Như chúng tôi đã loan tin (http://www.vietcatholic.net/News/Html/270664.htm), trong buổi tiếp kiến chung ngày 11 tháng 8 của ngài về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát và luật Môsê, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tuy nhiên, Lề luật không mang lại sự sống, nó không cung cấp việc nên trọn của lời hứa bởi vì nó không có khả năng thực hiện việc đó.... Những ai đang tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và sự nên trọn của nó trong Chúa Kitô".
Để đáp ứng, Giáo sĩ Rasson Arousi, chủ tịch Ủy ban Đối thoại của Giáo sĩ trưởng của Israel với Tòa thánh, đã thay mặt Giáo sĩ trưởng phát biểu rằng: “Đức Giáo Hoàng không những chỉ trình bày đức tin Kitô giáo như đã thay thế kinh Torah; nhưng còn khẳng định rằng kinh Torah không còn mang lại sự sống, ngụ ý rằng thực hành tôn giáo của người Do Thái trong thời đại hiện nay đã trở nên lỗi thời. Trên thực tế, điều này là một phần và cốt lõi của ‘giáo huấn khinh miệt’ đối với người Do Thái và đạo Do Thái mà chúng tôi nghĩ đã được Giáo hội bác bỏ hoàn toàn”.
Ông mong Đức Giáo Hoàng minh xác.
Nay, theo nhận định của Catholic World News, đáp ứng gián tiếp mối quan tâm của Giáo sĩ trưởng, Vatican đã cho đăng tải bài “Luật pháp và ân sủng đối với người Do Thái và Kitô giáo”, một bài báo ngắn gọn của Đức Tổng Giám Mục Argentina Víctor Manuel Fernández, một cộng tác viên thân cận của Đức Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục Fernández viết rằng “Truyền thống Do Thái cũng thừa nhận rằng việc tuân thủ Lề luật một cách trọn vẹn đòi hỏi một sự biến đổi bắt đầu từ trong lòng”. Sau đây là nguyên văn bài báo của Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández của La Plata, Argentina:
Khi Thánh Phaolô nói về sự công chính hóa nhờ đức tin, ngài thực sự đang khám phá niềm xác tín sâu sắc của một số truyền thống Do Thái. Vì nếu người ta phải khẳng định rằng sự công chính hóa của người ta có được là nhờ vào việc chu tòan Lề luật bằng sức riêng của mình, mà không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa, thì quả họ đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất của việc thờ ngẫu thần, là việc bao gồm cả việc tôn thờ chính mình, sức mạnh của chính mình và việc làm của chính mình, thay vì thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất.
Cần phải nhớ rằng một số bản văn Cựu ước và nhiều bản văn Do Thái ngoài Kinh thánh đã cho thấy tính tôn giáo của lòng tín thác vào tình yêu Thiên Chúa và mời gọi người ta chu toàn Lề luật từ thẳm sâu trái tim qua hành động của Thiên Chúa (x. Grm 31: 3, 33-34; Edk 11: 19-20; 36: 25-27; Hs 11: 1-9, v.v.) [1].
"Emunah", một thái độ tín thác sâu xa vào Giêhôva, là điều hiện thực hóa Lề luật một cách đích thực, "là chính tâm điểm yêu cầu của toàn bộ Kinh Torah" [2].
Có thể tìm thấy một dư âm gần đây về niềm xác tín của người Do Thái cổ đại từ bỏ thái độ tự mãn trước mặt Thiên Chúa, trong câu sau đây của Giáo sĩ Do Thái Baal Shem Tov (đầu thế kỷ 19): "Tôi sợ những việc làm tốt của tôi mang lại niềm vui nhiều hơn là những việc làm xấu của tôi vốn tạo ra sự kinh dị"[3].
Truyền thống Do Thái cũng thừa nhận rằng việc chu toàn Lề luật một cách trọn vẹn đòi hỏi một sự biến đổi khởi đầu từ trái tim. Các Kitô hữu và người Do Thái không nói rằng việc chu toàn bề ngoài một số phong tục là vấn đề quan trọng, không cần có sự thúc đẩy bên trong của Thiên Chúa. Trên thực tế, thần học Do Thái trùng hợp với giáo lý Kitô giáo về điểm này, đặc biệt nếu chúng ta bắt đầu từ các bản văn Giêrêmia và Êdêkien, nơi xuất hiện nhu cầu thanh tẩy và biến đổi trái tim. Làm sao chúng ta không xem thư Rôma 2: 28-29 là sự tiếp nối và đào sâu của Giêrêmia 4: 4 và 9: 24-25? Người Do Thái và Kitô hữu đều công nhận rằng chỉ riêng Lề luật bên ngoài mà thôi không thể thay đổi chúng ta nếu không có công trình thanh tẩy và biến đổi của Thiên Chúa (Edk 36: 25-27), Đấng đã bắt đầu hiện diện với chúng ta trong Đấng Mêxia của Người (Gl 2: 20-21).
Mặt khác, chúng ta nhớ lại rằng, theo cách giải thích rất sâu sắc của Thánh Augustinô và Thánh Tôma đối với nền thần học của Thánh Phaolô về luật mới, sự vô hiệu của luật bên ngoài mà không có sự trợ giúp của Thiên Chúa không chỉ là một đặc điểm của Luật Do Thái, mà còn là giới luật mà chính Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta: "chữ nghĩa, ngay trong Tin Mừng, cũng giết chết trừ khi có sự hiện diện bên trong của ân sủng chữa lành của đức tin" [4].
Ghi chú:
[1] Đoạn văn của Habacúc 2: 4, nói lên thái độ nền tảng này, trên thực tế được Thánh Phaolô trích dẫn khi ngài nói về sự công chính hóa nhờ đức tin trong thư Galát 3:11 và trong thư Rôma 1:17.
[2] Xem C. Kessler, Le plus grand commandement de la Loi [Giới răn Lớn nhất của Lề luật] 97 (đã dẫn). Ở đây cần phải nói rằng lời khẳng định của thánh Phaolô về tính "thoáng qua" của Lề luật nên được đặt trong bối cảnh của "học lý kỷ nguyên của các giáo sĩ Do Thái" theo đó, đến ngày tận thế, bản năng xấu xa sẽ bị xóa bỏ khỏi trái tim con người và luật pháp bên ngoài sẽ không còn cần thiết nữa. Trên thực tế, Thánh Phaolô tin rằng ngài đang sống trong thời kỳ cuối cùng và chờ đợi sự trở lại sắp xảy ra của Đấng Mêxia: "Thánh Phaolô là một người Pharisiêu tin chắc rằng ngài đang sống trong thời kỳ thiên sai": H.J. Schoeps, Pau1. The theology of the Apostle in the light of Jewish religious history [Thánh Phaolô. Thần học của Thánh Tông đồ dưới ánh sáng lịch sử tôn giáo Do Thái], Philadelphia, 1961, tr. 113. Vì lý do này, trong thư thứ nhất gửi Timôthê, khi sự mong đợi việc tái lâm sắp xảy ra đã giảm đi khá nhiều, thì Lề luật lại trở nên quan trọng hơn (xem 8-9).
[3] Trích dẫn bởi E. Wiesel, Celebración jasídica, Salamanca, 2003, tr. 58; Celebrazione hassidica, Milano, năm 1987.
[4] Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, q. 106, art. 2