Chiều thứ năm tuần thánh, ngày 01/4/2021, chúng tôi đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dự thánh lễ tiệc ly do Đức TGM Giuse Nguyễn Năng chủ sự. Thú thật, tôi cứ tưởng nhiều người còn e ngại Covid, sợ nóng nực nên số người tham dự không nhiều, vậy cứ thong thả mà đi, nào ngờ…

Xem Hình

Khi taxi ghé vào hông nhà thờ, tôi thấy nhiều người đi vào bên trong, nơi có để nhiều khung nhôm, lối vào hơi tối và thấp. Đã hơn một năm qua, tôi không đến nhà thờ này nên có lạ lẫm một chút. Khi vào trong lòng nhà thờ, các hàng ghế đã đủ người và một lát sau hai dãy ghế gần tường nhà thờ cũng không có chỗ trống. Trước mặt tôi là cặp vợ chồng trẻ, ngồi cạnh tôi là một bà đã có tuổi, cạnh bên phải tôi là em sinh viên trẻ trung; rồi các thành phần dân Chúa với khẩu trang đủ kiểu. Quả thật, lòng đạo và sự sốt sắng của anh chị em giáo dân Sài Gòn nói riêng và giáo dân Việt Nam nói chung, thật “không chê vào đâu được”!

Năm ngoái, dự Tam Nhật Thánh tại nhà, dù mát mẻ dễ chịu, qua góc xoay của ống kính trực tiếp, dù nhìn thấy nhiều góc cạnh của nhà thờ, nhìn rõ từng con người, nhưng tôi thấy có chút gì đơn độc quá. Năm nay, giữa cái nóng hầm hập của mùa khô, lại ngồi giữa nơi đông người, nếu không có cái quạt giấy, tôi đã muốn ngộp thở… vậy mà lòng tôi vẫn thấy ấm cúng lạ thường! Hiện nay, ngoài xã hội, chuyện lớn chuyện bé, chuyện quan trọng, chuyện cần thiết…đều được quay clip và đưa lên kênh Youtube, rất thực, có khi thực đến đau lòng. Và nhiều sự kiện tôn giáo cũng vậy, thánh lễ trực tuyến có thể xem đi xem lại, thậm chí người ta trích ra đoạn bài giảng thành clip riêng…nên không còn cảnh phóng viên xách máy cơ, điện thoại di động để ghi nhận sự kiện nữa. Chỉ còn cảm xúc là được ghi nhận một cách “mềm mại”qua bài viết. Thế nên, việc lặp lại nghi thức rửa chân không có gì “lạ”, chỉ sống động trong lòng người dự. Bỗng dưng tôi thấy, sự hiện diện chính là “cái hồn” của sự kiện. Và giáo dân đến nhà thờ mang một ý nghĩa cao quí trong thời đại cái gì cũng “tiện dụng” từ kỹ thuật số.

Nhiều nhà thờ, để thuận tiện và đẹp nghi thức, thường chọn những tốp người cao đều, mặt mũi sáng sủa như nhóm ca đoàn, tốp các em lễ sinh, các ông ban thừa tác viên…Xin phép được nghĩ vui vui, tôi muốn hôm nay Đức TGM Giuse rửa chân cho cha Tổng đại diện, cha Chưởng ấn, một Sơ làm việc âm thầm trong văn phòng TGM, một anh một bảo vệ nhà thờ Chánh Tòa, một nhân viên làm vệ sinh nhà thờ hay người lo bữa ăn cho quí cha…hẳn là những vị đó, sẽ nhớ mãi giây phút đặc biệt ấy và không quên sốt sắng thêm trong phục vụ. (Khi còn sống, hầu như năm nào ba tôi cũng được chọn làm tông đồ để Cha rửa chân; và tuy không giảm lòng sốt sắng nhưng có lần ông tỏ vẻ coi đó là “chuyện thường ngày ở xứ đạo”)!

Khi nhìn vị chủ tế rửa chân cho các người được chọn, tôi nghĩ về những thánh lễ tiệc ly mà các Đức Giám Mục cử hành tại ngôi thánh đường cổ kính này. Cùng là một nghi thức, nhưng có ai biết được Đức Cha Jean Casssaigne, Đại diện Tông Tòa Sài Gòn đã có cảm xúc gì khi cử hành nghi lễ này? Hay vị Giám mục tiên khởi của giáo phận Sài Gòn, Đức TGM Phaolo Nguyễn Văn Bình, cảm xúc thế nào khi rửa chân cho những người cộng sự? Dù nghĩ gì thì cốt lõi của việc này là thực hiện bài học yêu thương của Chúa Giêsu khi từ biệt thế gian. Phải chăng gia tài của Ngài chỉ có bài học yêu thương này, một “phi vật thể” mà những ai là Kitô hữu thì phải tranh thủ giành lấy giữa một thế gian đầy gai góc, lọc lừa, biển lận tinh vi?

Nhìn Đức Cha cung nghinh Thánh Thể, lòng tôi dâng trào cảm xúc: Đây là lương thực hằng ngày của tín hữu đó sao? Suy nghĩ nhanh thì chắc chắn Đức Giêsu là người cẩn thận, lo lắng cho môn đệ mình và hậu thế khi để lại lương thực “không bao giờ cạn”. Nhà tạm của nhà thờ Chánh Tòa hôm nay đặt bên cánh trái cung thánh. Các bạn trẻ tôn kính Thánh Thể theo phong cách nhanh gọn, rất “Sài Gòn”. Trước khi gọi taxi ra về, nhìn quí Sơ chầu Mình Thánh Chúa tôi thấy Giáo Hội đầy đủ sắc màu của lòng mến!

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Người Kitô hữu nào sốt sắng cũng coi trọng ngày này và tuân theo luật Hội Thánh dạy. “Kiêng thịt” là điểm nhấn, là luật buộc ngày này. Đối với nhiều người, thịt không phải là món ăn họ thích, mà tôm to cá lớn mới là món thú vị. Bác sĩ còn khuyên ăn bớt thịt thì tốt cho thận… Tôi trộm nghĩ, có khi nào đến cuối thế kỷ 21 này, Giáo Hội muốn vào ngày thứ sáu tuần thánh, mỗi tín hữu tự chọn kiêng bớt một điều bản thân ưa chuộng, và thực hiện một điều hữu ích? Nếu điều này xảy ra, có lẽ nhiều thú vị trong suy tư của giáo dân khi sống Tam Nhật Thánh.

Trên đường từ nhà thờ về nhà, một bà than phiền với tôi: “Một số người phục vụ nhà thờ, vào ngày lễ lớn thì có vẻ “ta đây”, coi thường giáo dân tham dự, bắt phải đi lối này, rẽ lối nọ; tôi cầm cái ghế cũng quắc mắt, thật khó chịu”. Tôi cười xòa và bênh đỡ theo kiểu bình dân: “Những ngày này nghi thức dài, nhiều việc phải làm, bầu khí nóng nực, có khi phải đứng cả gần một giờ đồng hồ để tròn công việc, họ phải vất vả lắm đấy bà ạ! Hầu hết những công trình thuộc nhà thờ tại Giáo Hội địa phương đều do giáo dân đóng góp, thì giáo dân cần được tôn trọng. Thôi, xin bà thông cảm! Ở nước ngoài, cha xứ có lương, người giúp việc nhà thờ cũng có tiền, ở Việt Nam làm việc chung đều là tình nguyện, vừa mất công sức và thời gian, nghe theo sự hướng dẫn của họ là yêu mến Giáo Hội bà nhé”!

Nghi thức thứ sáu tuần thánh khá dài, những ai đủ sốt sắng thì chẳng thấy có vấn đề gì.

LỄ PHỤC SINH

Đêm ngày thứ bảy, canh thức lễ Phục Sinh sẽ được cử hành. Wow, đêm Thánh! Đêm Chúa cứu độ! Không thể ngồi yên! Trước đó, chúng tôi khá bối rối trong công việc qua hai cuộc điện đàm. Cuộc điện thoại thứ nhất:

- Con kính chào Cha ạ! Đêm Phục Sinh cha có rửa tội cho anh chị em dự tòng không? Số lượng bao nhiêu, chúng con muốn tặng quà ạ! Hết Covid rồi, chúng con “bay ra”ngay.

- Chào cô nhé! Hi hi…giáo xứ chúng con có năm mươi dự tòng, nhưng con và cha phó rửa tội rải rác trong bảy làng, cô theo chân được không?

- Nhà xứ chưa có, vậy chúng con nghỉ đêm ở đâu? À, chúng con có thể chụp hình để minh họa cho bài tường thuật của chúng con sau chuyến đi, trên websites Công Giáo quốc tế không?

- Cô ơi, nhà thờ nhỏ bên ngoài đã được công nhận, cô tha hồ chụp. Các cha quay clip đưa lên mạng quá trời đó. Còn trong làng thì không được cô ạ! Thánh lễ có năm, sáu trăm người dự, phải cẩn thận để chúng con được phép dựng nhà nguyện nữa cô à!

- Thưa, vậy con được phép làm những gì cơ?

- Cô có thể đến dự thánh lễ tối Phục Sinh, tặng quà, chụp hình, gửi cho ân nhân xem, thế là được. Nhóm cô có thể hiệp thông phần áo trắng rửa tội, nến Phục Sinh và nến giáo dân.

- Thưa vâng, con xin cảm ơn và sẽ gọi điện đến cha sớm nhất có thể ạ! Mong được gặp cha.

Cuộc điện thoại thứ hai.

- Con kính chào cha! Nhân tiện bay ra vùng tây nguyên, con muốn ghé thăm giáo xứ cha để làm quen có đượckhông ạ? Con là…

- Chào cô, giáo xứ hân hạnh tiếp đón cô. Mà cô đến lúc nào? Lễ Phục Sinh giáo xứ chúng con vui lắm. Đêm đó, giáo dân từ hai mươi làng ra đây tập trung dâng lễ. Rồi họ ăn cơm, vui mừng lễ theo cách của họ. Chúng con chưa có nhà thờ chính nên sau đó họ trải chiếu, đắp mền ngủ trên nền đất đỏ, ngoài trời để sáng hôm sau dự lễ nữa rồi về.

- Thưa cha, số giáo dân có đông không ạ? Con chụp hình và gửi đến Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo được không ạ? Đêm Phục Sinh cha có rửa tội cho anh chị em dự tòng không?

Cha vui vẻ, cứ cười hic…hic:

- Trẻ em và người lớn hic hic…không kể xiết! Có nhiều người không có đạo, thấy cả làng đi lễ vui quá thế là họ đi theo cho vui. Nếu nhà thờ chúng con mà được lên websites đó thì còn gì bằng, nhiều người biết đến, con có them tiền xây nhà thờ. Cô đi xe giường nằm thì tiện hơn là máy bay. Từ Sài Gòn về chỗ con là gần 1.000 cây số. Vì họ đông quá nên con rửa tội vào ngày khác.

- Thưa vâng, tối nay con gọi điện cho cha. Tuổi con đã trên sáu mươi, con đi xe qua một ngàn cây số thì đến nơi, xin cha …làm phép xác! Thôi, con kính chào cha ạ!

Chúng tôi hơi tiếc. Chiều hôm đó, tôi gọi điện xin ân nhân thêm tiền nhưng không được. Chắc là tôi sẽ đến vùng này vào dịp gần nhất. Thế là Tam Nhật Thánh, chúng tôi vẫn ở Sài Gòn. Một Sài Gòn hoa lệ, giàu có, một bước lên xe hơi, còn ở nhà thì muốn lạnh như Sapa cũng được; nhưng chúng tôi không cho phép mình so sánh cái lạnh trong phòng ở Sài Gòn và cái lạnh giữa trời của người giáo dân ở vùng tây nguyên đất đỏ ấy!