Mổ xẻ một trò hề công lý, vụ kết án Đức Hồng Y George Pell



Bài phân tích của Linh mục Brennan, một chuyên gia luật học Dòng Tên, người Úc (Nguyên văn xem tại https://weeklycatholicnews.com.au/2021/09/05/14/)


Các nhân chứng chính không được Cảnh sát Victoria phỏng vấn, các phán quyết pháp lý kỳ quái và các phương tiện truyền thông hung dữ: Cha Frank Brennan Dòng Tên mổ xẻ câu chuyện tồi tệ về việc nền công lý phân hủy ra sao ở Victoria đúng lúc nó cần thiết nhất...



Một vụ án đáng lẽ không nên diễn ra

Đã đến lúc tuyên bố Đức Hồng Y George Pell vô tội trước các lời buộc tội phi lý ngài phải đối đầu ở Tòa án Quận Victoria và tiến bước vì lợi ích của mọi người, bao gồm cả những đương đơn và nạn nhân trung thực của nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong các định chế.

Vì lệnh cấm phổ biến tin tức do Tòa án Quận áp đặt, các bạn đã không thể theo dõi các phiên tòa của Đức Hồng Y George Pell hàng ngày. Đó là lý do tại sao tôi được yêu cầu tham dự các phiên xử. Đó là lý do tại sao tôi đã xuất bản một cuốn sách, Observations on the Pell Proceedings (Các Quan sát về Các Phiên tòa xử Đức Hồng Y Pell), để các bạn có thể đánh giá riêng về bằng chứng.

Cuốn sách của tôi dành riêng cho những người tìm kiếm sự thật, công lý và hàn gắn và cho những người đã bị từ chối chúng. Sau khi theo dõi sát nút các phiên xử Đức Hồng Y Pell, tôi tin chắc rằng vụ này không giúp gì được cho những người khiếu nại trung thực, nạn nhân và những người ủng hộ họ.

Tôi viết trong phần giới thiệu:

“Các thất bại của cảnh sát Victoria, các chức trách công tố, và hai thẩm phán cao cấp nhất củaVictoria trong những phiên xử này đã không làm được gì trong việc giúp các cố gắng đang được đưa ra nhằm giải quyết chấn thương của nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong các định chế. Như một xã hội, chúng ta cần phải làm tốt hơn, và hệ thống pháp luật cần đóng vai trò của nó”.

Tôi tin rằng người ta sẽ sẵn sàng tìm kiếm và hy vọng có ánh sáng và việc hàn gắn nhiều hơn, nếu các biện pháp thích đáng được đưa ra để sửa chữa các lỗi đã mắc phải trong các phiên xử Đức Hồng Y Pell. Các sai lầm phức hợp mang lại kết quả là phán quyết nhất trí của Tòa án Tối cao Úc, một phán quyết đã đặt hệ thống công lý hình sự Victoria dưới một ánh sáng rất kém.

Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đức Hồng Y Pell vô tội trước các lời kết tội này. Thậm chí, ngài không nên bị kết tội như thế bao giờ.

Tại phiên tòa đầu tiên, bồi thẩm đoàn không đồng ý. Vì vậy, một phiên tòa thứ hai đã được tổ chức, tại đây Đức Hồng Y Pell bị kết tội cả năm tội danh. Tòa Kháng cáo của Victoria giữ nguyên lời kết tội với tỷ số 2-1. Thẩm phán bất đồng là Mark Weinberg, thẩm phán tòa phúc thẩm hình sự kinh nghiệm nhất của cả nước. Bây giờ ông đã hoàn toàn ra khỏi tòa sau khi đảm nhiệm trách nhiệm nặng nề làm Điều tra viên đặc biệt các cáo buộc tội phạm chiến tranh ở Afghanistan.

Tòa án Tối cao đã cử cả bảy thẩm phán trong phiên phúc thẩm cuối cùng. Họ đã nhất trí trong phán kết của họ bằng một phán quyết duy nhất, ra lệnh rằng “các kết tội Đức Hồng Y Pell bị dẹp bỏ và các phán kết trắng án được ghi vào sổ thay thế”.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa không đòi bằng chứng. Nhân chứng chính của công tố là người khiếu nại ‘J’ (tên ông ta đã và vẫn bị giữ bí mật), người này mô tả những gì ông ấy nói ông nhớ được đã xảy ra với ông và bạn của ông, ông ‘R’ bây giờ đã qua đời, vào năm 1996 khi họ 13 tuổi. Nhưng bên công tố cũng đã gọi, theo yêu cầu của bên bào chữa, khá nhiều nhân chứng khác từng tham dự Thánh lễ trọng thể được cử hành trong Nhà thờ Chính tòa St Patrick's Melbourne cuối năm 1996 – người giữ phòng áo lễ, vị chưởng nghi, các ca viên, trưởng ca đoàn và người chơi đàn organ.

Vì việc cho rằng có đến 4 trong số 5 vi phạm được cho là đã xảy ra trong phòng áo lễ của các linh mục trong thời gian ngắn sau thánh lễ lúc bạn thường xuyên thấy các người giúp lễ đang có mặt, nên thật là ngạc nhiên khi cảnh sát đã không phỏng vấn bất cứ người giúp lễ nào và công tố không lưu tâm gọi bất cứ người giúp lễ nào cho đến khi bên bào chữa buộc họ phải ra tay.

Đến lúc có phiên xử thứ hai, hai người giúp lễ bên bào chữa khuyến cáo đưa vào được công tố gọi để đưa ra bằng chứng.

Một trong những người giúp lễ này, Jeff Connor, đã có một cuốn nhật ký giúp công tố nhận diện được những ngày duy nhất các vi phạm đã xảy ra: 15 và 22 Tháng 12 năm 1996.

Người giúp lễ khác, Daniel McGlone, hiện là một luật sư, cung cấp bằng chứng ông tham dự một trong những thánh lễ trong đó, ông và mẹ ông gặp Đức Tổng Giám Mục Pell trên các bậc thềm sau thánh lễ.

Tòa án Tối cao lưu ý: "thẩm phán xét xử cho rằng bằng chứng do công tố đưa ra bất nhất, hoặc có khả năng mâu thuẫn, với trình thuật của J về các sự kiện, “bất lợi” một cách có liên hệ, nên Ngài Chánh án cho phép công tố viên đối chất một số nhân chứng (và dự trù cho phép đối với các nhân chứng khác)” liên quan đến sáu chủ đề.

Mặc dù đã được phép đối chất, công tố không bao giờ chấp nhận lựa chọn đó và vì vậy không bao giờ thách thức phiên bản về các sự kiện do các nhân chứng cơ hội (opportunity witnesses) đưa ra. Sáu chủ đề bao gồm: ‘(i) liệu (Đức Hồng Y Pell) có luôn ở bên một người khác, bao gồm (chưởng nghi) Portelli hay (ông từ phòng áo lễ) Potter, khi đã mặc áo lễ; (ii) liệu (Đức Hồng Y Pell) có luôn chào đón mọi người trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ trọng thể vào Chủ nhật hay không’.

Tòa án Tối cao lưu ý rằng việc cho phép đối chất này ‘phản ảnh sự hài lòng của thẩm phán xét xử rằng bằng chứng dự kiến, nếu được chấp nhận, sẽ loại trừ khả năng thực tế xảy ra vi phạm như J đã mô tả’.

Tòa án Tối cao lưu ý, "Sự trung thực của các nhân chứng cơ hội không bị nghi ngờ".

Trong phần kết luận của mình, Tòa án Tối cao nhận thấy rằng lý lẽ của công tố có nhiều lỗ hổng nên quyết định chỉ tập trung vào một số yếu tố chủ yếu. Tòa cho rằng không cần phải giải quyết mọi bất cái nhiên hoặc bất khả hữu mà bên bào chữa đưa ra. Tòa cho biết: ‘Khả thể hai cậu bé ca viên mặc áo choàng có thể lẩn khỏi đám rước mà không bị phát hiện; tìm được rượu lễ trong tủ không khóa; và việc đương đơn có thể điều động lễ phục để lộ dương vật của mình là những xem xét có thể bị để qua một bên". Không cần phải xem xét khả thể hoặc khả năng xảy ra của những vấn đề này.

Sau khi xem xét tất cả các bằng chứng và vì các mục đích lập luận, chấp nhận rằng “Đa số của Tòa phúc thẩm đã không sai khi cho rằng bằng chứng của J về biến cố thứ nhất không có sự khác biệt, hoặc cho thấy sự bất cập, có tính chất đòi bồi thẩm đoàn phải có một nghi ngờ về việc có tội”. Tòa tiếp tục kết luận:

“Vấn đề còn lại là bằng chứng của các nhân chứng, mà tính trung thực không bị nghi ngờ, (i) đã đặt (Đức Hồng Y Pell) trên các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa trong ít nhất mười phút sau Thánh lễ vào ngày 15 và 22 tháng 12 năm 1996; (ii) đặt ngài ở cùng Portelli khi ngài trở lại phòng áo lễ của các linh mục để cởi bỏ lễ phục của mình; và (iii) mô tả lưu lượng đi lại liên tục vào ra khỏi phòng áo lễ của các linh mục trong 10 đến 15 phút sau khi những người giúp lễ hoàn tất việc cúi đầu trước tượng chịu nạn”.

Thế là xong – chiến thắng hoàn toàn. Dựa trên các bằng chứng được đưa ra trong vụ án, không thể nào có chuyện Đức Hồng Y Pell và hai cậu bé có thể ở một mình với nhau trong phòng áo lễ của các linh mục ngay sau thánh lễ. Không có cả thời gian lẫn địa điểm để thực hiện các hành vi phạm tội.

Không có cả thời gian lẫn địa điểm trong bất cứ câu chuyện nào thì hẳn bạn đang ở trong cõi tưởng tượng hoặc ký ức sai lầm. Công việc căn bản nhất của cảnh sát đáng lẽ đã sớm tiết lộ điều này trong cuộc điều tra, nhất là trong cuộc điều tra được thực hiện đúng cách với nguồn lực khổng lồ được cam kết như Cảnh sát Victoria đã dành cho Chiến dịch Tethering với Đức Hồng Y Pell là tập chú duy nhất.

Khi người khiếu nại J trình diện lần đầu với cảnh sát vào ngày 18 tháng 6 năm 2015, anh ta có một bản tường trình khá đơn giản về việc anh ta, bạn của anh ta R và Đức Hồng Y Pell đã tự mình đến phòng áo lễ của các linh mục tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick trong khi Đức Hồng Y Pell đã làm những điều kinh khủng như thế nào.

Họ đang hoàn tất thánh lễ, và như thường lệ, họ đang trong một cuộc rước ở phía trong Nhà thờ đi thẳng từ cung thánh đến phòng ca đoàn qua một hành lang đi ngang qua phòng áo lễ của các linh mục mà trước đây họ chưa bao giờ bước vào. Họ sẽ chỉ mất 56 bước để đến đó. Hai cậu bé bắt đầu đi lục lọi ở những nơi mà các cậu không nên đến, và họ phát hiện ra một ít rượu lễ trong phòng áo của các linh mục và bắt đầu nốc nó ừng ực.

Xin các bạn lưu ý cho, ngay cả trình thuật này cũng có vấn đề. Tất cả những người khác đi qua hành lang đó đang ở đâu vào thời điểm đó, và đặc biệt, những người sẽ đến và đi từ phòng áo của các linh mục ngay sau thánh lễ, vận chuyển đồ đạc từ cung thánh, mang tiền vào để được thu nhận hoặc đếm, những vị đồng tế thay đổi lễ phục của họ, v.v. họ đang ở đâu?

J nói rằng ông ta chưa bao giờ đến thăm lại phòng áo của các linh mục cho đến khi cảnh sát đưa ông ta đi một vòng để chuẩn bị cho vụ án.

Nếu nhà báo Louise Milligan đưa tin chính xác và nếu mẹ của R nhớ lại đúng cuộc trò chuyện của mình với J, thì J cũng có một trình thuật khác vào thời điểm đó.

Tôi xin trích dẫn trực tiếp trình thuật của Milligan có nội dung ghi lại cuộc nói chuyện giữa Milligan và người mẹ "đôi khi sau khi các thám tử lấy lời khai của bà ấy" vào ngày 1 tháng 7 năm 2015, đó là sau khi J cung cấp lời khai đầu tiên của mình cho cảnh sát vào ngày 18 tháng 6 năm 2015 ( nhưng trước khi ông ta đưa ra tuyên bố thứ hai của mình vào ngày 31 tháng 7 năm 2015) cho rằng hành vi vi phạm đã xảy ra sau Thánh lễ:

“(J) nhẹ nhàng nói với bà ấy những gì ông nói đã xảy ra với Đức Tổng Giám Mục”.

Bà nói “Cậu nói với tôi rằng cậu và [con trai tôi] từng chơi ở phía sau Nhà thờ Chính tòa trong những căn phòng kín mít”.

"Trong nhà thờ chính tòa?" Tôi hỏi bà ấy.

“Trong nhà thờ, vâng. Và ừm, họ đã bị Tổng giám mục Pell bắt quả tang và ông ấy khóa cửa lại và bắt họ thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng”. (J) vẫn nhớ rất rõ biến cố đó. Được bố mẹ ông đón về sau đó. Nhìn chằm chằm qua cửa sổ xe hơi trên đường về nhà”.

Trong ấn bản thứ hai của cuốn sách Cardinal của mình, Milligan đã thay đổi chi tiết về chiếc cửa ra vào bị khóa dẫn tới một cánh cửa bị chặn, và bỏ qua tất cả những gì liên quan đến việc J được cha mẹ đón về. Hiệu quả của những thay đổi này là làm cho trình thuật của cô ấy phù hợp hơn với bằng chứng mà J đã đưa ra tại phiên tòa.

Milligan không giải thích liệu mẹ của cậu bé kia đã hiểu sai những điều này hay Milligan đã hiểu sai. Nhưng điều đó không quan trọng.

Bản tường trình thứ hai về việc đi lục lọi ở phòng phía sau khi không có ai khác ở quanh đó đã hoàn toàn bị loại bỏ, hay chính xác hơn là không bao giờ được công tố chấp nhận. Milligan đã không muốn thách thức hơn nữa. Ai cũng thường biết rằng Đức Hồng Y Pell không sống tại nhà thờ chính tòa và chỉ ở đó khi có các biến cố phụng vụ lớn.

Trình thuật đầu tiên về một lần lẩn trốn phiêu lưu duy nhất ngay sau Thánh lễ đã được viết lại một cách đáng kể.



Các bạn sẽ nhớ lại rằng Shane Patton (người khi được bổ nhiệm làm Ủy viên Cảnh sát Victoria vào tháng 6 năm 2020 được mô tả là 'thẳng thắn và có óc phân tích' và các đồng nghiệp của ông nói rằng ông đã 'đúng cả trong chi tiết') đã dẫn một vài người của mình đến Rome để phỏng vấn Đức Hồng Y Pell vào ngày 19 tháng 10 năm 2016. Tại cuộc phỏng vấn, Trung sĩ Thám tử Chris Reed đã đi cùng với Thanh tra Thám tử Paul Sheridan.

Chuẩn bị cho hồ sơ phỏng vấn, dựa trên những chi tiết viết sơ bộ do cảnh sát cung cấp cho ngài, Đức Hồng Y Pell nghĩ rằng những lời tố cáo liên quan đến các vụ tấn công trong phòng phía sau của nhà thờ chính tòa một thời gian sau buổi tập dượt của ca đoàn khi những người khác không có mặt ở đó – phần lớn giống như trình thuật của Milligan từng được công bố một năm sau đó.

Nhưng nay đối với ngài rõ ràng cáo buộc là các cuộc tấn công xảy ra ngay sau thánh lễ trọng thể 11 giờ sáng trong phòng áo lễ của các linh mục. Khi nghe điều đó, Đức Hồng Y Pell hẳn nghĩ rằng cảnh sát sẽ nhận ra rằng những cáo buộc của J là không đáng tin cậy, nếu không muốn nói là nực cười.

Ngay từ đầu trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Pell đã nói với cảnh sát: “Các cáo buộc liên quan đến nhà thờ chính tòa Thánh Patrick là… sản phẩm của tưởng tượng”.

Ngài nói tiếp : “Cuộc phỏng vấn qua loa nhất với các nhân viên và những người từng là các cậu ca viên tại nhà thờ chính tòa vào năm đó và sau đó hẳn sẽ xác nhận rằng các cáo buộc, trang căn bản, là bất cái nhiên và chắc chắn là sai lầm và tôi mời những người phỏng vấn tôi cho tôi biết họ đã nói chuyện với ai và tôi rất vui cung cấp cho họ đúng hạn những người có thể nói một cách có thẩm quyền về các chức năng, sự hiện diện và hành vi của tôi tại nhà thờ chính tòa nói chung và một cách đặc thù hơn vào những thời điểm khi việc lạm dụng bị coi là đã xảy ra".

“Tôi tha thiết hy vọng rằng điều này được thực hiện trước khi đưa ra quyết định có buộc tội hay không vì thiệt hại khôn lường sẽ gây ra cho tôi và cho Giáo hội chỉ bởi việc đưa ra các cáo buộc mà sau này khi khảo sát thích đáng sẽ thấy là không đúng sự thật. Cảm ơn qúi ông".

Trung sĩ Thám tử Chris Reed trả lời: “Cảm ơn ngài. Tôi đánh giá cao điều đó".

Ông Reed, ông Patton, và Giám đốc Thám tử Sheridan đã trở lại Úc và không làm gì cả.

Đức Hồng Y Pell đã cung cấp cho cảnh sát bốn thông tin quan trọng mà trước đây họ không hề hay biết, và lẽ ra đã đem cuộc điều tra đến hồi kết thúc sau một số việc làm rất đơn giản của cảnh sát khi trở về nhà.

Bốn thông tin quan trọng từ hồ sơ phỏng vấn Đức Hồng Y Pell, ngày 19 tháng 10 năm 2016

1. Sinh hoạt như tổ ong tại Phòng áo lễ của các linh mục sau Thánh lễ

Thông tin quan trọng đầu tiên là có một sinh hoạt như tổ ong trong phòng áo lễ của các linh mục sau thánh lễ, bao gồm ông từ phòng áo lễ, người phụ tá của ông ta, các người thu tiền, các vị đồng tế và người giúp lễ.

Đức Hồng Y Pell nói với cảnh sát rằng họ nên quay trở lại Melbourne và phỏng vấn những người này, những người có thể chứng thực cho tuyên bố của ngài rằng không thể để Đức Hồng Y Pell ở một mình ở nơi đó vào lúc ấy với hai cậu bé ca viên. Dưới đây là những lời thực sự Đức Hồng Y Pell đã nói trong bản ghi cuộc phỏng vấn:

“Bây giờ, phòng áo lễ sau thánh lễ nói chung là một tổ ong đang hoạt động vì qúy ông… có ông từ phòng áo lễ ở đó và thường thì qúi ông còn có người phụ tá của ông từ phòng áo lễ. Nếu có các vị đồng tế, họ sẽ thay áo lễ. Các người giúp lễ sẽ cởi các lễ phục của họ. Các người thu tiền sẽ mang tới các khoản tiền thu được. Ông từ phòng áo lễ và các phụ tá sẽ mang chén thánh và các đồ đựng ra khỏi bàn thờ. Bây giờ, tôi luôn được chưởng nghi của tôi tháp tùng sau thánh lễ, nên ngài sẽ đến quanh tôi và giúp tôi cởi lễ phục. Đó chỉ là nghi thức".

Khi phiên bản của J được trình bầy với ngài, Đức Hồng Y Pell nói, “Thật là chuyện rác rưởi tuyệt đối và đáng hổ thẹn. Hoàn toàn sai sự thật. Điên cuồng. Đủ loại người vốn đến phòng áo lễ để nói chuyện với linh mục. Các ông từ giữ phòng áo lễ luôn ở xung quanh, và cả những người giúp lễ cũng ở xung quanh. Đây có phải là phòng áo lễ ở nhà thờ chính tòa sau Thánh lễ Chúa nhật hay không?”

Ông Reed trả lời, "có". Nghe thế, Đức Hồng Y Pell đáp lại, "Thế thì tôi đâu cần phải nói gì thêm nữa. Thật là một đống rác rưởi và sự giả dối và sự giả dối loạn trí. Chưởng nghi của tôi có thể nói rằng ngài luôn ở bên tôi sau các buổi lễ cho đến khi chúng tôi quay trở lại bãi đậu xe hoặc trở lại nhà xứ. Ông từ giữ phòng áo lễ ở xung quanh. Các người giúp lễ ở xung quanh. Người ta đến và đi".

Cảnh sát được ông Patton hướng dẫn với đôi mắt muốn biết chi tiết đã trở lại Melbourne và không phỏng vấn một người thu tiền cũng như một người giúp lễ nào.

Vào thời điểm diễn ra phiên tòa thứ hai, cảnh sát đã được cung cấp cuốn nhật ký của một người giúp lễ tên Jeff Connor, người đã lên tài liệu những người tham gia chính trong mỗi thánh lễ. Đây là cuộc đối chất Christopher Reed, người điều tra chính tại phiên tòa, của Robert Richter:

Đúng. Một trong những điều đáng lưu ý về cuốn nhật ký của ông ấy là bạn có thể thiết lập, từ nhật ký của ông ấy, tên của rất nhiều người giúp lễ, những người có liên quan đến thời kỳ liên hệ?

- À, thời kỳ liên hệ. Có các người giúp lễ - Tôi không - Tôi thực sự không nhớ đã đọc - tên của những người giúp lễ trong nhật ký của ông Connor.

À, trong những dòng nhật ký ông ấy có ăn trưa, họ ăn trưa thường xuyên?

- Có.

Ông có nhớ đã đọc một cái gì đó như thế, và ông ta kể chúng ra không? Thí dụ: vào tháng 7, ‘đãi bữa trưa tại nhà hàng Jimmy Watson, đường Lygon, Carlton, với Ray, Ralph’ và một vài cái tên khác ở đó mà tôi không thể đọc được?

- Tôi không nhớ mục đó, không.

Được. Họ ăn trưa bình thường, tụ họp với nhau, các người giúp lễ, người lớn?

- Vâng.

Ông chấp nhận điều đó, phải không?

- Vâng, tôi chấp nhận điều đó, vâng.

Vì vậy, những gì xảy ra là điều này; ngoài sự kiện chúng ta theo dõi ông Connor, ông đã không theo dõi bất cứ người giúp lễ nào cả?

- Không, đúng vậy.

Nhưng các người giúp lễ là một phần rất, rất quan trọng của cuộc điều tra này?

- Dạ, không, trong giai đoạn điều tra, không, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các cậu ca viên, bởi vì các biến cố được cho là xảy ra quanh các cậu ca viên, chứ không phải các người giúp lễ là những người ở một địa điểm khác và có vai trò khác.

Nhưng không có bất cứ cậu ca viên nào có mặt khi điều này xảy ra, được cho là đã xảy ra?

- Dạ, không có bất cứ người giúp lễ nào.

Không có bất cứ ai trong số những người này có mặt…?

- Không có bất cứ người giúp lễ nào được cho là có mặt cả.

Đúng, nhưng những người giúp lễ đã tham gia vào các cuộc rước giống như cách các cậu ca viên đã tham gia vào các cuộc rước?

- Đúng vậy, vâng.

Và không chỉ có thế, các cậu giúp lễ còn quan trọng hơn vì các cậu giúp lễ có vị trí nói những gì họ đã làm sau thánh lễ trong phòng áo của linh mục?

- Bằng chứng đã được dành cho hiệu quả đó, vâng.

Vâng, và ông chấp nhận điều đó?

- Tôi chấp nhận bằng chứng được đưa ra, vâng.

Vì vậy, tình hình là, ngoài Jeff Connor - chắc chắn có thể hỏi ông ta tên của các người giúp lễ khác đang hành động vào thời điểm đó?

- Đúng, đúng vậy.

Nhưng ông ta chưa bao giờ được hỏi bởi bất cứ ai trong lực lượng đặc nhiệm?

- Không, ông không được hỏi.

Cảnh sát không có nỗ lực nào khi họ trở về từ Rome để liên lạc với bất cứ người giúp lễ nào, hoặc bất cứ người thu tiền, hoặc bất cứ vị đồng tế nào.

Tại sao?

Vì J nói rằng không ai trong số họ có mặt. Đức Hồng Y Pell đã nói với họ rằng những người này thường có mặt tại chính chỗ và vào chính thời điểm mà hành vi vi phạm được cho là đã xảy ra. Thay vì điều tra các lời cáo buộc, cảnh sát chỉ chấp nhận trình thuật của J mà không nghi ngờ gì, bao gồm khẳng định rằng không có người giúp lễ nào hiện diện trong bất cứ khoảng thời gian nào mà biến cố đầu tiên có thể đã xảy ra.

Họ không phỏng vấn một người giúp lễ nào cả. Nhưng họ lại đã phỏng vấn hơn 30 ca viên.

Tại sao?

Bởi vì J là một ca viên. Các ca viên không được vào phòng áo lễ của các linh mục sau thánh lễ, trừ khi tất nhiên là họ có hành vi sai trái.

Kỹ thuật cảnh sát này, nếu được áp dụng vào các trường hợp khác, sẽ làm tổn hại đến nhiều cuộc điều tra tội phạm. Chúng ta hãy xem xét một thí dụ khi cảnh sát nhận được một báo cáo tội phạm, không phải từ một nạn nhân mà từ một người chỉ đơn giản là một nhân chứng trung thực. Hãy tưởng tượng nếu một người đi bộ tuyên bố mình chứng kiến một vụ cướp ngân hàng, nói với cảnh sát rằng cô ấy không thấy bất cứ thu ngân viên ngân hàng (bank teller) nào có mặt khi kho tiền ngân hàng bị đột kích.

Sau đó, cảnh sát dành 18 tháng để phỏng vấn 30 người đi bộ khác, nhưng họ quyết định không phỏng vấn bất cứ thu ngân viên ngân hàng nào vì nhân chứng đi bộ nói rằng cô ấy không nhìn thấy thu ngân viên nào. Cảnh sát hẳn muốn phỏng vấn tất cả các thu ngân viên ngân hàng hiện có nếu họ muốn học hỏi từ các thu ngân viên này những hoạt động thường ngày của họ, hỗ trợ để cảnh sát hiểu làm thế nào mà vụ cướp có thể xảy ra.

Sự cần thiết của việc phỏng vấn các thu ngân viên ngân hàng như một phần của cuộc điều tra thích đáng được nhấn mạnh nếu có bằng chứng cho thấy các thu ngân viên ngân hàng thường xuyên có mặt tại thời điểm vụ cướp xảy ra.



2. Lộ trình diễn hành (đoàn rước)

Trong hồ sơ phỏng vấn, Đức Hồng Y Pell nói với cảnh sát rằng thường lệ sau thánh lễ trọng thể trong nhà thờ chính tòa do Tổng giám mục cử hành, toàn bộ đoàn tùy tùng bao gồm cả ca đoàn gồm đến 60 thành viên sẽ không giải tán đơn giản bằng một cuộc rước bên trong gồm 56 bậc thang từ gian cung thánh trực tiếp vào phòng áo lễ.

Đúng hơn, với một sự rộn ràng trọn vẹn của một bài thánh ca tiễn chân, theo sau là Bản Ngẫu Hứng (Volunatry) của Đàn Organ, tất cả họ sẽ diễn hành xuống gian giữa ra khỏi cửa phía tây, sau đó tham gia vào một cuộc rước ở bên ngoài quanh phía nam của nhà thờ chính tòa. Tôi đã đo tuyến đường đó là 308 bước. Cùng với vị chưởng nghi nhà thờ chính tòa, tôi đã đi bộ dọc lộ trình theo tốc độ của cuộc rước. Mất khoảng bốn phút rưỡi. Tôi nên lưu ý các bạn rằng với kích thước 6 ’4”, các bước của tôi có xu hướng dài hơn mức trung bình.

Đức Hồng Y Pell đã nói với cảnh sát phải trở lại Melbourne và nói chuyện với những người có liên hệ. Khi họ trở lại Melbourne, cảnh sát phát hiện thấy các nhân viên nhà thờ như Chưởng nghi Đức ông Charles Portelli, ca trưởng là ông John Mallinson, người chơi đàn organ, Tiến sĩ Geoff Cox, và ông từ giữ phòng áo lễ Max Potter đã xác nhận những gì Đức Hồng Y Pell đã nói về đám rước ở bên ngoài.

Nếu thời tiết khắc nghiệt hoặc nếu Đức Hồng Y Pell có một cuộc hẹn khác ngay sau thánh lễ, họ sẽ làm một cuộc rước ở bên trong nhà thờ. Nhưng nếu không, họ sẽ rước ở bên ngoài. Sẽ có rất nhiều khách du lịch xung quanh. Đó rõ ràng là một điều gì đó gây ấn tượng. J dường như có chính ấn tượng ấy, khi cho rằng các cuộc rước trong nhà thờ là một thói quen và là điều quan trọng trong ngày.

Vào thời điểm bắt đầu tố tụng vào tháng 3 năm 2018, bằng chứng của J là vào ngày xẩy ra 4 vi phạm đầu tiên, thực sự có một cuộc rước ở bên ngoài, chứ không phải một cuộc rước ở bên trong như ông đã khai trước đó trong báo cáo của cảnh sát ngày 18 tháng 6 năm 2015 và Ngày 31 tháng 7 năm 2015 và trong cuộc cuốc bộ sau đó với cảnh sát vào ngày 29 tháng 3 năm 2016 tại nhà thờ chính tòa.

Các Thẩm phán Tòa án Tối cao Victoria là Chánh án Ferguson và Chủ tịch Maxwell đã viết trong phán kết của họ: “Trong cuộc cuốc bộ năm 2016, J nói rằng ca đoàn sẽ lên xuống hành lang bên trong phòng áo lễ mỗi Chúa nhật, trước và sau Thánh lễ”.

Vì một số lý do không giải thích, J vẫn kiên định với ý tưởng cho rằng anh và R đã có thể vào được phòng áo lễ của các linh mục thông qua hành lang mà họ đã sử dụng nếu đó vẫn là một cuộc rước ở bên trong. Ông mô tả một lộ trình hai bước. Đầu tiên có một đám rước ở bên ngoài.

Thứ hai, khi ông ta và R đến gần gian ngang phía nam, không có bất cứ kế hoạch trước nào và không có bất cứ cuộc thảo luận nào, hai người họ đã lẩn khỏi đoàn rước, vào lại nhà thờ chính tòa qua một trong những cánh cửa ở gian ngang phía nam, sau đó đi theo hành lang mà họ vẫn sử dụng nếu đó là một cuộc rước ở bên trong. Tôi đã đo tuyến đường đó. Nó là 277 bước.

Vào thời điểm Đức Hồng Y Pell xuất hiện tại phiên tòa đầu tiên của mình tại Tòa án Quận vào tháng 8 năm 2018, J đã phải đối mặt với một núi bằng chứng từ các nhân chứng khác do công tố gọi đến, những người này tuyên bố rằng sẽ rất khó khăn cho hai cậu ca viên giọng sopranos ở đầu đoàn rước lẩn khỏi đoàn rước trong khi đoàn rước vẫn đang ở bên ngoài nhà thờ chính tòa, và làm như vậy mà không bị những người khác, kể cả các thành viên người lớn của ca đoàn nhìn thấy, họ là những người xếp hàng ngay phía sau các cậu với một hướng nhìn rõ ràng.

Sau đó, bằng chứng của J cho thấy ông ta và R vẫn ở trong đám rước cho đến khi nó đến hành lang nhà vệ sinh bị khuất tầm nhìn của khách du lịch. Hành lang nhà vệ sinh là một lối đi hẹp bên ngoài nhà thờ chính tòa, cung cấp lối vào nhà vệ sinh công cộng và các phòng áo lễ bằng một cánh cửa khóa.

J và một ca viên khác là Andrew La Greca (người mà Louise Milligan rất tin tưởng) đã đưa ra bằng chứng rằng vào thời điểm đoàn rước đến hành lang nhà vệ sinh, trật tự bị phá vỡ và người ta bắt đầu phân tán. Vì vậy, khi ở bên trong hành lang nhà vệ sinh chỉ rộng 1.33m, J và R, một cách tự phát và không có bất cứ kế hoạch hay thảo luận nào trước đó, đã quyết định đi ngược lại dòng người, tìm đường ra khỏi hành lang nhà vệ sinh, quay trở lại gian ngang phía nam rồi đi lại lộ trình họ sẽ đi để đến phòng áo lễ của các linh mục nếu thực sự đây là một cuộc rước ở bên trong.

Ông nhấn mạnh rằng họ đã đi bộ; chứ không chạy. Tôi đã đo tuyến đường vòng vèo mới này là 408 bước. Phải mất năm phút rưỡi.

Vào thời điểm diễn ra phiên tòa thứ hai, bên công tố, khi cố gắng tìm ra sáu phút trong đó hành vi vi phạm được cho là đã xảy ra, đã mặc nhận [postulated] rằng hành vi vi phạm phải xảy ra trong lúc cầu nguyện riêng sau thánh lễ.

Sáu phút này được cho là khoảng thời gian mà ông từ giữ phòng áo Max Potter cho phép các giáo dân cầu nguyện tự do sau thánh lễ trước khi ông ta bắt các người giúp lễ của mình bắt đầu nhiệm vụ dọn dẹp của họ trong gian cung thánh.

Sáu phút này phải trôi qua trước khi những người giúp lễ dẫn đầu đoàn rước đến phòng áo của các linh mục khi họ cúi đầu trước tượng chịu nạn ở cuối cuộc rước, và trước khi họ bắt đầu nhiệm vụ vận chuyển các đồ vật thánh từ cung thánh vào phòng áo của các linh mục.

Như thế, đây là vấn đề. J tuyên bố rằng anh ta và R đang lục lọi xung quanh và "sẽ chỉ ở trong phòng tối đa vài phút trước khi Đức Hồng Y Pell bước vào".

Nhưng ở phiên bản cuối cùng trình bầy cho bồi thẩm đoàn, họ đã dành ít nhất năm phút rưỡi cho lộ trình vòng vèo mới để đến phòng áo lễ. Xin lưu ý, họ có thể mất nhiều thời gian hơn thế vì J nói rằng họ đã đi thăm dò nhiều nơi khác nhau trước khi đến phòng áo lễ của các linh mục.

Các bạn sẽ thắc mắc không biết hai cậu bé sẽ thảo luận gì với nhau trước khi bắt đầu lục lọi và khi đi ngược lại 122 bậc từ hành lang nhà vệ sinh đến gian ngang phía nam và vào phòng áo của các linh mục.

Trở lại Rome, sự thay đổi của tuyến đường rước là vấn đề mà Giám đốc Thám tử Sheridan quan tâm nhất. Đó là vấn đề duy nhất mà ông ta tiếp lời Trung sĩ Thám tử Reed trong cuộc phỏng vấn tìm việc sáng tỏ rằng thông lệ thực sự khi thời tiết tốt là Đức Hồng Y Pell sẽ diễn hành xuống gian giữa và sau đó tiến ra bên ngoài sau khi đã dừng lại một thời gian đáng kể để chào hỏi giáo dân trên bậc thềm nhà thờ chính tòa ở Cửa Tây.

Sheridan nhận ra rằng có vấn đề với trình thuật của J về đám rước ở bên trong.

Hóa ra, có những vấn đề còn lớn hơn với một trình thuật sửa đổi về một đám rước ở bên ngoài đã ngốn hết thời gian có sẵn để việc vi phạm xảy ra.

Người ta chỉ có thể suy đoán liệu sau đó Thám tử Sheridan có chuẩn bị sẵn sáng để chạy đua với trình thuật của J sau khi những đèn cảnh cáo này đã bắt đầu nhấp nháy.

Lộ trình cuối cùng do J đề xuất không chỉ ngốn hết thời gian khả hữu để ông từ giữ phòng áo lễ Potter chờ đợi trước khi hướng dẫn các người thuộc quyền mình bắt đầu vận chuyển các đồ vật từ cung thánh vào. Nó tạo ra đủ các điều không thể nào lường được.

Làm thế nào mà hai cậu bé 13 tuổi không có kế hoạch trước lại quyết định đi trên một con đường vòng vèo như vậy? Tại sao họ không đơn giản tiếp tục đi đến cuối hành lang nhà vệ sinh, rẽ trái và bắt đầu cuộc lục lọi của họ, chỉ đi 22 bước xuống hành lang vốn quá quen thuộc với họ, vì họ tới lui dọc theo hành lang đó vào mỗi Chúa nhật hàng tuần như J đã nói với cảnh sát trong cuộc cuốc bộ vào tháng 3 năm 2016?

Điều gì khiến họ nghĩ rằng họ sẽ không bị phát giác khi bước vào một phòng áo lễ, nơi nhất định ngoài giới hạn đối với ca đoàn?

Phần lớn nếu không phải là tất cả sáu phút trong đó Potter để thời gian cho mọi người đọc kinh sau thánh lễ, J và bạn đồng hành của cậu ta không đi thẳng đến phòng áo lễ của các linh mục qua 56 bước của đám rước bên trong, họ lại theo lộ trình đám rước vòng vèo ở bên ngoài lên đến 408 bước mà bạn phải mất ít nhất 5 phút rưỡi trước khi bạn tính thêm vài phút để lục lọi, tìm rượu và uống nó ừng ực.

3. Thăm hỏi ở bậc thềm

Đức Hồng Y Pell cũng nói với cảnh sát trong biên bản phỏng vấn rằng thực hành của ngài là chào hỏi đám đông trên các bậc thềm ở cửa phía tây sau thánh lễ.

Trong hồ sơ phỏng vấn ngài, Đức Hồng Y Pell nói, “Ý tôi là hãy để tôi - hãy để tôi bắt đầu triển khai - hầu hết những điều về các vấn đề này hay câu chuyện này phản sự kiện và với một chút may mắn, tôi sẽ có thể chứng minh từng điểm một. Điều đầu tiên là sau mỗi thánh lễ, tôi thường ở phía trước nhà thờ và nói chuyện với người ta”.

Công tố sẵn sàng thừa nhận rằng giao thức này có thể phát triển sau này trong thừa tác vụ của Đức Hồng Y Pell nhưng họ đặt câu hỏi liệu Đức Hồng Y Pell có dành rất nhiều thời gian tại các bậc thềm sau hai thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài trong tư cách tổng giám mục lúc 11 giờ sáng Chúa nhật hay không.

Bất cứ ai có kinh nghiệm về những điều này đều biết rằng một khi dừng lại trên các bậc thềm để chào hỏi người ta thì vị tân tổng giám mục sẽ bị bao vây bởi các giáo dân mới của ngài.

Ở một vài thánh lễ đầu tiên, có lẽ ngài sẽ dành nhiều thời gian hơn thay vì ít hơn để chào hỏi những người muốn gặp vị mục tử mới của họ. Nếu có nghi ngờ gì về phong cách và thực hành của Đức Hồng Y Pell tại thời điểm này, chỉ cần xem bài báo chính hai trang được viết về Đức Hồng Y Pell trên tờ The Age của Melbourne vào tháng trước khi có thánh lễ long trọng này.

Karen Kissane đã kết thúc bài viết 4,000 chữ của mình, Tin Mừng Theo George, mô tả về Đức Hồng Y Pell sau một thánh lễ an táng tại giáo xứ Fawkner:

“Sau buổi lễ, họ tràn ra nền ximăng ở bên ngoài và những người Ý lớn tuổi xếp hàng trước mặt Đức Hồng Y Pell để bày tỏ lòng kính trọng của họ. Họ nắm lấy tay ngài, sau đó cúi xuống và hôn các khớp ngón tay hoặc nhẫn của ngài trong một cử chỉ tôn kính cổ xưa. Một số gạt nước mắt. Đức Hồng Y Pell không ngạc nhiên và đáp lại mỗi người bằng một vài lời hoặc một chúc lành. Sau đó, khi ngài cố gắng tạo dáng để chụp hình, ngài lại bị bao quanh bởi một đoàn các bà già (nonnas) cười khúc khích với kích thước bằng nửa thân ngài cũng muốn được vào chụp ảnh.

Họ không bối rối chi cả; ngài là tổng giám mục của họ, bộ mặt của giáo hội họ, và ngài thuộc về họ. Đây là đức tin Công Giáo theo lối xưa, đầy nghi lễ, đầy tính bộ lạc và không thắc mắc”. Mỗi phút Đức Hồng Y Pell dừng trên những bậc thềm đó sau thánh lễ 11 giờ sáng càng thổi bay lý thuyết của công tố cho rằng Đức Hồng Y Pell có thể đã trở lại phòng áo lễ trong vòng sáu phút sau khi rời khỏi cung thánh.

Ngay cả khi ngài đi thẳng từ cung thánh mà không dừng lại để chào hỏi một giáo dân thôi, ngài vẫn cần phải đi 308 bước trong khoảng thời gian bốn phút rưỡi, điều này sẽ bắt đầu sau khi mọi người khác đã diễn hành trước ngài, bao gồm 60 thành viên của ca đoàn và một số ít người giúp lễ.

Bạn sẽ đánh giá cao việc người ở đàng sau đoàn rước gồm ít nhất 70 người xếp thành hai hàng sẽ đến đích cuối cùng sau những người đứng ở đầu đoàn rước một thời gian. Cả Đức Hồng Y Pell và J đều không đến được phòng áo lễ trong giờ cầu nguyện riêng, ngay cả nếu thời gian đó kéo dài sáu phút chứ không phải hai phút như Mallinson đã làm chứng.

Một ngày nọ, khi đến thăm nhà thờ chính tòa để đo đạc, tôi được vị chưởng nghi cho biết Đức Tổng Giám Mục rời nhà thờ chính xác lúc 10 giờ 44 phút, khi cử hành thánh lễ 11 giờ sáng. Vì vậy, Đức Tổng Giám Mục và đoàn tùy tùng của ngài thường mất tới sáu phút để diễn hành khi bắt đầu thánh lễ từ phòng áo lễ đến cửa phía tây của nhà thờ chính tòa. Đoàn rước gồm các ca viên, các người giúp lễ, các vị đồng tế và tổng giám mục sẽ mất cùng số thời gian ấy để trở lui.

4. Được Chưởng nghi Portelli tháp tùng

Đức Hồng Y Pell cũng nói với cảnh sát trong hồ sơ phỏng vấn ở Rome rằng ngài luôn được Chưởng nghi Đức ông Portelli tháp tùng vào mọi thời điểm có liên hệ. Công tố đã điều nghiên một số chiến lược để tách Đức Hồng Y Pell và Portelli ra xa nhau trong 6 phút quan yếu cần thiết để hành vi phạm tội xảy ra.

Chiến lược đầu tiên khiến Portelli thừa nhận rằng nếu có một cam kết khác dành cho tổng giám mục trong nhà thờ chính tòa vào chiều hôm đó, Portelli có thể dành vài phút để sắp xếp lại các ghi chú bài nói của tổng giám mục và các sách phụng vụ tại bục giảng trên cung thánh. Nhưng không có các biến cố nào được lên lịch trình như vậy vào những ngày đó. Có ý kiến cho rằng tổng giám mục có thể đã cử hành thánh lễ buổi tối tại nhà thờ chính tòa và điều đó có thể đã đòi Portelli phải chuẩn bị giấy tờ tại bục giảng.

Không có bằng chứng về điều đó.

Khi tổng giám mục cử hành thánh lễ trọng thể chính trong nhà thờ chính tòa vào Chúa nhật, ngài không trở lại để cử hành thánh lễ trọng thể buổi tối. Trong bất cứ trường hợp nào, một sự vắng mặt như vậy sẽ chỉ chiếm một vài phút là cùng.

Chiến lược thứ hai đã được thực hiện không thành công ở cả hai phiên tòa. Công tố cho rằng Portelli có thể đã trốn đi hút thuốc trong khi đã mặc lễ phục đầy đủ và trong khi tổng giám mục vẫn còn đang trong cuộc rước vào cuối thánh lễ hoặc trong khi tổng giám mục đang ở trên bậc thềm chào hỏi giáo dân.

Cả hai lần, công tố viên đều phải rút lại gợi ý trước bồi thẩm đoàn và xin lỗi. Không những không có bằng chứng hỗ trợ cho gợi ý, bằng chứng duy nhất đã loại trừ mọi khả thể của gợi ý. Gợi ý đã được công tố viên trực tiếp đưa ra với Portelli và ngài đã bác bỏ nó. Thí dụ tại phiên tòa thứ hai, công tố viên hỏi Portelli:

Ông nói rằng ông là người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, thánh lễ hơn một giờ, ông không đi ra ngoài để hút thuốc lá sau thánh lễ hay sao?

- Nó sẽ thích hợp chẳng hạn như việc Ngài chánh án cuốc bộ xuống Phố William trong trang phục long trọng đang hút một điếu thuốc, việc này không có đâu.

Khi công tố viên đưa ra gợi ý này cho bồi thẩm đoàn lần thứ hai, đây là dấu hiệu cho thấy khó khăn như thế nào để công tố tìm ra 6 phút kỳ diệu đó khi Đức Hồng Y Pell có thể ở một mình cùng với hai cậu bé trong phòng áo lễ.

Kết luận

Tôi đã nói đủ để nhấn mạnh lý do tại sao không ai có thể đặt câu hỏi nghiêm túc về kết luận của bảy thẩm phán Tòa án tối cao. Hãy để tôi trích dẫn lại cho các bạn kết luận của họ:

“Vấn đề còn lại là bằng chứng của các nhân chứng, mà tính trung thực không bị nghi ngờ, (i) đã đặt (Đức Hồng Y Pell) trên các bậc thềm của Nhà thờ chính tòa trong ít nhất mười phút sau Thánh lễ vào ngày 15 và 22 tháng 12 năm 1996; (ii) đặt ngài cùng với Portelli khi ngài trở lại phòng áo lễ của các linh mục để cởi bỏ lễ phục của ngài; và (iii) mô tả lưu lượng đi lại liên tục vào ra khỏi phòng áo lễ của các linh mục trong 10 đến 15 phút sau khi những người giúp lễ hoàn tất việc cúi đầu trước tượng chịu nạn".

Chánh án Ferguson và Thẩm phán Maxwell phủ nhận giá trị của kết luận này. Ngược lại, đây là những gì họ kết luận:

“Theo quan điểm của chúng tôi, xem xét toàn bộ bằng chứng, bồi thẩm đoàn có thể thấy rằng các vụ tấn công diễn ra trong 5-6 phút của thời gian cầu nguyện riêng và trước khi 'có việc hoạt động như tổ ong’ được mô tả bởi các nhân chứng kia bắt đầu. Bồi thẩm đoàn không bị bắt buộc phải có một nghi ngờ hợp lý".

Tòa án Tối cao đã kết luận một cách đúng đắn rằng với lượng bằng chứng quá lớn, cả Đức Hồng Y Pell và hai cậu bé đều không thể ở trong phòng áo lễ trong sáu phút đó. Các cậu bé đang diễn hành và đi ngược trở lại và lục lọi; Đức Hồng Y Pell đang diễn hành xuống gian chính và bước ra các bậc thềm để chào thăm các giáo dân mới của mình.

Theo phân tích của Tòa án Tối cao và nhất quán với việc duyệt xét cẩn thận toàn bộ bằng chứng của Thẩm phán bất đồng Weinberg tại Tòa phúc thẩm tiểu bang Victoria, không có bằng chứng nào để kết tội Đức Hồng Y Pell về bất cứ tội danh nào trong số này.

Kể từ quyết định của Tòa án Tối cao, không ai đưa ra được một lý thuyết đáng tin cậy nào về việc làm thế nào mà Đức Hồng Y Pell và hai cậu bé trong ca đoàn lại có thể ở một mình với nhau hoàn toàn không bị gián đoạn trong sáu phút trong phòng áo lễ của các linh mục ngay sau thánh lễ và trước khi ca đoàn diễn tập cho buổi hòa nhạc Giáng sinh.

Nếu cảnh sát nghi ngờ về lời khai của Đức Hồng Y Pell, Portelli và Potter, khi họ trở về từ Rome vào tháng 10 năm 2016, họ nên tìm kiếm và nói chuyện với bất cứ người giúp lễ nào, những người thu tiền và những vị đồng tế đã ở đó, trước khi tiến hành các thủ tục đưa ra xét xử vào 18 tháng sau.

Trong cuộc phỏng vấn tại Rome, Đức Hồng Y Pell đã cung cấp cho cảnh sát một sự thật không thuận lợi cho họ: trình thuật của J không đáng tin cậy. Nhưng, không nản lòng trước sự thật không thuận lợi này, cảnh sát quay trở lại Melbourne và theo đuổi lý thuyết gồm những lý lẽ không chống đỡ được của họ.

Không ai trong chúng ta biết danh tính của người khiếu nại, mà chúng ta cũng không nên biết. Khi Tòa án Tối cao tuyên bố trắng án cho Đức Hồng Y Pell về mọi cáo buộc, J đã đưa ra một tuyên bố qua luật sư Vivian Waller của mình rằng:

“Hành trình của tôi đã dài và tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì nó đã kết thúc. Tôi có những thăng trầm của tôi. Bóng tối không bao giờ ở xa. Bất chấp sự căng thẳng của diễn trình pháp lý và tranh cãi công cộng, tôi đã cố gắng rất nhiều để bảo toàn lấy mình. Tôi không sao. Tôi hy vọng mọi người đã theo dõi vụ án này cũng không sao”.

Trước đó, Vivian Waller nói với Louise Milligan: “Khách hàng của tôi đã có một hành trình rất dài. Diễn trình hình sự khá căng thẳng đối với ông ta và nó vẫn chưa kết thúc. Giống như nhiều người sống sót, thân chủ của tôi đã trải qua giai đoạn trầm cảm, cô đơn phải vật lộn với nhiều vấn đề khác nhau trong thời gian qua”.

Không nghi ngờ gì nữa, ông ta đã phải chịu thêm chấn thương qua diễn trình pháp lý, bao gồm cả các kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Phần lớn nó có thể tránh được. Những diễn trình này cũng đã tái chấn thương nhiều người khác, những người đã từng bị lạm dụng tình dục trẻ em ở các định chế và những người đã đặt hy vọng vào hệ thống pháp luật của chúng ta. Tình huống của họ sẽ được hỗ trợ nếu, trong vụ án này, cảnh sát đã thực hiện các biện pháp cảnh sát một cách có khả năng.

Những thất bại này trong diễn trình phải có khiến J bị tổn hại không cần thiết và có thể tránh được và áp đặt sự bất công nặng nề nhất lên Hồng Y Đức Hồng Y Pell.

Kể từ thời điểm Cảnh sát Victoria đưa ra cáo buộc, thực tại là Đức Hồng Y Pell đã phải chứng minh sự vô tội của mình trước công chúng. Cảnh sát Victoria biết rằng nguyên việc đưa ra những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell cũng đã tàn phá rồi, nếu không muốn nói là hủy hoại danh tiếng của ngài trong cộng đồng. Một phần, Cảnh sát Victoria do đó phải chịu trách nhiệm về những cảnh khủng khiếp của những thóa mạ và chửi bới ở bên ngoài Tòa án Quận sau khi bản án của Đức Hồng Y Pell được công bố.

Tất cả những gì được Tòa án Tối cao và Chánh án Weinberg nói đều chứng minh cho những tuyên bố mà Đức Hồng Y Pell đưa ra trong hồ sơ phỏng vấn ngài, đặc biệt là những tuyên bố của ngài về cuộc rước ở bên ngoài, việc ngài chào thăm các giáo dân trên các bậc thềm, việc ngài được tháp tùng bởi chưởng nghi của ngài, và phòng áo như một tổ ong đang hoạt động.

Giá như cảnh sát chịu xem xét kỹ hơn các hồi ức và tuyên bố của J sau khi biết những hồi ức này của Đức Hồng Y Pell về việc ngài thường làm ở nhà thờ chính tòa. Giá như họ phỏng vấn một số người giúp lễ. Giá như họ truy tầm và phỏng vấn một số người thu tiền và đồng tế. Với việc giám sát có khả năng, đáng lẽ đã không cần đến những phiên tòa và kháng án này.

Giá như công tố viện kiên quyết yêu cầu cảnh sát cung cấp một bản tóm tắt bằng chứng có khả năng chống lại không những lời kể của Đức Hồng Y Pell, mà còn cả những tuyên bố của một loạt nhân chứng cơ hội, những người đã thành thật dùng hết khả năng họ để kể lại những gì đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa trong thời điểm bận rộn nhất trong tuần.

Công tố viện có chính sách "không đưa ra các lý thuyết không được chứng minh bằng bằng chứng". Vào thời điểm vụ án được đưa ra Tòa án Tối cao, Công tố viện đích thân xuất hiện đã đưa ra những lý thuyết không được chứng minh bằng bằng chứng.

Kerri Judd QC đã khẳng định sai lầm rằng các người giúp lễ đã dời sang ‘phòng áo lễ của công nhân' trong 6 phút quan yếu và thời gian cầu nguyện riêng có thể kéo dài hơn sáu phút. Không có bằng chứng cho cả hai tuyên bố này.

Bà thậm chí còn đệ trình rằng vấn đề nên được gửi trả lại Tòa phúc thẩm Victoria vì Tòa án Tối cao không “có trước nó tài liệu có thể giúp nó xác định xem liệu các phán quyết là không hợp lý hoặc không thể được chứng minh bằng chứng cứ hay không”.

Trong phán kết của mình, Tòa án Tối cao đã mô tả sự đệ trình này bằng một từ: "chỉ có mã ngoài".

Câu chuyện dài của Đức Hồng Y Pell nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta nên biết ơn vì đang được sống trong một liên bang với Tòa án Tối cao của Úc giám sát hệ thống tư pháp hình sự của các tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Quả chỉ có mã ngoài khi đề nghị đưa vấn đề của Đức Hồng Y Pell trở lại với hệ thống tư pháp hình sự Victoria.

Khi Đức Hồng Y Pell bước ra khỏi nhà tù, ngài nói, “Tôi không có ác ý với người tố cáo tôi, tôi không muốn việc tuyên bố trắng án của tôi thêm vào sự tổn thương và cay đắng mà nhiều người cảm thấy; chắc chắn đã có đủ tổn thương và cay đắng rồi. Cơ sở duy nhất để hàn gắn lâu dài là sự thật và cơ sở duy nhất cho công lý là sự thật, bởi vì công lý có nghĩa là sự thật cho tất cả mọi người”.

Tôi hy vọng cuốn sách của tôi và những nhận xét này đóng góp vào công lý, sự thật và hàn gắn.