Câu Đối Ở Trụ Biểu Lăng Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào

Ông Nguyễn Hữu Hào là cha của Hoàng hậu Nam Phương, ông được phong tước Long Mỹ Quận công. “Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào từ trần 13-9-1939, được an táng theo nghi thức tước Quận công trong một ngôi nhà mồ tráng lệ trên một ngọn đồi gần thác Cam Ly, Đà Lạt. Lăng Nguyễn Hữu hào do chính gia đình Nguyễn Hữu Hào bỏ tiền ra xây cất. Lễ quy lăng [1] được cử hành 10-9-1941 (…) nơi tổ chức buổi lễ là Nhà thờ Thánh Nicolas ”[2].

Sách báo lâu nay đều ghi ngày mất của Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào là 13-9-1939. Những dòng cuối cùng của văn bia ở lăng Long Mỹ Quận công ghi ngày lập văn bia: “Bảo Đại thập tứ niên, bát nguyệt, sơ nhất nhật. Thiên Chúa giáng sinh, nhất thiên cửu bách tam thập cửu niên, cửu nguyệt, thập tam nhật. Thân nữ: Đại Nam quốc Nam Phương Hoàng hậu; Đích đề lô Nam tước phu nhân phụng lập” (dương lịch 13-9-1939; âm lịch là mùng 1-8 năm Bảo Đại thứ 14, tức là mùng 1-8 năm Kỷ Mão). Theo thông lệ, khi một người từ trần, thì sau đó người thân mới rước thợ chạm khắc văn bia. Không thể ngày 13-9-1939 là ngày Long Mỹ Quận công từ trần cũng là ngày hai người con gái của ông lập văn bia để truy niệm công đức sinh thành của ông?

Giải mã bốn chữ Hán đã mất trên một vế đối

Cổng vào lăng là 4 trụ biểu. Trên 4 trụ biểu là hai cặp câu đối bằng chữ Hán: hai trụ biểu hai bên là một cặp câu đối; hai trụ biểu giữa là một cặp câu đối. Các chữ Hán được đắp theo lối chữ “Lệ” và mỗi chữ được đắp trên một tấm xi măng riêng biệt sau đó mới lắp vào trụ biểu theo thứ tự. Theo thời gian có 4 tấm xi măng gắn chữ Hán của vế xuất đối ở trụ biểu thứ 2 tính từ phải sang có các tấm xi măng đắp chữ Hán thứ 7, 8, 10 và 11 bị rơi xuống vỡ nát và không được phục chế lại trong một thời gian dài.

Theo tác giả Khắc Dũng: “Sau một thời gian nghiên cứu tài liệu và được sự cố vấn của PGS-TS Cao Thế Trình, cử nhân Nguyễn Huy Khuyến đã tìm ra 4 chữ Hán đã mất trong cặp câu đối thứ 2 là: “anh”, “linh”, “thổ” và “lạc”. Xếp 4 chữ Hán này vào, sẽ có cặp câu đối thứ 2 hoàn chỉnh là “Chất giáng trụ thiên phảng phất ANH LINH quy THỔ LẠC/ Chung trừ túc địa uất thông vượng khí hộ giai thành”

Cũng theo tác giả cho biết là “Chiều ngày 5/9/2010, việc đúc lại 4 chữ Hán bị mất trên lăng Nguyễn Hữu Hào (nằm trong hệ thống những di tích của triều Nguyễn tại Đà Lạt, Lâm Đồng) được cử nhân Hán Nôm Nguyễn Huy Khuyến và PGS-TS sử học Cao Thế Trình (ĐH Đà Lạt) thực hiện”[3]

Như vậy, kể từ nửa sau tháng 9/2010, 4 trụ biểu có 2 cặp câu đối đầy đủ chữ Hán và đã được phiên âm và dịch nghĩa.

Cặp thứ 1 (hai trụ biểu hai bên): Dữ quốc đồng hưu, thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh/ Dưỡng thân dục đãi, bách niên phong thụ đỉnh chung bi (Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước/ Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh).

Cặp câu đối thứ hai (hai trụ biểu giữa): Chất giáng trụ thiên, phảng phất anh linh quy thổ lạc/ Chung trừ túc địa, uất thông vượng khí hộ giai thành ( Chót vót chống trời, phảng phất khí thiêng về nơi an lạc/ Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành).

Cách phiên âm và dịch nghĩa này được tất cả các phương tiện thông tin dùng làm khuôn mẫu mỗi khi đề cập đến lăng Long Mỹ Quận công trong thời gian qua. (Vào Google tất cả các bài viết lẫn Wikipedia đều trích dẫn phiên âm và dịch nghĩa như trên).

Phiên âm cặp câu đối thứ hai chưa chính xác

Năm 2007 lần đầu tiên tôi đến thăm lăng Long Mỹ Quận công. Sau năm 2010 tôi lại đến thăm lăng đôi ba lần và có chụp ảnh hai cặp câu đối ở lăng Long Mỹ Quận công. Tuy không được đào tạo chữ Hán qua trường lớp nào, nhưng khi đọc cách phiên âm cặp câu đối thứ 2 của cử nhân Hán Nôm Nguyễn Huy Khuyến, tôi đã tra nét từng chữ Hán và đối chiếu với các chữ trong văn bia đặt trước và sau lăng Long Mỹ Quận công, tôi nhận thấy chưa chính xác, cần phải phiên âm lại:

Mỗi vế đối đều có 11 chữ Hán. Chữ thứ nhất trong vế xuất đối phiên âm đúng là “TRẮC”(chữ “trắc”có cả thảy 9 nét) chứ không phải “CHẤT”(15 nét); chữ thứ ba trong vế xuất đối là “TẠI”(6 nét) chứ không phải “TRỤ”(9 nét). TRẮC GIÁNG TẠI THIÊN được lấy ý từ câu 7 bài Kinh Thi mang tên Văn vương: “Văn vương trắc giáng” (Hồn Văn vương lắm hồi thăng giáng) và câu 3 bài Kinh Thi mang tên Hạ Vũ: “Tam hậu tại thiên” (ba vua thăng hợp cùng Trời)[4].

Chữ thứ ba trong vế ứng đối phải là chữ “HỮU” chứ không phải chữ “ TÚC”. Chữ “Hữu” được viết theo lối chữ lệ ta bắt gặp trong bài minh của tấm bia trước (dòng thứ 7 tính từ phải sang và chữ thứ 2 tính từ dưới lên hoặc dòng thứ 7 tính từ phải sang và chữ thứ 10 tính từ dưới lên ở bia sau lăng) trong mạch văn “lệnh danh bất hủ, vạn thế hữu từ”)[5] ở lăng Long Mỹ Quận công (nội dung của hai tấm bia như nhau, chỉ khác cách viết “đài” [chữ trồi lên] mà thôi). Như vậy là CHUNG TRỪ HỮU ĐỊA chứ không phải CHUNG TRỪ TÚC ĐỊA (chữ Trừ[bộ Nhân]có thế đọc là Trữ, Thiều Chửu đọc là Trù có nghĩa là để dành, như Trù bị: để sẳn; Trù quân: hoàng thái tử[sẽ nối ngôi]. Nhiều người đọc nhầm thành “chừ” hoặc “sừ”: chừ quân, sừ quân). “Chung trừ hữu địa” có nghĩa là đất lành được hun đúc dành sẳn.

Phiên âm sai cho nên dịch nghĩa sai theo.

Hai chữ cuối của vế xuất đối cặp câu đối thứ 2 sau khi “giải mã” và phục chế lắp vào trụ biểu là “THỔ LẠC”. Đem hai chữ “GIAI THÀNH” còn nguyên lâu nay trên trụ để đối lại hại chữ “THỔ LẠC” mới lắp lên vào tháng 9/2010 thì chưa chỉnh cho lắm!. “GIAI” là tính từ không thể đối với “THỔ” là danh từ, cũng vậy “THÀNH”(thành trì) là danh từ không thể đối với “LẠC” là tính từ được. GIAI THÀNH đối lại với LẠC THỔ mới hoàn chỉnh. Hai chữ LẠC THỔ được trích từ câu 6 và 7 trong bài Thạc thử của Kinh Thi: “Thích bỉ lạc thổ/Lạc thổ! Lạc thổ!” (Đến đất kia thật rõ yên vui/Đất an lạc đất thảnh thơi)[6]. Long Mỹ Quận công là một tín đồ đạo Công Giáo. Đối với niềm tin của tín đồ đạo Công Giáo thì trần gian là lữ quán (quán trọ), Thiên đường mới là quê hương thật, là cõi vĩnh hằng, là “lạc thổ”, là “lạc quốc”. Do đó trong bài văn bia ở lăng Long Mỹ Quận công có câu: “Nhân cảnh sanh ký, thường hằng biệt ly. Thiên đường phúc giới, bách thế đồng quy” (Cảnh người sống gởi, thường hằng biệt ly. Thiên đường cõi phúc, trăm đời cùng về)

Cặp câu đối ở hai trụ biểu giữa của lăng Long Mỹ quận công được phiên âm trở lại:

“Trắc giáng tại thiên, phảng phất anh linh quy lạc thổ

Chung trừ hữu địa, uất thông vượng khí hộ giai thành”.

Tôi xin tạm dịch nghĩa: Lên xuống ở trên Trời (Thiên đường), linh hồn phảng phất về miền đất an lạc/ Cuộc đất được un đúc dành sẳn(nơi xây lăng mộ), xanh rờn vượng khí, bảo vệ chốn giai thành (Giai thành: huyệt mộ tốt. Xem Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển, Nxb Minh Tân, tr. 321)

Liên quan đến cặp câu đối thứ nhất

Trong vế xuất đối có 4 chữ DỮ QUỐC ĐỒNG HƯU được cử nhân Nguyễn Huy Khuyến dịch là “một lòng với nước”. Ở gian giữa đình Phú Xuân tọa lạc kinh thành Huế có tấm hoành với 4 chữ Hán : “Dữ quốc đồng hưu” và được dịch là “yên vui cùng đất nước”. Trong cặp câu đối vua Tự Đức tặng Thọ Xuân vương Miên Định vào năm 1859 khi Thọ Xuân vương được 50 tuổi có vế đối: “Dữ quốc đồng hưu, tình ân báo quốc” (Giúp nước an lành, đem ân tình mà báo quốc)

Cũng trong vế đối ấy có hai chữ THƯ KHOÁN. Vậy “thư khoán” là gì? Thư khoán là rút gọn của cụm từ “đan thư thiết khoán” (thư son khoán sắt). Khoán giống như cái giấy hợp đồng bây giờ. Phàm văn tự để làm tin đều gọi là “khoán”. Đan thư là thẻ tre (thẻ phù) viết bằng mực son về sau khắc vào phiến sắt mỏng gọi là thiết khoán, trong đó ghi chức danh người được phong cùng vài dòng chữ theo công thức của mỗi triều đại quy định. Đan thư thiết khoán là bảo vật cao quý thời phong kiến, thường được nhà vua ban cho các bậc khai quốc công thần như là đặc ân và “đan thư thiết khoán” còn có tác dụng như kim bài miễn tử. Về sau hai chữ “thư khoán” mang ý nghĩa giấy tờ, tài liệu làm bằng chứng.(Đan thư thiết khoán= thư son khoán sắt. Người Việt rút gọn thành “son sắt” có nghĩa là bền chặt, thủy chung)

Phủ thờ Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên ở Kim Long, Huế có cặp câu đối: “Thư khoán truyền gia vinh tích thụ/ Can thành vương quốc mậu kim hoa” (Thư khoán lưu truyền đời đời, làm vẻ vang bậc tổ tiên/ Công lao che chở đất nước, khiến rạng danh bậc công hầu).

Bài thơ “Vịnh Hàn Tín” của Nguyễn Công Trứ có câu: “Những ngờ rằng khoán sắt thư son/ Thái Sơn như lệ, Hoàng Hà như đái”[7]

Trong vế ứng đối: “DƯỠNG THÂN DỤC ĐÃI” được rút từ thành ngữ: “Tử dục dưỡng nhi thân bất đãi; Mộc dục tĩnh nhi phong bất đình” (Con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ không đợi [qua đời]/ Cây muốn yên lặng nhưng gió chẳng chịu dừng).

Tôi xin tạm dịch nghĩa cặp vế đối:

“Dữ quốc đồng hưu, thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh

Dưỡng thân dục đãi, bách niên phong thụ đỉnh chung bi”

(Giúp đất nước an lành, ngàn năm sông núi mãi còn ghi [công]trong thư son khoán sắt/ Con muốn nuôi nhưng cha mẹ không còn, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi buồn trên chuông đỉnh).

Điều lưu ý

Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào là cha của Hoàng hậu Nam Phương, cho nên câu đối dành cho ông nhất định phải là do bậc túc nho sáng tác. Do vậy trong câu đối chắc hẳn có sử dụng thành ngữ điển tích, kinh, truyện…cho nên chúng ta cần cẩn trọng không thể hiểu theo lối văn bạch thoại được!

Việc phục chế 4 chữ Hán đã mất xứng đáng được ngợi khen, nhưng xét về khía cạnh mỹ quan chưa được hài hòa cho lắm. Tất cả các chữ trên trụ biểu đều đắp theo kiểu chữ “Lệ” và phồn thể (đầy đủ nét). Rất tiếc những chữ được phục chế lại theo kiểu chữ chân phương. Riêng chữ “Linh” lại được viết theo lối giản thể (Trong bài văn bia đặt ở lăng có hai chữ “Linh” viết theo kiểu “Lệ thư”, sao không xem đó làm mẫu!).

Tất cả các tấm xi măng đắp chữ Hán vốn có đều tô đá rửa. Riêng 4 tấm được phục chế không làm như vậy. Do đó nhìn vào trụ biểu thứ hai tính từ phải sang không được hài hòa cho lắm!

Nguyễn Văn Nghệ

Lô STH08C06- Đường số 12- Khu Đô Thị Lê Hồng Phong II- Nha Trang

ĐT: 0377803505

Chú thích:

[1] – Lễ quy lăng: Thánh lễ an táng (tiễn ra mộ). Sau ngày 24-10-1960 nhà thờ thánh Nicolas trở thành nhà thờ Chánh tòa Giáo phận Đà Lạt. Địa chỉ 15 Trần Phú, phường 3, Đà Lạt.

[2] – Lý Nhân Phan Thứ Lang, Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng (Tái bản lần thứ ba, có bổ sung), Nxb Thế giới, tr. 36

[3] – Bài viết: “Đã giải mã được các chữ Hán bị mất tại di tích lăng Nguyễn Hữu Hào” của tác giả Khắc Dũng

vieclam.laodong.com.vn/van-hoa/da-giai-ma-duoc-cac-chu-han-bi-mat-tai-di-tich-lang-nguyen-huu-hao-44818.bld

[4] – Khổng tử, Kinh Thi II (dịch giả Tạ Quang Phát), Nxb Văn học, tr 485, 559

[5]- Bài “Giới thiệu bài văn bia trên lăng mộ Nguyễn Hữu Hào” của tác giả Thích Hoằng Trí

hannom.org.vn/detail.asp?param=1644&Catid=750

[6] – Khổng tử, Kinh Thi I (dịch giả Tạ Quang Phát), Nxb Văn học, tr 417-418

[7] – “Thái Sơn như lệ, Hoàng Hà như đái”: Sách Sử ký, thiên Hán Cao tổ công thần hầu giả ghi “Phong thệ chi viết: sử Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ. Quốc dĩ vĩnh ninh, viên cập miêu duệ”(Khi được phong tước thề rằng; khiến sông Hoàng Hà còn như dây đai, núi Thái Sơn còn như viên đá mài. Đất nước an định mãi mãi về sau). Câu này được rút gọn thành “đái lệ sơn hà” hoặc “đái lệ”. Khi nói “đái lệ ” chính là lời thề. Bài thơ “Thân chinh Thái Nguyên châu” của vua Lê Thái Tổ có câu: “Đái lệ bất di thần tử tiết” (Lời thề năm xưa không quên khí tiết của kẻ bề tôi).