Giáo sĩ Đắc Lộ 1593-1660): II. Phương pháp dạy giáo lí

Trong Hành Trình và Truyền Giáo, Đắc Lộ kể lại rằng: khi tới Goa ở Ấn độ, ông thấy người ta bắt người Ấn độ khi theo đạo thì cởi bỏ y phục bản xứ mà mặc theo người Bồ, tức người Âu châu. Cũng vậy, khi ông tới Trung quốc, ông thấy người ta bắt dân Trung quốc khi theo đạo thì phải cắt tóc ngắn theo kiểu để tóc ngắn của người Bồ, tức người Âu châu. Đắc Lộ đã phản đối việc làm sai trái này, vì đạo Chúa đòi hỏi con người những niềm tin mới, còn cách ăn mặc thì theo dân tộc mỗi dân mỗi nước.

Việc này tỏ ra Đắc Lộ đã có một phương pháp trình bày giáo lí thích hợp với một nền văn minh rất cổ như ở Trung quốc và một phần nào ở Việt Nam. Hẳn Đắc Lộ có chịu ảnh hưởng phương pháp trình bày giáo lí của hai giáo sĩ người Ý hoạt động ở Trung quốc trước đây mấy chục năm.

Năm 1584 giáo sĩ Micae Ruggieri, người Ý, thường gọi là Minh Kiên đã cho in tại Trung quốc cuốn Thiên Chúa thực lục chính văn để trình bày giáo lí công giáo cho người Trung Hoa. Cuốn này, năm 1585 đã được tặng cho một viên quan Việt Nam đi Bắc Kinh. Ông quan này đã đưa về nhà làm của quí truyền lại cho con cháu. Khi Đắc Lộ giảng ở Kẻ Chợ thì có một người đưa cho ông cuốn đó coi và ông nhận thấy ngay đây là cuốn chứa đựng những giáo lí như giáo lí ông đang giảng dạy. Vào năm 1603 giáo sĩ Mathêu Ricci thường gọi là Lợi Mã Đậu đã cho hủy những bản khắc cuốn của Minh Kiên và cho ấn hành cuốn Thiên Chúa thực nghĩa để thay thế vào. Hẳn là khi Đắc Lộ tới Đàng Ngoài, ông đã mang theo một vài cuốn vì đã có lần ông đưa sách cho mấy người nho học đọc.

Phương pháp của Đắc Lộ đã được trình bày về nguyên tắc trong một chương Lịch sử Đàng Ngoài. Đại khái ông nói: có người chủ trương theo lời đấng tiên tri, đó là trước hết phải hủy diệt để rồi xây dựng sau. Dĩ nhiên cũng không phải xây dựng trước khi hủy diệt. Ông chủ trương một con đường trung dung, có nghĩa là thoạt đầu hãy cho con người công nhận những lẽ phải tự nhiên về một đấng Tạo Hóa, những điều con người suy nghĩ về lẽ tự nhiên, sau đó mới đề cập tới lí thuyết về một Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và duy trì vũ trụ, để rồi mới nói tới những mầu nhiệm cao cả của đạo, sau khi đã bác bỏ những sai lạc. Nếu bắt đầu bác bỏ những tin tưởng cố hữu của họ thì làm cho họ bất bình và như thế khó cho họ nhận những giáo thuyết của chúng ta.

Phương pháp trung dung này đã được đem ra thi hành trong cuốn Phép Giảng tám ngày. Cũng phải nói ngay rằng: cuốn phép giảng không phải là cuốn giáo lí đại cương, vắn tắt với câu hỏi và lời thưa, nhưng là những bài diễn giải, suy luận dành riêng cho người giảng, người thuyết giáo. Cuốn sách không chia riêng thành chương mà thành tất cả tám ngày. Ngày thứ nhất và ngày thứ hai, đề cập tới những vấn đề chung chung về ước muốn thâm sâu của con người về một thứ hạnh phúc lâu bền, một ít quan niệm về thượng đế, về vũ trụ và loài người, về cái nguyên lí đầu hết của mọi vật. Đến ngày thứ ba, mới nói tới công cuộc sáng tạo các thiên thần, nhất là việc Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, vạn vật và loài người trong sáu ngày theo sách Sáng thế. Về điểm này, rất có thể khá thích hợp với bản năng con người Việt Nam, những người vốn tin có một "Ông Trời" làm nên trăng, sao, mây, nước và vạn vật. Cho tới ngày thứ bốn sau khi nói qua về Đại Hồng Thủy và Noe với tháp Babel, thì mới bắt đầu vạch trần những sai lạc vốn có trong ba thứ đạo cổ truyền gia nhập từ Trung quốc đó là tam giáo Phật, Lão, Khổng và một số tin tưởng dân gian khác.

Cũng phải nói ngay rằng, những phê phán của Đắc Lộ vẫn còn có những khắt khe thuộc chủ quan, những lệch lạc vì chưa hiểu rõ ba giáo lí uyên thâm đã làm nên con người Việt Nam kể từ lâu đời. Đặc biệt đối với Phật giáo, Đắc Lộ đã có những lời lẽ làm chói tai độc giả ngày nay. Dầu sao nếu ông chưa hiểu giáo lí đạo Phật và học thuyết của Lão Tử, thì ông cũng có một chút cởi mở đối với việc "thờ kính" đức Khổng Tử. Còn dĩ nhiên ông thóa mạ những tập tục đốt vàng, đốt mã kính vong linh người chết, cũngnn ưinhững dị đoan mê tín khá phổ thông nơi dân gian thời đó.

Rồi mãi tới ngày thứ năm, ông mới giảng về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi rồi tiếp sau mới nói tới Mầu Nhiệm Chúa làm người và chuộc tội thiên hạ. Tới ngày thứ tám, sau khi giảng về phán xét chung thì đề cập tới Mười điều răn để rồi bắt đầu dạy những điều cần thiết để chịu Phép Rửa Tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời. Nói đạo thánh Đức Chúa Trời, chứ không phải đạo Pha Lang hay Phất Lang, có ý chỉ đạo người Bồ, hay đạo Hoa Lang, một cách phát âm khác của Pha Lang, người Bồ.

Có hai điểm làm chúng tôi rất thích thú, một là khi Đắc Lộ sử dụng những quan niệm hay tư tưởng các nhà nho ta lúc đó để đưa họ về giáo lí đạo Chúa, hai là những lí luận cổ điển phái Tômít để diễn giảng về Thiên Chúa và Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mở đầu lời giảng ngày thứ nhất trong Phép Giảng, Đắc Lộ nói: "Ta cầu cùng Đ.C.T. giúp sức cho ta biết tỏ tường đạo Chúa là nhường nào. Vì vậy ta phải hay ở thế này chẳng có ai sống lâu: vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuổi chẳng có nhiều".

Không phải mãi cho tới năm 1969, người ta mới nghe nói tới câu thơ của Đỗ Phủ "nhân sinh thất thập cổ lai hi" nghĩa là "người thọ 70 xưa nay hiếm". Nhà thơ danh tiếng của chúng ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ thế kỉ 16 đã viết: "nhất nhân sinh bảy tám mươi". Và Đắc Lộ đã học biết điều đó. Ông nắm lấy cơ hội để đưa người ta vào một suy nghĩ triết học và thần học: ước muốn trường sinh đắc đạo và cách thế để đạt tới. Thật là đặc biệt.

Rồi Đắc Lộ lại tung ra câu nói trong dân gian, tương tự như thế này: phô ông thường nói "sinh kí, tử qui", như vậy phô ông chủ trương cuộc sống này thế nào. Sống gửi thác về, sống gửi là sống tạm bợ, còn chết về mới là về đời sau bền vững lâu dài. mấy giòng sau, Đắc Lộ còn như ngây ngô nói: "sinh là kí dã, tử là qui dã". Câu nói khấp khểnh, vụng về, ngây thơ vừa Hán vừa Nôm này đã làm cho nhà học giả Nguyễn Văn Tố rất đắc ý. Thật là tuyệt: sinh là kí dã, tử là qui dã. Vậy đã là tạm bợ thì phải tìm đàng nào cho được sống lâu mãi mãi. Hẳn vì thấy nhà nho của ta rất thích nói chữ, rất hay trưng câu thánh hiền, trích dẫn nơi sách nho, từ Tứ Thư Ngũ Kinh, nên Đắc Lộ cũng ném ra mấy câu chữ nho. Ông giảng: "Có chữ Annam nói rằng: Kiên thằng khả kế ngưu giác, lí ngữ năng phục nhân tâm, dây bền khá buộc được sừng trâu, lẽ thật khá phục được lòng người ta", như vậy, nếu là đạo lí đạo phải thì phô ông phải tin theo chứ. Và Đắc Lộ tiếp tục thỉnh thoảng lại đưa ra một vài chữ nho khác. Phô ông nói: thiên phú địa tái thì có nghĩa gì? Có nghĩa là trời che đất chở. Đã là trời che đất chở thì không thể là đối tượng cho ta thờ được. Hơn nữa tại sao phô ông nói: Nữ oa phụ thạch đới thiên, "đàn bà gọi là Oa đội đá vá trời", trời rách nát gì mà phải vá. Rồi phô ông còn viết: từ tạo thiên lập địa. Như vậy phải có một sự tạo dựng nào đó chứ. Và sau đây là lời lẽ Đắc Lộ tung ra để minh chứng Đấng tạo thành trời đất và muôn vật, chúa trời đất, Đức Chúa trời đất, đây mới chính là "thiên địa vạn hữu chi chân Chúa". Khi bác bỏ những cái sai lệch của Lão Tử, của Đạo Giáo, Đắc Lộ cũng tỏ mình như đã có đọc tới Đạo Đức Kinh, khi ông nói tại sao người ta lại viết: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Cái hay ở đây là giáo sĩ đã chọn một số câu nói thông dụng để tấn công vào tư tưởng hủ nho của ta và để trình bày hay đúng hơn dọn đường trình bày giáo lí.

Biết các nhà nho của ta theo thuyết duy lí, lấy lí lẽ suy luận làm cơ sở cho hành động, Đắc Lộ hơn một lần cho họ thấy khía cạnh hữu lí của đạo giáo. Ông viết: "Có phải mlẽ thì phải làm, chẳng phải thì chớ" (tr.17). Hoặc: "ví bàng phải mlẽ thì thờ, chẳng phải mlẽ thì chớ" (tr.31). Vào cuối sách, ngày sau cùng, ngày thứ tám, Đắc Lộ nhắc lại các nguyên tắc đẹp đẽ đó như sau: "cho nên ta thấy sự gì phải mlẽ thì ta theo, mà ta xem việc gì tlái mlẽ thì ta tlánh" (tr.278-279).