Thao Thức Và Chia Sẻ Về Việc Dạy Giáo Lý Bằng Phương Tiện Truyền Thông

1. Điều muốn nói …

Tôi gặp gỡ tình cờ với anh Gioan Lê Quang Vinh, một giảng viên của Ban Giáo lý TGP Sài Gòn, tâm huyết cổ võ việc dạy giáo lý bằng phương tiện truyền thông. Anh cũng là đồng môn lớp đàn anh của tôi. Tôi giới thiệu sơ qua những công việc mà anh em vốn từ lâu đã có chung ý tưởng. Anh rất tâm đắc và đã gợi ý và khuyên tôi viết này.

Mới đây tôi lại được cha Trăng Thập Tự hiện ở Tòa Giám Mục Qui Nhơn ghé thăm như thế, ngài cũng tán đồng và động viên, nên mới mạnh dạn ‘lên tiếng’ đây.

Trong khi xã hội đang sôi nổi hô hào giảng dạy bằng giáo án điện tử trong các trường lớp, thì chúng ta vẫn chưa phổ biến rộng rãi. Chỉ cần gõ vào Google từ khóa “giáo án điện tử” là thấy xuất hiện nhiều trang mạng chứa cả một thư viện giáo án điện tử online rất phong phú. Để viết bài này tôi đã lướt qua những trang web đó. Dù đã biết như thế nhưng không khỏi kinh ngạc trước sự phát triển giáo án điện tử trong giáo dục nhanh chóng đến thế. Còn trong Giáo hội, bao đời Đức Giáo Hoàng hô hào, cổ võ nhưng cũng không khỏi kinh ngạc vì chưa có một giáo án điện tử giáo lý nào trên mạng cả.

Rất mong các giáo xứ đầu tư đúng tầm, đúng mức vào việc dạy giáo lý bằng phương tiện truyền thông để đáp ứng nhu cầu học giáo lý sinh động và phù hợp với con người ngày nay? Đó mới chỉ là thao thức. Thao thức đang nhiều hơn và lớn hơn những nỗ lực của chúng ta trong Hội Thánh. Ước gì có thêm nhiều thợ gặt lành nghề được sai đến trên cánh đồng đã đến ngày gặt hái này!

2. Nhỏ bé thôi…

Để chia sẻ tiếp, xin giới thiệu sơ lược về bản thân đã gắn bó với giáo án điện tử giáo lý hơn 20 năm như thế nào. Chịu chức linh mục giữa năm 2000. Thay vì đi nghỉ 3 tháng sau chịu chức, tôi mua máy vi tính để bàn và bắt đầu làm quen với nó. Nhờ đã học đánh máy chữ đúng phương pháp nên dễ dàng thân thiện ngay với vi tính. Được biết sẽ làm cha sở miền núi (Tiên phước, Quảng nam) nên ngoài việc làm quen với vi tính còn phải biết cách xử lý khi máy bị ‘treo’ nữa. Thời gian đâu ở Tiên phước đã phải hai lần rước kỹ thuật viên vi tính, thật bất tiện! Phải tự mình giải quyết thôi! Tôi đã chú ý tìm hiểu và học hỏi. Thế là lần ‘treo’ máy thứ ba tôi đã tự giải quyết được. Từ đó đến nay, tôi tự cài đặt vi tính cho mình và các cha bạn, không phải nhờ đến kỹ thuật viên vi tính nữa.

Khoảng cuối năm 2002 tôi đã bỏ ra một số tiền (không nhỏ đối với cha sở miền quê lúc bấy giờ) để các thứ cần thiết để dạy giáo lý cộng đồng trong Nhà thờ như projetor (1.600 USD) và laptop ‘second-hand’ (700 USD). Từ đó đến nay, bất cứ khi nào dạy giáo lý, dù chỉ một người, tôi cũng dùng giáo trình điện tử. Tôi đã gắn bó với giáo lý bằng phương tiện truyền thông như thế đó.

Hiện nay tôi không phải lo mục vụ giáo xứ mà chỉ chăm chú vào công việc chuyên môn của mình. Càng ngày càng thấy say mê hơn và xác quyết hơn về hiệu quả của việc dạy giáo lý theo phương pháp mới này. Say mê và xác quyết hơn nên mới thao thức và mạo muội chia sẻ bài này.

3. Cánh én…

Mười lăm năm gắn bó với việc dạy giáo lý bằng phương tiện truyền thông đã thực hiện được những gì? Công việc tuy không nhiều nhưng hiệu quả lớn. Không nhiều vì có tính tự phát, không kế hoạch, không có người cộng tác, khả năng hạn chế… dù vậy vẫn thấy để lại rất nhiều hiệu quả. Chẳng hạn các lớp giáo lý như dự tòng, hôn nhân, xưng tội rước lễ lần đầu, thêm sức, cộng đồng… các buổi tĩnh tâm, học hỏi, đố vui giáo lý cho các giới và hội đoàn thật sốt sắng, sinh động, hấp dẫn hơn. Các lớp bồi dưỡng, đào tạo giáo lý viên cấp giáo hạt, giáo xứ. Từ đơn giản nhất là chiếu những bộ phim Kinh Thánh và giáo dục đến các chuyên đề về ‘tệ nạn ma túy’, ‘tác hại của rượu’, ‘tác hại của game’, ‘chăm sóc con cái học tập với sổ nhật ký học tập’, ‘phương pháp học tập’, ‘kỹ năng sống’… thật bổ ích và có tác động lớn trên những người tham dự và cộng đồng.

Những công việc gần đây nhất:

- Hè 2016 đã cộng tác để Giáo xứ Hòa khánh khởi động dạy các lớp giáo lý bằng phương tiện truyền thông đầu tiên trong Giáo phận Đà nẵng.

- Ngày 26-3-2017 thuyết trình Tĩnh tâm cho Hội Đồng Mục vụ các Giáo xứ Giáo hạt Đà nẵng.

- Ngày 07-5-2017 Thi đố vui ô chữ cho Liên đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận Đà nẵng.

- Ngày 14-5-2017 Đố vui, học hỏi cho Giới trẻ Giáo hạt Đà nẵng tại Giáo xứ Tam tòa.

- Ngày 25-5-2017 thuyết tình Ngày Hội ngộ các Ban Truyền thông Giáo tỉnh Miền Trung về Sứ điệp Truyền thông lần thứ 51.

Hai mươi năm say mê với việc dạy Giáo lý bằng phương tiện truyền thông đã tích lũy được một kho tài liệu, một ít kinh nghiệm, một vài giáo án giáo lý… sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Xin chia sẻ về những nhận xét, lượng giá khi dùng ‘ngôn ngữ’ truyền thông để nói với truyền thông trong giờ thuyết trình với Ban Truyền thông Giáo tỉnh Huế ngày 25 tháng 5 năm 2017 vừa qua như sau:

Sứ điệp Truyền thông lần thứ 51 được chuyển thành một video clip khá sinh động với 3 phần mềm Total converter, Proshow và Movie maker quá đơn giản. Phần audio được trích từ Kênh Youtube Công Giáo (youtube.com/conggiaotonghop) và hình ảnh minh họa lấy trên internet cùng bản văn đầy đủ hiện trên màn hình. So với việc đọc bản văn Sứ điệp Truyền thông lần thứ 51 bản photo thì video clip này sinh động và hấp dẫn hơn gấp 3 lần.

Nếu Sứ điệp Truyền thông đó lại được trình chiếu từng câu, từng ý qua những diagram của Powerpoint với hình ảnh minh họa thì bản văn được hiểu rõ thêm gấp 3 lần nữa.

Nếu đọc bản văn Sứ điệp từ đầu đến cuối ta chỉ cần 10-15 phút nhưng không thể hiểu hết nội dung và càng không thấy được điểm hay, điểm sâu sắc trong đó được, giống như người ‘cởi ngựa xem hoa’. Hơn nữa, đọc một bản văn khô khan như thế chẳng ai muốn đọc, chẳng ai muốn suy nghĩ cho mệt trong khi có biết bao điều hấp dẫn chung quang. Nhưng nếu dùng ngôn ngữ ‘truyền thông’ như trên chắc chắc sẽ cuốn hút người tham dự hiểu rất sâu xa nhờ thấy được cái hay của bản văn đó. Nếu có phải suy nghĩ thì cũng thấy nhẹ nhàng hơn vì được phương tiện hỗ trợ rồi.

4. Con đường sáng…

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã phải chuẩn bị 30 năm cho 3 năm rao giảng công khai. Trong 3 năm đó có nhiều lần Chúa cầu nguyện thâu đêm suốt sáng. Cầu nguyện để khỏi đi trệch Thánh Ý Chúa Cha và để tìm cách giải nghĩa những mầu nhiệm cho con người. Nhờ đó, Chúa tìm ra những dụ ngôn, những kiểu nói, những diễn từ, những cách lập luận, những lời giảng dạy thật dễ hiểu để rao giảng những mầu nhiệm cho con người từ bình dân đến trí thức lúc bấy giờ.

Chương trình triết học và thần học các chủng viện và các học viện cũng tương tự 30 năm ẩn dật của Chúa. Nhờ triết học ta có thể học hiểu thần học và tiêu hóa những mầu nhiệm cao siêu để bú mớm cho những người bình dân.

Trong 3 năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn tìm nơi thinh lặng để cầu nguyện. Ngài dạy các môn đệ biết lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trong một môi trường xã hội như hiện nay, mọi cái như luôn chuyển động, luôn ồn ào khiến cho việc cầu nguyện vốn dĩ khó khăn trở nên khó khăn hơn, nhất là những ai không quen cầu nguyện, không thích thinh lặng. Thế nhưng Thiên Chúa ở nơi thinh lặng và Ngài chỉ thích những tâm hồn yêu mến sự thinh lặng. Và trong thinh lặng con người mới có thể gặp gỡ chuyện trò với Thiên Chúa được.

Tuy nhiên, nơi thinh lặng, nơi thanh vắng đó không phải là một nơi chốn xa xôi nào mà ở ngay trong cõi lòng ta, dù đang sống trong nơi phố chợ ồn ào. Và rao giảng ‘lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện’ là khi không đưa người khác vào nơi thinh lặng được thì phải tạo ra nơi thinh lặng trong lòng họ. Muốn vậy phải tạo nơi thinh lặng trong lòng ta trước mới có thể tạo nơi thinh lặng nơi lòng người khác được. Tạo nơi thinh lặng trong lòng người bằng cách dùng những ngôn ngữ của thời đại là phương tiện truyền thông đầy hình ảnh, những video clip hấp dẫn, dễ hiểu nhưng hết sức lắng đọng để rao giảng Tin Mừng.

Công việc Chúa Giêsu đã làm khi xưa, nay là mệnh lệnh cho Hội Thánh phải tiếp tục thi hành qua các phương tiện truyền thông. Nói đến Truyền thông người ta phân ra Truyền thông Mục vụ và Truyền thông Loan báo Tin Mừng. Truyền thông Mục vụ thông tin những sự kiện, những biến cố mang tính thời sự trong đời sống Hội Thánh và cố gắng đưa tinh thần Phúc âm vào để cân bằng và điều hướng dư luận trong môi trường thông tin bùng nổ mà ai cũng có thể và có quyền nói lên những ý nghĩ của mình chứ không còn dành riêng cho một giới nào. Còn Truyền thông loan báo Tin Mừng tập chú vào việc giáo dục đức tin bằng phương tiện truyền thông, tức là những giáo án giáo lý điện tử. Tìm cách dùng ngôn ngữ của thời đại để chuyển tải những chân lý đức tin cho phù hợp với con người thời đại, nhất là giới thanh thiếu niên.

Cả hai đều là cần thiết và quan trọng để loan báo Tin Mừng trong thời đại, nhưng thiết nghĩ việc cần thiết, ưu tiên cũng như có tính ‘chiến lược’ hơn phải là Truyền thông Loan báo Tin Mừng.

5. Thập giá thời @…

Lời ngôn Isaia xưa đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu nay cũng ứng nghiệm nơi các môn đệ của Ngài. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Thần Khí làm cho Lời nhập thể, Lời được rao giảng có uy quyền, Lời hy sinh mạng sống, Lời trở nên nguồn sống Vinh quang cho muôn người. Thần Khí giờ đây cũng làm cho người môn đệ có những sáng kiến biết sử dụng, chắt lọc, tạo ra từng hình ảnh, từng video clip sinh động hấp dẫn dễ hiểu để rao giảng Tin Mừng. Lời ngày xưa nhập thể qua những dụ ngôn, qua việc làm yêu thương đến chết. Lời ngày nay nhập thể vào những bài giáo lý điện tử sinh động cho mọi giới dễ dàng đón nhận chân lý, mầu nhiệm đến độ yêu như Chúa yêu là chết cho người mình yêu. Chính Thần Khí là cho những ‘con chữ’, những ‘hình ảnh’ được đưa lên màn ảnh để loan báo Tin Mừng có thần lực giống như những từ ngữ ‘ở lại’, ‘giương cao’… của thánh Gioan đã viết xuống trên giấy sau một đời suy gẫm, chiêm niệm.

Thường để có thể thuyết trình trong vòng một giờ phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Ngồi nhiều giờ trước màn hình vi tính để suy nghĩ đưa tìm cách Tin Mừng đến cho người xem mỏi mắt, đau lưng lắm nhưng lúc ấy chính là lúc Thần Khí làm cho Lời lại được nhập thể và cùng với Lời ta hy hiến mạng sống mình.

Viết đến đây tôi cám hai bài hát “Cây viết chì nhỏ” và “Một mình con với Chúa” do ca sĩ Như Ý trình bày trên Vietcatholic vì lời bài hát đó giống như những suy nghĩ của tôi viết trong bài này. Có lẽ tác giả hai bài hát, ca sĩ trình bày lẫn chương trình Vietcatholic đâu có biết trước rằng có một người đang ở đâu đó đã cảm nhận, đồng cảm và cám ơn mình. Tương tự như thế, những cố gắng nỗ lực nhỏ bé của ta, có thể một lúc nào đó đem lại những lợi ích, nhất là lợi ích thiêng liêng cho một ai đó mà ta không biết. Tất cả là việc làm của Chúa Thánh Thần. Ta tin tưởng và cầu xin cho công việc giáo dục đức tin bằng phương tiện truyền thông của Hội Thánh được nhiều người quan tâm đầu tư đúng tầm và đúng mức hầu đem lại những lợi ích cho các linh hồn.

Lm Stêphanô Trần Ngọc Nhơn