Hôm 2 tháng 9, Cha Gianni Criveller, linh mục thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, và là quan sát viên về Trung Quốc có bài nhận định sau về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho radio COPE, phần nói về Trung Quốc.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy
Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa nói về Trung Quốc. Ngài không làm điều này thường xuyên. Vì lý do này, những gì ngài nói với Đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, được AsiaNews đưa tin ngày hôm qua, là quan trọng.
Lời nói của ngài có một hương vị mới hơn so với quá khứ, đó là chưa nói đến một sự hối lỗi phải có của những người cảm thấy được ủy quyền để nói về những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng.
Khi Đức Phanxicô nói rằng vấn đề Trung Quốc “không hề dễ dàng”, dường như ngài đang thừa nhận, so với những gì vẫn thường nói trong quá khứ, như Trung Quốc có một nền văn minh vĩ đại, chẳng hạn. Điều này càng rõ ràng hơn khi ngài nói “Bạn có thể bị lừa trong cuộc đối thoại, bạn có thể mắc sai lầm”.
Tôi không nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập đến điều này nếu ngài có thể tránh được điều đó. Vì vậy, có thể nói, giờ đây cả Đức Thánh Cha cũng lo sợ rằng kết quả của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican có thể là một thất bại.
Việc Đức Giáo Hoàng thừa nhận khả năng này cho thấy ngài nhận thức được tình hình trên thực tế. Ngài đã nghe thấy những tiếng nói lo lắng của những người ở Trung Quốc, đã lên tiếng trong những năm gần đây cũng như những người theo dõi sự phát triển trong các cộng đồng Công Giáo ở nước này.
Sau khi mô tả các khía cạnh tích cực và kém tích cực của thỏa thuận năm 2018, chúng tôi lưu ý rằng thỏa thuận của Trung Quốc với Vatican có thể là “một sự lừa đảo quỷ quyệt”, tạo cơ hội cho bọn cầm quyền Trung Quốc rêu rao một sự cởi mở nhất định không có trên thực tế nơi tự do vẫn tiếp tục bị hạn chế.
Đức Giáo Hoàng đưa ra đánh giá ban đầu, một đánh giá khá mong manh, thiếu các kỳ vọng và hy vọng. “Những gì đã đạt được cho đến nay ở Trung Quốc ít nhất là đối thoại”, ngài nói, “một số việc cụ thể như việc bổ nhiệm các giám mục mới, một cách chậm chạp... Nhưng đây cũng là những bước có thể bị nghi ngờ, cả các kết quả về mặt này mặt khác”.
Trên thực tế, có rất ít giám mục được bổ nhiệm so với nhu cầu của dân Chúa. Một số Giám Mục đã được chọn trước khi có thỏa thuận, như thế chúng ta có thể nói là chẳng có lợi gì bao nhiêu. Ngược lại, như các báo cáo từ các cộng đồng Công Giáo cho thấy, các tín hữu phải đối mặt với tình trạng ngày càng khó khăn.
Đức Giáo Hoàng thật chí lý khi không đưa đại dịch ra để biện minh cho những kết quả kém cỏi. Trên thực tế, đại dịch đã không ngăn cản Trung Quốc đạt được kết quả trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.
Giữa tất cả những điều này, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên từ bỏ đối thoại”. Đây là điểm mạnh trong những gì ngài nói. Nhưng chúng ta chỉ có thể đánh giá cao đức tin của Đức Giáo Hoàng trong đối thoại, là điều đặc biệt quan trọng đối với những người đối thoại cứng đầu nhất.
Tử đạo cũng là một khía cạnh trong đối thoại. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài được truyền cảm hứng từ cuộc đối thoại giữa Agostino Casaroli bắt đầu với các chế độ cộng sản cũ ở châu Âu.
Casaroli nói về điều đó trong cuốn The Martyrdom of Patience, một tựa đề gợi cảm hứng cho những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng. Do đó, để lôi kéo Trung Quốc vào đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người Công Giáo Trung Quốc biết rõ điều này, và không vui mừng bao nhiêu.
Với tất cả tấm lòng của những người Công Giáo trung thành, chúng tôi thực sự hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ thành công và đạt được thông qua cuộc đối thoại thực sự khó khăn như vậy, những gì ngài có trong lòng, đó là tự do cho Giáo hội ở Trung Quốc, niềm tin tốt đẹp và hòa bình cho người dân.
“Ngay cả khi tôi còn là một giáo dân và một linh mục, tôi rất thích chỉ đường cho giám mục; đó là một sự cám dỗ mà tôi thậm chí sẽ nói là phù hợp nếu nó được thực hiện với thiện chí”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, với phong cách có chút dỗi hờn mà đôi khi ngài sử dụng, khi đề cập đến nhiều nghi ngờ và lo ngại được bày tỏ về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020.
Chúng tôi là một trong số những người đã, đang và vẫn bị cám dỗ để “chỉ đường”, nghĩa là, chúng tôi muốn trình bày cho Tòa Thánh với lòng kính trọng, với lương tâm và thiện chí, những báo cáo mà chúng tôi nhận được từ các anh chị em của chúng tôi ở Trung Quốc, cũng như những trăn trở và đau khổ của họ.
Chúng tôi bày tỏ lòng trung thành của mình đối với Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài bằng cách cung cấp cho họ những phân tích và suy tư để phác thảo mức độ phức tạp của tình hình, bao gồm những câu chuyện thành công và những thách thức.
Đây là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng sự im lặng – thật rõ ràng của các phương tiện truyền thông Công Giáo - về những trở ngại mà các cộng đồng Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt và những bi kịch khác đang diễn ra ở quốc gia đó không phục vụ Đức Giáo Hoàng.
Năm 1933, Edith Stein, được Đức Gioan-Phaolô II tôn xưng là tử đạo, vị thánh và là bổn mạng của Âu Châu, đã viết một lá thư rất đúng nguyên tắc cho Đức Piô XI cầu xin ngài đừng im lặng về các chính sách của Hitler. Do đó, đối thoại - có khía cạnh đau khổ khi làm chứng - không thể tiến lên nếu một bên im lặng.
Do đó, người ta có thể phỏng đoán rằng Tòa thánh đã tìm mọi cách, mặc dù không được công khai biết đến, để bày tỏ sự thất vọng của mình với phía bên kia về sự suy giảm tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc và sự đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.
Nếu, như Đức Giáo Hoàng đã nói trên đài phát thanh Tây Ban Nha, “chỉ đường cho giám mục” là một cám dỗ chính đáng mà ngài đã thực hành trong quá khứ, thì người ta hy vọng rằng nhiều người sẽ noi gương ngài và cho phép mình bị cám dỗ làm như thế và gửi những đóng góp quan trọng của họ cho Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh.
Source:Asia News