“Không một loài thọ tạo nào tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39).
Với những lời xác quyết trên, trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, phụng vụ Lời Chúa ngày cuối cùng của tháng Mười khéo léo dẫn đưa chúng ta đến với tâm tình thánh thiện của tháng Mười Một, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Cầu nguyện cho các Tín hữu đã ly trần không chỉ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh mà con là một hành động của đức tin vững vàng, là dấu chỉ của niềm trông cậy xác đáng và là biểu hiện của lòng mến thiết tha nơi các Kitô Hữu.
Ngay từ ban đầu, nếp sống của các Kitô Hữu sơ khai đã nói lên thế nào là tính hiệp thông nơi Hội Thánh Chúa. “Họ đã chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42). Các Kitô hữu tiên khởi không chỉ hiệp thông với nhau khi còn sống mà cả trong cái chết của họ. Bằng chứng cụ thể còn được lưu dấu nơi các hang toại đạo cổ (Catacombs) và cả nơi các nghĩa trang nơi chôn cất các Kitô Hữu xưa kia. Sống gần nhau, chết cùng nhau, và cuối cùng họ còn mong được chôn cất cạnh nhau. Các Kitô Hữu đầu tiên đã diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh cách sống động thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng cần sống mối thông hiệp thánh thiêng đó cách tròn đầy nơi đức tin, niềm hy vọng và lòng mến của chúng ta. Phải chăng đó là tâm tình chính yếu của Tháng Các Đẳng Linh Hồn?
Đức Tin
Mỗi lần chúng ta sốt sáng dâng lễ và cầu nguyện cho người thân đã ly trần là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Roma 8:38-39).
Chúng ta tuyên xưng cùng một niềm tin như các Thánh Tông Đồ đã truyền lại. Tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô thì cũng như đã chịu mai táng cùng với Người. Những ai đã cùng chết với Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại như Người (x. Roma 6:3-4). Vì tin như thế nên chúng ta mới không ngừng hoán cải và hy sinh cầu nguyện nhằm trợ giúp các linh hồn đang này đêm thanh tẩy nơi luyện tội để chờ ngày “được hợp nhất với Đức Kitô” trong sự sống lại vinh hiển của Người (x. Roma 6: 9).
Đức Cậy
Trong tháng 11 nói riêng và suốt cả năm Phụng vụ nói chung, chúng ta cử hành Thánh Lễ và viếng đất thánh là để cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài là vì chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính Nixêa) Hơn nữa là vì trong tâm trí của chúng ta vẫn vang vọng niềm hy vọng mà Ngôn sứ Isaiah đã loan báo: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, vứt bỏ tấm màn trùm lên muôn dân nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Ngày đó, Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Isaia 25:6-8).
Thật vậy, mỗi khi chúng ta hợp tiếng kêu cầu Chúa, chúng ta muốn nhắc lại lời khẳng định của tác giả Thánh Vịnh 24 rằng: “Chẳng ai trông cậy nơi Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ bao giờ” (Tv 24:3). Chúa đã hứa và Người luôn giữ lời: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14:1-3).
Niềm hy vọng của chúng ta không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hão huyền nhưng trái lại đó là niềm hy vọng xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và được củng cố bằng niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Niềm hy vọng ấy mời gọi chúng ta hướng đến tha nhân và thúc đầy chúng ta hành động vì người khác.
Đức Mến
Việc cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ rất lâu, thậm chí còn được Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận. Trường hợp điển hình là khi ông Giuđa Macabê “quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, ông gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội” cho các chiến sĩ trận vong. “Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12:43-44). Vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức nên hành động của ông quả thực rất cao đẹp và thánh thiện.
Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Á Đông
Niềm tin vào sự sống đời sau và tập tục cầu nguyện cho người quá cố không chỉ là đòi hỏi của đức tin và là biểu hiện của lòng trông cậy, đó còn là một truyền thống tốt đẹp phù hợp với tinh thần hiếu nghĩa của người Á Đông. Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tiên. Chính vì vậy mà cha ông chúng ta hằng nhắc nhở các thế hệ trẻ rằng: “Con ơi hãy nhớ lấy lời, Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.”
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Là người Việt Nam, chúng ta trân trọng chữ hiếu trong đạo làm người. Là một Kitô Hữu, chúng ta càng phải trân trọng công đức của những người thay mặt Chúa thông truyền sự sống và truyền thụ Đức tin cho chúng ta. Do đó tháng 11 với việc cầu nguyện và tưởng nhớ đặc biệt những người đã khuất là dịp thích hợp để chúng ta nhắc lại mầu nhiệm hiệp thông trong lòng Giáo Hội và để chia sẻ đức tin với anh chị em lương dân. Qua việc chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin vào tình yêu bất diệt của Cha trên trời vừa bày tỏ niềm hy vọng vững chắc lời hứa ban sự sống viên mãn của Đấng Phục Sinh. Qua đó chúng ta còn có dịp thực thi lòng mến của chúng ta đối với nhau và đối với các bậc tiền nhân.
Lạy Chúa, xin cho các tín hữu đã ly trần được an nghỉ ngàn thu, và cho ánh hào quang vĩnh cửu chiếu soi họ muôn muôn đời.
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Với những lời xác quyết trên, trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, phụng vụ Lời Chúa ngày cuối cùng của tháng Mười khéo léo dẫn đưa chúng ta đến với tâm tình thánh thiện của tháng Mười Một, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Cầu nguyện cho các Tín hữu đã ly trần không chỉ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh mà con là một hành động của đức tin vững vàng, là dấu chỉ của niềm trông cậy xác đáng và là biểu hiện của lòng mến thiết tha nơi các Kitô Hữu.
Ngay từ ban đầu, nếp sống của các Kitô Hữu sơ khai đã nói lên thế nào là tính hiệp thông nơi Hội Thánh Chúa. “Họ đã chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42). Các Kitô hữu tiên khởi không chỉ hiệp thông với nhau khi còn sống mà cả trong cái chết của họ. Bằng chứng cụ thể còn được lưu dấu nơi các hang toại đạo cổ (Catacombs) và cả nơi các nghĩa trang nơi chôn cất các Kitô Hữu xưa kia. Sống gần nhau, chết cùng nhau, và cuối cùng họ còn mong được chôn cất cạnh nhau. Các Kitô Hữu đầu tiên đã diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh cách sống động thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng cần sống mối thông hiệp thánh thiêng đó cách tròn đầy nơi đức tin, niềm hy vọng và lòng mến của chúng ta. Phải chăng đó là tâm tình chính yếu của Tháng Các Đẳng Linh Hồn?
Đức Tin
Mỗi lần chúng ta sốt sáng dâng lễ và cầu nguyện cho người thân đã ly trần là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Roma 8:38-39).
Chúng ta tuyên xưng cùng một niềm tin như các Thánh Tông Đồ đã truyền lại. Tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô thì cũng như đã chịu mai táng cùng với Người. Những ai đã cùng chết với Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại như Người (x. Roma 6:3-4). Vì tin như thế nên chúng ta mới không ngừng hoán cải và hy sinh cầu nguyện nhằm trợ giúp các linh hồn đang này đêm thanh tẩy nơi luyện tội để chờ ngày “được hợp nhất với Đức Kitô” trong sự sống lại vinh hiển của Người (x. Roma 6: 9).
Đức Cậy
Trong tháng 11 nói riêng và suốt cả năm Phụng vụ nói chung, chúng ta cử hành Thánh Lễ và viếng đất thánh là để cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài là vì chúng ta tin “xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính Nixêa) Hơn nữa là vì trong tâm trí của chúng ta vẫn vang vọng niềm hy vọng mà Ngôn sứ Isaiah đã loan báo: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, vứt bỏ tấm màn trùm lên muôn dân nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Ngày đó, Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Isaia 25:6-8).
Thật vậy, mỗi khi chúng ta hợp tiếng kêu cầu Chúa, chúng ta muốn nhắc lại lời khẳng định của tác giả Thánh Vịnh 24 rằng: “Chẳng ai trông cậy nơi Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ bao giờ” (Tv 24:3). Chúa đã hứa và Người luôn giữ lời: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14:1-3).
Niềm hy vọng của chúng ta không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hão huyền nhưng trái lại đó là niềm hy vọng xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và được củng cố bằng niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Niềm hy vọng ấy mời gọi chúng ta hướng đến tha nhân và thúc đầy chúng ta hành động vì người khác.
Đức Mến
Việc cầu nguyện cho các linh hồn đã có từ rất lâu, thậm chí còn được Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận. Trường hợp điển hình là khi ông Giuđa Macabê “quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, ông gửi về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội” cho các chiến sĩ trận vong. “Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn” (2Mcb 12:43-44). Vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức nên hành động của ông quả thực rất cao đẹp và thánh thiện.
Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Á Đông
Niềm tin vào sự sống đời sau và tập tục cầu nguyện cho người quá cố không chỉ là đòi hỏi của đức tin và là biểu hiện của lòng trông cậy, đó còn là một truyền thống tốt đẹp phù hợp với tinh thần hiếu nghĩa của người Á Đông. Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tiên. Chính vì vậy mà cha ông chúng ta hằng nhắc nhở các thế hệ trẻ rằng: “Con ơi hãy nhớ lấy lời, Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.”
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Là người Việt Nam, chúng ta trân trọng chữ hiếu trong đạo làm người. Là một Kitô Hữu, chúng ta càng phải trân trọng công đức của những người thay mặt Chúa thông truyền sự sống và truyền thụ Đức tin cho chúng ta. Do đó tháng 11 với việc cầu nguyện và tưởng nhớ đặc biệt những người đã khuất là dịp thích hợp để chúng ta nhắc lại mầu nhiệm hiệp thông trong lòng Giáo Hội và để chia sẻ đức tin với anh chị em lương dân. Qua việc chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin vào tình yêu bất diệt của Cha trên trời vừa bày tỏ niềm hy vọng vững chắc lời hứa ban sự sống viên mãn của Đấng Phục Sinh. Qua đó chúng ta còn có dịp thực thi lòng mến của chúng ta đối với nhau và đối với các bậc tiền nhân.
Lạy Chúa, xin cho các tín hữu đã ly trần được an nghỉ ngàn thu, và cho ánh hào quang vĩnh cửu chiếu soi họ muôn muôn đời.
LM. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.