Theo Christopher White, La Croix International ngày 9 tháng 9, 2021 (https://international.la-croix.com/news/religion/how-sept-11-inadvertently-paved-the-way-for-the-future-election-of-pope-francis/14860), khi những kẻ khủng bố gây tàn phá cho Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, nó đã thay đổi vĩnh viễn các vụ việc hoàn cầu - bao gồm cả việc vô tình mở đường cho một vị Hồng Y người Á Căn Đình tương đối vô danh cuối cùng trở thành giáo hoàng.

Đức Phanxicô tại Ground Zero Memorial Site, 2015


Hai mươi năm trước sau biến cố bi thảm của ngày 11/9, Đức Hồng Y Edward Egan có nhiệm vụ chăm sóc một thành phố và đoàn chiên đau buồn ở Thành phố New York, tâm điểm của các vụ tấn công.

Ngài cũng đã được giao nhiệm vụ làm tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2001 tại Rôma, dự kiến bắt đầu vào ngày 30 tháng 9.

Với tư cách đó, ngài chịu trách nhiệm phác thảo các chủ đề của Thượng hội đồng, tổ chức và liên lạc với các nghị phụ Thượng hội đồng và tóm tắt các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng trước khi Đức Giáo Hoàng xem xét các đề nghị cuối cùng của nó.

Joseph Zwilling, phát ngôn viên của tổng giáo phận New York, nói với tờ National Catholic Reporter rằng Đức Hồng Y Egan đã xin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lúc đó là Đức Hồng Y Angelo Sodano, cho phép ngài trình bầy tường trình khai mạc tại Thượng hội đồng và sau đó được phép trở về New York.

Zwilling nhớ lại rằng “Khi Đức Hồng Y Sodano chuyển lời lại cho Đức Hồng Y Egan, Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngài ở lại, điều mà ngài đã làm, một cách miễn cưỡng nhưng ngoan ngoãn”.

Nhưng một thành phố tang tóc đã lôi kéo Egan trở về nhà, và nửa chừng trong thượng hội đồng kéo dài một tháng, ngài đã được phép trở lại New York để chủ tọa buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của ngày 11 tháng 9, sau đó, trở lại Rôma trong một thời gian ngắn trước khi cuối cùng được phép trở về Hoa Kỳ luôn.

Thế là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, lúc bấy giờ là tổng giám mục của Buenos Aires, Á Căn Đình, và là phụ tá tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, người số hai sau Đức Hồng Y Egan.

Trong suốt một tháng tập hợp các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, khi giáo phận quê hương của Đức Hồng Y Egan khiến ngài phải tập chú vào nơi khác, vị Hồng Y người Á Căn Đình đã đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn, cả công khai lẫn riêng tư, khiến ngài được chú ý khắp Vatican và quá đó nữa.

Nhà báo Á Căn Đình Elisabetta Piqué cho hay, "Vai trò của Đức Hồng Y Bergoglio tại Thượng hội đồng năm 2001 rất quan trọng và cốt yếu đối với cuộc bầu cử sau này của ngài. Thực thế, ngài đã làm việc rất tốt trong tư cách tổng tường trình viên, thay thế Đức Hồng Y Egan, đến nỗi ngài bắt đầu được biết đến và chú ý ở Rôma như một chuẩn giáo hoàng'' nghĩa là có thể là người tranh chức Giáo Hoàng sắp tới.

Nhà báo trên nói với tờ National Catholic Reporter: “Từ đó trở đi, ngài vẫn nằm trong tầm dò tìm của nhiều vị Hồng Y - không chỉ các vị cấp tiến - đang tìm kiếm người kế vị Đức Gioan Phaolô II".

Tránh xa ánh đèn sân khấu, tỏa sáng khi cần thiết

Khi Đức Hồng Y Bergoglio tiếp nhận các đòi hỏi của vai trò mới của mình tại Thượng hội đồng năm 2001, các nhà báo đưa tin về hội đồng đã bắt đầu lưu ý, thường nhận xét rằng trong khi vị Hồng Y người Á Căn Đình tránh xa ánh đèn sân khấu, ngài đã chứng tỏ là một người có khả năng thông đạt khi cần thiết.

Nhà báo kỳ cựu về Vatican, Sandro Magister, viết trên tờ L'espresso về vai trò thay thế Đức Hồng Y Egan tại Thượng Hội Đồng Giám Mục rằng: "Đức Hồng Y Bergoglio trổi vượt trong việc thông đạt một đối một, nhưng ngài cũng có thể nói giỏi trước đám đông khi cần thiết".

"Đức Hồng Y Bergoglio điều khiển cuộc họp tốt đến nỗi, vào thời điểm bầu mười hai thành viên của hội đồng thư ký, các giám mục anh em của ngài đã chọn ngài với số phiếu cao nhất".

John Allen, tường trình về thượng hội đồng cho National Catholic Reporter vào thời điểm đó, cho biết, "các cuộc bỏ phiếu đã được theo dõi chặt chẽ để tìm ra những dấu hiệu cho thấy các vị giám mục nào đã gây ấn tượng với các đồng nghiệp của họ". Ông viết thêm rằng "kết quả đã củng cố danh tiếng của những vị này trong tư cách chuẩn Giáo Hoàng”.

Magister tường trình rằng, sau Thượng hội đồng, tên của Đức Hồng Y Bergoglio được cho là có khả năng đứng đầu một bộ quan trọng của Vatican. Magister viết: “ngài [Bergoglio] nài nỉ: ‘Làm ơn, tôi chết ở giáo triều mất'”.

Magister viết tiếp: “Kể từ thời điểm đó, ý nghĩ về việc ngài sẽ trở lại Rôma trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô đã bắt đầu lan rộng với cường độ ngày càng lớn. Các Hồng Y người Mỹ Latinh ngày càng tập chú vào ngài, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger cũng vậy”.

Piqué, nhà báo người Á Căn Đình, tác giả cuốn Giáo hoàng Phanxicô: Cuộc sống và Cách mạng, nói với National Catholic Reporterrằng những người tham dự Thượng hội đồng rất có ấn tượng bởi khả năng của ngài trong việc tổng hợp và phát biểu quan điểm của các giám mục "và đó là lý do tại sao trong mật nghị năm 2005, ngài nổi lên như kẻ thách thức thực sự đối với Đức Bênêđíctô”.

Bốn năm sau, sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2005, ai cũng hiểu Đức Hồng Y Bergoglio là người về nhì sau Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI.

Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, Đức Hồng Y Bergoglio đã không bị lãng quên.

Piqué nhận xét, "Theo nghĩa đó, điều đáng lưu ý là nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra trong câu chuyện của Giáo Hội nếu biến cố 11/9 không xảy ra".

Các Thượng Hội Đồng và tính đồng nghị đóng vai trò trung tâm

Theo nhiều khía cạnh, các chủ đề của thượng hội đồng năm 2001, tập trung vào "Giám mục: Tôi tớ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới," báo trước nhiều tiêu điểm và căng thẳng y hệt của triều giáo hoàng Phanxicô.

Người viết tiểu sử của Đức Phanxicô, Austen Ivereigh, nói với National Catholic Reporterrằng, về mặt lịch sử, một "Vấn đề dây dưa" của các thượng hội đồng là vấn đề "thẩm quyền của hợp đoàn giám mục, và vai trò của nó trong việc quản trị phổ quát của giáo hội" và lèo lái "sự cân bằng đúng đắn giữa tính hợp đoàn và tính tối thượng".

Ivereigh nói: “Thượng hội đồng năm 2001 là một thời điểm chủ chốt trong việc đối đầu với lời kêu hợp đoàn này, vì người ta có cảm thức rằng thời đại Gioan Phaolô đã đến hồi kết thúc và việc quản trị trung ương tập quyền đã trở nên một trở ngại lớn đối với sứ mệnh của giáo hội.

Ông nhắc đến mật nghị hội năm 2001 - khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập một số Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Bergoglio, xuất thân từ Châu Mỹ Latinh - như một thời điểm quan yếu".

Ivereigh cho rằng vì mật nghị hội đó gồm rất nhiều vị Hồng Y người Mỹ Latinh, nên người ta có cảm thức rằng các vùng trung tâm Công Giáo - Châu Âu và Châu Mỹ Latinh - đang thúc đẩy tính hợp đoàn vốn bị Rôma chống lại. Đức Hồng Y Bergoglio đã nhìn thấy tất cả những điều này, và ghi nhận nó.

Theo Ivereigh, trong thượng hội đồng năm 2001, vấn đề đó lại nổi lên, với 1/5 bài phát biểu của các nghị phụ trong thượng hội đồng đề cập tới tính hợp đoàn. Ngược lại, tính hợp đoàn chỉ được đề cập hai lần trong tài liệu làm việc của Thượng hội đồng và Đức Hồng Y Jan Pieter Schotte đã loại bỏ nó khỏi báo cáo cuối cùng".

Ivereigh nhớ, tại cuộc họp báo đầu tiên của ngài với tư cách tổng tường trình viên sau khi Đức Hồng Y Egan trở lại New York, Đức Hồng Y Bergoglio đã được hỏi về tính hợp đoàn. "Ngồi cạnh Đức Hồng Y Schotte, ngài nói rằng một cuộc thảo luận thích hợp về chủ đề này 'vượt quá giới hạn chuyên biệt của thượng hội đồng này' và cần được xử lý ở nơi khác và với sự chuẩn bị thỏa đáng".

Ivereigh nói: “Nhìn lại, rõ ràng ngài muốn cho thấy tính hợp đoàn chỉ có thể được dẫn nhập qua một cuộc cải cách triệt để của chính Thượng hội đồng, biến nó thành một công cụ quản trị hợp đoàn và biện phân của giáo hội”.

Piqué cũng đưa ra một đánh giá tương tự, nói với National Catholic Reporterrằng kinh nghiệm của Đức Hồng Y Bergoglio tại thượng hội đồng năm 2001 là "điều chủ yếu đối với ngài là hiểu rõ hơn nhu cầu tham khảo thực sự, với các cuộc thảo luận, trong Giáo Hội, vì ngài thấy những cuộc họp kiểu đó đã được chế tạo sẵn".

Nên sau khi được bầu làm giáo hoàng, chính Đức Phanxicô đã không gượng nhẹ về những gì ngài học được trong diễn trình thượng hội đồng và niềm tin của ngài về việc cải tổ là điều cần thiết.

Quả vậy, ngài nói với tờ La Nacion năm 2014. “Tôi là tổng tường trình viên của Thượng hội đồng năm 2001 và có một vị Hồng Y đã nói với chúng tôi điều gì nên thảo luận và điều gì không nên. Điều đó nay sẽ không xẩy ra nữa”.

Sau khi Đức Hồng Y Bergoglio được bầu bất ngờ vào tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Egan - lúc đó đã nghỉ hưu - hồi tưởng lại vai trò mà vị Hồng Y người Á Căn Đình lúc bấy giờ đã đảm nhận vào năm 2001.

Đức Hồng Y Egan nói với tờ Catholic New York vào năm 2013, "Ngài bắt đầu làm việc với chúng tôi mỗi ngày. Ngài đáp ứng một cách quảng đại, tử tế và rất thành thạo. Ngài đơn giản chỉ là tuyệt vời. Tôi đã trở thành một người ngưỡng mộ ngài tuyệt diệu. Ngài là một giám mục và linh mục tốt lành như bất cứ ai có thể hy vọng".

Đức Hồng Y Egan tiếp tục nhắc đến việc một vài ngày trước mật nghị bầu Giáo hoàng năm 2013, ngài có gặp Đức Hồng Y Bergoglio. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài nhắc Đức Hồng Y Bergoglio về lời mời mà ngài đã ngỏ cùng Đức Hồng Y vào năm 2001, lời mời mà Đức Hồng Y đã chấp nhận: một ngày nào đó sẽ viếng thăm New York.

Mặc dù Egan qua đời vào tháng 3 năm 2015, chỉ vài tháng sau đó, Đức Hồng Y Bergoglio đã thực hiện tốt lời hứa đó vào tháng 9 năm 2015, cuối cùng đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tại Hoa Kỳ, và đặc biệt là tại New York, nơi - trong tư cách là giáo hoàng - ngài đã cầu nguyện trong khuôn viên đài tưởng niệm cho nạn nhân của vụ tấn công ngày 11 tháng 9.