□ Nguyễn Trung Tây

Làm Bố Làm Mẹ


Trong một lần hướng dẫn Giáo lý hôn nhân cho một đôi tình nhân đang chuẩn bị bước vào nhà thờ trao đổi lời thề ước, tới phần chia sẻ về vai trò và nhiệm vụ của bố mẹ trong ngày hôm nay, cả anh cả chị tự nhiên không hẹn mà gặp đều cất tiếng ngắt dòng tư tưởng của tôi qua cùng một câu hỏi,

— Làm bố làm mẹ có nghĩa là gì?

Một câu hỏi thật là hay.

Nhìn anh nhìn chị, tôi nghĩ ngợi trong đầu...

I. Tôn trọng, thương yêu

Thì đấy, cứ theo dòng đời tự nhiên, vợ cHồng Yêu nhau thì sẽ sinh ra con cái.

Con 1 tháng rồi con 1 tuổi, rồi con lớn hơn hóa ra 10.

Tuổi 16 tới, cô con gái bỡ ngỡ với những đường nét dịu huyền của Thượng Đế ban tặng. Cũng tuổi 16, cậu con trai tự nhiên khám phá ra âm giọng trầm trầm vỡ bể nơi cổ họng. Có người thấy qua một đêm, mình vươn cao hơn bố mẹ một cái đầu.

Ngoài vươn vai trưởng thành về thể xác, tâm hồn non nớt của người tuổi trẻ cũng chập chững vươn lên. Và bởi cái ngây thơ, chưa có kinh nghiệm của tuổi đời, tuổi trẻ giống như một trái trứng, nếu không biết trân trọng bởi phụ huynh và ngay cả với bản thân của người tuổi trẻ, trái trứng rớt xuống, bể tan, lòng trắng lòng vàng bên trong rớt ra ngoài lẫn lộn đất cát. Có cố gắng vớt lại thì cũng không còn được như xưa.

Bởi thế, tuổi trẻ ở nhiều nước được chính quyền và luật pháp bảo vệ, giữ gìn, và tôn trọng. Rất đơn giản, bởi họ không muốn tâm hồn người trẻ bị hằn sâu những vết thương, khó chữa lành. Mà điều đó đúng. Bởi một cây non, nếu bị người trồng cây hành hạ, vừa về tâm hồn và thể xác, cây non chắc chắn sẽ èo uột ngóc lên hoặc héo úa tàn tạ. Ngược lại, tuổi trẻ nếu được hướng dẫn cẩn thận trong tình thương, đặc biệt tình thương của bố mẹ, tuổi trẻ đó lớn lên, vươn cao mạnh mẽ như cây tùng cây bách. Dù sóng gió đẩy tới, cây không bấp bênh chao đảo hoặc gãy đổ ngã đau.

Theo những nhà tâm lý học, một trong những điều mà con người vẫn còn khao khát từ bao nhiêu năm nay là đói khát tình thương (Hunger for love/Am I significant in your eyes?). Bởi thế, tuổi trẻ nếu không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, như một lẽ thường tình, họ sẽ đi tìm tình thương từ bên ngoài. Nếu gặp người tốt, tuổi trẻ tiếp tục vươn lên. Nhưng thường là không, sau một lần gặp phải bóng đêm, tự nhiên tuổi trẻ ôm trên vai những vết thương mà Duyên Anh đã từng một thời gọi “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, một hình ảnh so sánh khá chính xác. Dr. Drew Pinsky đề nghị rằng những tổn thương của thời thơ ấu, thiếu niên có thể dẫn đến những hành động lạ kỳ của người trong tuổi trưởng thành. Đặc biệt, tuổi thơ bị bỏ rơi (childhood neglect) có thể dẫn đến những tổn thương về mặt tâm thần nơi người trưởng thành (People.com/Thursday, June 12, 2008).

Nhưng ngược lại, tuổi trẻ của Thánh Gióng ở làng Phù Đổng là một tuổi trẻ được bố mẹ và hàng xóm thương yêu, giữ gìn, và tôn trọng. Khi Thánh Gióng còn trẻ, không nói được, bố mẹ không coi thường, la mắng, đòi hỏi con mình phải đi phải đứng phải ăn nói như những trẻ em khác trong thôn. Không! Phụ mẫu của cậu bé đã không làm như vậy, bởi biết Gióng là Gióng, Gióng không phải là em Thìn hoặc em Sửu của hàng xóm kế bên.

Khi trẻ nhỏ Phù Đổng bật tiếng nói, đòi bố mẹ cho mình gặp mặt sứ giả, bố mẹ tôn trọng và tin tưởng con mình, đích thân ra gặp người sứ giả trình bày điều con mong ước.

Khi Phù Đổng đói bụng, bố mẹ và người trong thôn thổi lửa nấu từng nồi cơm mang tới.

Và khi cậu bé Gióng đòi cưỡi ngựa sắt, bố mẹ và người trong thôn đốt lò rèn, gom sắt lại đúc ngựa sắt và roi sắt trao cho cậu bé.

Bởi được tôn trọng, giữ gìn, và chăm sóc như thế, làm gì mà tuổi trẻ Phù Đổng không sừng sững lớn lên. Bởi được thương yêu như vậy, hỏi sao tuổi trẻ của thời Hùng Vương thứ Sáu không vươn cao, phóng ngựa sắt ra biên cương chặn đứng lại những vó ngựa phương Bắc.

II. Gương sáng

Tuổi trẻ hùng anh còn có Thánh Nguyễn Văn Thiện của 18 tuổi, chủng sinh của Chủng Viện Di Loan, Quảng Trị hiên ngang bước lên pháp trường vào ngày 21 tháng 9 năm 1832. Bố mất sớm khi cậu được mười tuổi, nhưng cậu bé Thiện đã được Dì Nghi, Mẹ Bề Trên nhà dòng, và cha Chính của giáo xứ chăm sóc giữ gìn. “Gần đèn thì sáng,” bởi lớn lên với những tấm lòng tu hành như thế, làm chi thiếu niên Thiện không ướt đẫm hương thơm tu hành. Để rồi, vào năm 18 tuổi, cái tuổi tràn đầy sinh lực và tương lai rực sáng, Thầy Nguyễn Văn Thiện đã hiên ngang và can đảm đưa đầu ra để quan quân của triều đình Minh Mạng tròng dây vào, thắt cổ, lấy đi mất một mạng người tuổi trẻ kiên trung.

Ngồi lật lại những trang sách Tân Ước, tôi lại càng tin tưởng vào triết lý “Ở bầu thì tròn”, “Cha sao con vậy”, và “Cây ngọt sinh trái tốt” của người Việt Nam. Có lẽ nhiều người tín hữu vẫn quên đi Đức Giêsu chính là một bản sao của dưỡng phụ Giuse về tấm lòng tử tế với tha nhân, bởi cũng đã từng có lần Giuse thà là mất danh dự của chính mình còn hơn tố cáo rồi mang Maria ra đầu làng ném đá (Mt 1:18-25).

Câu chuyện Đức Giêsu cứu một mạng người con gái trên sân đền thờ (John 8:3-11) nhắc nhở tấm lòng tử tế, bác ái, và khoan dung của thánh Giuse thuả xưa. Mà còn ai khác ngoài thánh Giuse là người đã từng dạy dỗ Đức Giêsu của thời thơ ấu trở thành thanh niên trưởng thành khôn lớn. Một người thanh niên như Đức Giêsu, thấy kẻ yếu không coi thường, kẻ sang không phu nịnh. Xin được hỏi, Ngài đã học hỏi những đức tính này nơi ai? Xin thưa, còn ai khác ngoài Đức Mẹ và Thánh Giuse...

Dừng lại, nhìn vào anh và chị đang học hỏi về đời sống hôn nhân, tôi xin phép tạm kết luận,

— Tôi tin rằng làm bố làm mẹ có nghĩa là thương yêu và tôn trọng con cái. Làm bố làm mẹ cũng có nghĩa là chính mình phải trở nên một tấm gương sáng, là một đích điểm để con mình nhìn vào và soi gương.

□ Nguyễn Trung Tây