Theo tin Tòa Thánh, ngày 17 tháng 9, tại Tông điện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của một hội nghị, gồm các vị đứng đầu các Ủy Ban Giáo lý của Liên Hội đồng Giám Mục Âu Châu, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa hỗ trợ.
Sau đây là diễn từ của ngài với những người có mặt:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng và xin chào mừng!
Tôi rất vui sướng được chào đón các anh chị em tham dự biến cố này trong đó, anh chị em, trong tư cách những người chịu trách nhiệm về việc dạy Giáo lý cho các Giáo hội đặc thù ở Châu Âu, có cơ hội thảo luận về việc tiếp nhận Sách Hướng dẫn mới về việc Dạy Giáo lý, được xuất bản năm ngoái. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella về sáng kiến này, sáng kiến mà tôi chắc chắn cũng sẽ được mở rộng cho các Hội Đồng Giám Mục của các lục địa khác, để hành trình giáo lý chung có thể được phong phú hóa bởi nhiều kinh nghiệm địa phương.
Tôi vừa trở về sau cuộc cử hành Đại hội Thánh Thể Quốc tế, được tổ chức tại Budapest trong những ngày gần đây, và dịp này rất thuận lợi để xác nhận rằng nỗ lực lớn lao của việc dạy giáo lý có thể có hiệu quả xiết bao trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng nếu nó chịu tập chú vào mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta không thể quên rằng nơi hay nhất để dạy giáo lý chính là việc cử hành Thánh Thể, trong đó anh chị em cùng nhau khám phá ngày càng nhiều hơn những hình thức khác nhau của việc Thiên Chúa hiện diện trong đời sống họ.
Tôi thích nghĩ đến đoạn Tin Mừng Mátthêu, trong đó, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Thầy muốn chúng con chuẩn bị ở đâu để Thầy ăn Bữa Vượt Qua?” (26:17). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy rõ Người đã chuẩn bị mọi thứ: Người biết con đường mà một người đàn ông sẽ đi qua đầu đội bình nước, Người biết căn phòng lớn đã được bày biện sẵn ở tầng trên của ngôi nhà (x. Lc 22: 10-12); và, tuy không nói ra, Người hoàn toàn cảm nhận được điều gì trong trái tim của những người bạn của Người vì đó là những gì sẽ xảy ra trong những ngày kế tiếp.
Những lời đầu tiên Người dùng khi sai họ đi là: “Hãy vào thành phố” (Mt 26:18). Chi tiết này – khi nghĩ tới anh chị em và việc phục vụ của anh chị em - khiến chúng ta đọc lại con đường dạy giáo lý như một khoảnh khắc qua đó các Kitô hữu, những người đang chuẩn bị cử hành đỉnh cao của mầu nhiệm đức tin, được mời gọi trước nhất đi “vào thành phố”, để gặp gỡ những người bận rộn với những cam kết hàng ngày của họ. Dạy giáo lý - như Sách Hướng dẫn mới nhấn mạnh - không phải là một việc truyền đạt trừu tượng các kiến thức lý thuyết để học thuộc lòng như các công thức toán học hoặc hóa học. Đúng hơn, đó là kinh nghiệm khai tâm dẫn vào mầu nhiệm (mystagogical) của những người học cách gặp gỡ anh chị em mình tại nơi họ sống và làm việc, bởi vì chính họ đã gặp Chúa Kitô, Đấng đã kêu gọi họ trở thành môn đệ truyền giáo. Chúng ta phải nhấn mạnh vào việc định rõ trọng tâm của việc dạy giáo lý: Chúa Giêsu Kitô Phục sinh yêu thương bạn và không bao giờ bỏ rơi bạn! Chúng ta không bao giờ mệt mỏi hoặc cảm thấy mình lặp đi lặp lại đủ lời công bố đầu tiên này trong các giai đoạn khác nhau của diễn trình dạy giáo lý.
Đó là lý do tại sao tôi thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên. Họ đang chuẩn bị nghi thức, tôi xin trích nguyên văn, cho “việc tạo ra” các giáo lý viên. Để cộng đồng Kitô hữu có thể cảm thấy cần phải đánh thức ơn gọi này và trải nghiệm việc phục vụ của một số người nam và người nữ, những người nhờ sống việc cử hành Thánh Thể, có thể cảm thấy sống động hơn niềm đam mê truyền bá đức tin trong tư cách những người rao giảng Tin Mừng. Các giáo lý viên là những nhân chứng đặt mình phục vụ cộng đồng Kitô hữu, để hỗ trợ việc thâm hậu hóa đức tin trong thực tại của cuộc sống hàng ngày. Họ là những người không mệt mỏi loan báo Tin Mừng thương xót; những người có khả năng tạo ra những dây liên kết cần thiết để chấp nhận và gần gũi có khả năng đánh giá tốt hơn Lời Chúa và cử hành mầu nhiệm Thánh Thể bằng cách dâng lên các hoa trái việc lành.
Tôi âu yếm tưởng nhớ hai giáo lý viên đã chuẩn bị cho tôi Rước Lễ Lần Đầu, và tôi tiếp tục liên lạc với họ trong tư cách linh mục và cả với một trong số họ vẫn còn sống, trong tư cách giám mục. Tôi cảm thấy một lòng kính trọng lớn lao, thậm chí còn là một tâm tư biết ơn, không nói rõ ràng, nhưng nó giống như việc tôn kính. Tại sao? Bởi vì họ là những người phụ nữ đã chuẩn bị cho tôi Rước Lễ Lần Đầu, cùng với một nữ tu. Tôi muốn kể cho anh chị em nghe về trải nghiệm này vì đó là một điều tuyệt vời đối với tôi khi đồng hành cùng họ đến cuối cuộc đời, cả hai người. Và cả vị nữ tu đã chuẩn bị cho tôi phần phụng vụ khi Rước lễ: bà đã chết, và tôi ở đó, cùng với bà, đồng hành với bà. Có một sự gần gũi, một dây gắn bó rất quan trọng với giáo lý viên...
Như tôi đã nói vào thứ Hai tuần trước tại Nhà thờ Chính tòa Bratislava, truyền giảng Tin Mừng không phải là sự lặp lại quá khứ đơn thuần, không bao giờ. Các vị thánh truyền giáo vĩ đại, như hai thánh Cyril và Methodius, như Boniface, đều có óc sáng tạo, với tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Họ tạo ra những con đường mới, phát minh ra những ngôn ngữ mới, những “bảng chữ cái” mới, để truyền tải Tin Mừng, để hội nhập văn hóa cho đức tin. Điều này đòi hỏi phải biết cách lắng nghe người ta, lắng nghe các dân tộc mà ta đang rao giảng cho: lắng nghe nền văn hóa của họ, lịch sử của họ; không lắng nghe một cách hời hợt, chỉ nghĩ đến những câu trả lời đóng gói sẵn mà chúng ta mang theo trong chiếc cặp của mình, không! Muốn lắng nghe thực sự, và so sánh những nền văn hóa đó, những ngôn ngữ đó, thậm chí và trước hết lắng nghe những ngôn ngữ không được nói ra, không được diễn đạt, với Lời Chúa, với Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng sống động. Và tôi nhắc lại câu hỏi: Há đây không phải là nhiệm vụ cấp bách nhất của Giáo hội giữa các dân tộc ở Châu Âu hay sao? Truyền thống Kitô giáo vĩ đại của lục địa không được trở thành một di tích lịch sử, nếu không nó không còn là “truyền thống” nữa! Truyền thống hoặc sống động hoặc không còn là truyền thống. Và việc dạy Giáo lý là truyền thống, là truyền lại [trador], là chuyển giao, nhưng như là truyền thống sống động, từ trái tim đến trái tim, từ tâm trí đến tâm trí, từ cuộc sống này sang cuộc sống nọ. Do đó: phải say mê và sáng tạo, với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tôi dùng cụm từ “đóng gói sẵn” cho ngôn ngữ, nhưng tôi sợ tâm hồn, thái độ và khuôn mặt của các giáo lý viên cũng bị “đóng gói sẵn”. Không. Một là giáo lý viên tự do, hai là không phải là giáo lý viên. Giáo lý viên để cho mình cuốn hút vào thực tại họ đang sống, và truyền tải Tin Mừng với óc sáng tạo lớn lao, hoặc không phải là giáo lý viên. Anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều đó.
Các bạn thân mến, qua các bạn, tôi muốn gửi lời cảm ơn của bản thân tôi đến hàng ngàn giáo lý viên ở Châu Âu. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người, bắt đầu từ những tuần tới, sẽ cống hiến hết mình cho trẻ em và những người trẻ đang chuẩn bị hoàn thành hành trình khai tâm Kitô giáo của họ. Nhưng tôi cũng nghĩ tới mỗi và mọi người. Xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho các bạn, để các bạn luôn được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Tôi đồng hành với các bạn bằng những lời cầu nguyện của tôi và Phép lành Tông đồ của tôi. Và các bạn cũng vậy, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!