“Bom nguyên tử đối lập hoàn toàn với ngọn lửa này, ngọn lửa hạt nhân nên bị dập tắt! Ngọn lửa duy nhất nên là ngọn lửa của sự đoàn kết, tình yêu và hòa bình... "

Cách đây đúng 76 năm: vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima, và ba ngày sau đó là Nagasaki. Ngày kỷ niệm đáng buồn lần này lại trùng với Thế vận hội Olympic đang diễn ra tại Nhật Bản - và đó là lý do khiến Đức Tổng Giám Mục Nagasaki chia sẻ một số có các suy tư trong cuộc phỏng vấn mới đây:

Nhật Bản: Các giám mục kêu gọi ngăn cấm vũ khí hạt nhân

Thông điệp của ngọn lửa Thế Vận Hội Olympic được đúc kết từ Nhật Bản: “Đừng bao giờ ném bom nữa.” Đó là lời kêu gọi Đức Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami trong một cuộc phỏng vấn với chúng tôi. Đức Cha Takami là giám mục của giáo phận lớn nhất Nhật Bản: Nagasaki. Hai năm trước, Ngài đã chào đón Đức Giáo Hoàng đến thăm Nagasaki. Trong chuyến tông du đến Nhật Bản, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phác họa bức tranh về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Vị giám mục chia sẻ tiếp: "Số người sống sót (bom nguyên tử) đang giảm dần từ năm này qua năm khác- Nhưng họ để lại cho chúng tôi một kinh nghiệm quan trọng và quý giá. Trên hết, kinh nghiệm này phải được lưu truyền lại cho trẻ em – việc lưu truyền kinh nghiệm này, như Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói, rất quan trọng. Lời chứng này phải được lưu truyền lại –cũng thông qua các phương tiện như điện ảnh, văn học hoặc phương tiện truyền thông. Chúng ta phải tiếp tục phấn đấu để ký ức luôn tồn tại! "

Không một phút im lặng mặc niệm nào tại Thế vận hội Olympic?!

Khoảng 140.000 người đã chết trong hai cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ vào Nhật Bản vào cuối Thế chiến II. Vào lúc 8g15 sáng, vào đúng thời điểm chính xác xảy ra thảm kịch, một hồi chuông hòa bình đã vang lên ở Hiroshima vào thứ Sáu hôm nay. Trên toàn quốc, mọi người dừng lại trong một phút im lặng mặc niệm; Tuy nhiên, Thế vận hội Tokyo vẫn tiếp tục không bị gián đoạn. Quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không giữ một phút im lặng mặc niệm tại Thế vận hội đã vấp phải sự khó hiểu và chỉ trích từ nhiều người Nhật Bản. Mặc dầu vậy, Đức Giám Mục Takami vẫn muốn tin vào thông điệp hòa bình từ Olympia.

"Kích thích cho hòa bình"

“Thế vận hội Olympic là một đại hội thể thao, nhưng cũng là một sự kích thích để tạo ra hòa bình trên thế giới. Đó là lý do tại sao sự trùng hợp thời gian này rất có ý nghĩa. Thật đáng tiếc là vì đại dịch mà các cuộc đua tài đã không có khán giả nào được tham dự - tuy nhiên, các trò chơi vẫn là một tài sản quý giá tạo ra một bầu không khí tốt đẹp và đầy nhiệt huyết! "

Đức cha cũng ca ngợi thực tế là Thế vận hội có sự tham gia của một đội người di cư và người tị nạn. Và sự cân bằng giới tính khá đồng đều tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật "Paralympics" bắt đầu sau Thế vận hội Olympic "chính thức" ở Tokyo.

Một kỷ niệm đau buồn khác tương tự

Thật không may, ngoài Hiroshima và Nagasaki, còn có một kỷ niệm khác: mười năm trước, vào tháng 3 năm 2011, đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Không có gì ngạc nhiên khi Giám mục Takami – cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô - thậm chí còn rất hoài nghi về việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong dân sự.

“Vấn đề là phải giải quyết toàn bộ. Chúng ta phải thoát ra khỏi năng lượng hạt nhân, điều đó là vô cùng nguy hiểm! Trong một thời gian dài, năng lượng nguyên tử dường như không thể thiếu đối với chúng ta, nhưng ngày nay nó đã trở thành năng lượng cần phải được thay thế. Chúng ta nên sản xuất năng lượng theo những cách khác, không phải theo cách hạt nhân, nguy hiểm này. "

"Đây không phải là hòa bình thật, mà là hòa bình giả"

Đức Giám Mục Nagasaki cũng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân khỏi mặt đất. Ngài đang vận động sự ủng hộ cho hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân - một sáng kiến của Đại hội đồng LHQ từ năm 2017. Hiệp ước có hiệu lực từ tháng 1 năm nay, nhưng các cường quốc hạt nhân chưa phê chuẩn. Kể cả Nhật Bản cũng vậy.

“Không thể có hòa bình thực sự chừng nào còn tồn tại những vũ khí như vậy. Đây không phải là một nền hòa bình thực sự, đây là một nền hòa bình giả tạo... Chúng ta cần phải làm mọi cách để đảm bảo rằng cuối cùng các cường quốc hạt nhân cũng tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đức Cha Alexis Mitsuru Shirahama, Giám mục của Hiroshima, đã thành lập một quỹ vào tháng 7 năm ngoái để hỗ trợ tài chính cho tất cả các sáng kiến theo hướng này. Tuy đây chỉ là một sáng kiến nhỏ nhưng điều quan trọng là phải đạt được mục tiêu ”.

Ngọn lửa Olympic ở Tokyo

Đối với Đức Giám Mục Takami: Ngọn lửa Olympic hiện đang bùng cháy ở Tokyo biểu trưng cho “một lời cầu nguyện cho tình yêu, một lời cầu nguyện cho hòa bình”.

“Bom nguyên tử đối lập hoàn toàn với ngọn lửa này, ngọn lửa hạt nhân nên bị dập tắt! Ngọn lửa duy nhất nên là ngọn lửa của sự đoàn kết, tình yêu và hòa bình... " (Vatican News - sk)


Source:Vatican News