NHỮNG CUỘC “TỬ ĐẠO NHO NHỎ”

Lễ Thánh Stêphanô Cuétnot Thể, Giám Mục Tử Đạo giáo phận Qui Nhơn 2018

Ngày 14.11 hàng năm đã trở thành “cuộc hẹn” truyền thống của cộng đoàn dân Chúa giáo phận Qui Nhơn và “điểm hẹn truyền thống” là “đền thánh Vĩnh Thạnh”, bên dòng sông Gò Bồi, dòng sông trở thành nơi táng xác Thánh Giám Mục Stêphanô cách đây 157 năm (1861-2018).

Riêng năm nay, điểm hẹn dừng lại ở quê hương Gò Thị, cũng là nơi đất thánh, là nơi đặt ngai toà Giám Mục của Thánh Stêphanô suốt 21 năm giữa thời bách hại (1840-1861), nơi quê hương của Vị Thánh Tử đạo Anrê Kim Thông, cánh tay phải đắc lực của Đức Cha Stêphanô, và của 2 trong số 16 vị tử đạo của giáo phận (Cha Phaolô Châu, cha Giuse Thủ) mà cách đây 100 năm được chính thức công nhận là Tôi Tớ Chúa (ngày 12/11/1918), và sau đó 1 ngày đã được ĐGH Bênêđictô XV châu phê hồ sơ phong Á Thánh (ngày 13.11.1918).

Và lý do sau cùng cũng rất đặc biệt : Hôm nay toàn giáo phận hành hương về địa điểm hành hương trong Năm Thánh Tử Đạo của GHVN (nhà thờ Gò Thị), mừng 30 năm 117 Chân phước Tử đạo tại VN được tuyên phong hiển thánh (1988-2018).

Như vậy, có thể nói được rằng : “Tử Đạo” chính là một “Leimotiv”, một “nhạc đề chủ” của “Bài Ca Hy Tế Tạ Ơn” mà cộng đoàn chúng ta họp nhau cử hành tại đây hôm nay.

Trước hết, chúng ta dễ dàng tìm thấy “ý nghĩa tử đạo nầy” xuất hiện ngay trong bài đọc 1 với những lời cầu nguyện của ngôn sứ Giêrêmia : “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng…”.

Mới nghe qua những lời trên, tự nhiên, chúng ta thấy gợn lên một nỗi trăn trở, một nỗi xót xa, chạnh lòng của nhà ngôn sứ bị bách hại.

Mà cũng đúng thôi ! Trong những ngày tù ngục đắng cay ở khám đường Bình Định, trước những bản án khắc nghiệt dành cho những người rao giảng Đạo Chúa…làm sao Thánh Giám Mục Stêphanô, linh mục Phaolô Châu hay Giuse Thủ lại không chạnh lòng trước những lầm lạc và cứng tin, hận thù và ghen ghét của cả một thế lực kết án các ngài ?. Cho dù các ngài đón nhận chén đắng tử đạo không một chút oán hờn, cay cú, thù hận…; nhưng khi nghĩ đến viễn cảnh một đàn chiên không người chăn dắt, một đoàn người bao la còn ở trong bóng tối tử thần, xa cách Nước Thiên Chúa, thù nghịch với Thập Giá Đức Kitô…, làm sao các ngài không đau đớn, chạnh lòng…như nỗi chạnh lòng của Đức Kitô thuở nào : “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn cùng Thầy” (Mc 14,18); hay “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn nầy. Tôi cũng phải đưa chúng về…” (Ga 10,16)”.

Trải qua những những nỗi trăn trở, xót xa … để rồi thanh thản đón nhận vì tình yêu…đã là một cuộc tử đạo trong tâm hồn rồi; và ý nghĩa tử đạo nầy chưa bao giờ lỗi thời; đúng hơn, rất cần cho những ai đang dấn thân trong công cuộc làm chứng và loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, một xã hội đầy dẫy những đố kỵ, nghi ngờ, ghen ghét, lãnh đạm và vô ơn đối với Giáo Hội, với Tin Mừng. Riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong chương IV của tông huấn gọi mời nên thánh “Gaudete et Exsultate”, thì cho rằng “những sự hạ mình hằng ngày…những âm thầm chịu đựng để cứu vãn gia đình…chọn những việc thấp hèn…sẵn lòng chịu sự bất công để dâng hy sinh lên Chúa…” đều là tử đạo và là những “đặc tính của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay” . Phải chăng đó chính là những cuộc “tử đạo nho nhỏ”.

Thánh Giám Mục Stêphanô của chúng ta chắc chắn đã sống huyền nhiệm “tử đạo nho nhỏ” nầy trong một cái Toà Giám Mục là một căn nhà tranh nho nhỏ, giữa bao nhiêu lo âu, vất vả, trốn tránh…, cùng với những trăn trở mục vụ chăm sóc cho cả một đàn chiên Đông Đàng Trong bao la của thời bách hại. Để hoàn thành lễ dâng vào giây phút lìa đời trong ngục thất Bình Định đêm 14.11.1861, Thánh Giám Mục Stêphanô đã đi qua con đường tử đạo suốt bao nhiêu năm trường, kể từ năm 1825, khi bước chân vào miền truyền giáo Đàng Trong.

Nhưng, có một điều các vị tử đạo ngày xưa và cả dân Chúa đều có chung một niềm xác tín : Cùng đích của Tử Đạo không là thất bại, tiêu tan, đổ vỡ…nhưng là con đường dẫn lối vào vinh quang, vào kết quả viên mãn, vào thành tựu tuyệt vời của ơn cứu độ. Chân lý nầy được Thánh Phaolô quả quyết nơi thư thứ 2 gởi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe nơi Bđ 2 :

“Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời…”; và nhất là được chính Chúa Giêsu ngụ ý trước khi đi vào cuộc khổ nạn qua hình ảnh của “hạt lúa mì” trong Tin Mừng Thánh Gioan : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì sẽ trơ trọi một mình; còn nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt...”.

“Hạt lúa sinh nhiều bông hạt” nơi ngụ ngôn của Chúa Giêsu hay “một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” nơi ngôn ngữ của Thánh Phaolô hoàn toàn không liên quan gì đến cái “thành công, vinh quang, toả sáng…” theo quan niệm của người đời, của phàm tục, như phát biểu của một người mẫu nào đó : “Trong giới showbitz, muốn đứng lên thì phải nằm xuống”. Vì quả thật, trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người, để đạt được mục tiêu là sự giàu có, quyền lực, danh phận…đã không ngần ngại hy sinh, nhưng là hy sinh danh dự, hy sinh đạo đức, hy sinh liêm chính, hy sinh tình bạn hữu, hy sinh đức trinh khiết, hy sinh nghĩa vợ chồng, hy sinh niềm tin và sự thật chân chính…

Là những “bông hạt” phát sinh từ những “hạt lúa mì tử đạo” mà hôm nay chúng ta kính nhớ, chúng ta được gọi mời bước theo các Vị Tiền Nhân Tử Đạo, mưu tìm hạnh phúc đích thực, mưu tìm vinh quang và chiến thắng rạng ngời của tình yêu trên hận thù, của tự do trên nô lệ, của sự thật trên dối trá, của sự sống trên sự chết, của thiên đàng trên hoả ngục.

Đây chính là cuộc tử đạo mà chính Đức Kitô đã dẫn đầu cùng với cây thập giá và cái chết tủi nhục trên đồi Canvê “như chiếc lều dưới đất bị phá huỷ”, để Vượt Qua bến bờ của nô lệ và sự chết hầu mở cánh cửa Phục Sinh, “tiến vào một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”.

Trong Thánh lễ nầy, chúng ta hãy cầu xin Chúa nhờ các Vị Thánh Tử Đạo giáo phận cầu thay nguyện giúp, để, như Thánh Phaolô dạy, “Con người bên trong của chúng ta ngày càng đổi mới”, khi biết đón nhận những cuộc “tử đạo nho nhỏ” hằng ngày trong cuộc sống. Trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn chúng ta hôm nay chắc chắn không thiếu những cơ hội, những hoàn cảnh, những môi trường… để chúng ta hy sinh, để chúng ta thực hành sống huyền nhiệm “tử đạo”, những “cuộc tử đạo nhỏ nhỏ” luôn có sẵn trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình, trong giáo xứ mình.

- Vâng, cuộc tử đạo nho nhỏ đó là khi biết sẵn sàng dừng lại, cúi xuống, sẻ chia thời giờ, tiền bạc để giúp đỡ cho một “người bất hạnh nào đó” đang vất vưởng bên đường (như người Samari nhân hậu !).

- Cuộc tử đạo nho nhỏ đó là biết đứng dậy, dứt khoát quay lưng lại với sự hấp dẫn của sự giàu có bất lương, của những quyền lợi bất chính, của những sĩ diện a dua theo thời..như Lêvi bỏ bàn thu thuế để theo Thầy, như Gakêu làm lại cuộc đời theo hướng mới.

- Cuộc tử đạo nho nhỏ đó là như cô Maria sẵn sàng đập bể cái bình dầu cam tùng hảo hạng của tuổi xuân, sắc đẹp, bằng cấp, tình cảm hôn nhân gia đình, mộng ước hào nhoáng…để hiến dâng cho Chúa trong đời tu trì như một tặng phẩm đẹp nhất của tình yêu.

- Cuộc tử đạo nho nhỏ đó là vợ chồng luôn sẵn sàng kề vai vác đỡ thánh giá của nhọc nhằn, vất vả, bệnh hoạn, túng cực cho nhau, cho con cái…, như anh Simon vác thánh giá cho Chúa trên đường khổ nạn, như Mẹ Maria lẽo đẽo theo con lên đồi Sọ.

- Cuộc tử đạo nho nhỏ đó là các bạn trẻ Công Giáo cho dù ở môi trường nào, học đường hay xí nghiệp, di dân nơi đô thị hay ẩn khuất nơi quê nghèo…luôn giữ những ngọn đèn cháy sáng là Lời Chúa, Thánh lễ, kinh nguyện, toà giải tội…cách trung thành như những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rễ.

- Cuộc tử đạo nho nhỏ đó là những người cha trong giáo xứ hay những người cha trong gia đình, những chức việc trong hội đồng…luôn chu toàn trách nhiệm “coi sóc gia đình của Chúa” cách khiêm hạ, cần mẫn như Thánh Cả Giuse một đời thinh lặng phục vụ quên mình…

Và giờ đây, cuộc tử đạo vô cùng ý nghĩa, đó là tất cả chúng ta, cùng hiệp thông với Thánh Giám Mục Stêphanô, các Vị Tôi Tớ Chúa, sốt sắng hiệp dâng Hy Tế Thập Giá của Đức Kitô trên bàn thờ, để dòng máu tử đạo của Ngài nuôi dưỡng và biến đổi mọi người chúng ta trở nên những con người mới, những người con thuộc “dòng dõi của các Thánh nhân”, “dòng dõi của những người kiếm tìm Thiên Chúa”. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền