Các linh mục có nhiệm vụ nhắc nhở người Công Giáo không được rước Thánh Thể trong tình trạng đang mắc tội trọng và phải làm cho việc xưng tội được dễ dàng, một Hồng Y người Nigeria cho biết tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế hôm thứ Năm.
“Giáo lý của Giáo Hội vẫn luôn cho rằng bất cứ ai biết mình đang ở trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng khiến họ xa cách với tình yêu thương của Thiên Chúa, thì không nên tiến lên rước lễ đơn giản chỉ vì mọi người đều rước lễ”, Đức Hồng Y John Onaiyekan cho biết trong một buổi dạy giáo lý được phát trực tiếp tại thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi vào ngày 9 tháng 9.
“Trước hết anh ta phải tận dụng bí tích hòa giải để giao hòa với Thiên Chúa qua việc xưng tội”.
“Nhưng thật không may, những gì chúng ta thấy ngày nay là một dòng người đông đảo rước lễ trong Thánh lễ, và có vẻ như họ không thực sự bận tâm về việc liệu họ có ở trong trạng thái tâm linh phù hợp để rước lễ hay không”.
“Các mục tử có nhiệm vụ nhắc nhở các tín hữu về điều này, nhưng đừng đưa ra những lời phóng đại không cần thiết. Nhiệm vụ của các mục tử cũng là làm sao để tín hữu có thể xưng tội dễ dàng”.
Đức Hồng Y Onaiyekan giữ chức tổng giám mục của Abuja từ năm 1994 cho đến năm 2019, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận cho ngài nghỉ hưu ở tuổi 75. Ngài đã giảng một bài giáo lý dài một giờ về giáo lý Công Giáo liên quan đến Bí tích Thánh Thể tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 diễn ra ở Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9.
Vị Hồng Y 77 tuổi khuyến nghị các linh mục hãy giảng về việc rước lễ xứng đáng để mọi người biết khi nào họ ở trong tình huống bất thường và “sẽ điều chỉnh hành vi của mình mà không phải lâm vào cảnh bị từ chối Rước lễ một cách công khai”.
“Có một cuộc tranh luận đang diễn ra ở một số quốc gia về việc liệu một chính trị gia vì lý do chính trị đã bỏ phiếu cho một đạo luật trái đạo đức thì người ấy có nên bị cấm Rước lễ hay không”
“Ngay cả trong một quốc gia thế tục, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân có thể trở thành đồng phạm của tội ác. Thành ra, chúng ta đang đối diện với một quyết định luân lý khiến người ấy không phù hợp với việc rước lễ”.
“Nhưng theo quan điểm mục vụ, không rõ là liệu một người như vậy khi thực sự hiện diện trong dòng người tiến lên rước lễ, thì chúng ta có nên công khai từ chối cho người ấy Rước lễ hay không, xét rằng làm thế sẽ gây ra một sự náo động và tai tiếng lớn. Cả Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều đề xuất một sự thận trọng trong việc đương đầu với những trường hợp như vậy”.
Vị Hồng Y người Phi Châu nói thêm rằng “một chính trị gia Công Giáo không đồng ý công khai với Giáo hội của mình về vấn đề đạo đức thì tốt nhất là nên tránh đừng cố tình kích động những tranh cãi xung quanh Bí tích Thánh Thể”.
Đức Hồng Y Onaiyekan nói rằng với tư cách là một giám mục, ngài đã cố gắng hết sức để khuyến khích các chính trị gia Công Giáo “luôn có lập trường rõ ràng và phản đối bất kỳ luật nào trái với luật Chúa”.
“Nếu vì lý do chính trị, anh ta không thể ngăn chặn một đạo luật trái đạo đức, thì ít nhất anh ta phải được ghi nhận là đã phản đối nó”
“Một tình huống gần đây đã tạo ra rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến trách nhiệm của các chính trị gia Công Giáo phải đề cao luật của Giáo Hội trong các lựa chọn và quyết định chính trị của họ, đặc biệt là liên quan đến tội ác nghiêm trọng phá thai.”
“Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo kiên quyết nhấn mạnh rằng phá thai là giết chết những đứa trẻ vô tội chưa chào đời. Điều đó vẫn luôn là như vậy. Bất kỳ người Công Giáo nào phạm tội phá thai, hoặc hợp tác trong việc phá thai, phải biết rằng mình đã phạm tội giết người và không nên tiến lên Rước lễ, trừ khi và cho đến khi đã đi xưng tội”.
“Không quá khó để trở lại với Chúa, ngay cả khi đã làm một điều như vậy. Vấn đề là thay vì coi đó là một tội lỗi, người ta lại tự hào về những gì họ đã làm”.
Theo Đức Hồng Y Onaiyekan, câu hỏi liệu một chính trị gia Công Giáo có nhất thiết phải bỏ phiếu chống lại bất kỳ những dự luật cho phép phá thai hoặc hành động trái đạo đức hay không là “tế nhị và có nhiều vấn đề hơn. “
“Vấn đề quan trọng ở đây là rất thường xuyên, trong lĩnh vực chính trị đảng phái, Giáo hội cần phải cẩn thận để không lôi kéo Thánh Thể vào các cuộc tranh cãi chính trị, kẻo gây ra nhiều thiệt hại hơn là chúng ta cố gắng tránh né.”
Đức Hồng Y Onaiyekan đã là giám mục trong 38 năm và trước đây từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Công Giáo Nigeria.
Ngài nói rằng kinh nghiệm sống bên cạnh những người Hồi giáo ở Nigeria, những người rất quyết liệt muốn áp đặt luật Sharia đã dạy “những bài học hữu ích về cách đừng áp đặt luật tôn giáo của một cộng đồng tín ngưỡng lên một quốc gia đa tôn giáo”.
“Tôi ước mình có thời gian để nói về Nigeria, và về những gì Chúa đang làm ở giữa chúng ta, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của tôi trong buổi sáng nay,” ngài nhấn mạnh và lưu ý rằng ngài được yêu cầu nói về giáo lý Công Giáo liên quan đến Bí tích Thánh Thể.
“Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chúng ta có một sự kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Chí Thánh. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa không chỉ đến với chúng ta mà Chúa sống trong chúng ta và chúng ta ở trong Người”.
“Trước hết, chúng ta có thể nói rằng, nói đúng ra, không ai đáng được rước lễ cả. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi trước mặt Chúa. Đó là lý do tại sao khi bắt đầu Thánh lễ, chúng ta đọc Lời xưng thú – ‘Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng’ - chúng ta phải làm điều đó một cách chân thành. Nó không chỉ là một hình thức”.
“Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta kết hợp với Người, và khiến chúng ta xứng đáng được cử hành Thánh Thể với Người, nhờ lòng thương xót của Người”.
Source:Catholic News Agency