Theo tạp chí The Pillar, các hướng dẫn và tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị đã được công bố tại Rôma hôm qua, 7 tháng 9, 2021.

Các viên chức Tòa Thánh cho biết trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng các văn kiện này chỉ là một nguồn tài liệu, mỗi Giáo Hội địa phương phải tìm ra các phương thế tốt nhất để sống diễn trình đồng nghị.



Khi các nhà báo yêu cầu cung cấp câu định nghĩa chính xác và cô đọng cho tính đồng nghị, thì Tiến sĩ Myriam Wijlens, giáo sự giáo luật của Đại Học Erfurt, Đức, trả lời rằng sẽ là một “bất công” đối với ý niệm đồng nghị khi định nghĩa nó trước diễn trình đồng nghị. Bà ví tính đồng nghị như bông hoa phải chờ nó nở mới mô tả nó được.

Theo Inés San Martin của tạp chí Crux, phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị mãi tháng Mười năm 2023 mới bắt đầu, nhưng biến cố này sẽ chính thức được khai mạc vào tháng tới bằng một diễn trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng trong các Giáo Hội địa phương.

Martin cũng cho hay mặc dù Thượng Hội Đồng có sự tham dự của cả các tu sĩ và giáo dân, nhưng chỉ có các giáo sĩ mới có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên thực hành này đang được sửa đổi dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô khi Nữ tu Nathalie Becquart, hiện là phó tổng thư ký của Văn Phòng Thượng Hội Đồng sẽ là người phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu.

Hạn từ tính đồng nghị được nói nhiều dưới triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng chưa ai nắm vững định nghĩa của nó. Chính vì thế, theo Martin, phần lớn Tài liệu chuẩn bị nhằm giải thích diễn trình và gốc rễ thần học của nó.

Tài liệu cho hay tính đồng nghị “không chỉ là việc cử hành các phiên họp trong Giáo Hội và các cuộc họp của các Giám Mục, hay chỉ là một vấn đề quản trị nội bộ trong lòng Giáo Hội; nó là “modus vivendi et operandi” [một phương thức sống và hành động] của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, biểu lộ và mang bản thể lại cho hữu thể Giáo Hội như một hiệp thông khi mọi chi thể của Giáo Hội cùng hành trình với nhau, tụ họp trong các phiên họp và dự phần vào sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội”.

Những trục chính của một Giáo Hội đồng nghị là hiệp thông, tham gia, và sứ mệnh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và lắng nghe Kinh Thánh.

Đức Hồng Y Mario Grech, đứng đầu văn phòng Thượng Hội Đồng, cho biết thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng sẽ được Đức Phanxicô chủ tọa vào ngày 9 tháng 10, 2021; các giáo phận sẽ khai mạc một tuần sau.

Tới ngày 10 tháng 4, 2022, sau diễn trình “cầu nguyện và suy nghĩ”, các Giáo Hội địa phương sẽ hoàn tất một tài liệu dài không quá 10 trang và gửi về Rôma. Tháng 9, 2022, một tài liệu làm việc sẽ được công bố để hướng dẫn các phiên họp lục địa và miền, diễn ra trước tháng 3 năm 2023. Kết quả của các phiên họp này cũng sẽ được gửi về Rôma, giúp hướng dẫn việc soạn thảo một tài liệu làm việc thứ hai cho phiên họp thực sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười năm 2023.

Trong số các “mục tiêu” của con đường đồng nghị này là xét xem trách nhiệm và quyền hành trong Giáo Hội phải được quản lý ra sao, “đem ra ánh sáng và cố gắng hoán cải các thiên kiến và thực hành méo mó vốn không bắt rễ từ Tin Mừng”.

Tài liệu cũng quả quyết rằng đại dịch COVID-19 “trong giây lát, đã làm sống dậy cảm thức này: chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả đang ở trong cùng một con thuyền, trong đó, vấn đề của một người là vấn đề của mọi người” và không ai được cứu một mình, trong khi khiến cho các bất bình đẳng và bất công vốn có “nổ tung”.

Tình trạng trên, một tình trạng “hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại” bất chấp nhiều khác biệt bên trong nó, “thách thức khả năng của Giáo hội trong việc đồng hành với các cá nhân và cộng đồng”. Tuy nhiên, tài liệu thừa nhận, “chúng ta không thể che giấu sự kiện này: chính Giáo hội đang đương đầu với việc thiếu đức tin và sự băng hoại ngay trong chính mình,” đặc biệt làm nổi bật nỗi đau khổ các trẻ em và những người dễ bị tổn thương phải chịu do việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ và các hành vi sai trái khác được thực hiện bởi một số lượng “đáng kể” các linh mục và tu sĩ.

Tài liệu cho biết, “Toàn thể Giáo hội được kêu gọi đối phó với sức nặng của một nền văn hóa thấm nhuần chủ nghĩa giáo sĩ trị mà Giáo hội vốn kế thừa từ lịch sử của mình, và với những hình thức thực thi quyền hành trên đó các loại lạm dụng khác nhau (quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục) được cấy ghép vào”.

Bản văn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đặc biệt chú ý đến tiếng nói của phụ nữ, cũng như tiếng nói của các cộng đồng Kitô hữu sống ở những quốc gia nơi họ là thiểu số và thường xuyên bị bách hại và “tử đạo thường xuyên”.

Tài liệu cho biết thêm, “Nếu một mặt, não trạng tục hóa có xu hướng trục xuất tôn giáo ra khỏi quảng trường công cộng, thì mặt khác, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, vốn không tôn trọng quyền tự do của người khác, đã tạo ra các hình thức bất khoan dung và bạo lực, các hình thức cũng được phản ảnh trong cộng đồng Kitô hữu, và trong các mối liên hệ của nó với xã hội”.

Trong cuộc họp báo, Đức Hồng Y Grech khẳng định nếu không có Chúa Thánh Thần thì thượng hội đồng sẽ trở thành “trò chơi của các bên”, và việc tham gia của “dân thánh Thiên Chúa” sẽ trở thành một “cuộc thăm dò ý kiến”.

Khi ngỏ lời với các nhà báo, Đức Hồng Y Grech yêu cầu họ không "làm thui chọt thượng hội đồng" bằng cách sử dụng cơ chế "tin sốt dẻo" và tin giật gân.

“Điều Đức Thánh Cha mong đợi từ Thượng Hội đồng này là đặt toàn thể Giáo hội vào một điều kiện để sống kinh nghiệm đồng nghị chân chính, đảm nhiệm thái độ quan trọng nhất trong một Giáo hội đồng nghị: Cùng nhau bước đi”.

Nữ tu Becquart nói thêm vào, "Chúng ta đang tái học hỏi tính đồng nghị, và một trong các thách thức chính là, với tính đồng nghị, bạn học bằng cách làm".

Nữ tu nói, “Đó là một khái niệm dễ dàng diễn đạt thành lời, nhưng không dễ áp dụng vào thực hành, và đây là lý do tại sao chúng tôi đã viết ‘vademecum’ (cẩm nang); bởi vì chúng tôi nghe nói cần có những hướng dẫn thực tiễn cho các giáo phận để phát động diễn trình này”.

Kỳ tới: Nguyên văn Tài liệu Chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Tính Đồng nghị