Bước vào Mùa Chay thánh, cả Giáo Hội khoác trên mình màu tím của tâm tình sám hối giao hòa. Đang khi đó, cả thế giới như bị bao phủ bởi một bầu trời u ám vì đại dịch Coronavirus vẫn còn bùng phát và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Nếu Mùa Chay được xem là mùa thao luyện tinh thần giúp cho người tín hữu củng cố sức mạnh trước một cuộc chiến không khoan nhượng chống lại ma quỷ và cám dỗ, thì “mùa chiến đấu” năm nay xem ra có phần khốc liệt hơn, gay go hơn vì ngoài các yếu tố tinh thần ra, còn đòi hỏi nhiều cả về yếu tố thể lý là do chúng ta phải đương đầu chiến đấu chống lại tác hại khôn lường của dịch cúm viêm phổi cấp. Để có thể chiến thắng trong trận chiến cam go này, chúng ta cần phải rèn luyện đời sống tâm linh nhờ ơn Chúa giúp, nhờ noi gương bắt chước những bậc thầy lão luyện và nhờ trang bị cho mình những khí giới hữa hiệu.
Trận Chiến Cam Go
Đã có nhiều người cho rằng đại dịch này chính là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống nhằm trừng phạt những nhà cầm quyền ngông cuồng, những thể chế chính trị tàn bạo, hay những hình thức kinh tế xã hội bất công, nhưng làm sao chúng ta có thể chấp nhận cách hiểu này khi thực tế cho thấy có rất nhiều người trong số hàng chục ngàn nạn nhân trực tiếp của cơn đại dịch lại là những con người vô tội đáng thương. Thay vào đó, chúng ta hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi dọi và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi sự việc trong vũ trụ này đều nằm trong dự liệu quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi biến cố xảy ra đều chứa đựng những thông điệp cần thiết mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại chúng ta.
Chúng ta có thể tìm thấy những trình thuật đầu tiên trong Kinh Thánh liên quan đến tai ương dịch bệnh nơi cuộc xuất hành của Dân Israen thời Môsê (x. Xuất Hành, chương 7-11). Nhưng trước khi những việc này xảy đến, trình thuật Thiên Chúa gọi và sai Môsê đi hé lộ cho chúng ta nhiều điều quan trọng liên quan đến ý định của Thiên Chúa:
Đức Chúa phán với ông Môsê:“Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần đối với Pharaô [...] Chính ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, và Aharon, anh ngươi, sẽ nói lại với Pharaô để vua ấy thả con cái Israen ra khỏi nước của vua. […] Ta sẽ tăng thêm nhiều dấu lạ điềm thiêng tại nước Aicập. Pharaô sẽ không nghe các ngươi đâu. Ta sẽ ra tay giáng phạt Aicập và sẽ dùng uy quyền mà đưa các binh ngũ của Ta, là dân Ta, con cái Israen, ra khỏi nước Aicập. Bấy giờ người Aicập sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, khi Ta giương cánh tay chống lại người Aicập và đưa con cái Israen ra khỏi nước chúng.” (Xh 7:1-5)
Đoạn Kinh Thánh trên nói riêng và bối cảnh xuất xứ sách Xuất Hành nói chung tiết lộ cho chúng ta 3 điểm căn bản chúng ta cần nhớ khi tìm hiểu về các tai ương dịch hạch do Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại. Trước hết, qua các tai ương dịch bệnh, Thiên Chúa muốn Phaoraô và các nhà lãnh đạo các dân nước biết ý định của Người. Thứ hai, những dấu chỉ này như bài học mở mắt cho lãnh đạo các dân nước biết rằng tất cả các bất công do con người gây ra đều phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ. Thứ ba, bất cứ dân tộc nào, thế lực nào, cá nhân nào chống lại Thiên Chúa thì đều sẽ nhận lấy thất bại vô cùng thảm hại. Nói chung, tuy tác giả sách Xuất Hành dùng từ “trừng phạt” nhưng các tai ương dịch bệnh lại mang ý nghĩa “sửa dạy, nhắc nhở” nhiều hơn là trừng trị, đánh phạt. Những biến cố này, theo nghĩa Thánh Kinh, chứa đựng thông điệp cảnh tỉnh nhắn nhủ con người biết sám hối nhìn nhận lỗi lầm thiếu xót và cải thiện bản thân khi còn chưa quá muộn màng. “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êdêkien 33:11).
Bậc thầy lão luyện
Tội lỗi nào, thiếu xót nào đã khiến cho thế giới ngày ngay phải nhuốm màu tang tóc bi ai như ngày hôm nay? Phải chăng vì sự xuất hiện của quá nhiều những Pharaô ngông cuồng chống lại Thượng Đế và cố chấp bưng tai bịt mắt trước vô vàn giáo huấn nhân từ của Người. Chúng ta hãy sớm hồi tâm để nhận ra rằng những Pharaô mới của thời đại hôm nay không chỉ là một vài lãnh tụ quốc gia này quốc gia khác mà là chính mỗi người chúng ta. Chúng ta phải tự vấn chính mình: Chúng ta có chống lại Thiên Chúa không? Chúng ta có tìm cách loại Người ra khỏi cuộc đời của mình và ngạo nghễ “xưng vương xưng bá” hay không? Để giáo hóa những Pharaô phản nghịch này, chúng ta nhất định phải cần đến nhiều những Giuse khiêm nhượng và vâng phục khác. Vì chưng “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa lại chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cor 1:28-29).
Khi nhìn vào cuộc đời và sứ mạng của Thánh Giuse, Giáo Hội nhìn thấy một mẫu gương tuyệt hảo của đức khiêm nhường và vâng phục. “Qua việc làm cha chăm sóc Chúa Giêsu, Thánh Giuse làng Nazareth, khi được đặt lên trông coi gia đình của Chúa, đã hoàn thành nhiệm vụ đã nhận được nhờ ân sủng. Do gắn bó chặt chẽ với các mầu nhiệm khởi đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, người trở nên mẫu gương về lòng khiêm nhường và nhân ái, những điều làm cho đức tin Kitô giáo có được những phẩm giá cao cả; và thể hiện những nhân đức nhân bản và đơn sơ, cần cho con người trở nên môn đệ tốt lành và đích thực của Chúa Kitô.”
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Nhìn vào nếp sống âm thầm, tính cách cần mẫn của Thánh Giuse, nhiều vị Giáo Hoàng đã không ngần ngại tuyên dương người như mẫu gương của những người lao động bình dị nhưng đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc thăng tiến các giá trị con người. Cụ thể, trong Tông Huấn Redemptoris Custos - Người Chăm Sóc Đấng Cứu Thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “lao động giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu Chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn… tình bạn với Đức Kitô trong cuộc sống của họ” (Redemptoris Custos, #23). Thánh Giáo Hoàng còn đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; […] Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực” (Redemptoris Custos, #24).
Phương thế hữu hiệu
Trước những ý kiến cho rằng nên dời ngày lễ kính trọng thể Thánh Giuse ra khỏi tháng 3 để tránh màu sắc u sầu của Mùa Chay và để nói lên vị thế cao trọng của người trong đời sống Giáo Hội, chúng ta như vừa tìm được câu trả lời. Càng nhìn kỹ vào cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta càng nhận thấy nhiều nét tương hơp giữa con người thánh nhân và mùa Chay sám hối.
Với tính cách âm thầm khiêm tốn Thánh Giuse đã xuất hiện giữa mùa Chay như mẫu mực của một đời sống chiêm niệm nội tâm sâu xa. Một người có thể đón nhận tất cả mọi nghịch cảnh với một thái độ điềm tĩnh phi thường như thế thì chỉ có thể là nhờ vào việc người đã suy gẫm luật Chúa đêm ngày. Quả thật, Thánh Phaolô đã mượn hình ảnh người chiến sĩ sắp xông pha trận mạc để diễn tả những thái độ cần thiết cho một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Thánh nhân nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của Lời Chúa vì Lời Chúa là sức mạnh vô địch của kẻ khiêm nhượng.
Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Êphêsô 6:10-17)
Đời sống thiêng liêng như một thao trường thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Các chiến sĩ nhất định phải tỉnh thức, thường xuyên rèn luyện và trang bị khí giới sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỷ và cám dỗ của ác thần. Ngoài việc củng cố sức mạnh tâm hồn, gia tăng lòng mến, gia cố niềm hy vọng, mỗi Kitô hữu còn phải trang bị cho mình những vũ khí lợi hại là đai thắt lưng chân lý, áo giáp công chính, đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng, khiên mộc đức tin, mũ ơn cứu độ và đặc biệt không thể thiếu thanh gươm Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4:12).
Sám hối và tin vào Tin Mừng
Màu tím chay tịnh và bầu trời u ám do dịch bệnh gây nên mời gọi chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và cậy nhờ vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta biết thành tâm học hỏi nhân đức khiêm tốn âm thầm của Thánh cả Giuse và thực tâm quay về với giáo huấn Tin Mừng Cứu Độ, khi đó chúng ta mới nhận ra rằng Mùa Chay Thánh chính là mùa “sống đời sống mới” (Rm 6,4) theo khuôn mẫu của Con Một Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết để chúng ta được sống. Chúng ta hãy khẩn khoản thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hoá nắm tro mà chúng con xức lên đầu để tỏ dấu [khiêm tốn] nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”
Trận Chiến Cam Go
Chúng ta có thể tìm thấy những trình thuật đầu tiên trong Kinh Thánh liên quan đến tai ương dịch bệnh nơi cuộc xuất hành của Dân Israen thời Môsê (x. Xuất Hành, chương 7-11). Nhưng trước khi những việc này xảy đến, trình thuật Thiên Chúa gọi và sai Môsê đi hé lộ cho chúng ta nhiều điều quan trọng liên quan đến ý định của Thiên Chúa:
Đức Chúa phán với ông Môsê:“Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần đối với Pharaô [...] Chính ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, và Aharon, anh ngươi, sẽ nói lại với Pharaô để vua ấy thả con cái Israen ra khỏi nước của vua. […] Ta sẽ tăng thêm nhiều dấu lạ điềm thiêng tại nước Aicập. Pharaô sẽ không nghe các ngươi đâu. Ta sẽ ra tay giáng phạt Aicập và sẽ dùng uy quyền mà đưa các binh ngũ của Ta, là dân Ta, con cái Israen, ra khỏi nước Aicập. Bấy giờ người Aicập sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, khi Ta giương cánh tay chống lại người Aicập và đưa con cái Israen ra khỏi nước chúng.” (Xh 7:1-5)
Đoạn Kinh Thánh trên nói riêng và bối cảnh xuất xứ sách Xuất Hành nói chung tiết lộ cho chúng ta 3 điểm căn bản chúng ta cần nhớ khi tìm hiểu về các tai ương dịch hạch do Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại. Trước hết, qua các tai ương dịch bệnh, Thiên Chúa muốn Phaoraô và các nhà lãnh đạo các dân nước biết ý định của Người. Thứ hai, những dấu chỉ này như bài học mở mắt cho lãnh đạo các dân nước biết rằng tất cả các bất công do con người gây ra đều phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ. Thứ ba, bất cứ dân tộc nào, thế lực nào, cá nhân nào chống lại Thiên Chúa thì đều sẽ nhận lấy thất bại vô cùng thảm hại. Nói chung, tuy tác giả sách Xuất Hành dùng từ “trừng phạt” nhưng các tai ương dịch bệnh lại mang ý nghĩa “sửa dạy, nhắc nhở” nhiều hơn là trừng trị, đánh phạt. Những biến cố này, theo nghĩa Thánh Kinh, chứa đựng thông điệp cảnh tỉnh nhắn nhủ con người biết sám hối nhìn nhận lỗi lầm thiếu xót và cải thiện bản thân khi còn chưa quá muộn màng. “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êdêkien 33:11).
Bậc thầy lão luyện
Tội lỗi nào, thiếu xót nào đã khiến cho thế giới ngày ngay phải nhuốm màu tang tóc bi ai như ngày hôm nay? Phải chăng vì sự xuất hiện của quá nhiều những Pharaô ngông cuồng chống lại Thượng Đế và cố chấp bưng tai bịt mắt trước vô vàn giáo huấn nhân từ của Người. Chúng ta hãy sớm hồi tâm để nhận ra rằng những Pharaô mới của thời đại hôm nay không chỉ là một vài lãnh tụ quốc gia này quốc gia khác mà là chính mỗi người chúng ta. Chúng ta phải tự vấn chính mình: Chúng ta có chống lại Thiên Chúa không? Chúng ta có tìm cách loại Người ra khỏi cuộc đời của mình và ngạo nghễ “xưng vương xưng bá” hay không? Để giáo hóa những Pharaô phản nghịch này, chúng ta nhất định phải cần đến nhiều những Giuse khiêm nhượng và vâng phục khác. Vì chưng “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa lại chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cor 1:28-29).
Khi nhìn vào cuộc đời và sứ mạng của Thánh Giuse, Giáo Hội nhìn thấy một mẫu gương tuyệt hảo của đức khiêm nhường và vâng phục. “Qua việc làm cha chăm sóc Chúa Giêsu, Thánh Giuse làng Nazareth, khi được đặt lên trông coi gia đình của Chúa, đã hoàn thành nhiệm vụ đã nhận được nhờ ân sủng. Do gắn bó chặt chẽ với các mầu nhiệm khởi đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, người trở nên mẫu gương về lòng khiêm nhường và nhân ái, những điều làm cho đức tin Kitô giáo có được những phẩm giá cao cả; và thể hiện những nhân đức nhân bản và đơn sơ, cần cho con người trở nên môn đệ tốt lành và đích thực của Chúa Kitô.”
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Nhìn vào nếp sống âm thầm, tính cách cần mẫn của Thánh Giuse, nhiều vị Giáo Hoàng đã không ngần ngại tuyên dương người như mẫu gương của những người lao động bình dị nhưng đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc thăng tiến các giá trị con người. Cụ thể, trong Tông Huấn Redemptoris Custos - Người Chăm Sóc Đấng Cứu Thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “lao động giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu Chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn… tình bạn với Đức Kitô trong cuộc sống của họ” (Redemptoris Custos, #23). Thánh Giáo Hoàng còn đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; […] Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực” (Redemptoris Custos, #24).
Phương thế hữu hiệu
Trước những ý kiến cho rằng nên dời ngày lễ kính trọng thể Thánh Giuse ra khỏi tháng 3 để tránh màu sắc u sầu của Mùa Chay và để nói lên vị thế cao trọng của người trong đời sống Giáo Hội, chúng ta như vừa tìm được câu trả lời. Càng nhìn kỹ vào cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta càng nhận thấy nhiều nét tương hơp giữa con người thánh nhân và mùa Chay sám hối.
Với tính cách âm thầm khiêm tốn Thánh Giuse đã xuất hiện giữa mùa Chay như mẫu mực của một đời sống chiêm niệm nội tâm sâu xa. Một người có thể đón nhận tất cả mọi nghịch cảnh với một thái độ điềm tĩnh phi thường như thế thì chỉ có thể là nhờ vào việc người đã suy gẫm luật Chúa đêm ngày. Quả thật, Thánh Phaolô đã mượn hình ảnh người chiến sĩ sắp xông pha trận mạc để diễn tả những thái độ cần thiết cho một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Thánh nhân nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của Lời Chúa vì Lời Chúa là sức mạnh vô địch của kẻ khiêm nhượng.
Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Êphêsô 6:10-17)
Đời sống thiêng liêng như một thao trường thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Các chiến sĩ nhất định phải tỉnh thức, thường xuyên rèn luyện và trang bị khí giới sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỷ và cám dỗ của ác thần. Ngoài việc củng cố sức mạnh tâm hồn, gia tăng lòng mến, gia cố niềm hy vọng, mỗi Kitô hữu còn phải trang bị cho mình những vũ khí lợi hại là đai thắt lưng chân lý, áo giáp công chính, đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng, khiên mộc đức tin, mũ ơn cứu độ và đặc biệt không thể thiếu thanh gươm Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4:12).
Sám hối và tin vào Tin Mừng
Màu tím chay tịnh và bầu trời u ám do dịch bệnh gây nên mời gọi chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và cậy nhờ vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta biết thành tâm học hỏi nhân đức khiêm tốn âm thầm của Thánh cả Giuse và thực tâm quay về với giáo huấn Tin Mừng Cứu Độ, khi đó chúng ta mới nhận ra rằng Mùa Chay Thánh chính là mùa “sống đời sống mới” (Rm 6,4) theo khuôn mẫu của Con Một Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết để chúng ta được sống. Chúng ta hãy khẩn khoản thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hoá nắm tro mà chúng con xức lên đầu để tỏ dấu [khiêm tốn] nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”