Theo VaticanNews, một cao điểm trong chuyến viếng thăm Slovakia của Đức Phanxicô là tới Prešov để chủ tọa buổi Phụng Vụ Thánh theo nghi lễ Byzantine của các tín hữu Công Giáo nghi lễ Hy Lạp, là cộng đồng chiếm 3.8% tổng số dân Slovakia (khoảng 206,871 người, trong hai giáo phận).
Trong Buổi Phụng Vụ trên, diễn ra lúc 10 giờ 30 sáng ngày 14 tháng 9, tại quảng trường Mestská športová hala (Prešov), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có bài giảng như sau:
"Chúng tôi công bố Chúa Kitô bị đóng đinh... quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa". Thánh Phaolô cho chúng ta biết như thế, nhưng ngài không giấu giếm sự kiện này là, về mặt khôn ngoan của loài người, thập giá xuất hiện như một điều hoàn toàn khác: đó là “tai tiếng”, “ngu xuẩn” (1Cr 1,23-24). Thập giá là một công cụ của sự chết, nhưng nó đã trở thành nguồn sự sống. Đó là một cảnh tượng khiếp đảm, nhưng nó đã tiết lộ cho chúng ta vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, trong ngày lễ hôm nay, dân Chúa tôn kính thập giá và Phụng vụ cử hành nó. Tin Mừng của Thánh Gioan cầm tay chúng ta và giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm này. Chính thánh sử đã hiện diện, đứng dưới chân thập giá. Nhìn chằm chằm vào Chúa Giêsu, treo lơ lửng ở đó, ngài viết: “Người thấy điều này, đã làm chứng” cho nó” (Ga 19:35). Thánh Gioan vừa thấy vừa làm chứng.
Đầu tiên là thấy. Thánh Gioan đã thấy gì khi đứng dưới chân thập giá? Chắc chắn, những gì người khác cũng đã thấy: Chúa Giêsu, một người vô tội và tốt lành, đã bị giết một cách tàn nhẫn giữa hai tên tội phạm. Tuy nhiên, một bất công nữa trong nhiều bất công, nhiều hy sinh đẫm máu vẫn không thay đổi được lịch sử, bằng chứng mới nhất cho thấy dòng biến cố trong thế giới của chúng ta không thay đổi: điều thiện bị gạt sang một bên và điều ác thắng thế và phát triển rực rỡ. Trong mắt người đời, thập giá tượng trưng cho sự thất bại. Chúng ta cũng có thể có nguy cơ không đi quá cái nhìn đầu tiên, hời hợt này; chúng ta cũng có thể không chấp nhận sứ điệp của thập giá cho rằng Thiên Chúa cứu chúng ta bằng cách để mọi điều ác trong thế giới của chúng ta đổ sụp xuống trên Người. Chúng ta có thể không chấp nhận, ngoại trừ có lẽ bằng lời nói, một Thiên Chúa yếu đuối và bị đóng đinh, và thay vào đó, chúng ta thích mơ về một Thiên Chúa quyền năng và đắc thắng. Đây là một cơn cám dỗ rất lớn. Biết bao lần chúng ta khao khát một Kitô giáo của những người chiến thắng, một Kitô giáo đắc thắng, quan trọng và gây ảnh hưởng, nhận được vinh quang và danh dự? Tuy nhiên, một Kitô giáo không có thập giá là một Kitô giáo trần tục, và tự cho thấy mình cằn cỗi, vô sinh.
Trái lại, Thánh Gioan đã nhìn thấy trong thập giá sự hiện diện và công việc của Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, ngài đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa. Ngài thấy rằng bất chấp bề ngoài, Chúa Giêsu không phải là kẻ thua cuộc, mà là Thiên Chúa, Đấng sẵn lòng hiến thân vì mọi người. Tại sao Người làm điều này? Người có thể cứu mạng sống mình, Người có thể giữ khoảng cách với sự khốn khổ và tàn bạo của lịch sử nhân loại. Thay vào đó, Người đã chọn đi vào lịch sử đó, để đắm mình trong đó. Đó là lý do tại sao Người chọn con đường khó khăn nhất: thập giá. Để không ai trên trái đất nên tuyệt vọng đến mức không thể tìm thấy Người, ngay ở đó, giữa sầu khổ, tăm tối, bị bỏ rơi, tai tiếng về sự khốn khổ và sai lầm của chính họ. Ở đó, ở chính nơi mà chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không thể hiện diện, thì Người đã đến. Để cứu những người tuyệt vọng, chính Người đã chọn nếm trải sự tuyệt vọng; tự mình gánh lấy nỗi thống khổ cay đắng nhất của chúng ta, Người kêu lên từ thập giá: "Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa lại bỏ rơi con?" (Mt 27:46; Tv 22: 1). Một tiếng kêu cứu rỗi. Nó cứu rỗi vì Thiên Chúa đã nhận lấy cho Người cả kinh nghiệm bị bỏ rơi của chúng ta. Và bây giờ, với Người, chúng ta không còn cô đơn bao giờ nữa.
Làm thế nào chúng ta học được cách nhìn thấy vinh quang trong thập giá? Một số vị thánh dạy chúng ta rằng thập giá giống như một cuốn sách: để biết nó, chúng ta phải mở nó ra và đọc nó. Mua một cuốn sách mà thôi chưa đủ, hãy nhìn nó và đặt nó trên giá sách trong nhà của chúng ta. Điều này cũng đúng đối với thập giá: nó được vẽ hoặc khắc ở khắp mọi nơi trong các nhà thờ của chúng ta. Các thập giá được tìm thấy ở khắp nơi xung quanh chúng ta: trên cổ, trong nhà, trong xe hơi, trong túi. Điều này có ích gì, trừ khi chúng ta dừng lại để nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh và mở lòng ra với Người, trừ khi chúng ta để mình bị xúc động bởi những vết thương mà Người phải mang vì chúng ta, trừ khi trái tim chúng ta tràn ngập xúc động và chúng ta khóc trước vị Thiên Chúa bị thương vì yêu thương chúng ta. Trừ khi chúng ta làm điều đó, thập giá vẫn là một cuốn sách chưa đọc tuy tựa đề và tác giả của nó chúng ta đều biết, nó chưa có bất cứ tác động nào đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đừng giản lược thập giá thành một đối tượng của lòng sùng kính, càng ít thành một biểu tượng chính trị, thành một dấu hiệu của địa vị tôn giáo và xã hội hơn.
Việc chiêm ngưỡng Chúa bị đóng đinh đưa chúng ta đến bước thứ hai: làm chứng. Nếu chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, khuôn mặt của Người sẽ được phản chiếu trên chính khuôn mặt của chúng ta: các nét của Người trở thành các nét của chúng ta, tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng chúng ta và biến đổi chúng ta. Ở đây tôi nghĩ đến các vị tử đạo trên đất nước này đã làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô trong những thời kỳ khó khăn, khi mọi sự được khuyên phải im lặng, che giấu, không tuyên xưng đức tin. Tuy nhiên, họ không thể - không thể - không thể không làm chứng. Biết bao người quảng đại đã phải chịu đau khổ và chết ở đây tại Slovakia này vì danh Chúa Kitô! Nhân chứng của họ phát sinh từ tình yêu đối với Người, Đấng mà họ đã chiêm ngưỡng từ lâu. Đến mức họ giống như Người cả trong cái chết của họ.
Tôi cũng nghĩ đến thời đại của chúng ta, trong đó không thiếu cơ hội để làm chứng. Ở đây, tạ ơn Chúa, chúng ta không thấy những kẻ bách hại các Kitô hữu, như ở quá nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, chứng tá của chúng ta có thể bị suy yếu đi bởi tính thế gian và sự tầm thường. Thay vào đó, thập giá đòi hỏi một lời chứng khập khiễng. Vì thập giá không phải là ngọn cờ để vẫy, nhưng là nguồn thuần khiết của một lối sống mới. Lối sống nào? Lối sống của Tin Mừng, lối sống của các Mối phúc. Một nhân chứng biết mang thập giá trong lòng mình, chứ không chỉ trên cổ mình, không xem ai là kẻ thù, nhưng mọi người đều là anh chị em mà Chúa Giêsu đã hiến mạng sống cho. Nhân chứng của thập giá không dừng lại ở những điều sai trái của quá khứ hoặc khư khư than thở về hiện tại. Nhân chứng thập giá không sử dụng những cách thức lừa dối và cao ngạo của thế gian: họ không muốn áp đặt bản thân và lối sống riêng, nhưng hiến mạng sống của mình cho người khác. Họ không tìm kiếm lợi thế cho riêng mình, để được coi là sùng đạo: đấy là thứ tôn giáo giả hình, chứ không phải nhân chứng cho Chúa bị đóng đinh. Các nhân chứng thập giá chỉ có một chiến lược, đó là chiến lược của Thầy: tình yêu khiêm nhường. Họ không tìm chiến thắng ở đây ở dưới này, vì họ biết rằng tình yêu của Chúa Kitô sinh hoa kết trái trong những biến cố của cuộc sống hàng ngày, đổi mới mọi sự từ bên trong, giống như hạt giống rơi xuống đất, chết đi và sinh nhiều hoa trái.
Anh chị em thân mến, anh chị em đã từng thấy các chứng nhân như vậy. Hãy trân trọng ký ức về những người đó, họ đã nuôi dưỡng anh chị em và giúp anh chị em trưởng thành trong đức tin. Những người thấp kém và đơn giản, những người đã cống hiến cuộc đời mình trong yêu thương đến cùng. Đây là những anh hùng của chúng ta, những anh hùng của cuộc sống hàng ngày, và cuộc đời của họ đã thay đổi lịch sử. Các nhân chứng tạo ra những nhân chứng khác, vì họ là những người trao ban sự sống. Đó là cách mà đức tin được loan truyền: không phải bằng quyền lực thế gian mà bằng sự khôn ngoan của thập giá; không phải bằng cơ cấu mà bằng nhân chứng. Hôm nay, Chúa, từ sự im lặng hùng hồn của thập giá, đang hỏi tất cả chúng ta, như Người đang hỏi bạn, và bạn, và bạn và tôi: Các con có muốn làm nhân chứng cho Thầy không?
Đứng cùng với Thánh Gioan trên đồi Canvê là Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Không ai thấy sách thập giá rộng mở như ngài, và ngài đã làm chứng cho điều đó bằng tình yêu khiêm nhường. Qua lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta hãy cầu xin ơn biết hướng đôi mắt trái tim ta về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Khi đó đức tin của chúng ta sẽ có thể nở hoa trong sự viên mãn của nó; và rồi nhân chứng của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái đầy đủ.