Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh Taliban, đã tuyên bố chiếm được toàn cõi Afghanistan và thành lập “Vương quốc Hồi Giáo”.
“Đó là một chiến thắng bất ngờ” về phương diện tốc độ và sự dễ dàng và bây giờ phải được nối tiếp bởi “sự khiêm tốn trước Allah” bởi vì phút hiện tại này “là thời điểm thử thách, làm sao chúng ta phục vụ và bảo vệ người dân của mình. Và làm thế nào chúng ta bảo đảm tương lai và cuộc sống của họ, của các công dân Afghanistan, ở một đất nước hiện đã được đổi tên thành Vương quốc Hồi giáo”.
Đây là tuyên bố đầu tiên của bọn Taliban được Mullah Abdul Ghani Baradar đưa ra. Hắn được mô tả là “nhà lãnh đạo tạm thời”, một vài giờ sau khi Kabul thất thủ. Trong một tin nhắn video, hắn ta cảm ơn các dân quân vì chiến dịch quân sự dẫn đến việc Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ chỉ trong vài ngày. Từ dinh tổng thống, hắn ta nhắc lại “sự hào hùng” của quân Taliban nhưng đồng thời cũng nhắc lại tám năm bị chiếm đóng phủ bóng đen lên tương lai của quốc gia và khu vực.
Taliban ca ngợi chiến thắng và tuyên bố “giải phóng” Afghanistan chưa đầy một tháng trước lễ kỷ niệm hai mươi năm vụ tấn công vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9, 2001, là biến cố dẫn đến chiến dịch quân sự Hoa Kỳ. Một lá cờ của phong trào thánh chiến bay trên phủ tổng thống trong khi một phát ngôn viên thông báo rằng “tình hình đã ổn định” và mục tiêu là thành lập “một chính phủ Hồi giáo cởi mở và hòa nhập”. Vào những giờ đầu ngày, đường phố thủ đô vắng vẻ và hàng chục cửa hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa; một quyết định được các chủ hàng đưa ra để bảo vệ hàng hóa của mình chờ diễn biến trong những ngày tới.
Trong khi đó, các chuyến bay vội vã của các nhà ngoại giao phương Tây và công nhân nước ngoài vẫn tiếp tục, đặc biệt là nhân viên của các cơ quan đại diện của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.
Các nguồn tin từ Kabul cho biết các nhân viên sứ quán Nga không kịp di tản chứ không phải không muốn di tản. Nga đã trải qua cuộc chiến tranh với Afghanistan từ 24 tháng 12, 1979 cho đến ngày 15 tháng 2 năm 1989 phải rút quân về nước sau tổn thất năng nề với 14,453 quân nhân bị giết, 53,753 bị thương và 264 mất tích. 451 máy bay bị bắn hạ, 147 xe tăng bị phá hủy hay bắt sống.
Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa đại sứ quán của mình và tuyên bố công khai rằng họ không có ý định rút nhân viên của họ. Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 17 tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Li Kiên lên tiếng chúc mừng tân chính quyền Taliban.
Hôm Chúa Nhật 15 tháng 8, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh cáo không ai được song phương công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan,
“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai song phương công nhận Taliban”, Johnson nói trong một clip phỏng vấn, đồng thời kêu gọi phương Tây hợp tác với nhau đối phó với tình hình mới ở Afghanistan thông qua các cơ chế như Liên hợp quốc và NATO.
“Chúng tôi muốn có một quan điểm đoàn kết giữa tất cả những người cùng chí hướng để chúng ta có thể làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi sinh sôi của khủng bố.”
Trong bối cảnh thế giới muốn cô lập bọn Taliban, Trung Quốc sẽ có một vai trò quan trọng đối với bọn này.
Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã giành quyền kiểm soát sân bay và đẩy lùi làn sóng hàng ngàn người tuyệt vọng đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước. Một số hãng hàng không đã thay đổi đường bay để tránh bay qua không phận Afghanistan. Một số hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ các kết nối đến Kabul.
Cựu tổng thống Ghani hiện đang tị nạn ở Tajikistan hay Uzbekistan, trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội đã thừa nhận chiến thắng của Taliban, là những người hiện đang “chịu trách nhiệm về danh dự, tài sản và cuộc sống của đồng bào họ”. Ông ta biện minh cho sự ra đi bằng cách nhấn mạnh rằng nếu ông ta ở lại, “vô số người yêu nước sẽ bị tử vì đạo và thành phố Kabul sẽ bị phá hủy”.
Source:Asia News