Theo tin Tòa Thánh, Đức Phanxicô đã tiếp tục gặp gỡ các tín hữu trong buổi yết kiến chung hàng tuần vào thứ Tư, ngày 22 tháng 9, và trong buổi yết kiến này, ngài đã xúc động nói đến cuộc tông du ngài vừa kết thuc tuần trước tại Hungary và Slovakia. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về cuộc Tông du của tôi ở Budapest và Slovakia, một cuộc tông du đã kết thúc cách đây đúng một tuần, vào thứ Tư tuần trước. Tôi xin tóm tắt nó như sau: đó là một cuộc hành hương cầu nguyện, một cuộc hành hương về nguồn, một cuộc hành hương hy vọng. Cầu nguyện, cội nguồn và hy vọng.
1.Điểm dừng chân đầu tiên là ở Budapest, để chủ tọa Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, bị hoãn đúng một năm do đại dịch. Đã có sự tham gia sống động vào cuộc cử hành này. Dân thánh của Thiên Chúa, vào Ngày của Chúa, đã quy tụ trước mầu nhiệm Thánh Thể, nhờ đó họ liên tục được sinh ra và tái sinh. Họ được Thánh giá phía trên bàn thờ bao quát, chỉ cho họ cùng một hướng với hướng chỉ của Bí tích Thánh Thể, đó là con đường của tình yêu khiêm nhường và vị tha, của tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với mọi người, con đường của đức tin thanh tẩy khỏi tính thế gian vốn phá hủy mọi người chúng ta: nó là con mọt gặm nhấm chúng ta từ bên trong.
Và cuộc hành hương cầu nguyện đã kết thúc tại Slovakia vào Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Cũng ở đó, ở Šaštín, tại Đền thờ Đức Mẹ Đồng trinh Bảy Sự Sầu Bi, Lễ của Mẹ, cũng là ngày lễ tôn giáo quốc gia, đã có rất nhiều con cái của Mẹ tham dự. Như thế, cuộc hành hương của tôi là một cuộc hành hương cầu nguyện ở trung tâm Châu Âu, bắt đầu bằng sự tôn thờ và kết thúc bằng lòng sùng kính bình dân. Cầu nguyện, vì đó là điều mà dân Chúa được kêu gọi, trên hết: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, làm người hành hương, sám hối, và nhờ đó mà cảm nhận được sự bình an và niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta nên như thế này: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, làm người hành hương, sám hối. Và điều này có tầm quan trọng đặc biệt ở lục địa Châu Âu, nơi mà sự hiện diện của Thiên Chúa bị loãng dần - chúng ta thấy điều này hàng ngày - sự hiện diện của Thiên Chúa bị loãng dần bởi chủ nghĩa tiêu thụ và bởi “hơi hướm” của một cách suy nghĩ độc dạng - một điều kỳ lạ nhưng có thật. - đó là thành quả của sự pha trộn giữa các ý thức hệ cũ và mới. Và điều này dẫn chúng ta xa khỏi sự quen thuộc với Thiên Chúa, khỏi sự quen thuộc với Thiên Chúa. Cũng trong bối cảnh này, giải đáp chữa lành phát xuất từ việc cầu nguyện, chứng tá và tình yêu khiêm nhường. Tình yêu khiêm nhường vốn phục vụ. Chúng ta hãy nhắc lại ý tưởng này: Kitô hữu là để phục vụ.
Đó là những gì tôi thấy trong cuộc gặp gỡ với dân thánh của Thiên Chúa. Tôi đã thấy gì? Một dân tộc trung thành, đã bị chủ nghĩa vô thần bách hại. Tôi cũng nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của những anh chị em người Do Thái của chúng ta, những người mà với họ, chúng ta đã tưởng niệm biến cố Diệt Chủng. Bởi vì không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa, khi cầu nguyện, chúng ta phải nhớ đến cuộc sống của mình, cuộc sống của dân tộc chúng ta, cuộc sống của bao người đồng hành với chúng ta trong thành phố, lưu ý đến những câu chuyện của họ. Khi ngài chào đón tôi, một trong các giám mục Slovakia, đã lớn tuổi, nói với tôi, “Con từng làm người bán vé trên xe điện, để trốn tránh những người cộng sản”. Ngài tốt lành, vị giám mục đó: trong thời kỳ độc tài, bách hại, ngài đã bán vé trên xe điện, rồi ngài thi hành “nghề” giám mục của mình một cách lén lút, và không ai biết. Sự việc phải như thế, thời bị bách hại. Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Lời cầu nguyện, ký ức đời mình, đời một dân tộc, lịch sử của họ: cam kết với ký ức và nhắc lại. Điều này tốt cho chúng ta, và giúp chúng ta cầu nguyện.
2. Khía cạnh thứ hai: cuộc hành trình này là một cuộc hành hương về nguồn. Khi gặp gỡ các giám mục anh em của tôi, cả ở Budapest lẫn ở Bratislava, tôi đã có thể cảm nghiệm trực tiếp sự tưởng nhớ đầy biết ơn về những cội nguồn của đức tin và đời sống Kitô giáo, sống động trong gương sáng của những nhân chứng đức tin như Đức Hồng Y Mindszenty và Đức Hồng Y Korec, và Chân phúc Giám mục Pavel Peter Gojdič. Những gốc rễ vươn xa từ thế kỷ thứ chín, trở lại với công việc truyền bá Tin Mừng của hai anh em thánh Cyril và Methodius, những vị đã đồng hành cùng cuộc hành trình này bằng sự hiện diện thường xuyên của các ngài. Tôi nhận thấy sức mạnh của những cội nguồn này trong việc cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi thức Byzantine, ở Prešov, vào ngày lễ Thánh giá. Trong các bài thánh ca, tôi cảm nhận được nhịp rung động của trái tim dân thánh Thiên Chúa, được trui rèn bởi nhiều đau khổ vì đức tin của họ.
Trong một vài trường hợp, tôi nhấn mạnh vào sự kiện này là những cội nguồn này luôn sống động, chứa đầy nhựa huyết quan trọng là Chúa Thánh Thần, và vì thế chúng phải được bảo tồn: không giống như các đồ triển lãm trong viện bảo tàng, không bị biến thành ý thức hệ và khai thác vì uy tín và quyền lực, để củng cố một danh tính khép kín. Không. Điều này có nghĩa là phản bội chúng và khiến chúng trở nên cằn cỗi! Đối với chúng ta, các thánh Cyril và Methodius không phải là những người để tưởng nhớ, nhưng đúng hơn, là những mô hình để noi gương, những bậc thầy mà từ đó chúng ta luôn có thể học hỏi tinh thần và phương pháp truyền bá Tin Mừng, cũng như dấn thân dân sự - trong cuộc hành trình đến trung tâm Châu Âu này, tôi vẫn thường nghĩ đến các cha đẻ của Liên minh Châu Âu, về việc họ đã mơ thấy nó không phải như một cơ quan truyền bá các hình thức thực dân hóa ý thức hệ thời thượng, không, như họ mơ ước. Được hiểu và sống theo cách này, cội nguồn là một đảm bảo cho tương lai: từ chúng, những nhánh hy vọng phát triển mạnh có thể mọc lên. Chúng ta cũng có những cội nguồn: mỗi người trong chúng ta đều có cội nguồn của riêng mình. Chúng ta có nhớ cội nguồn của chúng ta không? Các cội nguồn của cha mẹ chúng ta, của ông bà chúng ta? Và chúng ta có nối kết với ông bà của chúng ta, những người vốn là một kho châu báu không? “Nhưng các ngài đã già…”. Không, không: họ cung cấp cho anh chị huyết mạch, anh chị em phải đến với các ngài để phát triển và tiến lên. Chúng ta không nói, "Hãy đi, và trốn khỏi cội nguồn của anh chị em": không, không. “Hãy đi về cội nguồn của anh chị em, lấy nhựa huyết của anh chị em từ các ngài và tiến lên phía trước. Hãy đi và lấy chỗ của anh chị em ở đó”. Đừng quên điều này. Và tôi xin nhắc lại với anh chị em, điều mà tôi đã nói nhiều lần, câu thơ thật hay: “Mọi thứ nở trên cây đều bắt nguồn từ những gì ở dưới lòng đất”. Anh chị em chỉ có thể phát triển bao lâu anh chị em hợp nhất với cội nguồn của mình: sức mạnh của anh chị em phát xuất từ đó. Nếu anh chị em tự cắt đứt khỏi gốc rễ, để đi theo điều mới lạ, các ý thức hệ mới lạ, điều này sẽ không đưa anh chị em đến đâu đâu, nó sẽ không cho phép anh chị em phát triển đâu: anh chị em sẽ kết thúc một cách tồi tệ.
3. Khía cạnh thứ ba của cuộc hành trình này: đây là một cuộc hành hương hy vọng. Cầu nguyện, cội nguồn và hy vọng, ba đặc điểm. Tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng lớn lao trong đôi mắt của những người trẻ, trong cuộc gặp gỡ khó quên tại sân vận động ở Košice. Điều cũng cho tôi hy vọng là được thấy rất nhiều cặp vợ chồng trẻ và rất nhiều trẻ em. Và tôi nghĩ về mùa đông nhân khẩu học mà chúng ta đang trải qua, nhưng những quốc gia đó đang nở rộ với những cặp vợ chồng trẻ và trẻ em: một dấu hiệu của hy vọng. Đặc biệt trong thời điểm đại dịch, khoảnh khắc đáng ăn mừng này là một tín hiệu mạnh mẽ và đầy khích lệ, cũng nhờ sự hiện diện của nhiều cặp vợ chồng trẻ cùng con cái họ. Không kém phần mạnh mẽ và có tính tiên tri là chứng tá của Chân phước Anna Kolesárová, một thiếu nữ người Slovakia đã phải trả giá bằng mạng sống để bảo vệ phẩm giá của mình trước bạo lực: một chứng từ rất phù hợp hơn bao giờ hết, khi bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn là một vết thương mở ở khắp mọi nơi.
Tôi đã thấy hy vọng nơi nhiều người, những người âm thầm chăm sóc và quan tâm tới người lân cận của mình. Tôi nghĩ đến các Nữ tu Thừa sai Bác ái tại Trung tâm Bethlehem ở Bratislava, những nữ tu tốt lành, biết đón nhận những người bị xã hội từ bỏ: họ cầu nguyện và phục vụ, cầu nguyện và giúp đỡ. Và họ cầu nguyện rất nhiều, và giúp đỡ rất nhiều, không hề giả vờ. Họ là những anh hùng của nền văn minh này. Tôi muốn tất cả chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Teresa và các nữ tu này: tất cả cùng nhau, chúng ta hãy hoan nghênh các nữ tu tốt lành này! Những nữ tu này cho người vô gia cư trú ẩn. Tôi nghĩ đến cộng đồng Roma và tất cả những người làm việc với họ với tình huynh đệ và sự hòa nhập. Thật xúc động khi được tham dự ngày lễ của cộng đồng Roma: một ngày lễ đơn giản với hương thơm của Tin Mừng. Người Roma là anh chị em của chúng ta: chúng ta phải chào đón họ, chúng ta phải gần gũi họ như các Cha Dòng Salêdiêng ở Bratislava, những vị rất gần gũi với người Roma.
Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này, niềm hy vọng của Tin Mừng mà tôi đã có thể nhìn thấy trong cuộc hành trình, chỉ có thể được hiện thực hóa và trở nên cụ thể nếu nó được diễn tả bằng một hạn từ khác: cùng nhau. Hy vọng không bao giờ thất vọng, hy vọng không đi một mình, mà cùng nhau. Ở Budapest và Slovakia, chúng ta đã cùng hiện diện với các nghi lễ khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, cùng với các anh chị em của các giáo phái Kitô giáo khác, cùng với các anh chị em Do Thái của chúng ta, cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác, cùng với những người yếu nhất. Đó là nẻo đường của chúng ta, vì tương lai sẽ là tương lai của hy vọng nếu chúng ta sống cùng với nhau, không đơn độc: điều này rất quan trọng.
Và sau cuộc hành trình này, tôi có một lời “cảm ơn” rất lớn trong trái tim tôi. Cảm ơn các giám mục, cảm ơn các cơ quan dân sự, cảm ơn Tổng thống Hungary và Tổng thống Slovakia, cảm ơn tất cả những người đã hợp tác trong việc tổ chức [cuộc hành trình]; cảm ơn rất nhiều thiện nguyện viên; cảm ơn đến từng người đã cầu nguyện. Xin anh chị em thêm một lời cầu nguyện nữa để những hạt giống được gieo trong cuộc Hành trình này có thể sinh hoa kết trái tốt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.