Cuộc Gặp gỡ vì Tình bạn giữa Các Dân tộc là một lễ hội Công Giáo gồm nhiều biến cố được tổ chức hàng năm từ năm 1980 tại Rimini, Ý, trong một tuần lễ vào cuối tháng Tám, khởi đầu do sáng kiến của Tôi tớ Chúa Luigi Giussani, sáng lập viên của phong trào Hiệp thông và Giải phóng. Từ năm 2008, tổ chức gọi là Qũy Gặp Gỡ Vì Tình Bạn Giữa Các Dân Tộc đứng ra tổ chức lễ hội này.
Tuy nhiên, ngoại trừ 7 nhân viên toàn thời gian phụ trách việc đặt kế hoạch, Lễ hội hoàn toàn được sắp đặt, quản trị và tháo gỡ bởi khoảng 4,000 thiện nguyện viên đến từ khắp nước Ý và nhiều nước khác. Và trong các Lễ hội gần đây, hàng năm có khoảng 800,000 người tham dự. Một số nhân vật nổi tiếng thuộc các lãnh vực khoa học, văn hóa, xã hội và chính trị đã đến thuyết giảng tại đây, trong đó có cả các vị lãnh giải Nobel, và dĩ nhiên các nhân vật tôn giáo.
Theo trang mạng của Lễ hội (https://www.meetingrimini.org/), Cuộc Gặp Gỡ Rimini là một cuộc gặp gỡ giữa những người thuộc các đức tin và văn hóa khác nhau. Một nơi dành cho tình bạn trong đó, hòa bình, giao tế xã hội, và tình bạn giữa các dân tộc được thiết lập. Đây là những cuộc gặp gỡ phát sinh từ những con người muốn chia sẻ các căng thẳng hướng tới chân thiện mỹ.
Hàng năm, nó cung cấp những câu truyện của những người đàn ông và đàn bà qua các hội nghị, các cuộc trưng bầy, trình diễn và biến cố thể thao. Tại Cuộc Gặp Gỡ Rimini, văn hóa tự phát biểu như một kinh nghiệm phát sinh từ khát vọng khám phá ra cái đẹp của thực tại.
Mỗi năm, Lễ hội có một chủ đề xuyên suốt. Và kể từ năm 1980, các chủ đề thuộc hầu hết mọi lãnh vực. Năm 1980 chẳng hạn, chủ đề là Hòa bình và Các Nhân quyền; năm 1990, chủ đề là Người Ca ngợi, Einstein, Thomas Becket; năm 2000, 2000 năm, một lý tưởng không cùng; năm 2010, Bản nhiên làm Chúng ta Khao khát Những Điều Cao cả là Trái tim... Năm nay, chủ đề là Lòng Can đảm để nói chữ Tôi.
Năm nay Lễ Hội sẽ diễn ra từ ngày 20 tới ngày 25 tháng 8, cũng vẫn tại Rimini. Theo tin Tòa Thánh, nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp sau đây đến Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, thông qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin:
Từ Điện Vatican, ngày 29 tháng 7 năm 2021,
Kính gửi Đức cha FRANCESCO LAMBIASI, Giám mục Rimini
Đức cha khả kính
Đức Thánh Cha vui mừng vì Cuộc Gặp gỡ Tình bạn giữa các Dân tộc một lần nữa được diễn ra "trực tiếp" và gửi đến Đức Cha, những người tổ chức và tất cả những người tham dự lời chào của ngài với mong muốn có một kết quả sinh ích lợi.
Tiêu đề được chọn - “Sự can đảm để nói chữ Tôi” -, trích từ Nhật ký của nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard, vô cùng quan trọng vào thời điểm chúng ta cần phải bắt đầu lại một cách tích cực, để không lãng phí cơ hội do cuộc khủng hoảng đại dịch cung cấp. “Bắt đầu lại” là hạn từ chủ yếu. Nhưng nó không tự động xảy ra, vì tự do được bao hàm trong mọi sáng kiến của con người. Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở chúng ta: “Tự do giả thiết rằng trong các quyết định căn bản, mỗi người... là một bắt đầu mới. Tự do phải liên tục được giành lấy vì chính nghĩa sự thiện” (Spe Salvi, 24). Theo nghĩa này, lòng can đảm chấp nhận rủi ro trước nhất vá quan trọng nhất là một hành động của tự do.
Trong lần cấm cửa đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người thực thi quyền tự do này: “Thậm chí tệ hơn cuộc khủng hoảng này là thảm kịch của việc phung phí nó” (Bài giảng lễ Ngũ tuần, ngày 31 tháng 5 năm 2020).
Bất chấp việc áp đặt gián cách thể lý, đại dịch đã đặt con người, cái “tôi” của mỗi con người, vào trung tâm trở lại, trong nhiều trường hợp, khơi dậy những câu hỏi căn bản về ý nghĩa của hiện sinh và ích lợi của cuộc sống đang im lìm hoặc, tệ hơn, đang bị kiểm duyệt quá lâu. Nó cũng khơi dậy cảm thức trách nhiệm bản thân. Nhiều người đã làm chứng cho điều này trong các tình huống khác nhau. Đối diện với bệnh tật và đau đớn, đối diện với sự đột xuất của nhu cầu, nhiều người đã không nao núng nói: “Tôi đây”.
Xã hội hết sức cần những người có trách nhiệm. Không có con người thì không có xã hội, mà là một tập hợp ngẫu nhiên của những hữu thể không biết tại sao họ lại ở với nhau. Chất keo duy nhất còn lại là sự ích kỷ đầy tính toán và tư lợi khiến chúng ta thờ ơ với mọi sự và mọi người. Hơn nữa, những hình thức thờ ngẫu thần quyền lực và tiền bạc thích thương lượng với các cá nhân hơn là với những con người, nghĩa là, với cái “tôi” tập chú vào các nhu cầu và quyền lợi chủ quan của mình hơn là cái “tôi” cởi mở với người khác, cố gắng tạo nên cái “chúng ta” của tình anh em và tình bạn xã hội.
Đức Thánh Cha không mệt mỏi cảnh cáo những người có trách nhiệm công trước cơn cám dỗ muốn sử dụng người ta rồi vứt bỏ họ khi không còn cần thiết, thay vì phục vụ họ. Sau những gì chúng ta đã trải qua trong thời gian này, có lẽ tất cả chúng ta thấy rõ hơn rằng con người là điểm mà từ đó mọi điều có thể bắt đầu lại. Chắc chắn phải tìm các nguồn lực và phương tiện để đưa xã hội chuyển động trở lại, nhưng điều cần thiết hơn hết là một ai đó có lòng can đảm để nói “Tôi” một cách có trách nhiệm chứ không phải vị kỷ, dùng cả cuộc đời mình truyền giảng rằng ngày có thể bắt đầu với một niềm hy vọng đáng tin cậy.
Nhưng lòng can đảm không phải lúc nào cũng là một món quà tự phát và không ai có thể tự ban nó cho chính mình (như Don Abbondio của Manzoni từng nói), đặc biệt trong một thời đại như thời đại của chúng ta, trong đó nỗi sợ hãi – vốn bộc lộ một sự bất an hiện sinh sâu xa - đóng một vai trò có tính quyết định đến mức ngăn chặn rất nhiều năng lực và động lực hướng tới tương lai, một điều ngày càng bị tri nhận như là không chắc chắn, nhất là nơi giới trẻ.
Theo nghĩa này, Tôi tớ Chúa Luigi Giussani đã cảnh cáo về một nguy cơ kép: “Mối nguy hiểm đầu tiên [...] là tính nghi ngờ. Kierkegaard nhận định: ‘Aristốt nói rằng triết học bắt đầu với sự ngạc nhiên, chứ không phải với sự nghi ngờ như thời đại chúng ta”. Có thể nói, nghi ngờ có hệ thống là biểu tượng của thời đại chúng ta. [...] Phản bác thứ hai đối với quyết định của bản ngã là sự ti tiện. [...] Nghi ngờ và buông thả, đây là hai kẻ thù của chúng ta, kẻ thù của bản ngã” (In cammino 1992˗1998, Milan 2014, 48˗49).
Vậy thì lòng can đảm để nói “Tôi” phát xuất từ đâu? Nó phát xuất từ hiện tượng gọi là gặp gỡ: “Chỉ trong hiện tượng gặp gỡ khả thể mới được ban cho bản thân để quyết định, để khiến bản thân có khả năng chào đón, thừa nhận và nghinh đón. Lòng can đảm để nói ‘Tôi’ được phát sinh khi đối diện với sự thật, và sự thật là một sự hiện diện ”(đã dẫn, 49). Kể từ ngày trở nên xác phàm và đến ở giữa chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho con người khả thể thoát khỏi sợ hãi và tìm được năng lực sự thiện bằng cách bước theo Con của Người, Đấng đã chết và sống lại. Lời lẽ của Thánh Tôma Aquinô thật soi sáng khi ngài nói rằng “cuộc đời của mỗi người dường như là một cuộc đời nhờ đó họ vui thích nhất và với nó họ có ý hướng nhiều nhất” (Summa Theologiae, II-II, q. 179, a. 1 co.).
Mối liên hệ con thảo với Cha hằng hữu, được thể hiện nơi những người được Chúa Kitô tiếp cận và thay đổi, mang lại sự nhất quán cho bản thân, giải thoát bản thân khỏi sợ hãi và mở cửa để nó bước vào thế giới với một thái độ tích cực. Nó phát sinh ra một ý chí hướng tới điều tốt đẹp: “Mọi trải nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện, tự bản chất của chúng, đều tìm cách phát triển bên trong chúng ta, và bất cứ người nào đã trải qua một sự giải thoát sâu sắc đều trở nên nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của người khác. Khi nó mở rộng, sự thiện sẽ bén rễ và phát triển” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 9).
Chính kinh nghiệm trên đã khơi dậy lòng can đảm để hy vọng: “Việc gặp gỡ Chúa Kitô, việc để [chính mình] được cuốn hút vào và được tình yêu của Người hướng dẫn, sẽ mở rộng chân trời hiện sinh, mang đến cho nó một niềm hy vọng vững chắc sẽ không làm ta thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn cho những người yếu lòng, mà là điều nâng cao cuộc sống của chúng ta. Nó làm cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao cả, ơn gọi của tình yêu. Nó bảo đảm với chúng ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng đón nhận, vì nó dựa trên sự tín trung của Thiên Chúa, vốn mạnh hơn mọi yếu đuối của chúng ta” (Thông điệp Lumen fidei, 53).
Chúng ta hãy xem khuôn dạng của Thánh Phêrô: Sách Tông đồ Công Vụ thuật lại những lời lẽ sau đây của ngài, sau khi ngài bị nghiêm cấm không được tiếp tục nói nhân danh Chúa Giêsu: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (4: 19-20). Bởi đâu “Kẻ hèn nhát chối Chúa này” tìm được lòng can đảm của mình? Điều gì đã xảy ra trong trái tim của người đàn ông này? Chính là ơn Chúa Thánh Thần ”(Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ tại Nhà Thánh Marta, ngày 18 tháng 4 năm 2020).
Lý do sâu xa cho lòng can đảm của Kitô hữu là Chúa Kitô. Chính Chúa Phục Sinh là sự an toàn của chúng ta, là Đấng khiến chúng ta cảm nghiệm được sự bình an sâu sắc ngay giữa bão tố của cuộc đời. Đức Thánh Cha hy vọng rằng trong tuần Gặp gỡ này, những người tổ chức và khách mời sẽ làm chứng sống động, đảm nhận trách vụ đã được nêu ra trong văn kiện lên chương trình cho triều giáo hoàng của ngài: “Nhiều người… đang âm thầm tìm kiếm Thiên Chúa, được dẫn dắt bởi khao khát được nhìn thấy khuôn mặt của Người, ngay ở các quốc gia theo truyền thống Kitô giáo cổ xưa. Họ hết thẩy đều có quyền tiếp nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận công bố Tin Mừng không trừ ai. Thay vì có vẻ như áp đặt các nghĩa vụ mới, họ nên tỏ ra như những người muốn chia sẻ niềm vui của họ, những người chỉ hướng một chân trời đẹp đẽ và mời gọi người khác tham dự một bữa tiệc ngon ngọt" (Tông huấn Evangelii gaudium, 14).
Niềm vui Tin Mừng khơi dậy lòng mạnh dạn lên đường đi theo những nẻo đường mới: “Chúng ta phải đủ mạnh dạn để khám phá ra những dấu chỉ mới và những biểu tượng mới, xác thịt mới… đặc biệt lôi cuốn đối với người khác” (đã dẫn, 167). Đây là đóng góp mà Đức Thánh Cha mong đợi Cuộc gặp gỡ sẽ khởi động lại, vì ý thức rằng “sự an toàn của đức tin đặt chúng ta vào một cuộc hành trình; nó giúp cho việc chúng ta làm chứng và đối thoại với tất cả mọi người ”(Thông điệp Lumen fidei, 34), không trừ ai, vì chân trời đức tin vào Chúa Kitô là toàn thể thế giới.
Thưa Đức cha, khi ủy thác thông điệp này cho Đức Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin Đức Cha nhớ đến ngài trong lời cầu nguyện và hết lòng ban phép lành cho Đức Cha và các nhà lãnh đạo, tình nguyện viên và những người tham gia Cuộc họp năm 2021.
Tôi cũng xin bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất cho sự thành công của biến cố và tôi tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc nhất tới
Đức cha rất đáng kính,
Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh