Có Thiên Đường, Có Hỏa Ngục Không Vậy?
Hồi nhỏ chúng tôi thường chơi trò chơi “Thiên đường- Hỏa ngục”(có tôn giáo không gọi Hỏa ngục mà gọi là Địa ngục), hai em đứng đối diện nhau và nắm tay nhau chống lên như một cái cổng, trong đó một em sẽ đại diện là Thiên đường, em kia sẽ đại diện cho Hỏa ngục, nhóm còn lại sẽ sắp hàng một nắm đuôi áo của nhau đi vòng quanh chui qua chui lại cánh cổng ấy và cùng nhau đọc: “Thiên đường- Hỏa ngục là chốn hai quê, ai khéo thì nhờ, ai vụng thì sa. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi giờ chết được lên Thiên đường”. Đến đây hai em làm cổng hạ tay xuống chận lại và em nào đứng trước cổng sẽ được hỏi: Thiên đường hay Hỏa ngục để em ấy lựa chọn và sau khi lựa chọn, em ấy sẽ bước ra khỏi hàng và đứng về phía mình đã chọn và trò chơi được tiếp tục cho đến em cuối cùng bị chặn lại. Sau đó có hình phạt do các em đã thảo luận trước.
Có Thượng đế không? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Có Thiên đường, có Hỏa ngục không vậy?
Có hai trường phái duy tâm và duy vật. Trường phái duy vật phủ nhận Thượng đế, do đó phủ nhận cả Thiên đường và Hỏa ngục. Chết là hết, là đi vào cõi hư vô. Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Vị văn khách tự Thiên đường đáo/ Bất kiến nhân tòng Địa ngục lai” (Chưa từng nghe khách tự Thiên đường đến/ Nào thấy ai theo Địa ngục về). Cụ Nguyễn Du cũng hoài nghi về Thiên đường- Địa ngục: “Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu!” (Truyện Kiều, câu 1774, bản chú giải của Bùi Kỷ& Trần Trọng Kim)
Tháng giêng năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long ban chiếu chỉ định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, trong đó có đoạn đề cập đến Thiên đường- Hỏa ngục: “Lại như đạo Da Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết Thiên đường, Địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Da Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm”[1].
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, sau đó kéo quân vào chiếm Gia Định, triều đình Huế mắc kế ly gián của thực dân Pháp và cho rằng những người theo đạo Da Tô làm nội ứng cho giặc. Giáo dân bị quan trên bắt đến công đường: “Tới quan truyền bảo một khi/Hễ bay xuất giáo tao thì tha cho/ Đứa nào cứng cổ cượng co/Dây roi có đó, nọc vồ có đây/Bây đừng quen thói dại ngây/Đạo Ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ!/Khá tua cải quá bây giờ/ Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha”[2]. Hễ ai chịu bước qua thập tự, xin từ bỏ đạo Da Tô thì được tha cho về. Những người không chịu xuất giáo thị bị giam cầm, tra tấn, đánh đập. Nhận thấy việc dùng uy vũ trấn áp đức tin những giáo dân trung kiên không có hiệu quả nên Án sát sứ tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ là Ngụy Khắc Đản đã làm bài “Hoán mê khúc” (Kêu gọi những người mê muội quay về cùng đạo của tổ tiên) trong đó có đoạn nói về Thiên đường- Hỏa ngục: “Ai ai nghĩ đó mà coi/Ở đời ta giữ đạo người là xong/Không tốn của, không mất công/Chẳng ngoài luật pháp mà trong luân thường/Mê chi những sự hoang đường/ Biết đâu hỏa ngục, thiên đường là đâu!/Dẫu rằng muốn sửa thân sau/Chi qua trung tín lẽ mầu thánh nhơn?/Ấy là tánh đạo thiện chơn/Có thiên đường cũng ắt phần đến ta/Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”[3].
Theo quan điểm Nho giáo, sanh ra làm con người thì lo giữ đạo làm người, lo giữ luân thường trung hiếu, nếu như “Có Thiên đường cũng ắt phần đến ta”.
Đối với những người tin có ông Trời, có Thượng Đế ắt hẳn là tin có Thiên đường- Hỏa ngục. Trước những lời của Án sát Ngụy Khắc Đản buộc cho giáo dân là những người “bỏ vua, bỏ nước, bỏ ông, bỏ bà” cho nên Đạo trưởng[linh mục] Gioakim Đặng Đức Tuấn(1806-1874) khi ấy đang trốn tránh lệnh bắt đạo của triều đình đã làm bài “Hồi đáp yết thị ca” để phản biện bài “Hoán mê khúc” cho rạch ròi thị phi tà chánh, trong đó phản bác lại vấn đề của Án sát Ngụy Khắc Đản cho rằng Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Tích thiện, tích ác chi gia/Đố ai bay nhảy lọt qua lưới trời/Vua trị đời định nơi thưởng phạt/Phép khuyến trừng thiện ác hai phương/Huống chi đấng ngự Thiên Hương/Tử sinh không định ương tường không toan/ Ớ người trí thức khôn ngoan/ Chẳng tin lẽ ấy sao an đạo người?/…/Người đời sanh ký tử quy/Dữ lành ắt có chốn đi đã rồi/Vậy ta suy lại mà coi/Hoang đường đâu có nực cười điều chi?”[4]
Ở đời vua còn đặt ra thưởng phạt, “Huống chi Đấng ngự Thiên Hương/ Tử sinh không định, ương tường không toan” cho nên đối với những người tin vào thế giới siêu nhiên thì Thiên đường- Hỏa ngục không phải là chuyện hoang đường!
Voltaire từng nói: “Tôi không tin có Thượng Đế chỉ trên bàn giấy mà thôi, chứ đứng trước cái chết tôi tin có Thượng Đế”. Con người khi còn tuổi trẻ, khí huyết sung mãn, nên “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng khi về già và nhất là khi sắp lâm chung thì không thể phủ nhận Thượng Đế, phủ nhận Thiên đường- Hỏa ngục: “Từ đáy sâu tâm hồn, bằng siêu thức, con người thời nào và ở đâu cũng hướng về một Tuyệt đối, một Thần thánh, hoặc một Thượng đế.
“Không một cá nhân nào suốt cuộc đời phủ nhận được thần nhan trong sâu thẳm con người, không tập thể nào phủ nhận được thần nhan trong khát khao của lịch sử dân tộc mình.
“Nếu phủ nhận thần thiêng, người ta phải dựng một cá nhân hoặc một tập thể nào lên làm thần tượng sờ mó được…”[5]
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang
Chú thích
[1]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.587
[2][3][4]- Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản (In lần thứ nhất), 1970, tr.90; 270; 287
[5]- Lm.JMT. Nguyễn Thế Thoại, Vấn đề Thượng đế (thần lý học), Lưu hành nội bộ, tr. 227
Hồi nhỏ chúng tôi thường chơi trò chơi “Thiên đường- Hỏa ngục”(có tôn giáo không gọi Hỏa ngục mà gọi là Địa ngục), hai em đứng đối diện nhau và nắm tay nhau chống lên như một cái cổng, trong đó một em sẽ đại diện là Thiên đường, em kia sẽ đại diện cho Hỏa ngục, nhóm còn lại sẽ sắp hàng một nắm đuôi áo của nhau đi vòng quanh chui qua chui lại cánh cổng ấy và cùng nhau đọc: “Thiên đường- Hỏa ngục là chốn hai quê, ai khéo thì nhờ, ai vụng thì sa. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi giờ chết được lên Thiên đường”. Đến đây hai em làm cổng hạ tay xuống chận lại và em nào đứng trước cổng sẽ được hỏi: Thiên đường hay Hỏa ngục để em ấy lựa chọn và sau khi lựa chọn, em ấy sẽ bước ra khỏi hàng và đứng về phía mình đã chọn và trò chơi được tiếp tục cho đến em cuối cùng bị chặn lại. Sau đó có hình phạt do các em đã thảo luận trước.
Có Thượng đế không? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Có Thiên đường, có Hỏa ngục không vậy?
Có hai trường phái duy tâm và duy vật. Trường phái duy vật phủ nhận Thượng đế, do đó phủ nhận cả Thiên đường và Hỏa ngục. Chết là hết, là đi vào cõi hư vô. Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Vị văn khách tự Thiên đường đáo/ Bất kiến nhân tòng Địa ngục lai” (Chưa từng nghe khách tự Thiên đường đến/ Nào thấy ai theo Địa ngục về). Cụ Nguyễn Du cũng hoài nghi về Thiên đường- Địa ngục: “Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu!” (Truyện Kiều, câu 1774, bản chú giải của Bùi Kỷ& Trần Trọng Kim)
Tháng giêng năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long ban chiếu chỉ định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, trong đó có đoạn đề cập đến Thiên đường- Hỏa ngục: “Lại như đạo Da Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết Thiên đường, Địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Da Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm”[1].
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, sau đó kéo quân vào chiếm Gia Định, triều đình Huế mắc kế ly gián của thực dân Pháp và cho rằng những người theo đạo Da Tô làm nội ứng cho giặc. Giáo dân bị quan trên bắt đến công đường: “Tới quan truyền bảo một khi/Hễ bay xuất giáo tao thì tha cho/ Đứa nào cứng cổ cượng co/Dây roi có đó, nọc vồ có đây/Bây đừng quen thói dại ngây/Đạo Ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ!/Khá tua cải quá bây giờ/ Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha”[2]. Hễ ai chịu bước qua thập tự, xin từ bỏ đạo Da Tô thì được tha cho về. Những người không chịu xuất giáo thị bị giam cầm, tra tấn, đánh đập. Nhận thấy việc dùng uy vũ trấn áp đức tin những giáo dân trung kiên không có hiệu quả nên Án sát sứ tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ là Ngụy Khắc Đản đã làm bài “Hoán mê khúc” (Kêu gọi những người mê muội quay về cùng đạo của tổ tiên) trong đó có đoạn nói về Thiên đường- Hỏa ngục: “Ai ai nghĩ đó mà coi/Ở đời ta giữ đạo người là xong/Không tốn của, không mất công/Chẳng ngoài luật pháp mà trong luân thường/Mê chi những sự hoang đường/ Biết đâu hỏa ngục, thiên đường là đâu!/Dẫu rằng muốn sửa thân sau/Chi qua trung tín lẽ mầu thánh nhơn?/Ấy là tánh đạo thiện chơn/Có thiên đường cũng ắt phần đến ta/Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp, can ra tội người”[3].
Theo quan điểm Nho giáo, sanh ra làm con người thì lo giữ đạo làm người, lo giữ luân thường trung hiếu, nếu như “Có Thiên đường cũng ắt phần đến ta”.
Đối với những người tin có ông Trời, có Thượng Đế ắt hẳn là tin có Thiên đường- Hỏa ngục. Trước những lời của Án sát Ngụy Khắc Đản buộc cho giáo dân là những người “bỏ vua, bỏ nước, bỏ ông, bỏ bà” cho nên Đạo trưởng[linh mục] Gioakim Đặng Đức Tuấn(1806-1874) khi ấy đang trốn tránh lệnh bắt đạo của triều đình đã làm bài “Hồi đáp yết thị ca” để phản biện bài “Hoán mê khúc” cho rạch ròi thị phi tà chánh, trong đó phản bác lại vấn đề của Án sát Ngụy Khắc Đản cho rằng Thiên đường- Hỏa ngục là chuyện hoang đường: “Tích thiện, tích ác chi gia/Đố ai bay nhảy lọt qua lưới trời/Vua trị đời định nơi thưởng phạt/Phép khuyến trừng thiện ác hai phương/Huống chi đấng ngự Thiên Hương/Tử sinh không định ương tường không toan/ Ớ người trí thức khôn ngoan/ Chẳng tin lẽ ấy sao an đạo người?/…/Người đời sanh ký tử quy/Dữ lành ắt có chốn đi đã rồi/Vậy ta suy lại mà coi/Hoang đường đâu có nực cười điều chi?”[4]
Ở đời vua còn đặt ra thưởng phạt, “Huống chi Đấng ngự Thiên Hương/ Tử sinh không định, ương tường không toan” cho nên đối với những người tin vào thế giới siêu nhiên thì Thiên đường- Hỏa ngục không phải là chuyện hoang đường!
Voltaire từng nói: “Tôi không tin có Thượng Đế chỉ trên bàn giấy mà thôi, chứ đứng trước cái chết tôi tin có Thượng Đế”. Con người khi còn tuổi trẻ, khí huyết sung mãn, nên “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng khi về già và nhất là khi sắp lâm chung thì không thể phủ nhận Thượng Đế, phủ nhận Thiên đường- Hỏa ngục: “Từ đáy sâu tâm hồn, bằng siêu thức, con người thời nào và ở đâu cũng hướng về một Tuyệt đối, một Thần thánh, hoặc một Thượng đế.
“Không một cá nhân nào suốt cuộc đời phủ nhận được thần nhan trong sâu thẳm con người, không tập thể nào phủ nhận được thần nhan trong khát khao của lịch sử dân tộc mình.
“Nếu phủ nhận thần thiêng, người ta phải dựng một cá nhân hoặc một tập thể nào lên làm thần tượng sờ mó được…”[5]
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang
Chú thích
[1]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.587
[2][3][4]- Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản (In lần thứ nhất), 1970, tr.90; 270; 287
[5]- Lm.JMT. Nguyễn Thế Thoại, Vấn đề Thượng đế (thần lý học), Lưu hành nội bộ, tr. 227