Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Anh Giáo thành Canterbury đã có bài phát biểu thu sẵn được gởi tới Hạ viện vào ngày 18 tháng 8 sau khi Quốc hội được triệu tập vì Afghanistan sụp đổ. Toàn văn bài phát biểu của ngài như sau.
Thưa các ngài,
Tôi đặc biệt mong đợi ngày hôm nay được nghe các vị Dân biểu cao quý và hào hiệp, các nhà ngoại giao và những người khác có kiến thức địa phương ở Afghanistan. Chúng tôi nhớ rất rõ lòng dũng cảm, sự chịu đựng và hy sinh trong 20 năm qua, cũng như sự can đảm được thể hiện bởi vị đại sứ của chúng ta và những người phục vụ ở Afghanistan vào lúc này, cùng với các đồng nghiệp và phóng viên của họ. Khi chúng ta nhìn lại, tôi nhớ đến một nhà thờ chính tòa, đầy chật người trong tang lễ của một người lính: gia đình và nhiều đồng nghiệp im lặng trong trang nghiêm, một số người bị thương, thương tiếc cho sự mất mát của họ.
Thất bại mà chúng ta phải đối mặt ngày nay không phải là quân sự hay ngoại giao: họ đã làm tất cả những gì có thể. Đó là chính trị. Sự phục hồi và hy vọng sẽ đến với Afghanistan với cam kết hỗ trợ của chúng ta cho những người cần nhất và tuyệt vọng nhất. Chúng ta đã chứng minh được năng lực của mình khi đối phó với các thế lực mềm dẻo cũng như cứng rắn.
Chúng ta mắc nợ một giao ước đạo đức tuyệt đối, quảng đại đối với tất cả những người gặp rủi ro vì họ đã phục vụ cùng chúng ta ở Afghanistan; và nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc cam kết thường xuyên được tuyên bố của chúng ta đối với tương lai của các công dân của quốc gia này, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái. Một người tị nạn Afghanistan, hiện là công dân Vương quốc Anh đã nói với tôi trong tuần này, “các gia đình trong những lúc khó khăn như vậy đã thuộc về nhau”. Lời nói của ông không phải là chính trị mà là một tiếng nói nhân bản. Đây là về vấn đề đạo đức chứ không phải là những con số. Liệu Chính phủ có xác nhận rằng chính sách của họ sẽ phản ánh nghĩa vụ đạo đức và không bị kiểm soát bởi các con số hay không?
Ở Pakistan, một quốc gia đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn, bao gồm cả dòng người tị nạn, chúng ta phải thực hiện đối thoại và hỗ trợ, học cách đào sâu lại kiến thức tôn giáo và văn hóa, là điều cần thiết để làm việc hiệu quả. Chúng ta không được đặt bất kỳ nhóm nào ở đó, hoặc ở Afghanistan, vào một góc mà họ có thể bị đẩy đến những cực đoan lớn hơn. Viện trợ mà chúng ta cung cấp phải hỗ trợ đối thoại, khơi dậy hy vọng và chuẩn bị cho sự hòa giải. Và nguồn viện trợ đó phải thực sự bổ sung chứ không phải được chuyển đến từ những nơi khác cũng đang cần. Tôi xin hỏi Chính phủ, có phải chúng ta đang làm như thế không?
Chúng ta phải tái cam kết với tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở mọi nơi, đó là một điểm cho đến nay vẫn chưa được đề cập nhiều. Điều đó phải được thảo luận ở Pakistan và Afghanistan đối với các tín hữu Kitô và các cộng đồng tôn giáo như Shia, Hindu, Jains, Ahmadis và Sikh. Một WhatsApp, từ một Kitô Hữu ở Afghanistan hôm qua, đã yêu cầu hỗ trợ ở đó và ở Pakistan. Thật đáng nhớ khi người ấy nói “Tôi sẵn sàng chết cho Chúa Giêsu, nhưng tôi không muốn chết trong quên lãng”.
Thưa các ngài, đây là khoảng thời gian rất tồi tệ, đặc biệt là đối với rất nhiều người ở Afghanistan, và đối với những người đã phục vụ ở đó. Đây là thời gian để cầu nguyện khiêm nhường - và để chúng ta thể hiện sự hào phóng, đức hạnh và lòng can đảm. Việc xây dựng lại danh tiếng của chúng ta theo những cách như vậy sẽ mang lại cho nhiều người khác hy vọng.
Source:Anglican News