Năm nước thường trực của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã nhìn thấy dự thảo nghị quyết do người Mỹ đề nghị.

Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Richard Boucher cho biết dự thảo nghị quyết đã đề cập đến những quan ngại của các nước khác trong Hội đồng Bảo an. Nhưng ông nói nghị quyết vẫn nêu rõ những hậu quả mà Iraq phải gánh chịu nếu họ tìm cách ngăn trở các thanh tra vũ khi.

Ông Boucher nói nếu Iraq "không chịu giải giáp một cách hòa hoãn, họ sẽ bị giải giáp bằng vũ lực". Ông nói "Đã đến lúc kết thúc câu chuyện. Chúng tôi muốn thấy chuyện được kết thúc."

Cho đến nay Pháp vẫn không đồng ý với Hoa Kỳ nhưng chưa thấy Paris có phản ứng. Điều đó có nghĩa Washington nay cố tình đưa Pháp vào thế buộc phải có sự lựa chọn. Nghị quyết của Hoa Kỳ vì vậy có thể được thông qua trong vài ngày tới.

Nhận lời mời của một Trung tâm nghiên cứu nguyên tử ở Nga sang diễn thuyết, trưởng thanh tra Liên hiệp quốc, Hans Blix sẽ dành nhiều thì giờ ở Mascova (22/10/02) để gặp Ngoại trưởng Igor Ivanov thảo luận việc trở lại thanh tra vũ khí ở Iraq.

Mascova nói các thanh tra nên quay trở lại Iraq càng sớm càng tốt bởi vì Baghdad đã đồng ý trước áp lực nặng nề của quốc tế. Bộ ngoại giao Nga nói xét về mặt kỹ thuật và chuyên nghiệp thì đoàn thanh tra đã sẳn sàng có thể lên đường ngay, và Bộ Năng lượng nguyên tử Nga sẽ trợ giúp về hậu cần.

Nhưng ông Hans Blix sẽ nói với Mascova rằng ông có quyền chờ Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết mới. Hôm thứ Hai (21/10/02) thứ trưởng Ngoại giao Nga Yuri Fedotov nói với đặc sứ Hoa Kỳ John Bolton là Mascova muốn thấy những yêu cầu không thể chấp nhận của người Mỹ phải được bỏ ra khỏi nghị quyết mới.

Tin cho hay dự thảo nghị quyết do Washington đề nghị buộc trưởng thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc phải yêu cầu Hội đồng Bảo an có biện pháp mạnh tay hơn nếu như Baghdad cản trở công việc của đoàn thanh tra.

Mascova muốn biết ông Hans Blix có thể chịu đựng đến đâu nếu công việc của ông bị cản trở trước khi yêu cầu Hội đồng Bảo an can thiệp bởi vì cho đến nay Nga không muốn thấy người Mỹ đơn phương hành động. (BBC)