Thầy đã thực sự phục vụ cho đến chết
Đấng Đáng kính William Gagnon - Nhà Truyền giáo của Lòng Thương Xót trong chiến tranh Việt Nam
Vũ khí của thầy William gồm có một chiếc áo dòng, chuỗi tràng hạt và một bức tượng Đức Mẹ Fatima.


Vào ngày 28/2/1972, thầy William Gagnon đã ngã quỵ và qua đời. Anh em của thầy trong dòng Bệnh viện Thánh Gioan Thiên Chúa đã chôn cất thầy trong khu vườn của tu viện và bệnh viện gần Sài Gòn, và ngay lập tức, mọi người bắt đầu viếng mộ thầy - những tập sinh người Việt Nam mà thầy đã đào tạo để thành một cộng đoàn ổn định, những đứa trẻ bị cuốn vào giữa lằn đạn của một cuộc chiến tranh quyền lực sau thời kỳ thuộc địa, những người tị nạn mà thầy đã nuôi dưỡng đã hồi phục sau khi thời kỳ suy dinh dưỡng, và những người lính mà thầy đã chữa lành những vết thương. Trong cộng đoàn của Bệnh viện, những người đã biết thầy kể lại những giai thoại về lòng dũng cảm, sự phục vụ liên lỷ và tài lãnh đạo của thầy trong tình trạng hỗn loạn. Những công việc tốt lành của thầy William sẽ tồn tại lâu hơn cuộc đời của thầy, giống như thầy vốn biết như thế.
William Gagnon sinh năm 1905, là người con thứ ba trong số 12 người con của gia đình người Canada thuộc tầng lớp lao động gốc Pháp đã di cư đến Dover, New Hampshire. Cậu có một đức tin sâu sắc được thể hiện từ sớm. Lúc William 13 tuổi, khi gia đình trên đường từ nhà thờ về bằng xe ngựa, họ đã nhìn thấy khói ở phía xa. William ở lại với các em mình trong khi cha mẹ và các anh trai chạy đến để chiến đấu với ngọn lửa.
Cậu nói với mẹ, “Mẹ đừng lo. Con sẽ ở đây và cầu nguyện.”
Không một ai bị thương, và đám lửa đã để trơ lai một thửa đất nông nghiệp màu mỡ.
Vào tuổi thanh niên, William đã cùng cha và các anh trai mình làm việc tại nhà máy bông trong thị trấn và giúp đỡ gia đình. Nhưng anh cũng có một ước muốn khác: trở thành một nhà truyền giáo. Anh đã làm đơn xin vào dòng Marists, nhưng đã bị từ chối khi kiểm tra sức khỏe phát hiện ra anh bị bệnh thận. Vài năm sau, anh đọc một bài báo về dòng thánh Gioan Thiên Chúa, người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, ngài đã thành lập một cộng đồng tu huynh để chăm sóc bệnh nhân. Dòng này hấp dẫn anh, và họ có những điểm truyền giáo trên khắp thế giới. Sau một chuyến thăm cộng đoàn ở Montreal, anh đã trở thành một thỉnh sinh vào năm 1930.
Khi cha anh bị thương vài tháng sau đó, trách nhiêm đối với gia đình tạm thời buộc anh về nhà. Vì còn quá nhiều miệng trẻ để nuôi trong gia đình Gagnon, vì vậy anh đã bước tới để giúp đỡ trong thời gian điều trị của cha mình.
Khi cha anh bình phục, William trở về Montreal vào năm 1931 và hoàn thành giai đoạn nhà tập. Thầy đã dành 20 năm tiếp theo để làm việc trong các bệnh viện thuộc nhà dòng ở Canada, cũng như làm giám tỉnh ở Montreal. Thời gian của thầy ở Montreal đã kết thúc qua việc ép buộc từ chức giữa nhiệm kỳ mà không có lý do chính đáng. Thầy âm thầm nộp và ký vào lá thư từ chức đã được soạn sẵn và trao cho mình mà không hề thắc mắc. Thầy William chỉ yêu cầu được thuyên chuyển ra khỏi thành phố để tránh những tin đồn.
Trong nhiệm vụ mới, thầy tâm sự với một người anh em khác về sự sỉ nhục của mình và cho rằng thầy vượt qua nó bằng lời cầu nguyện và nguyện gẫm. Sau đó, thầy tình nguyện sang Việt Nam, thực hiện nguyện ước bấy lâu là trở thành một nhà truyền giáo. Với vốn di sản gốc Pháp của mình, thầy có thể quản trị hậu cần của việc bắt đầu một cộng đoàn mới ở xứ thuộc địa hoang tàn của Pháp.
Thầy William và những tu huynh người Canada đã đến Việt Nam vào năm 1952 giữa cuộc chiến Đông Dương. Lúc ấy người Pháp đang cố gắng duy trì một di tích quyền lực chống lại các lực lượng cộng sản từ phía bắc. Các thầy đã thành lập một bệnh viện trong điều kiện chiến tranh tàn phá mà họ sẽ làm việc trong hai thập kỷ sắp tới. Họ có thể nghe thấy lựu đạn rơi xuống mái nhà và lăn xuống cỏ, súng bắn và bom nổ, đôi khi ở xa, và có lúc rất gần nhà. Thầy William đã đặt một bức tượng Đức Mẹ Fatima bên ngoài ngôi nhà theo hướng trận chiến để được bảo vệ. Cùng với những lời cầu nguyện hằng ngày của mình với Mẹ Maria, điều đó mang lại kết quả. Khi một quả bom thổi tung mái nhà bệnh viện, nhưng không một ai bị thương.
Các thầy chăm sóc cho tất cả mọi người, thường dân và lính tráng, bất kể họ chiến đấu cho ai, nhưng không phải các thầy luôn luôn được đền ơn với lòng tốt. Sau khi một người đàn ông thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo nhờ các thầy chăm sóc, ông ta đưa bức ảnh của các thầy cho quân du kích. Không ai biết làm thế nào ông ấy có được bức ảnh, nhưng hành động của ông ấy có thể đe dọa nghiêm trọng đến các thầy, từ tù tội cho đến chết. Các thầy được biết có những linh mục khác vì đã thiếu cẩn thận và đã phải chết. Theo yêu cầu của giám mục, các thầy rời cơ sở truyền giáo trong vài ngày cho đến khi nguy hiểm qua đi. Nhưng sự cương quyết của thầy William không bao giờ nao núng.
"Tất cả chúng tôi, chúng tôi vẫn là những tu sỹ truyền giáo và chỉ làm việc cho người nghèo, bất kể những gì đang xảy ra xung quanh chúng tôi,” thầy William đã viết cho các bề trên của mình ở Canada.
Cuộc xung đột ở phía bắc đang tạo ra một dòng người tị nạn chảy về phía nam. Các thầy cũng di cư vào Nam. Cơ sở ở Biên-Hòa, gần Sài Gòn, sẽ trở thành tỉnh dòng Việt Nam của Dòng Bệnh Viện Thánh Gioan Thiên Chúa và là trung tâm của hoạt động của thầy William.
Thầy đảm đương nhiều nhiệm vụ - bề trên tỉnh dòng, y tá, ông đốc công, giám tập, người gây quỹ và nhân viên xã hội. Thầy William đã được giao nhiệm vụ giám tỉnh với lý do chính đáng. Thầy là một nhà tổ chức kiệt xuất và là vị lãnh đạo tinh thần. Thầy lãnh đạo với tính thực tế, đơn giản và khiêm tốn. Thầy đảm nhận những nhiệm vụ đơn giản và ít mong muốn nhất - nắm tay bệnh nhân, chuẩn bị các thi thể để chôn cất, ra chợ mua thức ăn, phục vụ cháo cho các bệnh nhân lao phổi. Thầy cũng hướng dẫn việc xây dựng bệnh viện mới, bao gồm cả hậu cần là mua sắm vật liệu và sắp xếp lao động. Thầy cũng tham gia vào công việc làm gạch với cát và nước.
Thầy cũng đã thu gom đồ phế thải của quân đội Mỹ. Những người lính cay đắng cười nhạo thầy và các anh em khi họ khuân đồ đạc văn phòng cũ cho bệnh viện. Thầy chỉ mỉm cười đáp lại. Thầy tin tưởng và hy vọng khi xây dựng trong khi biết rằng một quả bom có thể sớm phá hủy mọi thứ.
Sức mạnh và bình an của thầy William đến từ lời cầu nguyện của mình. Những chuỗi tràng hạt lướt qua các ngón tay dưới thân áo dòng của thầy trong những khoảnh khắc rảnh rỗi. Vào ban đêm, thầy quỳ xuống trước thánh giá trong phòng hẹp của mình để suy ngẫm về cái chết phi lý của Chúa Giêsu vẫn chưa kết thúc trong Phục sinh. Trong việc chăm sóc người bệnh và đau khổ, thầy đã kết hợp với Chúa Kitô để đền bù tội lỗi của thế giới. Thầy William đã được giao nhiêm vụ giám tỉnh chỉ vì một lý do. Thầy là một nhà tổ chức và lãnh đạo tinh thần xuất sắc, nhưng thầy tự coi mình là người nhỏ bé nhất trong anh em, hữu ích nhất trong các nhiệm vụ khiêm tốn và không bị cuốn vào sự phức tạp của chính trị và lý thuyết chiến tranh. Thầy đã ở đó để phục vụ Chúa Kitô trong những người bệnh. Sự lãnh đạo và quyết định của thầy trong suốt 20 năm nguy hiểm và chiến tranh đã được dẫn dắt bởi sự suy ngẫm của thầy về Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Có nơi nào khác mà thầy có thể tìm thấy bất cứ điều gì để cảm nhận sự đau khổ của những người vô tội đến bệnh viện mỗi ngày? Những cảnh tượng có thể làm tan nát con tim. Hàng ngàn người cố gắng chạy thoát khỏi sự khủng khiếp của chiến tranh đã tìm kiếm sự chăm sóc y tế, nghỉ ngơi và thực phẩm tại bệnh viện. Người tị nạn bị suy dinh dưỡng và kiệt sức sau những cuộc hành trình hành dài, có cả những vết thương chưa được chữa trị và thông thường là cùng với trẻ em.
Đôi khi chỉ có thể thực hiện được rất ít việc với một khả năng hạn chế họ có. Thầy William dọn bàn để hai anh em khác có thể làm thủ tục cấp cứu cho một phụ nữ có con nhỏ. Trong khi các y tá đưa người phụ nữ đến bàn, Thầy William bế đứa trẻ lên, trấn an là mẹ nó sẽ ổn, và trao đứa bé cho những người khác ở ngoài phòng. Rồi thầy quay lại giúp. Người phụ nữ xin chịu phép rửa tội và thầy William đổ nước. Đó là tất cả những gì thầy có thể làm. Người phụ nữ đã thở dồn dập tiếng nấc hấp hối. Lần này, thầy chỉ có thể mang đứa bé đến bên xác của mẹ nó. Thầy bước ra khỏi bệnh viện và kêu khóc với Chúa - cho người phụ nữ và đứa trẻ, và cho hòa bình.
Vào ban đêm, thầy đi bộ đến nhà nguyện dưới ánh sáng của đạn đại pháo và tiếng vọng của bom nổ từ xa – “buổi hòa nhạc,” như thầy vẫn gọi nó. Một lần nữa, thầy cầu nguyện cho hòa bình, cho người quá cố và sự an toàn của người tị nạn. Thầy cũng là một người hòa giải trong số các anh em trong dòng, một người trung gian khôn khéo được trang bị với sự cầu nguyện. Thầy muốn hòa bình trong cộng đoàn của mình và trong mỗi anh em của thầy. Nếu thầy nghe nói nghịch ý hay cãi lại, thầy cầu nguyện gấp đôi với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thầy cũng hòa đồng với những người xung quanh và biết cách thể hiện lòng trắc ẩn với từng người. Một ngày nọ, thầy nhận thấy một thầy trẻ tuổi suy sụp một cách đặc biệt. Thầy William nghi ngờ thầy ấy nhớ nhà, nhất là khi mối quan hệ của thầy ấy với cha mình vốn đã trở nên xa lạ. Thầy William khuyến khích thầy viết thư về nhà và tìm đến sự giàn xếp của chú mình, cũng là một trong những tu huynh bệnh viện ở Canada. Dần dần nhưng chắc chắn, và mặc dầu xa cách, hai cha con đã hòa giải với nhau.
Cuộc xung đột và chiến tranh chỉ xảy ra về phía nam trong những năm sáu mươi. Khi công việc của họ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, thầy cũng bắt đầu tin rằng mình có một trực giác thiên phú. Vào ngày 1 tháng Hai năm 1968, bảy ngàn người tị nạn đã tràn vào sân bệnh viện. Tết Nguyên đán sắp bắt đầu và nhiều tin đồn bắt đầu râm ran. Một số người cho biết sẽ có một lệnh ngừng bắn tạm thời để ăn mừng ngày Tết. Những người khác đã nghe nói rằng một cuộc tấn công tàn bạo đang sắp xảy ra. Thầy William không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng thầy biết rằng nếu không có nguồn lực để chăm sóc cho quá nhiều người, không chăm lo việc vệ sinh đúng cách được sẽ dẫn đến việc bệnh tật lây nhiễm, thầy William bảo tất cả phải giải tán.
Tối hôm sau, sân bệnh viện bị ném bom trong vụ bắn phá Sài Gòn. Những người đã từ chối ra đi đã chết. Nhiều tháng sau, khi tình hình chiến sự chẳng có gì khả quan hơn và vào ngày nóng bức khác thường, thầy William đã miễn cho cộng đoàn khỏi tụ tập trong phòng họp chung trong giờ giải trí thông thường. Nếu tất cả họ ở đó, họ sẽ trở thành nạn nhân của vụ đánh bom vào phòng sinh hoạt chung của cộng đoàn. Một đêm khác, sự bình yên trong tâm hồn của thầy William sẽ cứu thầy. Cuộc chiến xung quanh họ rất dữ dội và những viên đạn đã bắn trúng tu viện. Thầy William luôn khuyên cộng đoàn hãy cố gắng ngủ qua đêm và tin tưởng rằng thời gian của họ trên trái đất nằm trong tay Thiên Chúa. Tuy nhiên, đêm đó, với những viên đạn bắn vào tu viện, anh em không thể ngủ được, và họ đi đánh thức thầy giám tỉnh.
Chuyện gì vậy? Thầy William hỏi trong khi đang đứng ở ngưỡng cửa phòng mình.
Một trong những anh em khác nhảy chồm lên thầy William và đẩy thầy vào. Một viên đạn réo qua và phát nổ ngay khung cửa nơi thầy William vừa đứng. Thầy William chỗi dậy và cho mọi người trở về phòng để ngủ.
Ngay từ ban đầu, bệnh viện cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Các thầy cũng đã tổ chức tĩnh tâm với các linh mục và cũng đi theo họ vào các vùng rừng núi. Rời khỏi thành phố, họ đã đến hai trong số nhiều làng bản ở Việt Nam để phân phát thuốc men và ban các bí tích. Thầy William cũng vô cùng cảm kích khi đến thăm các trại phong cùi do các Nữ tu Bác ái Thánh Vincent de Paul điều hành.
Sau năm 1970, sức khỏe của thầy William bắt đầu suy giảm. Thầy đã dành những tháng cuối cùng của mình cho việc truyền giáo bằng cách thực hiện những nhiệm vụ đơn giản mà thầy có thế mạnh như trong việc phân phát thuốc và xin lỗi cộng đồng vì đã trở thành gánh nặng cho họ. Khi chết, thầy được đặt trên một chiếc giường trải lá trà và một tấm vải trắng, và những người mà thầy phục vụ đã khăng khăng cung cấp cho thầy một chiếc quan tài bằng gỗ tếch. Thầy được chôn cất gần nhà nguyện. Ngày nay, những bảng tạ ơn (ex-votos), ghi lời khai của những người khẳng định đã nhận được ơn lành thông qua sự can thiệp của thầy, được đặt trên ngôi mộ của thầy.
Như thầy đã từng nói, “Tất cả vinh dự của thế gian không gì khác hơn khói và lửa rơm. Tất cả những gì còn lại là những điều tốt đẹp nhỏ bé mà chúng ta đã làm, nếu chúng ta cố gắng tận dụng ân sủng mà Chúa nhân lành đã ban cho vào bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của chúng ta.”
Thầy William đã đào tạo những tập sinh người Việt để họ kết hợp với anh em Canada trên một nền tảng vững chắc để tiếp tục công việc của các Tu Huynh Bệnh viện trong tương lai. Cơ sở này tồn tại sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam khi rơi vào tay cộng sản và vẫn còn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.
Thầy không bao giờ tìm kiếm sự ghi công, nhưng cuộc đời tận hiến anh hùng của thầy dành cho bệnh nhân và người nghèo khổ đã đem đến cho thầy danh hiệu đáng kính vào năm 2015. Án phong thánh của thầy cần có một trường hợp được xác minh về việc chữa lành, hoàn toàn, tức thời và lâu dài khỏi một căn bệnh hiểm nghèo nhờ sự can thiệp duy nhất của thầy trước khi thầy có thể chuyển sang bước tiếp theo trong tiến trình phong thánh là được phong chân phước.

Đấng Đáng kính William Gagnon - Nhà Truyền giáo của Lòng Thương Xót trong chiến tranh Việt Nam
Vũ khí của thầy William gồm có một chiếc áo dòng, chuỗi tràng hạt và một bức tượng Đức Mẹ Fatima.
Nguyên tác: Michael O’Neill
Bản dịch: P. Nguyễn viết Tấn

Nguồn: https://www.ncregister.com/blog/michaeloneill/ven.-william-gagnon-missionary-of-mercy-in-the-vietnam-war