Tuy Có Nhiều Đường Khác Nhau Nhưng Cùng Về Một Chỗ
Tôi có một người bạn vong niên sinh năm 1930. Trong một lần trò chuyện, ông nói với tôi: “Bên Kitô giáo tự tôn lắm!”. Tôi mới hỏi: “Tự tôn thế nào chú?”. Ông nói: “Bên Kitô giáo cho rằng chỉ có những người chịu phép Rửa tội thì mới được vào Thiên đường. Như vậy những người không chịu phép Rửa tội nhưng họ sống ngay lành vậy họ phải xuống hỏa ngục hay sao?”.
Tôi bèn nói với ông ta: Bên Phật giáo có một cấp bậc Phật gọi là “Bích Chi Phật”. Những người sinh ra, không gặp Phật, không nghe ai thuyết pháp về Phật nhưng họ sống theo lương tâm ngay lành, khi chết họ sẽ đạt đến bậc “Bích Chi Phật”. Thiên Chúa thấu suốt tâm can mỗi người cho nên “chỉ có một mình Chúa thấu suốt lòng tin của họ”. Do đó những người sống theo lương tâm ngay lành đều lên Thiên đường.
Bốn trụ cổng của Đan viện Xi tô Thánh Mẫu Phước Sơn có hai cặp câu đối bằng chữ Hán, bên dưới mỗi vế đối có phiên âm chữ Quốc ngữ. Trong đó cặp câu đối hai trụ bên như sau: “Bá tánh nhược thù đồ, đỉnh đăng dung hội/ Vạn dân tuy biệt đạo, đồng quy nhất nguyên”(Trăm họ dẫu khác đường, lên đỉnh điểm sẽ hòa đồng/ Muôn dân tuy khác đạo, cùng về một đấng).
Trên thế giới hiện nay có nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo gọi Thượng Đế bằng những danh hiệu khác nhau, nhưng chung quy trong thế giới hữu hình và vô hình chỉ có một Thượng Đế duy nhất mà thôi.
Trong tác phẩm “Phật giáo”, cụ Trần Trọng Kim viết: “Bàn về căn nguyên của vũ trụ, thì học thuyết nào trong Tam giáo [Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo] cũng lấy cái lý tuyệt đối làm căn bản cho vạn vật sinh hóa đều gốc ở cái một. Gọi cái một là thái cực, là đạo, là chân như hay thái hư, danh hiệu tuy khác nhau, nhưng vẫn là một lý. Chia ra thì thành trăm đường nghìn lối, mà thu lại chỉ có một. Đó là cái ý của Khổng tử nói ở thiên Hệ từ hạ trong Kinh Dịch rằng: “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự”(Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau nhưng cùng về một chỗ, trăm lo nhưng về một mối).
“Cái một ấy mới thật là cái có tuyệt đối, thường định tự tại. Còn vạn vật là sự biến hóa của cái một ấy thì chỉ là những cái có tỷ lệ tương đối, tức là những cái ảo tưởng vô thường mà thôi”[1].
Cái một mà cụ Trần Trọng Kim đề cập chính là “Nhất Nguyên”, là “Vạn Hữu”. Tại nhà thờ thánh Giuse Tam Lý Kiều (Tam Lý Kiều thánh Nhược sắt đường) ở Vô Tích, Nam Kinh, Trung Quốc có câu đối do vua Khang Hy: “Vạn hữu tư sinh uyên vi mạc trắc/ Nhất nguyên mặc hóa hạo đãng nan danh”(Đấng Vạn Hữu ban sự sống cách mầu nhiệm khôn lường/ Đấng Nhất Nguyên kín ẩn hóa sinh mênh mông khó gọi tên)[2].
Trong Thánh vịnh vua David có câu: “Chúa là vô thủy, vô chung và danh Chúa đỗ bền muôn đời hằng có”
Năm 1711, nhân dịp khánh thành nhà thờ Công Giáo bên trong cửa Tuyên Vũ ở Bắc Kinh, vua Khang Hy tặng nhà thờ câu đối: “Vô thủy, vô chung tiên tác hình thanh chân chủ tể/ Tuyên nhân, tuyên nghĩa duật chiêu chửng tế đại quyền hành”(Không bắt đầu, không sau hết, thật là vị Chúa tể trước đã dựng nên hình tiếng/ Bày tỏ lòng nhân nghĩa, quyền hành lớn lao là làm sáng ơn cứu vớt)[3].
Hai bên ảnh Thánh Tâm tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Nam Cảng (Nam Cảng Da Tô Thánh Tâm Thiên Chúa đường) ở Đài Bắc có câu đối: “Ngã đích Thiên Chúa/ Ngã đích Vạn Hữu” (Ta đích thực là Thiên Chúa/ Ta đích thực là Đấng Vạn Hữu)[4].
Thượng Đế (Thiên Chúa/Ông Trời) là cùng đích, là cứu cánh để con người hướng tới. Sách Trung dung viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân[5]. Tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân.Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhơn. Tư tri nhơn, bất khả dĩ bất tri Thiên” (Cho nên bậc quân tử cần phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, cần phải ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ. Muốn ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ cần phải biết đến người khác[tha nhân]. Muốn biết tha nhân, cần phải biết Trời).
Người xưa quan niệm: “Thăng giả hội” (tất cả những gì đi lên sẽ gặp nhau). Càng lên cao, tính đặc thù và đa dạng biến mất để xuất hiện sự tương đồng và đây là chỗ để mọi dị biệt ở khởi điểm gặp nhau hay hội tụ.
Mâu Bác sống vào cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III nói: “Chu dư dị lộ, câu trí hành lữ”(Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người ta tới chốn).
Nhưng để đến nơi, đến chốn ai cũng muốn lựa chọn cho mình con đường gần nhất, tốt nhất để đi.
Nhà thần học Brazil là Leonardo Boff kể lại mẩu đối thoại giữa ông và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Leonardo Boff tưởng Ngài sẽ trả lời: Phật giáo Tây Tạng hoặc các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Kitô giáo. Nhưng Ngài đã trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Ngài trả lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn; Có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”[6].
Tôn giáo nào hội đủ những yếu tố mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra để đưa con người đến gần Đấng Tối Cao nhất?
Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn này là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Toàn thể lề luật của các tiên tri đều quy vào hai giới răn ấy” (Mt 22: 37-40). Chúa Giê su đã liên kết “mến Chúa” và “yêu người” lại với nhau: mến Chúa thì phải yêu người; yêu người thì phải mến Chúa. Không thể nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Do đó “ ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình”(1Yn 4: 20-21) và “Yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13: 10).
Một khi chúng ta đã chu toàn Lề luật là chúng ta đến gần Đấng Tối Cao nhất!
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang
Chú thích
[1]- Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 6-7
[2][3][4]- Bùi Ngọc Hiển, Câu đối Công Giáo (2) Câu đối chữ Nho (của anh em Công Giáo Trung Hoa)
tutevungtau.blogspot.com/2017/02/cau-oi-cong-gia.html
[5]- Sách Đại học Nho giáo viết: “Tự thiên tử chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” ( Từ thiên tử cho đến dân thường đều phải lấy tu thân làm gốc).
[6]- khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html
Tôi có một người bạn vong niên sinh năm 1930. Trong một lần trò chuyện, ông nói với tôi: “Bên Kitô giáo tự tôn lắm!”. Tôi mới hỏi: “Tự tôn thế nào chú?”. Ông nói: “Bên Kitô giáo cho rằng chỉ có những người chịu phép Rửa tội thì mới được vào Thiên đường. Như vậy những người không chịu phép Rửa tội nhưng họ sống ngay lành vậy họ phải xuống hỏa ngục hay sao?”.
Tôi bèn nói với ông ta: Bên Phật giáo có một cấp bậc Phật gọi là “Bích Chi Phật”. Những người sinh ra, không gặp Phật, không nghe ai thuyết pháp về Phật nhưng họ sống theo lương tâm ngay lành, khi chết họ sẽ đạt đến bậc “Bích Chi Phật”. Thiên Chúa thấu suốt tâm can mỗi người cho nên “chỉ có một mình Chúa thấu suốt lòng tin của họ”. Do đó những người sống theo lương tâm ngay lành đều lên Thiên đường.
Trên thế giới hiện nay có nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo gọi Thượng Đế bằng những danh hiệu khác nhau, nhưng chung quy trong thế giới hữu hình và vô hình chỉ có một Thượng Đế duy nhất mà thôi.
Trong tác phẩm “Phật giáo”, cụ Trần Trọng Kim viết: “Bàn về căn nguyên của vũ trụ, thì học thuyết nào trong Tam giáo [Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo] cũng lấy cái lý tuyệt đối làm căn bản cho vạn vật sinh hóa đều gốc ở cái một. Gọi cái một là thái cực, là đạo, là chân như hay thái hư, danh hiệu tuy khác nhau, nhưng vẫn là một lý. Chia ra thì thành trăm đường nghìn lối, mà thu lại chỉ có một. Đó là cái ý của Khổng tử nói ở thiên Hệ từ hạ trong Kinh Dịch rằng: “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự”(Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau nhưng cùng về một chỗ, trăm lo nhưng về một mối).
“Cái một ấy mới thật là cái có tuyệt đối, thường định tự tại. Còn vạn vật là sự biến hóa của cái một ấy thì chỉ là những cái có tỷ lệ tương đối, tức là những cái ảo tưởng vô thường mà thôi”[1].
Cái một mà cụ Trần Trọng Kim đề cập chính là “Nhất Nguyên”, là “Vạn Hữu”. Tại nhà thờ thánh Giuse Tam Lý Kiều (Tam Lý Kiều thánh Nhược sắt đường) ở Vô Tích, Nam Kinh, Trung Quốc có câu đối do vua Khang Hy: “Vạn hữu tư sinh uyên vi mạc trắc/ Nhất nguyên mặc hóa hạo đãng nan danh”(Đấng Vạn Hữu ban sự sống cách mầu nhiệm khôn lường/ Đấng Nhất Nguyên kín ẩn hóa sinh mênh mông khó gọi tên)[2].
Trong Thánh vịnh vua David có câu: “Chúa là vô thủy, vô chung và danh Chúa đỗ bền muôn đời hằng có”
Năm 1711, nhân dịp khánh thành nhà thờ Công Giáo bên trong cửa Tuyên Vũ ở Bắc Kinh, vua Khang Hy tặng nhà thờ câu đối: “Vô thủy, vô chung tiên tác hình thanh chân chủ tể/ Tuyên nhân, tuyên nghĩa duật chiêu chửng tế đại quyền hành”(Không bắt đầu, không sau hết, thật là vị Chúa tể trước đã dựng nên hình tiếng/ Bày tỏ lòng nhân nghĩa, quyền hành lớn lao là làm sáng ơn cứu vớt)[3].
Hai bên ảnh Thánh Tâm tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Nam Cảng (Nam Cảng Da Tô Thánh Tâm Thiên Chúa đường) ở Đài Bắc có câu đối: “Ngã đích Thiên Chúa/ Ngã đích Vạn Hữu” (Ta đích thực là Thiên Chúa/ Ta đích thực là Đấng Vạn Hữu)[4].
Thượng Đế (Thiên Chúa/Ông Trời) là cùng đích, là cứu cánh để con người hướng tới. Sách Trung dung viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân[5]. Tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân.Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhơn. Tư tri nhơn, bất khả dĩ bất tri Thiên” (Cho nên bậc quân tử cần phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, cần phải ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ. Muốn ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ cần phải biết đến người khác[tha nhân]. Muốn biết tha nhân, cần phải biết Trời).
Người xưa quan niệm: “Thăng giả hội” (tất cả những gì đi lên sẽ gặp nhau). Càng lên cao, tính đặc thù và đa dạng biến mất để xuất hiện sự tương đồng và đây là chỗ để mọi dị biệt ở khởi điểm gặp nhau hay hội tụ.
Mâu Bác sống vào cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III nói: “Chu dư dị lộ, câu trí hành lữ”(Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người ta tới chốn).
Nhưng để đến nơi, đến chốn ai cũng muốn lựa chọn cho mình con đường gần nhất, tốt nhất để đi.
Nhà thần học Brazil là Leonardo Boff kể lại mẩu đối thoại giữa ông và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Leonardo Boff tưởng Ngài sẽ trả lời: Phật giáo Tây Tạng hoặc các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Kitô giáo. Nhưng Ngài đã trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Ngài trả lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn; Có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”[6].
Tôn giáo nào hội đủ những yếu tố mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra để đưa con người đến gần Đấng Tối Cao nhất?
Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn này là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Toàn thể lề luật của các tiên tri đều quy vào hai giới răn ấy” (Mt 22: 37-40). Chúa Giê su đã liên kết “mến Chúa” và “yêu người” lại với nhau: mến Chúa thì phải yêu người; yêu người thì phải mến Chúa. Không thể nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Do đó “ ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình”(1Yn 4: 20-21) và “Yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13: 10).
Một khi chúng ta đã chu toàn Lề luật là chúng ta đến gần Đấng Tối Cao nhất!
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang
Chú thích
[1]- Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 6-7
[2][3][4]- Bùi Ngọc Hiển, Câu đối Công Giáo (2) Câu đối chữ Nho (của anh em Công Giáo Trung Hoa)
tutevungtau.blogspot.com/2017/02/cau-oi-cong-gia.html
[5]- Sách Đại học Nho giáo viết: “Tự thiên tử chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” ( Từ thiên tử cho đến dân thường đều phải lấy tu thân làm gốc).
[6]- khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html