Như chúng tôi đã đưa tin, sau nghi thức chào đón chính thức tại sân bay quốc tế Budapest, Đức Thánh Cha đã lên xe hơi về Bảo tàng Nghệ thuật Budapest nơi ngài có cuộc gặp gỡ với tổng thống và thủ tướng.
Cũng tại địa điểm này, lúc 09:15, ngài đã gặp các giám mục Hung Gia Lợi, hội đồng đại kết các giáo hội và một số cộng đoàn Do Thái của Hung Gia Lợi.
Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha trong buổi sáng Chúa Nhật, và cũng là lý do chính ngài đến Hung Gia Lợi, là thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest. Thánh lễ đã diễn ra tại Quảng trường Anh hùng lúc 11:30.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Sự đáp trả đó đổi mới chúng ta trong tư cách là các môn đệ của Chúa. Nó diễn ra trong ba bước, là các bước mà các môn đệ đã thực hiện và chúng ta cũng có thể thực hiện. Nó liên quan đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu, phân định với Chúa Giêsu, và theo Chúa Giêsu.
1. Tuyên xưng Chúa Giêsu. Chúa hỏi: “Các con nói Thầy là ai?” Thánh Phêrô, nói thay cho những môn đệ khác khi trả lời rằng “Thầy là Đấng Kitô”. Phêrô đã nói tất cả bằng vài từ này; câu trả lời của ông là đúng, nhưng sau đó, thật ngạc nhiên, Chúa Giêsu “nghiêm cấm họ không được nói cho ai biết về ngài” (câu 30). Tại sao lại cấm triệt để như vậy? Có một lý do rất chính đáng: gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Mêsia, là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Luôn luôn có nguy cơ tuyên xưng căn tính thiên sai một cách sai lầm, theo những tiêu chuẩn của con người, chứ không phải theo các tiêu chuẩn của Chúa. Thành ra, từ lúc đó, Chúa Giêsu dần dần tiết lộ thân phận thực sự của Ngài, căn tính “vượt qua” mà chúng ta tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể. Ngài giải thích rằng sứ mệnh của Ngài sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vinh quang phục sinh, nhưng chỉ sau khi trải qua thập tự giá. Nói cách khác, mọi sự sẽ được mạc khải tùy theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là điều mà thánh Phaolô đã nói với chúng ta “không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1Cr 2, 6). Chúa Giêsu yêu cầu sự im lặng về danh tính của Ngài là Đấng Mêsia, chứ không yêu cầu im lặng trước thập tự giá đang chờ đợi Ngài. Trên thực tế - thánh sử ghi nhận - sau đó Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy “công khai” (Mc 8:32) rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (câu 31).
Trước những lời nói khó nghe này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể thất vọng, sửng sốt. Chúng ta cũng muốn một Đấng Mêsia quyền năng hơn là một người tôi tớ bị đóng đinh. Bí tích Thánh Thể ở đây để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai; không chỉ trong lời nói, nhưng một cách cụ thể, cho chúng ta thấy Thiên Chúa như bánh bẻ ra, như tình yêu bị đóng đinh và ban tặng. Chúng ta có thể thêm vào các yếu tố nghi lễ, nhưng Chúa luôn ở đó trong sự đơn sơ của Bánh sẵn sàng được bẻ ra, phân phát và ăn. Để cứu chúng ta, Chúa Kitô đã trở thành tôi tớ; để cho chúng ta sự sống, Ngài đã chấp nhận cái chết. Chúng ta cũng nên để cho mình phải sửng sốt trước những lời nói khó chịu đó của Chúa Giêsu. Và điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.
2. Phân định với Chúa Giêsu. Phản ứng của Phêrô trước sự loan báo của Chúa là đặc trưng của bản tính con người: ngay khi thập tự giá, là một viễn cảnh đau thương, xuất hiện, chúng ta nổi loạn. Vừa tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Phêrô liền bị lời Thầy dạy làm cho tai tiếng và cố gắng khuyên Chúa Giêsu đừng đi theo đường lối đó. Ngày nay, cũng như trong quá khứ, thập tự giá không phải là thời trang hoặc điều gì đó hấp dẫn. Tuy nhiên, thập tự giá chữa lành chúng ta từ bên trong. Đứng trước Chúa bị đóng đinh, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm đầy kết quả, một cuộc xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ như Chúa” và “suy nghĩ như con người”. Một mặt, chúng ta có cách suy nghĩ của Thiên Chúa, đó là cách nghĩ của tình yêu thương khiêm nhường. Một lối suy nghĩ tránh áp đặt, phô trương và hiếu thắng, luôn hướng đến điều tốt đẹp cho người khác, thậm chí đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác, chúng ta có cách nghĩ của con người: đây là sự khôn ngoan của thế gian, gắn liền với danh dự và đặc quyền, và sự giành giật uy tín và thành công. Ở đây, những thứ được coi là đáng kể là sự vênh vang và quyền lực, và bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý nhất và tôn trọng nhất trong mắt người khác.
Bị mù bởi lối suy nghĩ đó, Phêrô gạt Chúa Giêsu sang một bên và trách móc Ngài (xem câu 32). Chúng ta cũng có thể gạt Chúa “sang một bên”, dồn Ngài vào một góc trong trái tim mình và tiếp tục nghĩ mình là người ngoan đạo và đáng kính, trong khi đi theo cách riêng của chúng ta mà không để mình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Ngài muốn chúng ta, giống như các Tông đồ, đứng về phía Ngài. Một bên là Chúa và một bên là thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người có tôn giáo hay không, mà cuối cùng là giữa Chúa thật và vị thần là chính “bản thân”. Thật là khác biệt biết bao giữa Thiên Chúa âm thầm ngự trị trên thập tự giá và vị thần giả mà chúng ta muốn trị vì bằng quyền lực để làm câm lặng kẻ thù của chúng ta! Thật khác biệt biết bao, giữa Chúa Kitô, Đấng tự mạc khải mình với tình yêu, và tất cả các đấng cứu thế đầy quyền năng và chiến thắng được thế giới tôn thờ! Chúa Giêsu làm chúng ta lo lắng; Người không hài lòng với những tuyên bố về đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy lòng đạo của mình trước thập giá của Người, trước Bí tích Thánh Thể. Chúng ta nên dành thời gian để chầu Thánh Thể, để chiêm ngắm sự yếu đuối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để chiêm ngắm. Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống chữa lành cho chúng ta sự tự quy hướng vào chính mình, để chúng ta có thể mở rộng tâm hồn tự hiến, giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc và tự ái, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tê liệt trong việc bảo vệ hình ảnh của chúng ta, và truyền cảm hứng cho chúng ta noi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài dẫn chúng ta đến. Và như vậy, chúng ta đến với bước thứ ba.
3. Theo Chúa Giêsu. “Hãy lùi lại phía sau Thầy, Satan” (câu 33). Với mệnh lệnh nghiêm khắc này, Chúa Giêsu đưa Phêrô trở lại với chính mình. Bất cứ khi nào Chúa ra lệnh cho một điều gì đó, Ngài đã có mặt để ban ân sủng. Do đó, Phêrô nhận được ân sủng để lùi lại và một lần nữa đi theo sau Chúa Giêsu. Cuộc hành trình của Kitô hữu không phải là một cuộc chạy đua hướng tới “thành công”; nó bắt đầu bằng cách lùi lại, tìm tự do bằng cách không cần phải là trung tâm của mọi thứ. Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giêsu như ông nghĩ, mà là Chúa Giêsu thật. Phêrô sẽ tiếp tục sa ngã, nhưng khi nhận được hết sự tha thứ này đến sự thứ tha khác, ông nhìn thấy rõ ràng hơn khuôn mặt của Thiên Chúa. Và Phêrô sẽ chuyển từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa Kitô thành sự bắt chước Chúa Kitô đích thực.
Đi sau Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó là thăng tiến trong cuộc sống với sự tin cậy vững chắc của chính Chúa Giêsu, khi biết rằng chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Đó là theo bước Thầy đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45). Đó là bước ra mỗi ngày để gặp gỡ các anh chị em của chúng ta. Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta đến với cuộc gặp gỡ này, để nhận ra rằng chúng ta là một Thân thể, và sẵn sàng để mình bị bẻ ra vì người khác.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, cũng như đã biến đổi các vị thánh vĩ đại và can đảm mà anh chị em tôn kính. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến Thánh Stêphanô và Thánh Elizabeth. Giống như các ngài, chúng ta có thể không bao giờ hài lòng với những điều xoàng xĩnh; Xin cho chúng ta đừng bao giờ cam chịu một đức tin dựa trên nghi lễ và sự lặp đi lặp lại, nhưng càng ngày càng cởi mở hơn với sự mới mẻ đầy tai tiếng của Thiên Chúa bị đóng đinh và phục sinh, là Bánh được bẻ ra để ban sự sống cho thế giới. Bằng cách này, bản thân chúng ta sẽ hạnh phúc và mang lại niềm vui cho người khác.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng quan trọng hơn, là sự khởi đầu của một chặng đường khác. Vì đi phía sau Chúa Giêsu có nghĩa là luôn luôn nhìn về phía trước, đón nhận thời ân sủng, và bị thử thách mỗi ngày bởi câu hỏi của Chúa đối với chúng ta, các môn đệ của Ngài: Các con nói Thầy là ai?
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana